| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở Đất Mũi

Thứ Năm 01/07/2010 , 11:19 (GMT+7)

Dù chỉ 2 năm về công tác tại tỉnh cực Nam Tổ quốc trên cương vị Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách nông nghiệp, nhưng tôi cảm nhận Nguyễn Xuân Hồng rất am hiểu người và đất phương Nam.

Cuối tháng 6, anh chuẩn bị chia tay Đất Mũi Cà Mau về nhận nhiệm vụ mới ngoài Bộ NN-PTNT, tôi điện thoại hẹn ghé thăm anh. Dù chỉ 2 năm về công tác tại tỉnh cực Nam Tổ quốc trên cương vị Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách nông nghiệp, nhưng tôi cảm nhận anh rất am hiểu người và đất phương Nam.

Anh Nguyễn Xuân Hồng đón tôi cùng với một người bạn đồng hương Thanh Hóa, hiện đang là giảng viên một trường ĐH tại TPHCM cũng vào thăm anh dịp này. Lịch trình anh Hồng đưa ra, trước tiên vào thăm  Khu Khí - điện - đạm Cà Mau, sau đó về VQG U Minh Hạ rồi ăn trưa tại vườn.

Xe đến Khu Khí - điện - đạm Cà Mau, chúng tôi dừng lại nhưng không vào trong mà chỉ đứng ngoài tham quan. Anh Hồng giới thiệu sơ lược, bên trong công trình lớn giúp Đất Mũi CNH- HĐH mai sau này hầu hết là các chuyên gia giỏi, họ làm việc hết mình để công trình sớm đi vào hoạt động. Khu Khí - điện - đạm Cà Mau nằm trên khu đất xã Khánh An, về phía đông nam huyện U Minh, cách trung tâm TP Cà Mau khoảng 12km. NM Phân đạm Cà Mau khởi công xây dựng từ tháng 7/2008 là "trái tim" của cả Khu Khí - điện- đạm. Hiện cán bộ công nhân viên đang tập trung đẩy nhanh việc hoàn thành NM đúng tiến độ để có sản phẩm vào khoảng cuối năm 2011. Dự án NM với công suất thiết kế 800.000 tấn urea/năm, tổng mức đầu tư 14.492,9 tỷ đồng. Khi đưa vào hoạt động, sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu phân đạm của cả nước. Chỉ tay về phía cảng đang xây dựng, anh nói sau này nơi đây sẽ xuống hàng vận chuyển phân bón đi khắp nơi.

Thời gian không nhiều nên chúng tôi lại tiếp tục lên xe đi thẳng về hướng VQG. Trên đường vào VQG U Minh Hạ hai bên tràm rợp bóng mát, không khí trong lành. Thỉnh thoảng có nơi bà con trồng tràm xen lẫn cây keo lai đang thu hoạch. Câu chuyện cây keo lai lại trở thành đề tài thời sự trên xe. Bởi trước đây Cà Mau đã từng giao cho một Cty ở Đồng Nai thuê 2.957 ha đất đầu tư trồng cây keo lai làm cho một vị lãnh đạo của tỉnh này bao phen sóng gió. Bây giờ cây keo lai lại được ca ngợi vì người dân bán có tiền. Hiện nay, giá một cây keo lai trồng 4 năm tuổi bán cũng được khoảng 300 ngàn đồng, gấp mấy lần cây tràm. Theo anh Hồng, trước đây chưa cho trồng keo lai vì nhiều lý do, trong đó có lý do môi trường và kỹ thuật. Trồng cây keo lai xen canh với cây tràm hiện tại rất hiệu quả. Cây keo lai nêu ưu tiên phát triển trồng phân tán trên vùng đất cao, còn cây tràm dưới vùng đất trũng.

Hết chuyện rừng lại đến chuyện con tôm. Câu chuyện sản xuất luân canh lúa – tôm ở Cà Mau là đề tài tâm huyết nhất từ khi anh về nhận nhiệm vụ ở Cà Mau. Tỉnh có cả một đề án SX tôm lúa với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng/năm.  Anh Hồng cho biết, Cà Mau có 530 ngàn ha đất thì có 290 ngàn ha nuôi trồng thủy sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản của miền Bắc, miền Trung cộng lại không bằng Cà Mau. Thủ tướng về Cà Mau đã chỉ đạo phải phát triển nuôi tôm công nghiệp. Bởi 1 ha nuôi tôm công nghiệp năng suất bằng hơn 20 ha nuôi tôm quảng canh. Tuy nhiên, hiện nay Cà Mau mới chỉ đảm bảo được 50% nguyên liệu chế biến cho các NM thủy sản. Tỉnh phấn đấu XK thủy sản phải đạt 1 tỷ USD/năm hiện nay, đã đạt được khoảng 700 nghìn USD. Chính vì vậy nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến là hướng chọn lựa trong thời gian tới của Cà Mau.

Hôm chúng tôi về Cà Mau cũng là thời điểm thu hoạch tỉa tôm sinh thái. Tôm sinh thái phát triển ở phía Nam thuộc các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và một phần huyện Phú Tân. Nuôi tôm sinh thái cũng nằm trong Đề án sản xuất tôm - lúa của tỉnh. Theo anh Hồng, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu tôm sinh thái Cà Mau. Bởi 1 kg tôm sinh thái giá cao gấp 4 lần tôm bình thường. Anh giải thích thêm: Nuôi tôm sinh thái tức là nuôi dưới tán rừng, cho ăn thức ăn tự nhiên nên XK rất tốt.

Sau thời gian trò chuyện ngắn trên xe chúng tôi đã thấy cổng VQG U Minh Hạ. Cả đoàn vào trong rừng và lên tháp cao quan sát. Bây gờ đang vào mùa mưa nên cây rừng bắt đầu xanh lá. VQG U Minh Hạ có tổng diện tích 8.286 ha nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An thuộc huyện U Minh và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời. VQG U Minh Hạ có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch. Nơi đây có khoảng 250 loài thực vật, hơn 180 loài chim, hơn 20 loài bò sát. Tuy nhiên, đường dẫn vào lõi rừng hiện nay hai bên trồng nhiều chuối và xoài. Có thể nói đây là những cây cải thiện đời sống anh em bảo vệ rừng.

Bữa cơm thân mật giữa rừng thật ấm cúng và thân tình. Cơm xong, chia tay ra về chúng tôi đều thấy bịn rịn. Anh Hồng chúc anh em ở VQG luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Các anh ở VQG cũng chúc anh ra Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ mới. Đó cũng là lời chúc của tôi khi chia tay anh, có thể đất phương Nam vẫn còn những trăn trở, quyến luyến...

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất