| Hotline: 0983.970.780

“Trắng tay” ngay đầu vụ

Thứ Năm 27/06/2013 , 09:47 (GMT+7)

Hệ thống thủy lợi bất cập, thời tiết mưa nắng thất thường… khiến nông dân Cà Mau “trắng tay” ngay từ đầu vụ lúa HT năm 2013.

Hệ thống thủy lợi bất cập, chưa khép kín, không đáp ứng được nhu cầu SX, cộng với việc thời tiết mưa nắng thất thường… là một trong những nguyên nhân khiến nông dân Cà Mau “trắng tay” ngay từ đầu vụ lúa HT năm 2013.

Hơn nửa tháng nay, bà con nông dân ở xã An Xuyên, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) như “ngồi trên đống lửa” khi ruộng lúa nhà mình cứ chết dần vì bị nước bao vây tứ phía, gây ngập úng. Chỉ mới xuất hiện mấy cơn mưa đầu mùa mà ở địa phương này đã có đến hàng trăm ha lúa bị thiệt hại từ 80-100%.

Ông Quách Thanh Nhã, Phó chủ tịch UBND xã An Xuyên, TP Cà Mau, cho biết, trong vụ HT năm 2013, toàn xã xuống giống được hơn 1.100 ha. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này đã có hơn 659 ha bị thiệt hại (tập trung ở các ấp như: ấp 4, Tân Dân, Tân Thời, Tân Hiệp…).

Trong đó, có đến 456 ha bị thiệt hại hoàn toàn, số diện tích còn lại cũng bị thiệt hại từ 50% trở lên. “Hiện vẫn chưa thống kê được con số cụ thể, nhưng ước tính thiệt hại về tiền của là rất lớn”, ông Nhã nói.


Bà Ngô Thị Lục xót xa bên ruộng lúa nhà mình

Trao đổi với chúng tôi, ông Lữ Vũ Bình, Trưởng ban nhân dân ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, TP Cà Mau, nói buồn: “SX lúa ngày càng gặp nhiều trở ngại, trong khi cái gì cũng tăng giá từ lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nhưng khổ nỗi giá lúa thì không tăng. Do đó nông dân chúng tôi thua lỗ sau mỗi vụ SX là chuyện bình thường”.

Ông Bình cho biết, trong vụ lúa HT năm nay gia đình ông SX trên diện tích hơn 1 ha, nhưng tính đến thời điểm này đã có hơn 0,7 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn.

Lão nông này không giấu được sự lo lắng: “Hồi đầu vụ khi xuống giống gặp phải hạn, bị chim, dế cắn phá khiến cho cây lúa phát triển rất èo uột, gia đình phải bỏ tiền thuê nhân công dặm lại lúa. Đến giai đoạn lúa được 35-40 ngày tuổi, cây lúa phát triển tương đối tốt thì gặp phải mưa dầm gây ngập úng”.

Có chung nỗi buồn như ông Bình, ông Phạm Hoàng Anh cũng “mếu máo” khi đã mất trắng hơn 15 triệu đồng trong vụ lúa HT này.

“Tính từ đầu vụ tới nay tôi đã phải sạ đi sạ lại đến 3 lần trên cùng diện tích 1,2 ha đất nhà mình. Lần đầu khi mới gieo sạ gặp phải nắng lúa chết, lần thứ 2 xuống giống cũng không xong. Để ăn chắc tôi thuê công trục lại toàn bộ diện tích đất để gieo sạ lần 3, nhưng cũng thua luôn vì gặp phải mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua”, ông Anh cho biết.

Tương tự, bà Ngô Thị Lục, ngụ ấp 4, TP Cà Mau cũng đang lo sốt vó vì lúa chết. Bà Lục cho biết, gia đình bà thuê gần 1 ha đất của người khác trồng lúa, tính đến thời điểm này gia đình đã đầu tư nhiều tiền của, nhưng giờ đây thì mất trắng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với những diện tích bị thiệt hại hoàn toàn người dân phải tốn thêm nhiều tiền của, công sức để tiếp tục gieo cấy. Nhiều người vì không muốn bỏ đất trống đã mua mạ để cấy lại.

 “Làm nông dân chẳng lẽ bỏ ruộng trống. Đến cuối vụ thấy người ta thu hoạch mà đất nhà mình không có gì thì buồn lắm. Dù biết lỗ nhưng cũng phải làm. Vừa rồi tôi quyết định mua mạ cấy lại với giá 35 giạ lúa (khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng), cộng thêm 6 triệu đồng tiền thuê nhân công cấy lúa thì coi như đến cuối vụ dù lúa có trúng cũng phải chịu lỗ”, ông Phạm Hoàng Anh khẳng định.

Theo kế hoạch, vụ lúa HT năm nay toàn tỉnh Cà Mau gieo sạ 35.250 ha, tập trung chủ yếu ở các địa phương vùng ngọt. Tuy nhiên do bị ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng xuất hiện vào những ngày qua đã gây thiệt hại gần 12 ngàn ha lúa trên toàn tỉnh.

Nói về nguyên nhân khiến hàng trăm ha lúa HT của người dân bị ngập úng, ông Quách Thanh Nhã, Phó chủ tịch UBND xã An Xuyên, cho biết, hệ thống thủy lợi để phục vụ cho SX nông nghiệp tại địa phương tuy có được đầu tư nhưng vẫn chưa “ổn”.

Hiện tại cái khó lớn nhất là không có trạm bơm, nên khi gặp phải mưa lớn nhiều ngày là xem như cây lúa phải chịu chìm trong nước. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết, do hệ thống thủy lợi hiện tại chưa được đầu tư khép kín nên việc SX nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro.

Ông Hoai nói: “Ở các vùng ngọt hóa của Cà Mau gồm các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau có hàng chục ngàn ha đất SX nông nghiệp. Nhưng hiện tại chỉ có huyện Trần Văn Thời và 1 phần của huyện U Minh là được đầu tư khép kín”.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.