| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 18/10/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 18/10/2018

Trạm thu phí chỉ biết... thu phí

Chỉ mới hứng chịu mấy đợt mưa đầu mùa, nhưng nhiều tuyến quốc lộ đã hư hỏng nặng nề.

Đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT – Nguyễn Văn Thể phải có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định để bàn biện pháp khắc phục đoạn quốc lộ 1 qua địa phương này đang xuống cấp nghiêm trọng dù chỉ mới nghiệm thu để đưa vào sử dụng không lâu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc với tỉnh Bình Định (Ảnh: Xuân Huy/atgt.vn)

Quyết tâm của người đứng đầu ngành giao thông, được thể hiện qua phát biểu rất hùng hồn: “Không có lý do gì mà chậm trễ khắc phục, trong khi đường đang bị hư hỏng. Tôi đề nghị Cục Quản lý Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tiến độ, chất lượng của các dự án quốc lộ 1. Tất cả các đoạn đường thuộc dự án BOT phải đảm bảo chất lượng tốt như hồ sơ thiết kế được duyệt. Dứt khoát không để xảy ra tình trạng đường hư hỏng mà cho thu phí. Không riêng gì Bình Định, tất cả các dự án BOT hiện nay thu tiền phải đảm bảo chất lượng tốt. Nếu không sẽ kiến nghị Bộ GTVT để xử lý hành chính, kể cả không loại trừ khả năng dự án kéo dài thì cấm không cho thu phí. Chừng nào sửa chữa hoàn chỉnh thì chúng ta mới cho thu phí”.

Hình thức BOT được ưu tiên nhằm huy động nguồn lực của nhiều giới, nhiều ngành chung tay xây dựng hạ tầng giao thông, tạo cơ hội phát triển kinh tế xã hội. Thế nhưng, vai trò huyết mạch của những tuyến đường quốc lộ được làm theo hình thức BOT dường như chưa được quan tâm đúng mức. Trạm thu phí được lập ra khắp nơi, chỉ có mỗi chức năng thu phí mà thôi, còn chất lượng đường xá ra sao thì…người nộp phí chẳng biết hỏi ai.

Có ba yếu tố cần lưu ý. Thứ nhất, mỗi km quốc lộ được phê duyệt với giá rất cao, nhưng những đòi hỏi kỹ thuật có đáp ứng tương xứng không? Thứ hai, nhà đầu tư có sự ràng buộc cụ thể như thế nào suốt quá trình bảo quản và tu bổ tuyến đường BOT? Thứ ba, nhà đầu tư sau khi hoàn công đã bán quyền thu phí cho đối tác khác, thì trách nhiệm thuộc về ai? Chính ba yếu tố ấy không được cân nhắc một cách thường xuyên, nên đường xá hư hỏng mà trạm thu phí vẫn đạt mục đích thu phí rất đều đặn, rất hồn nhiên.

Mỗi tuyến đường BOT được bảo hành bao lâu? Nếu hư hỏng trước thời hạn, liệu có biện pháp chế tài chăng? Không chỉ có tuyến quốc lộ 1, mà hầu hết các tuyến quốc lộ khác cũng rơi vào tình trạng đường cứ hư, phí cứ thu. Đơn cử, tuyến quốc lộ 13 qua địa bàn Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh dày đặc trạm thu phí nhưng cũng dày đặc ổ gà, ổ voi. Hoặc tuyến quốc lộ 14 qua hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đưa vào sử dụng chưa được 2 năm đã liên tục chắp vá như mang áo rách.

Một khi đã dùng hình thức BOT thì các tuyến quốc lộ phải bảo đảm chất lượng đường xá nhất định. Các phương tiện giao thông ngoài phí bảo trì đường bộ hàng năm, vẫn phải nộp thêm phí qua trạm, không phải để có hành trình như rùa bò vì… đề phòng bao nhiêu hiểm hoạ do bong tróc và sạt lở trên những tuyến quốc lộ!