| Hotline: 0983.970.780

Trắng mắt vì tôm chân trắng!

Thứ Tư 29/09/2010 , 12:06 (GMT+7)

Ồ ạt nuôi tôm theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch hợp lý, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng đã khiến vùng tôm thẻ chân trắng Ngũ Điền lâm vào cảnh tôm dịch bệnh chết hàng loạt.

Khu vực nuôi tôm Hải Đông không có trong quy hoạch, người dân tự phát ''cày'' rừng phòng hộ để nuôi tôm

Ồ ạt nuôi tôm theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch hợp lý, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng đã khiến vùng tôm thẻ chân trắng Ngũ Điền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) lâm vào cảnh tôm dịch bệnh chết hàng loạt. Người nuôi tôm thì tiến thoái lưỡng nan bởi đã vung ra hàng chục tỷ đồng, nợ ngân hàng chồng chất vẫn chưa thu hồi vốn…

Ồ ạt nuôi tôm

Nếu một năm trước, người nuôi tôm ở Hải Thế (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) trúng vụ thì nay cả vùng tôm xơ xác tiêu điều. Trừ một số hồ nuôi đang xử lý hóa chất để tiếp tục nuôi vụ sau còn hầu hết đều thả liều đến đâu hay đó. Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Phong Hải được bắt đầu từ năm 2001 với một vài hộ dân thì đến nay đã phát triển lên 50 nhóm hộ dân với 50 ha (trong quy hoạch của UBND huyện Phong Điền phát triển vùng tôm Phong Hải tính đến năm 2020 là 91 ha).

 Việc con tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận cao, bình quân lãi 200 triệu đồng/ha/vụ đã khiến hàng chục hộ dân ở xã Phong Hải nhắm mắt nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch mà không tính đến chuyện ô nhiễm môi trường, phòng tránh dịch bệnh. Ông Võ Văn Kháng, một hộ nuôi tôm ở Hải Thế lo lắng: “Năm 2009 sau mấy vụ nuôi đầu tiên, trừ chi phí tui lãi gần 1 tỷ đồng. Sang năm 2010, vụ nuôi đầu năm tui đầu tư 3 hồ, thả 60 triệu con giống, mới nuôi được gần 20 ngày thì tôm lăn đùng ra chết. Do tôm còn nhỏ nên không bán được đồng nào, tính cả tiền giống, thức ăn và công chăm sóc đến thời điểm tôm chết, thiệt hại 250 triệu đồng. Vụ tiếp theo không biết ra sao nữa đây”.

Không chỉ những vùng nuôi tôm nằm trong quy hoạch như Hải Thế đang “sống dở chết dở” mà những vùng nuôi tôm tự phát như Hải Đông hơn 10 ha với 15 hộ dân tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng cũng đang lâm vào tình cảnh bi đát. Đây là những hộ dân tự ý phá vỡ quy hoạch, “cày” rừng phòng hộ để nuôi tôm, do nằm sát mép biển, việc xả nước thải trực tiếp ra biển rồi bơm thẳng vào hồ nuôi tôm đã khiến tôm dịch bệnh trên diện rộng.

Hiện ở vùng Ngũ Điền, có gần 200 ha tôm thẻ chân trắng. Trong đó, các DN đưa vào nuôi với diện tích 100 ha và người dân nuôi gần 100 ha. Năm 2008, người dân ở các xã Phong Hải, Điền Hương, Điền Hòa, Điền Lộc và Điền Môn chỉ nuôi khoảng 20 ha, nhưng đến nay phát triển lên gần 100 ha, tăng khoảng 70% so với năm 2008.
Ông Nguyễn Viết Từ, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho hay: “Những năm gần đây, hầu hết người dân trong xã đều đổ xô đi nuôi tôm. Hiện nay, toàn xã đã có trên 50 ha tôm thẻ chân trắng, so với năm 2008 tăng 25 ha. Từ đầu năm đến nay, đã có 14 ha tôm bị dịch bệnh, thiệt hại trên 6 tỷ đồng. Riêng số hộ dân nuôi tôm ở khu vực Hải Đông, sẽ cho di dời vào phía trong tuyến đường quốc phòng, nhằm trồng mới lại tuyến rừng phòng hộ”. Không chỉ riêng xã Phong Hải mà cả vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thuộc khu vực Ngũ Điền như: Điền Hương, Điền Hòa, Điền Môn, Điền Lộc với hàng trăm nhóm hộ nuôi và hàng chục DN đều lâm vào tình cảnh tương tự. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện Phong Điền đã có khoảng 100 ha tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh, thiệt hại trên 15 tỷ đồng.

Ô nhiễm trầm trọng

Chạy dọc tuyến rừng phòng hộ ở các xã bãi ngang vùng Ngũ Điền, nhiều dấu tích tuyến rừng phòng hộ ven biển bị cày lên nham nhở. Sau một thời gian ồ ạt nuôi tôm, thiếu quy hoạch, người nuôi đang phải gánh chịu hậu quả của việc ô nhiễm môi trường trầm trọng. Cả vùng tôm bốc mùi nồng nặc bởi các hóa chất và việc xả thẳng chất thải ra biển rồi cũng từ đó lại lấy nước vào hồ nuôi hoàn toàn không có một hệ thống bể lắng lọc hay xử lý nước thải nào.

Vào vùng nuôi tôm Ngũ Điền, chạy dọc các con kênh, mương, một màu nước đen ngòm đang được cho chảy thẳng về phía biển. Trong khi đó, những hồ nuôi tôm gần đó đang tiến hành thay nước cho hồ nuôi. Việc xả nước thải không qua xử lý không chỉ ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm mà còn làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của hàng nghìn hộ dân trong khu vực Ngũ Điền. Ông Nguyễn Văn Tuyến, một hộ nuôi tôm ở xã Điền Hòa khẳng định: “Nguyên nhân tôm chết ngoài do chất lượng giống thì chủ yếu là do ô nhiễm môi trường nước. Nhiều hộ nuôi như tui sau khi tôm nuôi được khoảng 20 ngày, tiến hành thay nước thì bắt đầu tôm đổ bệnh, phát hiện sớm nên dùng thuốc xử lý được nhưng đợt sau thay nước vào thì chỉ sau một đêm, tôm lăn đùng ra chết đỏ cả hồ, thiệt hại không biết mấy mà kể”.

Ông Nguyễn Đại Vui - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên cát ở huyện Phong Điền đến năm 2020 diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện sẽ là 900 ha, trong đó diện tích hồ nuôi gần 500 ha, còn lại xây dựng đê bao, ao xử lý nước cấp và thoát, trồng rừng phòng hộ ven biển. Với số diện tích nuôi lớn như vậy nên về lâu dài cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tăng tính hiệu quả cho việc quản lý quy hoạch vùng nuôi tôm.
Điều đáng nói, không chỉ những hộ dân nuôi không có hệ thống xử lý nước thải mà hầu hết các DN vẫn mạnh ai nấy xả nên càng làm cho số diện tích tôm bị bệnh lan trên diện rộng. Để tự cứu mình, ngoài những hộ dân nuôi tôm ở Hải Thế đang đầu tư hệ thống hồ chứa xử lý nước thải 6.000m2 thì hầu hết những hộ tham gia nuôi ở các xã khác đều “thải liều” nước từ các hồ nuôi ra cửa biển. Một nguyên nhân dẫn đến việc nuôi tôm ồ ạt là do chính quyền “thả nổi” quản lý quỹ đất, thiếu quản lý quy hoạch đồng bộ vùng nuôi tôm.

Được biết, UBND huyện Phong Điền đã ban hành quyết định về việc Quy định quản lý quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trên cát. Theo đó, khi chủ nuôi tôm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tiến hành tổ chức xây dựng khu nuôi đúng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Hiện nay, chỉ có 7 DN (với tổng diện tích là 327 ha nuôi) và 5 nhóm hộ, hộ gia đình (với 55 ha nuôi) được Phòng TN-MT huyện Phong Điền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại các hộ dân đều đầu tư nuôi theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm