| Hotline: 0983.970.780

Trần Đình Bá, từ nhà báo đến doanh nhân

Thứ Hai 21/06/2010 , 07:15 (GMT+7)

Chẳng lẽ từ một nhà báo từng là niềm tự hào của báo giới, Trần Đình Bá đi đến buông bút và rồi ngả hẳn sang lối làm ăn như lớp người mà ông đã chống trả quyết liệt suốt 30 năm?

Nhà báo Trần Đình Bá
Một ngày kia tôi nhận được thiếp mời của nhà báo Trần Đình Bá, mời đến dự lễ khai trương Cty Rượu Hương Rừng ở trong Vườn Bách thảo (cũ) do ông làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Tôi lăn tăn mãi một ý nghĩ: Trần Đình Bá từng là cái tên gây kinh hoàng cho giới tham nhũng; mà giới này gồm chủ yếu là các quan chức kết hợp với các chủ doanh nghiệp, tạo ra các dự án, các chính sách công nhằm để móc túi Nhà nước. Chẳng lẽ từ một nhà báo từng là niềm tự hào của báo giới, Trần Đình Bá đi đến buông bút và rồi ngả hẳn sang lối làm ăn như lớp người mà ông đã chống trả quyết liệt suốt 30 năm? 

Tôi mang ý nghĩ ấy đến nhà Trần Đình Bá. Sau chén rượu Hương rừng, tôi nóng người nói thẳng ra, khiến ông cười ngất:

 - Để kiếm lợi nhuận như chú mày nghĩ, việc gì bác phải mở Cty? Một dự án mấy trăm hecta đất mua rẻ như bèo, chia lô biệt thự bán mỗi lô hàng chục tỷ, nó sẽ thành bao nhiêu nghìn tỷ? Họ sẵn sàng chia cho nhà báo vài lô nếu im lặng trước cung cách “hô biến” đất công thành tiền túi vài người. Nhưng bác đã không im lặng…

Trần Đình Bá có thói quen xưng bác với những người kém tuổi và tương đối thân tình. Dù vẫn chưa thoả mãn câu trả lời của ông, tôi vẫn phải chịu điều ông nói là sự thật. Đã có một doanh nhân đẹp người, dùng tiền và có thể còn có cả “vốn tự có” để xin cả chục hecta đất ngoại ô một thành phố lớn. Nhận được hồ sơ tham nhũng vào loại bự hồi ấy, Trần Đình Bá liền lập tức viết bài. Bài viết vừa xong thì có người đến gặp ông, xin cho người đẹp gặp gỡ, nhưng ông đã kiên quyết từ chối. Ngay như vụ dự án “hô biến” hơn 500 ha đất ở phía Tây thủ đô, ông đã mách nước cho một nhà báo nghèo và cậu ta đã có được mảnh đất mà chỉ sang tên trên giấy tờ thôi, nhà báo nghèo kia đã có nhà có xe xịn. Nghe chuyện mà bàng hoàng. Và trên thực tế, rất nhiều nhà báo đã giầu lên sau khi đã nổi tiếng như một người quyết liệt chống tham nhũng. Buồn hay là vui đây, tôi thực không biết nữa!

Nhưng tôi vẫn gặng hỏi:

 - Nhưng quả thực là hiện nay Trần Đình Bá rất giầu. Tiền ấy là từ đâu? Xin bác thông cảm, nhà báo chúng ta đã nhân danh lẽ công bằng, sự trong sạch mà đòi hỏi quan chức phải công khai tài chính; vậy thì tự chúng ta cũng rất cần công khai tài chính. Lẽ tất nhiên đòi là đòi vậy thôi, sự công khai của quan chức rất mơ hồ; bác có quyền công khai một cách mơ hồ?

- Việc gì bác phải mơ hồ? Bác nói ngay với chú, trước cuốn sách Chân lý, nhà bác trần xì hai cái xe đạp, ti vi còn chưa có mà xem. Năm 1989, bác in 8 vạn bản cuốn Chân lý, bán 2000 đ/cuốn mà vàng bấy giờ 35.000 đ/chỉ. Chú hãy tính là tôi có bao nhiêu vàng?

Tôi nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, Trần Đình Bá đã có khoảng gần 300 cây vàng. Mà đất bấy giờ chí một vài chỉ một mét vuông!

- Có tiền, tôi mua đất và nuôi gấu. Từ khi 1 cc mật gấu có giá 250.000 đ, tôi đã nuôi 60 con gấu. Khi mật gấu xuống 100.000 đ/ 1cc, tôi bắt đầu bán. Tôi gọi khách đến, bán gấu với công thức như sau: Con gấu cho 1 cc mật giá 1.000.000 đ, mật gấu người mua hưởng; trong đàn gấu của tôi phần lớn đều cho 60 cc mỗi con, vậy là thành một món tiền lớn.

Trong cuốn Vui với cuộc đời của Trần Đình Bá mới xuất bản, có đoạn đối thoại giữa Trần Đình Bá với nhà báo Sĩ Đại: “Anh nói chú nghe, anh bây giờ không giầu nhưng đủ sống. Khá nữa. Không sống khá, chỉ “thèm tiền” thì không làm báo được đâu, nhất là viết báo chống tiêu cực”. Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với quan niệm ấy, vì như tôi là kẻ lúc nào cũng thèm tiền, nhưng nói có tất cả những quan chức và các ông chủ mà tôi từng gặp và làm việc làm chứng, tôi có 20 năm làm báo chống tiêu cực, ở tờ báo chống tiêu cực vào loại có tiếng là Nông nghiệp Việt Nam nhưng chưa hề bị đồng tiền làm nhục. Nhưng tự mình lo cho mình một cuộc sống khá, không dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào là một phẩm chất làm người, một phẩm chất quan trọng bậc nhất để làm một ký giả giữa thời mà mọi giá trị bị đảo lộn sâu sắc như hôm nay.

Tôi nói: Bác là người gang thép, đối lý trực diện thì bác chưa hề chiến bại. Nhưng, qua cuốn sách mới xuất bản thì hoá ra bác bị cái người đẹp - tham nhũng đánh tập hậu, đánh qua đầu. Sự thể thế nào?

Trần Đình Bá trả lời:

- Nghe nói QN là một người đàn bà đẹp, quyến rũ, nếu bà ta mà ngửa bài, thì giới mày râu có họ hàng với “dê cụ” dễ dàng rơi vào cạm bẫy. Và khi đó cái gì mà họ chả ký, ký lấy đất của dân của nước cấp cho thân chủ, ký kỷ luật Trần Đình Bá, thậm chí ký giấy tờ về những việc tày đình  chắc họ cũng chẳng từ.

          Từ ngày nghỉ hưu non, Trần Đình Bá có thì giờ cộng tác với chúng tôi trong nhiều vụ án chống tiêu cực. Trong các bữa nhậu, phần lớn ông đều chi trả; nhưng nếu không được chi trả thì bao giờ ông cũng đến bàn tiệc với chai rượu mật gấu, rượu tay gấu hoặc thậm chí là cao hổ cốt. Gần gũi ông, tôi mới biết không rõ từ bào giờ, Trần Đình Bá đã mua được hàng trăm tấn linh chi cổ. Mỗi cái nấm to đùng, nặng hàng tạ từ mọi nẻo rừng Tây Nguyên về tấp vào kho của ông từ mươi mười lăm năm trước. Khi nấm linh chi được nhiều người biết đến công hiệu chữa bệnh nan y cũng là lúc ông hợp tác với nhà máy rượu B.T thuộc Cty rượu bia Sài Gòn để ngâm rượu linh chi. Rượu linh chi uống mát gan, huyết áp giảm; có thể nói nó triệt tiêu hết thảy những tật chứng sinh ra từ nghiện rượu, giúp dân bia rượu tiếp tục say sưa mà không sợ gan thận bị tổn thương…Ông nói mỗi cân linh chi cổ ngâm rượu có giá 12 triệu, tôi nhẩm tính và ra con số khổng lồ… 

Tuy là một nhà báo thành danh, nhưng bước sang địa hạt mới Trần Đình Bá vẫn phải kinh qua những gian nan của người lập nghiệp. Để cho nhà nhà người người biết đến rượu linh chi có tên là Hương rừng, hẳn là cần cả một thời gian dài. Tôi nghĩ Trần Đình Bá biết rõ điều đó, nhưng, là một người quả cảm và quyết liệt, chắc chắn sẽ không có gian nan nào cản được bước chân ông. Tôi đoán rằng, trong làng báo có cái được gọi là văn hoá phong bì, trong làng doanh nhân hẳn cũng có cái văn hoá phong bì; cái văn hoá ấy trong mấy chục năm đã huỷ hoại thanh danh của rất nhiều người, thậm chí có anh thân bại danh liệt trong nhà đá vì phong bì. Rồi cũng văn hoá phong bì đã lôi những người từ nhà đá ra, trả lại “danh phận” trên mặt báo; cố nhiên là không ai không phỉ nhổ khi nhắc đến tên người ấy, nhưng quả thật văn hoá phong bì đang đảo lộn kỷ cương phép nước, huỷ hoại văn hoá lập nghiệp một cách trong sạch và công bằng vốn là nền tảng của sự phát triển bền vững. Vì vậy chăng mà để bớt đi một doanh nhân không chịu sống bằng phong bì, nhà báo không sống bằng phong bì Trần Đình Bá đã đứng ra lập Cty?

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất