| Hotline: 0983.970.780

Trăm dâu đổ đầu… trưởng thôn

Thứ Năm 16/06/2011 , 11:17 (GMT+7)

Chức trưởng thôn có thể bị dân phế truất bất cứ lúc nào, ấy vậy mà nhiều vị trưởng thôn tại vị cả chục năm: "Cũng chẳng sung sướng gì đâu, dân bầu thì phải làm thôi".

Trưởng thôn là chức danh do dân bầu, không thuộc bộ máy hành chính nhà nước. Đây là chức cán bộ thuộc loại "lèng phèng" nhất, người dân có thể phế truất bất cứ lúc nào. Ấy vậy, mà nhiều vị trưởng thôn tại vị cả chục năm: "Cũng chẳng sung sướng gì đâu, dân bầu thì phải làm thôi".

>> Chống gậy đội nón mê đứng giữa trưa hè
>> Trưởng thôn - Anh là ai?

Việc gì cũng tới tay

Xã Nghĩa An trước đây thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái), nơi cư trú chủ yếu của hai dân tộc Thái đen và Thái trắng, tháng 1/2004 xã Nghĩa An sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ, được "lên thị xã", nhưng Nghĩa An vẫn còn thôn bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Cả xã chỉ có 8 thôn bản, mỗi thôn có một vị trưởng thôn do dân bầu, người cao tuổi nhất là ông Vì Văn Thanh sinh năm 1952, người ít tuổi là anh Lường Văn Phóng sinh năm 1983.

Bí thư Đảng xã Nghĩa An Lường Láng nguyên là trưởng bản Đêu, ông bảo: Trước đây chỉ có một bản Đêu do tôi làm trưởng bản, bây giờ lên tới mấy trăm hộ, một người làm không xuể, phải tách ra thành bốn thôn: Đêu I, Đêu II, Đêu III và Đêu IV cho dễ quản lý…Nói rồi ông mau mắn dẫn tôi tới nhà Hoàng Văn Sươi, trưởng thôn Đêu I. Toàn thôn có 74 hộ là dân tộc Thái đen, lúc này Sươi đang cùng hai người sửa chữa chiếc máy tuốt lúa, mồ hôi thấm đẫm lưng áo, anh chùi tay vào chân quần dẫn tôi lên nhà. Nhà anh là ngôi nhà sàn khá to, vách lịa ván, ngôi nhà dựng đã lâu nên mọi thứ đều đã nhuốm màu thời gian đen bóng.  

Trưởng thôn Hoàng Văn Sươi đang sửa chữa máy tuốt lúa

Năm 1996, Sươi được dân bầu làm phó thôn: Ngày ấy trưởng thôn thì được mấy chục đồng phụ cấp, phó thôn thì không có gì - Sươi cười bảo tôi - Nhưng suốt ngày em phải chạy khắp thôn khi thì giục nhà này gieo mạ, khi bảo nhà kia cấy cho kịp làm vụ đông, rồi vịt nhà bà này vào ruộng nhà ông kia…toàn những việc không tên. Cái gì cũng gọi trưởng thôn, bác trưởng thôn chán quá, đến bữa ăn người ta cũng chẳng để yên, họ kéo nhau đứng ở dưới sàn kia, cãi nhau om xòm. Giải quyết đúng thì được lòng người này nhưng lại mất lòng người kia, anh em ruột thịt cũng trách móc…bác ấy bảo: Mày còn trẻ, sang năm giúp tao làm trưởng thôn, để tao được ngủ cho yên…Năm 1997 em được bầu làm trưởng thôn, từ đó đến nay em vẫn chỉ làm trưởng thôn thôi...

Có tiếng xe máy ở dưới đường, tiếng người nói lao xao Sươi ngó đầu qua cửa sổ nói vọng xuống: Mọi người cứ về đi, tôi sẽ đến ngay bây giờ… Nói rồi anh quay về phía tôi: Có tý đất bờ ruộng mà hai nhà này chẳng chịu nhường nhau, mấy lần mời trưởng thôn đến giải quyết vẫn không xong, lần này không ai chịu thì gọi xã xuống thôi, mệt quá…

Sươi cho hay: Phụ cấp cho trưởng thôn trước đây là 40.000đ, sau nâng lên 80.000đ, rồi 120.000đ, năm 2011 là 830.000đ/tháng, mỗi quí lĩnh một lần. Có người bảo trưởng thôn bây giờ có lương rồi, nên không ngại gọi giải quyết những chuyện đêm khuya nữa. Nhưng lương trưởng thôn cũng chỉ đủ mua xăng xe máy và nạp tiền điện thoại thôi…

Nghe Sươi kể công việc của trưởng thôn toàn những việc không tên, ví như: Trâu bò phá lúa gọi trưởng thôn, hai vợ chồng uống rượu say cãi nhau gọi trưởng thôn, nước không chảy vào ruộng gọi trưởng thôn, tiêm vacxin cúm gia cầm gọi trưởng thôn…Tất tật mọi việc to nhỏ đều đến tay trưởng thôn, từ chuyện ma chay, cưới xin trưởng thôn đều phải có mặt từ đầu đến cuối.

Phong tục của người Thái đen khi chết phải thiêu xác, khi được báo trong thôn có người chết, lập tức Sươi phải đến gia đình đó ngay để cùng gia đình tang chủ lo chuyện may chay, phân công việc làm. Đàn ông thì đi báo tin cho anh em họ hàng ở xa về, lo củi lửa, đào mộ đắp đất…đàn bà cắt vải làm cờ treo lên cây cột phướn, dựng nhà ma, lo các đồ cúng lễ cho người chết…Ai vào việc nấy, lo nhất là củi, trước đây có rừng thì chả nói làm gì, rừng bây giờ chẳng còn nữa mọi nhà góp nhau mỗi người vài thanh củi.

Một vị lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái ví von: Trưởng thôn là cánh tay nối dài của Uỷ ban nhân dân xã. Khổ nỗi, cán bộ xã bây giờ nhiều vị cũng quan liêu lắm, họ "hành chính hoá" công việc của mình rồi, nếu có việc gì thì rút máy điện thoại alô cho trưởng thôn. Thành ra, việc gì cũng do những cánh tay "nghều ngào" là các ông trưởng thôn làm, nhiều việc trưởng thôn say rượu quên không triển khai tới người dân, hỏi thì họ trả lời: Ai muốn làm trưởng thôn mình nhường cho…

Trung bình mỗi đám tang kể cả chuyện đun nấu đến củi thiêu xác tốn dăm sáu khối. Giàn củi thiêu xác đàn ông cao 7 tầng, đàn bà cao 9 tầng, phải xếp sao cho củi khi cháy hết thì xác thiêu chỉ còn xương. Anh em họ hàng đứng ra nhặt xương bỏ vào cái hũ đem chôn, nhiều đám trưởng thôn cũng phải xắn tay vào nhặt, bởi người già thì mắt kém, còn đám thanh niên nhiều đứa sợ không dám tới gần. Sươi cười: Bà con thấy mình không ngại việc gì nên cứ bầu mình làm trưởng thôn thôi, mười mấy năm rồi đấy, cũng mệt lắm bác ạ…

Tửu lượng phải khá

Lò Văn Chang năm nay 32 tuổi, trưởng bản Nà Lại (Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu), anh được bầu làm trưởng bản thay Lò Văn Ơn được 4-5 năm nay. Tôi gặp anh đang đưa đội Vệ sinh phòng dịch đến từng nhà phun thuốc, tẩm màn hóa chất chống muỗi, anh bảo: Lát nữa chú đến nhà cháu nhé, anh Sam cũng đến đấy… 

Trưởng bản Nà Lại Lò Văn Chang xem danh sách hộ được phun thuốc diệt muỗi

Trưa tôi lên nhà Chang, mấy người trong đội phòng dịch đang lập danh sách số màn được tẩm hóa chất, số hộ được phun thuốc còn Chang đang xào nấu món gì trong bếp, lúc này Sam cũng vừa đến. Sau khi thôi chức trưởng bản Sam được cử làm tổ trưởng tổ Đảng bản Nà Lại, bản chỉ có 3 đảng viên. Bởi thế, khi nhà có khách hay có việc gì của bản Chang đều mời Sam đến dự, có điều gì vướng mắc Sam sẽ có ý kiến giúp Chang luôn.

Bản Nà Lại có gần trăm hộ là dân tộc Khơ Mú, đây là bản nghèo nhất xã Phúc Khoa. Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hiển lắc đầu ngán ngẩm: Nà Lại nghèo không chỉ do thiếu vốn, thiếu kiến thức, một phần họ nghèo cũng bởi họ uống rượu quá nhiều, rượu uống quanh năm, ngày nào cũng uống, say bí tỷ. Nhiều nhà hết tiền mua rượu thì cắm lúa non, từ cân thịt, con gà đến vỉ thuốc đều cắm quán, không ít nhà bán ruộng, nương để trả nợ. Đói nghèo là thế, có nhà không còn hạt gạo nào, chưa mua được gạo nhưng rượu thì cố mà mua. Rượu đã thấm vào máu họ rồi, khó bỏ lắm…

Lúc này vợ Chang đã xách về một can rượu chừng 5 lít, tôi hỏi: Rượu sắn hay rượu gạo đấy? Vợ Chang cười không đáp, Chang đang bày mâm lắc lắc can rượu: Không có rượu gạo thì phải mua rượu sắn, hôm nay có cán bộ y tế đến nhà thì phải mua rượu gạo…Nói rồi Chang quay sang nói với Sam bằng tiếng Khơ Mú, Sam mỉm cười: Cứ uống đi, hết lại ra quán, không có rượu gạo thì uống rượu sắn, toàn khách quen mà.

Lại nói chuyện rượu ở đây, ông Hoàng Văn Mặc mất năm 2004 cũng do uống rượu. Nghe mọi người kể: Ông đi uống rượu về tự lên nhà được, sáng ra thì thấy ông đã chết rồi, ông chết do cảm chứ không phải do ma làm…Trước đó ông Lò Văn Đanh sau khi uống rượu về ngã từ trên sàn xuống đất chết. Chuyện uống rượu của người Khơ Mú dài lắm, kể một ngày không hết.

Rượu không thể thiếu trong đời sống của họ, ngày Tết uống rượu đã đành, họ đun rượu và làm rượu cần để uống, trong năm có vô số ngày: Rằm tháng giêng, rằm tháng bảy (xíp xí), ngày cúng ma bản, ngày cúng xuống đồng, ngày cúng cơm mới, rồi lễ buộc chỉ tay đặt tên con, lễ lên nhà mới… những ngày này đều phải uống rượu. Người được mời thì mang đến một chai rượu, gọi là để góp với chủ nhà uống cho vui. Bữa rượu thường kéo dài 4-5 tiếng đồng hồ nhưng không ít bữa rượu kéo dài hết ngày đến đêm, có người uống say quá không đứng dậy được vạch sàn “tè” ngay cạnh mâm.

Sống trong môi trường như thế khách đến nhà mà không có rượu tiếp thì chủ nhà cảm thấy áy náy lắm. Tôi vốn không uống được rượu, nhưng đã ngồi vào mâm thì khó mà từ chối được. Chang bảo: Khổ quá, cháu cũng có uống được rượu đâu, đau đầu lắm, nhưng bà con mời không thể từ chối được. Mình không đến uống rượu nhà người ta, khi nhà mình có công việc gì ai đến nhà mình? Cháu làm trưởng bản hàng ngày tiếp xúc với họ, việc gì cũng đến tay, nếu không uống với họ thì nói họ chả thèm nghe đâu.

"Họ bảo thế này: Ông trưởng bản không uống rượu là khinh mình, ông ấy chê mình nghèo không có rượu ngon tiếp ông ấy…Thế đấy chú ạ, làm trưởng bản mà không uống rượu thì dở lắm, thành ra muốn làm được trưởng bản tốt thì phải uống được rượu…", Chang nói.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những đoàn xe thiện nguyện đuôi nhau chở nước về vùng hạn mặn

Mỗi ngày các địa phương ven biển ĐBSCL, tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre… tiếp nhận hàng chục, hàng trăm chuyến xe và nhiều sà lan mang theo những giọt nước nghĩa tình.

Bình luận mới nhất