| Hotline: 0983.970.780

“Trạm trung chuyển” kiến thức nông nghiệp

Thứ Hai 04/11/2013 , 10:22 (GMT+7)

Anh Lượm được gọi một cách trìu mến là “Trạm trung chuyển kiến thức nông nghiệp” cho bà con ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Điểm đến tiếp theo trong hành trình về thăm vựa lúa Mê Kông của chúng tôi là Hậu Giang, một tỉnh ở trung tâm châu thổ sông Mê Kông, cách TPHCM khoảng hơn 200 km về phía tây nam.

Kiến thức cho mình, cho bà con

Bước vào gian nhà bên trái của anh Đào Văn Lượm, ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chúng tôi cứ ngỡ mình đang ở trong một phòng họp khi thấy trên tường là một tấm bản đồ huyện cùng vài chiếc bảng lớn với các con số thống kê được điền gọn gàng trong các ô kẻ vẽ ngay hàng thẳng lối.

Vài chiếc bàn làm việc được nối lại với nhau tạo thành một bàn dài với hai hàng ghế ngay ngắn hai bên, đích thị không phải là nơi tiếp khách của một hộ nông dân bình thường.

Hỏi ra mới biết, anh cho ấp mượn gian nhà này để làm nhà thông tin, nơi thảo luận, họp hành và tiếp dân, cũng là nơi để CLB lúa giống của ấp tụ họp. Ấp đông dân, có tới 778 hộ, trong đó 70% trồng lúa. Cách đây gần chục năm, theo chương trình khuyến nông của địa phương, có 9 hộ được cử đi học lớp tập huấn trồng lúa giống, từ đó nhóm nông dân đi học rủ nhau thành lập CLB để tiếp tục duy trì việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, đảm bảo năm nào cũng có lúa giống “ra lò”.

Phía sau nhà, qua một lối nhỏ chen giữa mấy cái ao cá, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh ruộng lúa xanh mơn mởn đang trổ bông được bao xung quanh bởi các mương nước nhỏ, chạy vòng theo đó là giàn dưa leo, khổ qua, đậu que đang “buông chèo” xanh mướt bám vào khung giàn, lấp ló trong đám lá là những trái non phủ đầy phấn trắng xen kẽ với những bông hoa vàng nhạt.


Niềm vui dâng đầy bên ruộng lúa, bờ rau

Anh Lượm kể, tổng diện tích ruộng là 1,2 ha, trong đó lúa là chủ đạo nhưng anh vẫn sáng kiến tận dụng những vạt đất hẹp bao quanh bờ ruộng để trồng màu, tăng thêm thu nhập. 3 vụ lúa một năm, song song với đó cũng là 3 vụ màu, vụ nào thu hoạch cũng “đúng như mong đợi”, là niềm mơ ước của chòm xóm xung quanh.

Tuy nhiên, cách đây nhiều năm thì khác lắm, câu chuyện đồng ruộng ngày ấy là một chuỗi những trăn trở và lo âu.

Vẫn còn nhớ ngày mới rời ghế nhà trường, đi vùng này vùng kia thấy người ta trồng lúa trúng nên anh về năn nỉ cha chia cho một mảnh ruộng để làm theo người ta. Năm 1980, lần đầu tự canh tác là một bài học đắt giá với mức thu hoạch ngoài sức tưởng tượng… 0,2 tấn/ha do bị tim đọt sần khiến lúa trổ không nổi. Rầu lòng lắm, và quyết tâm thay đổi cứ day dứt nên khi có một khóa tập huấn kỹ thuật viên nông nghiệp do Trạm BVTV huyện Phụng Hiệp tổ chức anh đã đăng ký học ngay rồi áp dụng đúng từng ly từng tí.

Năng suất dần dần tăng, và đỉnh điểm là năm 1984 con số thu được biến chuyển thần kỳ lên 5 tấn/ha, được coi là một kỳ tích của thời đó khiến ai cũng trầm trồ, xôn xao. Dù tuổi cao sức yếu, cha anh vẫn chống gậy ra tận cánh đồng để tận mắt nhìn ngắm thành quả của con trai mình. Anh bảo, chuyện này cho đến bây giờ vẫn còn là một kỷ niệm cảm động đến khó quên.

Còn nhớ như in năm 2006, bức tranh làm lúa trong ấp thật ảm đạm khi ai ai cũng “dính” dịch vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy nâu bu kín cả gốc cây mạ, ruộng nào lúa trỗ thì chúng bu đến cả bông lúa - dịch bệnh bùng phát không kiểm soát được.

Nhưng cũng rất may là ngay sau đợt dịch này, Cty Syngenta VN đã mang tin vui đến cho địa phương thông qua một loạt các hội thảo giới thiệu loại thuốc Cruiser Plus 312.5FS mà bà con gọi vui là giải pháp “Sống chung với rầy nâu”, giúp bà con kiểm soát được rầy nâu di trú, từ đó hạn chế sự phát tán bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá một cách hiệu quả.

Có kiến thức vào, kết quả khác ngay. Mở cuốn sổ theo dõi đồng ruộng với những ghi chép cụ thể về ngày gieo sạ, ngày bón phân, liều lượng bón, ngày xịt thuốc…, anh Lượm phấn khởi khoe: “Tôi có ghi lại con số thu, chi rõ ràng của từng vụ. Đây nè, năm 2009 năng suất vụ HT là 6 tấn lúa tươi/ha. Đến vụ ĐX 2011, con số vọt lên xấp xỉ 8 tấn tươi/ha dù thời điểm đó tôi còn chưa nhuần nhuyễn về kỹ thuật. Sau đó một năm, vụ ĐX 2012 đạt tới gần 9 tấn tươi/ha. Chỉ riêng 1 ha lúa này cũng mang lại thu nhập khoảng 45 triệu đồng/vụ”.

Cũng chính nhờ việc “mở sổ” để theo dõi cụ thể từng khoản chi và mức thu nhập từ năng suất ruộng lúa như thế này mà anh Lượm cũng như bà con trong CLB quan tâm hơn và biết tính toán hiệu quả đầu tư.

“Chúng tôi cũng như bà con ở đây điều hiểu rõ năng suất cao chưa đủ mà phải tính toán và đầu tư làm sao để mức lợi nhuận trên một đơn vị diện tích cao nhất, điều này rất có ý nghĩa trong điều kiện giá lúa bấp bênh như hiện nay.

Ví dụ như việc trộn giống lúa bằng Cruiser Plus, tuy có tốn một khoản đầu tư ban đầu nhưng sau đó lại tiết kiệm được ít nhất một lần phun thuốc, giảm được lượng giống gieo sạ và phân trong thời kỳ đầu của cây lúa”, anh bộc bạch thêm.

Khai thác tối ưu tiềm năng cây trồng

Từ hiệu quả của Virtako 40WG diệt sâu cuốn lá, sâu đục thân trên lúa, anh chợt nghĩ hay là phun thử lên giàn đậu que trồng quanh bờ ruộng xem có tác dụng gì không. Đậu que vốn là món ăn khoái khẩu của giống sâu đục trái nên đối với những loại thuốc sâu bình thường thì một vụ phải phun đến tận 7 - 8 lần, vừa hại cho trái vừa hại cho người ăn trái do tích lũy quá nhiều dư lượng thuốc và cả người phun thuốc khi phải thường xuyên tiếp xúc với những hóa chất độc hại này.

Thử phun Virtako một lần khi cây ra trái đĩa (trái rất nhỏ được hình thành khi vừa rụng bông) và lần tiếp theo khi cây ra đợt trái thứ hai thì chẳng thấy có con sâu nào xuất hiện. Chẳng tốn mấy tiền thuốc lại tiết kiệm được công sức, thật là một điều kỳ diệu. Và từ đó, dưa leo, khổ qua, tất cả đều được “trải nghiệm” với loại thuốc này, xóa bỏ hoàn toàn nỗi lo sâu đục trái và dư lượng thuốc trừ sâu trong trái khi thu hoạch.

Giọng hồ hởi, anh khoe với chúng tôi, tính riêng giàn dưa leo đơn sơ thế này cũng đem lại tầm 25 triệu/năm, khổ qua cũng phụ thêm gần 10 triệu nữa, vậy là riêng việc tận dụng diện tích ít ỏi trên bờ cũng kiếm được “tiền chợ” cho gia đình.

Anh tâm sự, ấn tượng nhất với Cty Syngenta VN là ở cách thức phổ biến kiến thức sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả cho con người. Ngoài việc đưa ra các sản phẩm khai thác tối ưu tiềm năng cây trồng thì Cty cũng rất chú trọng đến hướng dẫn an toàn cho người sử dụng và môi trường, cách sử dụng như thế nào để kiểm soát được tính kháng thuốc ở sâu bệnh.

Và theo anh, đây chính là điều làm nên sự khác biệt so với rất nhiều hãng thuốc khác. Với mỗi loại thuốc được đưa vào giới thiệu cho bà con, anh nói, Cty luôn lưu ý bà con tuân thủ 4 nguyên tắc khi dùng thuốc, đó là đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời gian, và đúng cách.

Ngay cả những việc giản đơn phải chuẩn bị trước khi phun thuốc như không đi phun thuốc một mình, mang đầy đủ trang thiết bị bảo hộ như găng tay cao su, kính che mắt, khẩu trang, mũ đội đầu, ủng cao su… đến việc thu gom vỏ bao bì để tiêu hủy cũng được Cty hướng dẫn cụ thể trong mỗi lần hội thảo và được anh nhớ nằm lòng để truyền đạt lại cho bà con như một chuyên gia an toàn lao động thực thụ.

Đã có một thời gian dài hơn chục năm phụ trách khuyến nông của xã và đảm nhiệm vai trò Bí thư ấp từ mấy năm nay, không ngừng chia sẻ với bà con những cách làm tốt nhất để nâng cao hiệu quả vụ mùa, quả thật không sai khi ở cái ấp đông đúc này anh Lượm được gọi một cách trìu mến là “Trạm trung chuyển kiến thức nông nghiệp” cho bà con.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất