| Hotline: 0983.970.780

'Trang sử mới' cho ngành cá tra

Thứ Ba 04/12/2018 , 07:20 (GMT+7)

2018 là năm đầu tiên ngành hàng cá tra xuất khẩu dự kiến cán mốc trên 2 tỷ USD. Giá cá tra thương phẩm đang đứng khá cao và giữ mức bình ổn lâu nhất từ 35.000 - 36.000 đồng/kg, là mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Những bước ngoặt

ĐBSCL có diện tích nuôi cá tra trên 5.000ha, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Toàn vùng hiện có 174 DN chế biến các mặt hàng cá tra XK. Trong đó 170 DN chế biến cá tra đông lạnh, 3 DN chế biến đầu cá và 1 DN chế biến sản phẩm collagen. Cá tra Việt Nam đã XK sang 125 thị trường trên thế giới.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, 9 tháng đầu năm, ngành hàng cá tra tăng trưởng kỷ lục, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 1 triệu tấn, tăng 9,3% so 2017; giá trị XK đạt 1,68 tỷ USD, tăng 29,2%. Trong đó XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 368,4 triệu USD, tăng 41% so cùng kỳ 2017, chiếm tỷ trọng 23% (chỉ sau Trung Quốc) tổng sản lượng XK cá tra Việt Nam.

Hiện tại XK tiếp tục tăng mạnh trong khi nguồn cung cá tra nguyên liệu không đủ cầu đã đẩy giá cá tra nguyên liệu tăng trung bình 3.000 – 4.000 đồng/kg so đầu năm, người nuôi lãi đậm từ 10.000 - 11.000 đồng/kg. Cá tra quá lứa 4 - 5kg/con cũng tăng giá bất ngờ, có lúc lên 40.000 - 45.000 đồng/kg do thương lái Trung Quốc săn lùng mua. Những tháng cuối năm là mùa XK chính của cá tra vì dịp Noel, Tết Dương lịch, sau đó là Tết cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc. 

Ông Luân cho biết thêm, bước ngoặt từ khi Nghị định 55/2017/NĐ-CP quản lý ngành hàng cá tra theo chuỗi bằng cách kiểm soát chất lượng và điều kiện cũng như kiểm tra hậu kiểm ra đời. Đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đánh giá hệ thống văn bản quản lý chất lượng cá tra Việt Nam là tương đương với hệ thống văn bản quản lý chất lượng cá da trơn của Hoa Kỳ. Tiếp đến là quản lý sản xuất cá tra truy xuất được nguồn gốc. Đặc biệt là việc Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam xuống mức thấp nhất (0,41%). Nhiều thị trường nhập khẩu cá tra khác cũng khởi sắc trở lại, như EU...

“Các cơ quan quản lý thủy sản địa phương thực hiện rà soát, kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi. Hiện ĐBSCL có 4.860 ao nuôi đã được cấp mã số nhận diện, trong đó Đồng Tháp: 1.642 ao, Cần Thơ: 912 ao, An Giang: 791 ao, Vĩnh Long 680 ao, Bến Tre 611 ao, Tiền Giang 143 ao, Sóc Trăng 81 ao. Bên cạnh đó cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thực hiện kiểm tra, đảm bảo chất lượng sản phẩm cá tra phile XK và kiểm tra hồ sơ của cơ sở chế biến nhằm có thể truy xuất đến cơ sở nuôi đã được cấp mã số”, ông Luân nói.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch trên 1 triệu tấn cá tra, góp phần quan trọng cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho XK trong dịp cuối năm. Thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, chiếm 24,1% (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017).  Đặc biệt, trong tháng 9 và 10, thị trường tiêu thụ cá tra tại Hoa Kỳ tăng kịch trần tới 42,9%. Đây có thể xem là hiệu ứng từ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã giảm thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam. 

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định, diện tích nuôi cá tra thương phẩm của tỉnh trên đà phát triển trở lại, từ 700 - 800ha nay tăng lên 1.250ha, sản lượng sản phẩm cá tra XK của tỉnh trên 90.000 tấn, đạt kim ngạch XK 213,4 triệu USD, tăng đến 23,99% so với năm 2017. Thị trường XK của các DN đối với sản phẩm cá tra 11 tháng đầu năm 2018 xuất qua 80 nước, trong đó 31 nước châu Á, 16 nước châu Mỹ, 20 nước châu Âu, 8 nước châu Phi và 4 nước châu Đại Dương. 

Đến nay diện tích nuôi cá tra của tỉnh đạt tiêu chuẩn 408,7ha, trong đó tiêu chuẩn ASC 101,66ha, tiêu chuẩn GlobalGAP 21,91ha, VietGAP đạt 285,13ha... Tỉnh đã cấp 121 giấy chứng nhận mã số nhận diện, của DN là 435 ao tương ứng diện tích 478ha, của nông hộ là 424 ao tương ứng diện tích 284,7ha.
 

Sản xuất giống 3 cấp

Tính đến đầu tháng 11/2018, diện tích ương cá tra giống ở ĐBSCL khoảng 3.587ha, tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ 2017, tập trung ở 4 tỉnh, thành An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ và Long An… Từ đầu năm đến nay giá cá tra giống trung bình từ 60.000 - 70.000 đồng/kg đối với cỡ 30 con/kg và 70.000 - 80.000 đồng/kg đối với cỡ 50 con/kg.

 

An Giang được Chính phủ chọn điểm thực hiện chuỗi liên kết SX và tiêu thụ giống cá tra 3 cấp, đến nay đã cung cấp được hơn 1,7 tỷ cá bột và 300 triệu con cá tra giống cho các DN thủy sản và hộ nuôi trong, ngoài tỉnh. Chuỗi liên kết SX giống cá tra 3 cấp đang vận hành khá tốt, các bên tham gia chuỗi ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.

Còn tại Đồng Tháp, UBND tỉnh này vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Liên kết SX giống cá tra 3 cấp chất lượng cao giai đoạn 2018 – 2025, nhằm tổ chức lại SX, truy xuất nguồn gốc.

Giai đoạn 2018 - 2020, Đồng Tháp chọn từ 4 - 5 đơn vị cấp 2 đủ điều kiện tham gia liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột; cung cấp 50% nhu cầu con cá tra giống chất lượng cao trong tỉnh với số lượng khoảng 700 triệu con. Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng SX giống cá tra tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ hoàn thiện chuỗi SX giống cá tra 3 cấp với hoạt động ổn định, bền vững; cung cấp 100% con cá tra giống chất lượng cao toàn tỉnh với nhu cầu là 1,5 tỷ con cá tra giống. Hiện tại, Đồng Tháp có 4 vùng chuyên SX giống cá tra tập trung với tổng diện tích 400ha tại các huyện: Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành và thị xã Hồng Ngự.

Theo Bộ NN-PTNT, mô hình liên SX xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao là khâu đột phá, trong đó DN đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo trong toàn bộ chuỗi liên kết SX giống, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở nghiên cứu, HTX, THT, các hộ SX giống, nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cá tra. Mục tiêu đến năm 2020 các chuỗi SX giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% con giống chất lượng cao cho vùng ĐBSCL với nhu cầu toàn vùng là 2,2 - 2,5 tỷ cá tra giống. Đến năm 2025 các chuỗi này hoạt động ổn định, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL với nhu cầu 2,5 - 3 tỷ cá tra giống.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm