| Hotline: 0983.970.780

Trắng đêm săn gà lậu

Thứ Năm 11/04/2013 , 09:32 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tăng cường chốt chặn tại các điểm nóng, lối mòn khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Chi Ma.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tăng cường chốt chặn tại các điểm nóng, lối mòn khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Chi Ma. Trong 2 đêm đi cùng Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, PV NNVN được chứng kiến các chiến sỹ bắt quả tang 2 vụ vận chuyển gia cầm nhập lậu với số lượng lớn qua biên giới.

>> Đột kích Cổng Trời Trà Lĩnh
>> Cao Bằng: Quyết liệt nhưng khó triệt để!
>> Móng Cái: Cấm cửa chính, đi cửa phụ


Bắt gà trọc lậu tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn)

MẺ LƯỚI Ở CHI MA

Ngay khi dịch cúm H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc, là địa bàn trọng điểm về buôn bán gia cầm lậu qua biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Quản lý Thị trường, Hải Quan, Cảnh sát kinh tế, môi trường (Công an tỉnh Lạng Sơn) tăng cường ra quân, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt ngăn chặn ngay từ khu vực biên giới, quyết không để gia cầm lậu tuồn vào nội địa phá hỏng nền chăn nuôi nước nhà.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Minh Hải - Chính trị viên Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết, được sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, ngay sau Tết đơn vị tăng cường lập 4 chốt chặn và một trạm kiểm soát tại các lối mòn dọc khu vực biên giới với Trung Quốc nhằm ngăn chặn gà lậu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các đối tượng buôn lậu vẫn bất chấp đêm tối, dùng xe máy hoặc gánh bộ qua các lối mòn đường rừng để đưa gà vào Việt Nam.

Nhận được tin trinh sát báo về rất có thể tối 6/4 sẽ có gà lậu tuồn qua khu vực Cửa khẩu Chi Ma, bởi phía bên kia biên giới, các đối tượng buôn lậu đã rục rịch tập kết gà. Quyết tâm bắt gọn mẻ lưới, Đồn Biên phòng Chi Ma lên kế hoạch cho cán bộ chiến sĩ phục sẵn từ chiều tại các đường mòn các đối tượng có thể đi qua. Khoảng 2h15 phút rạng sáng 7/4, tại khu vực đường mòn biên giới mốc 1237, thôn Bản Thín, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình xuất hiện 3 đối tượng lén lút gánh gà qua biên giới. Án binh bất động đợi dân cửu vạn vào trận địa, mũi trinh sát nằm phục sẵn từ trước bất ngờ trên núi ập xuống, một cánh quân cơ động từ phía dưới thốc lên tạo thành thế gọng kìm siết chặt các đối tượng buôn lậu.


Lượng gia cầm giống Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma bắt được rạng sáng 7/4

Thấy động, các đối tượng vận chuyển gà lậu thuê nhanh chóng vứt hàng bỏ chạy vào các lối mòn trong rừng thông. Xác định, rất có thể ba đối tượng bỏ chạy chỉ là những người đi trước dò đường, lực lượng biên phòng cửa khẩu Chi Ma kiên trì phục kích đến sáng sớm 7/4, song không thấy bất cứ chuyến hàng nào. Qua kiểm kê, số hàng lậu thu được sáng 7/4 là 10.500 con gà giống hơn 1 ngày tuổi. Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, số gà trên được bàn giao cho Chi cục Kiểm dịch Động vật vùng Lạng Sơn (Cục Thú y - Bộ NN-PTNT) tiêu hủy theo đúng quy định.

Trao đổi với NNVN, Thượng úy Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Chi Ma (Đồn Biên phòng Chi Ma) tâm sự, hiện cách thức vận chuyển hàng qua biên giới của các đối tượng buôn lậu gà rất tinh vi nên việc bắt giữ là vô cùng gian nan. Ngoài việc cử đội quân “chim lợn” theo dõi sát sao lực lượng biên phòng, dân buôn lậu giờ không đi rồng rắn từng đoàn như trước mà phân tán hàng nhỏ lẻ đi theo tốp 2-3 người. Chính vì vậy, khi một tốp bị bắt các nhóm còn lại nhanh chóng tẩu tán nên để bắt triệt để gặp rất nhiều khó khăn. Đối phó với hình thức “ma cô” này, Đồn Biên phòng Chi Ma phải cử cán bộ chiến sĩ lập lán, trại cơ động túc trực 24/24h tại các đường mòn dọc theo biên giới mới có thể ngăn chặn kịp thời.

CUỘC VÂY BẮT NGOẠN MỤC Ở HỮU NGHỊ

Vấp phải sự quyết liệt của Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, các đối tượng buôn lậu gà quay trở lại địa bàn quen thuộc là khu vực đường món Kéo Kham, huyện Cao Lộc do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị quản lý. Cũng giống Chi Ma, từ sau Tết Quý Tỵ, Đồn Biên phòng Hữu Nghị phối hợp với lực lượng Hải quan lập 4 chốt chặn tại các lối mòn gần khu vực cột mốc 1112 và 1113. Nhưng do địa hình hiểm trở, đường biên có nhiều lối mở nên các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách “xé” vòng vây để đưa gia cầm vào nội địa.


Lực lượng biên phòng Hữu Nghị rất vất vả và nguy hiểm để vận chuyển gà về nơi tiêu hủy

Chiều 9/4, một tổ trinh sát của Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị được cử đi do thám tình hình và phục kích sẵn tại khu vực lối mòn Bãi Ranh nằm giữa cột mốc 1112 và 1113 vì hôm đấy trời mưa rất có thể các đối tượng buôn lậu lợi dụng để vận chuyển gà qua biên giới. Khoảng 20h tối 9/4, chúng tôi cùng một tổ công tác của Đồn Biên phòng Hữu Nghị xuất kích đến khu vực Kéo Kham một cách bí mật, không để các đối tượng “chim lợn” phát hiện. Bấm mũi giày xuống những tảng đá tai mèo sắc lẹm lần mò trong đêm tối giá rét, sau gần 1 giờ đồng hồ leo núi, chúng tôi mới lên đến chốt chặn thuộc khu vực Bãi Ranh. Theo chia sẻ của anh Bùi Văn Tần - Chi cục Hải Quan cửa khẩu Hữu Nghị và anh Chu Tiến Cờ - Trạm Biên phòng Hữu Nghị đóng chốt tại khu vực này, hiện chưa phát hiện thấy các đối tượng buôn lậu gà.

Chúng tôi tiếp tục xé rừng, thận trong đi theo các lối mòn qua các chốt chặn khác. Sau khoảng 15 phút, đến một lối mòn nằm giữa khe hai lán của biên phòng, bất ngờ nghe tiếng gà kêu. Đoàn công tác nhanh chóng lập thành mũi áp sát từ dưới lên. Một tổ công tác của Trạm Biên phòng Hữu Nghị do Phó Trạm trưởng Phan Trung Kiên dẫn đầu phục kích từ chiều 9/4, ép từ trên xuống. Thấy lực lượng biên phòng, những đối tượng gánh gà lậu thuê nhanh chóng vứt hàng khỏi vai, phi thân vào bụi rậm trốn thoát. Bị các đối tượng cửu vạn vứt lăn từ trên núi xuống, gà trong lồng kêu quang quác náo động cả khu rừng.

Tại hiện trường vụ bắt giữ, qua ánh đèn pin chúng tôi phát hiện ra lô hàng là gà thải loại hay còn gọi “gà trọc” của Trung Quốc. Dọc lối mòn nơi những lồng gà bị vứt chỏng chơ còn phát hiện khá nhiều trứng gà bị vỡ, có lẽ do gà thải loại đẻ rơi. Bản thân chúng tôi được trang bị giầy cao cổ, đèn pin mà việc đi lại qua các lối mòn lởm chởm đá tai mèo trơn trượt còn gặp vô cùng khó khăn ngã lên ngã xuống, thế mà không hiểu sao các đối tượng buôn lậu không cần đèn pin vẫn có thể gánh trên vai 60-70 kg gà qua núi.


PV NNVN chứng kiến Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị bắt quả tang các đối tượng vận chuyển gà trọc Trung Quốc qua khu vực Kéo Kham

Sau khi cử cán bộ chiến sĩ canh gác tại những nơi dân buôn lậu vứt gà, một tổ công tác được tăng cường lên khu vực núi Kéo Kham để vận chuyển gà về nơi tiêu hủy. Do trong đêm tối mưa phùn gió rét, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị phải rất vất vả mới đưa được gà về điểm tập kết dưới chân núi. Phải đến 22h đêm 9/4, lực lượng biên phòng mới đưa được toàn bộ số gà xuống xe ô tô tải, người nào người đó lấm lem đất cát, mồ hôi đầm đìa lưng áo. Sau khi kiểm kê, chúng tôi đếm được gần 30 lồng gà thải loại, số lượng khoảng trên 1 tấn. Tất cả số gà trên nhanh chóng được bàn giao cho Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn tiếp nhận tiêu hủy theo quy định.

Có mặt tại khu vực tập kết gà lậu động viên anh em chiến sĩ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Thượng tá Ninh Văn Hợp cho biết, không phải từ khi có dịch cúm H7N9 mà sau Tết Quý Tỵ, được sự chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã ra quân quyết liệt ngăn chặn gà lậu ngay từ khu vực biên giới. Hiện nay, Đồn liên tục duy trì quân số túc trực 24/24h tại các đường mòn ngăn chặn triệt để không để gà qua biên. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo nên các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách né lực lượng biên phòng. Do đó, Thượng tá Hợp đề nghị các đơn vị chức năng trong nội địa cần phối hợp chặt chẽ và làm quyết liệt hơn nữa nhằm giảm áp lực cho khu vực biên giới, bởi có một sự thật phải thừa nhận là Biên phòng Lạng Sơn đã căng hết sức mình nhưng không thể bắt giữ tất cả 100% các lô gà lậu qua biên giới nên rất cần sự vào cuộc của các đơn vị chức năng khác.


Trinh sát Trần Huy Trường - Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm