| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 11/04/2018 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 11/04/2018

Trấn tiền đền bù của dân để đi du lịch và làm những việc 'vô bổ'

Lãnh đạo xã là những người gần dân nhất, thấu hiểu, cảm thông với dân nhất. Thế mà không những không cảm thông với những khó khăn, mất mát của người dân...

Theo lời thừa nhận của ông Phạm Đình Tiến, chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), “...Làm theo phương án cũ thì có trích lại một phần tiền khoảng hơn 100 triệu để đi du lịch. (Phần nữa) may quần áo cho anh em ở thôn nhưng họ không nhận, sau này sẽ trả cho họ bằng tiền. Còn của chị em ở Ủy ban thì chi hơn 30 triệu cho điện thoại, xăng xe. Quần áo thì chị em cũng đã nhận. Vừa rồi dịp Tết cũng chi 55 triệu để làm cái bảng cổng làng văn hóa. Tất cả đều trích từ nguồn đó”.

Xã Cảnh Dương, nơi xảy ra vụ việc bớt xén tiền hỗ trợ của người dân để may quần áo, đi du lịch

“Trích từ nguồn đó”, tức là trích từ số tiền mà tập đoàn Fomosa đền bù cho ngư dân trong sự cố biển miền Trung do họ gây ra. “Làm theo phương án cũ”, tức là ngay khi tiền chưa về, UBND xã đã có “phương án” trấn một phần tiền của ngư dân rồi.

Thật là tận cùng của sự vô cảm. Sự kiện Fomosa đầu độc, tàn phá môi sinh biển miền trung, đã khiến hàng chục ngàn hộ ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung điêu đứng suốt mấy năm trời: Người lớn mất nghề, treo thuyền, treo lưới do cá tôm chết gần hết. Số ít còn lại, có đánh lên được cũng chẳng ai mua vì đã bị nhiễm chất độc, lâm cảnh vô cùng khó khăn trong cuộc sống, nợ ngân hàng chồng chất. Trẻ em không có tiền đến lớp, sinh viên không có tiền đóng học phí...Nếu Nhà nước không kịp thời có chính sách miễn giảm.

Phải sau rất nhiều khó khăn, chúng ta mới buộc được tập đoàn Fomosa bỏ ra 500 triệu USD để bồi thường tổn thất. Số tiền đó chỉ là một phần rất nhỏ so với sự tổn thất về đời sống của ngư dân và của môi trường biển. Thế mà số tiền đền bù ít ỏi đó lại còn bị UBND xã ngang nhiên “trấn” lại một phần.

Đi du lịch, tức là đi ăn chơi. Lãnh đạo UBND xã có bao nhiêu người mà đi ăn chơi hết những trên 100 triệu? Tiền đền bù được đưa về tận xã. Cán bộ xã phải đi lại bao nhiêu lần? Gọi hết báo nhiêu cuộc điện thoại? Rách hết bao nhiêu bộ quần áo? Mà phải chi đến 30 triệu xăng xe, điện thoại, quần áo? Một cái bảng cổng làng văn hóa (chứ không phải cổng làng), to đến bao nhiêu mà phải chi đến 55 triệu đồng? Tất cả số tiền đó đều là tiền “trấn” lại từ số tiền đền bù ít ỏi của ngư dân.

Lãnh đạo xã là những người gần dân nhất, thấu hiểu, cảm thông với dân nhất. Thế mà không những không cảm thông với những khó khăn, mất mát của người dân trong sự cố môi trường biển, lãnh đạo xã Cảnh Dương lại còn đi ăn chơi trên nỗi khổ của người dân?

Việc "trấn" lại một số tiền lớn trong số tiền do Fomosa đền bù cho ngư dân của lãnh đạo UBND xã Cảnh Dương đã có dấu hiệu cấu thành tội “tham ô tài sản”, được quy định trong các Bộ luật Hình sự năm 1999 và 2015. Các cơ quan pháp luật cần vào cuộc để làm rõ hành vi này, và cần truy cứu trách nhiệm hình sự với những người chủ trương “trấn” lại tiền của dân, nếu đủ yếu tố.