| Hotline: 0983.970.780

'Trạm là nhà, rừng là quê hương'

Thứ Bảy 28/11/2020 , 08:35 (GMT+7)

Giữa cái nắng gắt của tiết trời miền Đông Nam Bộ, tôi cùng 1 đồng chí kiểm lâm đi tiếp tế nước sinh hoạt cho các trạm, chốt Kiểm lâm mùa khô hạn...

Lực lượng kiểm lâm trong một chuyến tuần rừng.

Lực lượng kiểm lâm trong một chuyến tuần rừng.

Đồng chí thuộc tổ Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Tháng 4, tháng cao điểm của những đợt nắng cháy da cháy thịt, hầu hết các giếng nước và bồn chứa tại các trạm Kiểm lâm gần như cạn kiệt nguồn nước. Các sông suối, hồ chứa nước mùa này cũng cạn khô đáy, nứt nẻ….. nước chẳng còn 1 giọt!

Hôm nay chúng tôi đi theo tuyến đường tuần tra biên giới tỉnh Bình Phước, đây cũng là con đường vành đai bao quanh khu rừng đặc dụng rộng gần 26.000 ha của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Con đường bằng bê tông dài gần 60 km, dọc đường là các trạm Kiểm lâm số 1, số 5, trạm Ngã ba biên giới, trạm 8 và cuối cùng là trạm Kiểm lâm số 9.

Trước khi đi, tôi có tham khảo ý kiến của anh Phó hạt trưởng xem tình hình khu vực và cuộc sống của các anh tại các trạm Kiểm lâm như thế nào? N

ghe anh nói trạm Kiểm lâm số 9 là khó khăn nhất hiện nay, do trạm đóng ở nơi thung lũng nên không khí rất nóng, khu vực này rất khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như nạn khai thác gỗ trái phép và săn bắn động vật rừng.

Điều đặc biệt là “điều động ai lên trạm này cũng đều sợ, mà sợ nhất là để mất lâm sản sẽ bị… kỷ luật” anh vừa nói vừa cười. Câu nói nửa đùa nửa thật ấy càng thôi thúc tôi quyết tâm phải đi lên đến nơi cho bằng được.

Gần 2 giờ đồng hồ ngồi trên xe phòng cháy chữa cháy rừng (xe tiếp tế mang nước sinh hoạt đến trạm 9) với đủ dạng địa hình, từ lên đỉnh đồi  rồi xuống dốc hay những khúc cua gấp khúc nếu không cẩn thận là dễ “bay” xuống vực là có thật.

Tôi được thỏa thích ngắm nhìn và chiêm ngưỡng qua những sinh cảnh rừng từ kiểu rừng kín thường xanh nửa rụng lá đến kiểu rừng kín thường xanh, kiểu rừng ven suối… với những rừng cây gỗ Bằng lăng, Gõ đỏ cao vút, nhiều người ôm không xuể, tôi được hít thở căng tràn lồng ngực bầu không khí trong lành và tươi mát của rừng Bù Gia Mập. Cảm giác thật sảng khoái, lâng lâng khó tả!

Cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nơi! Trạm Kiểm lâm số 9 hiện lên trước mắt tôi, căn nhà sàn bằng gỗ đơn sơ nằm lọt thỏm giữa rừng mang dáng vẻ cũ kĩ của thời gian. Giản dị, bình yên là điều đầu tiên tôi cảm nhận được.

Nhưng không phải như vậy, Trạm không yên bình như tôi thấy! Đây là khu vực giàu tài nguyên nhất Vườn Quốc gia Bù Gia Mập về cả hệ thực vật và động vật. Trạm chịu trách nhiệm quản lý các tiểu khu 1, 2 và 3 với rất nhiều loài cây gỗ quý hiếm nhóm IIA như Cẩm lai, Gõ đỏ… và động vật thuộc thú Linh trưởng như Vượn đen má vàng và Chà vá chân đen. Vì thế mà đây được xem như là “mỏ vàng” của những kẻ lâm tặc đang ngày đêm lăm le muốn vào rừng.

Thông qua đồng chí Hà Minh Thắng – Trạm trưởng, tôi được biết trạm có tổng cộng 7 kiểm lâm viên, đây là trạm Kiểm lâm được tăng cường số lượng Kiểm lâm nhiều nhất vì gần đây xảy ra nhiều vụ khai thác trái phép gỗ quý hiếm nhóm IIA tại khu vực này.

Ngoài 1 trạm chính còn có 4 chốt tạm đóng chân rải rác dọc suối Đăk Huýt (dòng suối ngăn cách giữa biên giới 2 nước Việt Nam và Campuchia). Mùa mưa các đối tượng lâm tặc thường lợi dụng con nước lên của dòng Đăk Huýt để vận chuyển gỗ lậu về dưới xuôi.

Cảnh đẹp như tranh vẽ ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Kiều Đình Tháp.

Cảnh đẹp như tranh vẽ ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: Kiều Đình Tháp.

Trước đây các chốt này đều chưa có, do tình hình căng thẳng, nhiều vụ vượt biên giới lén lút vào rừng khai thác trái phép gỗ Cẩm lai và Gõ đỏ nên các chốt tạm dần được hình thành.

Thiếu điện, thiếu nước

Từ chỗ dừng xe tại trạm kiểm lâm số 9, chúng tôi mất gần 1 giờ đi bộ theo lối đường mòn xuyên rừng mới tới 1 chốt tạm. Mang tiếng các anh ở trong các trạm Kiểm lâm nhưng thực chất các Kiểm lâm viên tại trạm Kiểm lâm số 9 ăn ở và sinh hoạt tại các chốt tạm là chính. Chốt tạm không có điện, không có nước sạch để dùng, chủ yếu lấy nước suối để ăn uống, tắm rửa….  Vì vậy mà nguy cơ sốt rét cho anh em luôn luôn ở mức cao nhất so với các trạm kiểm lâm khác.

Giữa lúc Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Các anh em Kiểm lâm tại trạm Kiểm lâm số 9 thực hiện rất nghiêm túc, không nghỉ phép năm, không nghỉ phép tháng về nhà thăm vợ con mà nghỉ tại chỗ tại Trạm hoặc Chốt.

Ngoài ra Trạm 9 còn cắt cử các anh em Kiểm lâm cùng phối hợp với các chiến sĩ bộ đội đồn biên phòng 779 lập chốt Barie, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào cửa rừng, chung tay cùng Đảng, nhà nước và Chính phủ đẩy lùi đại dịch Covid 19 lần này.

Tôi nhận thấy rằng, dù có đại dịch corona hay không thì ở một nơi khó khăn, thiếu thốn đủ thứ như vậy, bên cạnh chỉ có đồng đội, lâu lâu có vài “vị khách không mời” mà đến thì xem như toàn bộ anh em kiểm lâm ở đây đã sống cách ly và biệt lập hoàn toàn với xã hội.

Liều và lì

“Vị khách không mời” mà đến chính là những đối tượng lâm tặc đang ngày đêm rình rập, thừa lúc sơ hở có cơ hội là chúng vượt biên giới vào rừng để khai thác tài nguyên rừng trái phép.

Chúng ngày càng tinh vi và manh động hơn trước đây rất nhiều. Chúng thường lợi dụng vào lúc đêm tối khuya khoắt, gió lớn hoặc trời mưa to để thực hiện trộm lâm sản và săn bắn động vật rừng.

Có 1 lần Trạm nhận được tin báo là đêm nay bọn lâm tặc sẽ vào khai thác tại tiểu khu 1, nơi có rất nhiều cây Gõ đỏ, Cẩm lai cổ thụ mang lại giá trị rất lớn đến cả vài tỷ đồng.

Ngay từ chiều hôm đó, anh Hà Minh Thắng – Trạm trưởng trạm Kiểm lâm số 9 huy động toàn bộ anh em tập trung phục kích đối tượng, giăng mẻ lưới tóm gọn lũ xẻ thịt rừng.

Tất cả anh em nín thở, nằm mật phục quanh khu vực những gốc cây gỗ quý để bảo vệ cây trước những lưỡi cưa nhọn hoắt của bọn lâm tặc.

Đợi 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ mà vẫn chưa thấy chúng đâu, tất cả anh em cùng đợi thêm 30 phút nữa. Lúc bấy giờ từ đằng xa nghe tiếng xột xoạt và đèn pin leo lắt, anh Thắng ra hiệu lệnh bảo anh em giữ im lặng và chuẩn bị lại vũ khí để hành động.

Tuy nhiên nhóm lâm tặc không hành động ngay mà chúng rất cẩn thận kiểm tra xung quanh một lần nữa, bởi vì chúng nắm rất rõ lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đi tuần tra bất cứ lúc nào.

Để rừng mãi xanh, lực lượng kiểm lâm phải 'đấu trí, đấu dũng' với lâm tặc thường xuyên.

Để rừng mãi xanh, lực lượng kiểm lâm phải "đấu trí, đấu dũng" với lâm tặc thường xuyên.

Quả nhiên không ngoài dự đoán của chúng, khi rọi đèn chúng vô tình phát hiện ra một vật phản xạ lại ánh sáng đèn pin của chúng, đó là chiếc đèn của một chiến sĩ kiểm lâm đội trên đầu đang ẩn nấp phía sau một gốc cây chờ hiệu lệnh của tổ trưởng tổ công tác.

Khi phát hiện lực lượng bảo vệ rừng chúng nhanh chóng phát tín hiệu cho đồng bọn tẩu thoát vào bóng đêm. Biết đã bị lộ đồng chí tổ trưởng phát hiệu lệnh cho tổ công tác vây bắt, tuy nhiên chỉ bắt được 2 đối tượng còn lại cả nhóm đã nhanh chân tẩu thoát sang bên kia biên giới.

Sau đó tổ công tác dẫn giải 2 đối tượng về Hạt kiểm lâm xử lý theo quy định của pháp luật, Ban lãnh đạo Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã động viên khen thưởng đột xuất cho các cá nhân tập thể Trạm kiểm lâm số 9.

Một đồng chí lãnh đạo Hạt kiểm lâm còn tếu táo với tôi rằng “việc nắm thông tin từ cơ sở để sàng lọc phục vụ trong công tác Bảo vệ rừng rất quan trọng, mang lại hiệu quả cao. Nếu không các đồng chí lại một lần nữa phải luyện viết chữ đẹp rồi. (Ý muốn nói là nếu Trạm để mất lâm sản tại khu vực quản lý thì các anh em lại bị viết tường trình, kiểm điểm và kỷ luật tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc-PV).

Các anh bảo rằng mật phục rất nguy hiểm tính mạng vì thường thực hiện vào ban đêm, tất cả đèn pin đều tắt ngấm, đặc biệt khi phát hiện và tiếp cận các đối tượng lâm tặc vào ban đêm thường phải hết sức nhẹ nhàng, vừa đi vừa mò mõm để khoảng cách giữa mình và đối tượng lâm tặc sao cho gần nhất. Khi ấy mới ra tay, bật đèn để bắt quả tang được đối tượng trộm cắp lâm sản.

Anh Thắng kể lại: “có 1 lần truy bắt lâm tặc vào ban đêm mà chúng nó bỏ chạy, các anh em kiểm lâm cũng cố gắng truy đuổi theo đối tượng, song do trượt chân gần rớt xuống vực sâu, may mắn lúc đó nắm được cái rễ cây để bò lên trên, không thì suýt mất mạng rồi”.

Tôi thấy công việc và trọng trách của các anh hết sức nặng nề. Chỉ có những người có lòng dũng cảm và gan dạ mới có thể làm được điều đó, dám hy sinh cả thân mình để bảo vệ cho bằng được màu xanh của đại ngàn Bù Gia Mập, bảo vệ mái nhà chung của các loài động vật. Tôi thật khâm phục và ngưỡng mộ các anh! Và theo cách nói dân giã, hai từ “liều và lì” tôi thấy là những đức tính cần có của một người kiểm lâm viên.

Kỷ luật… bước đều là có thật

Mặc dù các anh luôn cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, thậm chí nhiều khi không dám nghỉ cả phép để về thăm gia đình, vợ con, quyết bảo vệ cho bằng được màu xanh của đại ngàn vì sợ rằng nếu lơ là, buông lỏng 1 chút thôi thì dễ mất rừng như chơi, song vẫn bị lâm tặc lén lút vào cưa trộm cây gỗ quý. Đó thật sự là một điều đáng tiếc và đáng buồn nhất đối với những anh em kiểm lâm giữ rừng.

Tùy theo mức độ hiệt hại về tài nguyên rừng thì sẽ phải chịu hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hay buộc thôi việc mà cơ quan đưa ra. Bởi vậy bảo rằng “điều kiểm lâm nào lên đóng chân tại trạm kiểm lâm số 9 cũng đều sợ bị kỷ luật” là thật chứ không phải đùa.

Tôi trầm ngâm, suy nghĩ một hồi rồi thử hỏi mấy anh em “các anh đã cố gắng hết sức mà vẫn bị kỷ luật vì để mất gỗ, vậy động lực nào vẫn thôi thúc các anh ở đây để bám rừng, bám chốt ạ”. Các anh bảo với tôi rằng, biết là nguy hiểm cận kề đấy nhưng để rừng chảy máu, động vật không còn nhà để ở thì còn đau xót hơn rất nhiều!

Một ngày vào trò chuyện với các anh trạm kiểm lâm số 9, tôi nhận thấy rằng các anh em kiểm lâm ở đây còn rất khó khăn, thiếu thốn. Chỉ có tình yêu rừng mới giúp các anh bám trụ lâu dài giữa núi rừng sâu thẳm này.  

Để rừng được bảo vệ tốt, tài nguyên rừng ngày càng phát triển tự nhiên, phong phú đa dạng hơn thì rất cần đến những chính sách hỗ trợ, quan tâm của Đảng và nhà nước đến đời sống của những anh em Kiểm lâm.

Tôi leo lên chiếc xe phòng chống cháy rừng ra về giữa lúc quá trưa, tia nắng mặt trời le lói xuyên thủng qua những tầng lá cây rừng. Đâu đó nghe những âm thanh của rừng như tiếng chim hót líu lo, tiếng ve sầu gọi bạn tình hay tiếng của những đàn Chà vá chân đen đang bình thản kiếm ăn trên cây… mùi hương của những loài hoa dại cũng rủ nhau từ đâu đến…

Lòng thầm cảm ơn các chiến sĩ kiểm lâm đã luôn xem “Trạm là nhà, rừng là quê hương”, ngày đêm bám chốt bám rừng để rừng Bù Gia Mập luôn được xanh ngát!

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh, cạnh tranh khốc liệt

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia mang đến thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất