| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở nơi cuối trời Tây Bắc

Thứ Hai 06/01/2014 , 09:33 (GMT+7)

Ngay sau ngày nghỉ Tết Dương lịch 2014, những lớp băng tuyết cuối cùng tại Tây Bắc cũng vừa tan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có mặt tại tỉnh Lai Châu, mảnh đất nơi cuối trời Tây Bắc để kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây trồng và vật nuôi.

Ngay sau ngày nghỉ Tết Dương lịch 2014, những lớp băng tuyết cuối cùng tại Tây Bắc cũng vừa tan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có mặt tại tỉnh Lai Châu, mảnh đất nơi cuối trời Tây Bắc để kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây trồng và vật nuôi.

CÂY CAO SU VẪN VỮNG VÀNG

Bắt đầu từ năm 2008, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có chủ trương phát triển trồng cao su tại khu vực Tây Bắc và chọn Lai Châu làm thủ phủ. Cho đến tận bây giờ, khi cao su tại Lai Châu nhiều cây đạt chu vi 50 cm, đủ điều kiện để cạo mủ thì vẫn còn khá nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh chủ trương này.

Thăm và làm việc tại các công ty cao su của Lai Châu, Bộ trưởng Cao Đức Phát tâm sự: Bản thân Chính phủ, Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quyết định đầu tư trồng cao su tại Tây Bắc, mục đích chính không phải là để lấy lợi nhuận nộp ngân sách, mà trong tâm tư, nguyện vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước muốn tạo bước đột phá thay đổi cơ bản diện mạo cuộc sống của đồng bào các tỉnh biên cương đặc biệt khó khăn.



Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm vườn cao su của Cty CP Cao su Lai Châu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng cho biết, hiện diện tích cao su đã trồng tại Lai Châu đạt con số trên 11.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn và Tân Uyên. Qua đợt rét cuối năm 2013, số diện tích cao su đã trồng tại Lai Châu gần như không bị ảnh hưởng.

Ông Quảng chia sẻ, với Lai Châu ngoài thủy điện thì cây cao su là niềm hy vọng lớn của lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh. Do đó, trong quá trình khảo sát chọn địa điểm cũng như tính toán, phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su và tỉnh lựa chọn rất kỹ lưỡng để tìm ra các tiểu vùng khí hậu, đất đai phù hợp nhất cho cây cao su phát triển như độ cao khống chế từ 600 m trở xuống, ven các sông suối, ao hồ với những ngọn núi cao che chắn xung quanh.

Tổng Giám đốc Cty CP Cao su Lai Châu II Phan Văn Lợi phấn khởi cho hay: Cao su tại Lai Châu vẫn vững vàng sau 3 đợt giá rét. Hiện tại, tổng diện tích Cty Cao su Lai Châu II đã trồng là trên 3.800 ha, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt con số trong quy hoạch là 10.000 ha và năm 2018 bắt đầu cạo mủ đại trà. Số diện tích khiêm tốn là vậy, nhưng hiện Cty đã nhận được tổng cộng 1.333 lao động vào làm công nhân (người dân bản địa chiếm 1/3) với mức lương trên 3,5 triệu đồng/người/tháng và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ đồng bào địa phương thông qua hình thức giao khoán.

Tại Cty CP Cao su Lai Châu, đơn vị được thành lập đầu tiên, ông Lê Tiến Tình - TGĐ Cty phấn khởi báo cáo Bộ trưởng, qua đợt rét cuối tháng 12/2013 vừa qua, cơ bản các vườn cây cao su của công ty vẫn xanh tốt. Được biết, đến nay Cty CP Cao su Lai Châu đã trồng được trên 6.200 ha tại huyện Sìn Hồ và Phong Thổ, tạo công ăn việc làm cho khoảng 5.000 lao động, trong đó có xấp xỉ 1.800 lao động được nhận vào làm công nhân trong công ty (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%).

Dự kiến trong năm 2014, ngoài việc kiến thiết cơ bản trên 9.200 ha, công ty sẽ tiến hành khai hoang gối vụ và trồng mới 1.000 ha, xây dựng Nhà máy chế biến mủ tại xã Nậm Tăm (giai đoạn 1) để tiến hành khai thác vào cuối 2015.

TRĂN TRỞ VỚI TAM NÔNG

Tạm yên tâm với cây cao su, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Bộ tiếp tục hành trình với việc kiểm tra tình hình chống rét và trao quà Tết cho một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Sìn Hồ và TP Lai Châu.

Ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở NN-PTNT Lai Châu cho biết, tổng số đàn gia súc của tỉnh Lai Châu không lớn, xấp xỉ 300.000 con, qua đợt rét vừa qua số trâu, bò bị chết rét không đáng kể nhờ tỉnh có chủ trương quyết liệt ngay từ đầu năm khi hỗ trợ 3 triệu đồng để bà con làm chuồng trại và 500 m2 cỏ/trâu (2.000 đồng/m2). Mặt khác, do hiện nay giá trị của trâu, bò rất lớn, 1 con trâu, bò trưởng thành có giá vài chục triệu đồng nên bà con cũng tự có ý thức bảo vệ tài sản của mình, không thả rông trâu bò vào lúc nhàn vụ như những năm trước.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng, ông Nguyễn Khắc Chử - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sau 10 năm chia tách tỉnh, dấu ấn phát triển rõ nét nhất của Lai Châu chính là lĩnh vực nông nghiệp khi năm 2013 tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt 182.000 tấn, tăng gần 73.000 tấn so với năm 2003.


Bộ trưởng Cao Đức Phát trao quà Tết cho đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu

Về cây công nghiệp, tính đến hết năm 2013 diện tích cao su đạt 11.138 ha; chè ước đạt xấp xỉ 3.300 ha, trong đó theo tiêu chuẩn VietGAP là 105 ha, sản lượng đạt 20.000 tấn. Lai Châu cũng là một trong những địa phương được đánh giá cao trong công tác thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tính đến hết năm 2013, tỉ lệ che phủ rừng của Lai Châu đạt 43,6%, tăng 8,6% so với năm 2004.

Sau khi nghe những trao đổi, đề xuất từ phía lãnh đạo địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng ý trong năm 2014 sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai trồng thí điểm cây cao su tại khu vực miền núi phía Bắc, qua đó có cái nhìn toàn diện, khách quan, đầy đủ nhất về cây cao su từ nhiều phía để có những kiến nghị về chủ trương, chính sách với Chính phủ.

Về lĩnh vực lâm nghiệp, sẽ giao Tổng cục Lâm nghiệp trong năm 2014 tiến hành sơ kết 3 năm việc triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Cuối cùng, Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn rất trăn trở với Chương trình xây dựng NTM của Lai Châu.

“Xây dựng NTM là chủ trương lớn, khó khăn, với tỉnh miền núi nghèo như Lai Châu còn khó hơn. Tuy nhiên, dù khó chúng ta vẫn phải làm và sẽ làm được ở các mức độ khác nhau nếu chúng ta quyết tâm. Theo tôi, với tỉnh như Lai Châu chúng ta nên hỗ trợ tối đa cho SX, nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục. Tỉnh nên chuyển dịch mạnh kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, không nên cứng nhắc trong việc đảm bảo lương thực mà mô hình nào đem lại thu nhập cao cho dân thì làm.

Theo tôi, Lai Châu có cửa khẩu thông thương với Trung Quốc, ngành nông nghiệp nên định hướng người dân SX những mặt hàng nông sản mà nước bạn tiêu thụ mạnh chứ không nhất thiết cái gì làm ra cũng phải đem về Hà Nội. Riêng cơ sở hạ tầng, có tiền đến đâu làm đến đó. Xây dựng NTM là cả một quá trình dài, không nên quá nóng vội để đạt cho bằng được tất cả mọi tiêu chí”, Bộ trưởng chia sẻ.

“Sau khi tách tỉnh, Lai Châu thuộc diện nghèo nhất cả nước. Nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ và nhân dân địa phương, sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước sau 10 năm diện mạo của tỉnh có sự thay đổi, chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, với Lai Châu nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung, nếu không có cơ chế đặc thù thì không thể hoàn thành được các chủ trương, mục tiêu, chính sách mà cấp trên giao phó. Qua đó, chúng tôi đề nghị Đảng, Chính phủ có cơ chế đặc thù hỗ trợ cao nhất có thể để Lai Châu và các tỉnh Tây Bắc có cơ hội phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Giàng.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất