| Hotline: 0983.970.780

Trang trại heo đầu tư 130 tỷ đồng, hiện đại nhất Đông Nam Á

Thứ Hai 25/04/2016 , 07:30 (GMT+7)

Trước khi vào ngắm đàn heo đang thư giãn trong những “resort”, phải qua 3 lần “tắm”, vệ sinh, sát trùng. Mỗi lần như vậy phải đủ thời gian quy định thì cánh cửa tiếp theo mới mở.

Đó là “resort” heo ở ấp 7, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) của Cty Lộc Phát. Đây được coi là trang trại heo hiện đại nhất Đông Nam Á, tính đến thời điểm này, với số tiền đầu tư lên đến gần 6 triệu USD, tức khoảng hơn 130 tỷ đồng.

Những 'ông Hoàng, bà Chúa'... heo

Trang trại heo nằm cách cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, biên giới Việt Nam - Campuchia chỉ vài km, gồm khu trang trại chính diện tích 54ha và 45ha vành đai. Thông thường, khi đến gần khu vực nuôi heo, người ta phải bịt mũi, nhăn mặt vì mùi hôi. Nhưng ở đây thì khác, bước chân qua cổng trại, tôi ngỡ ngàng khi tận mắt thấy trang trại heo mà chẳng khác gì khu resort cao cấp. Những hàng cây, thảm cỏ, vườn hoa, hồ nước… đã xua tan cái nóng như rang ở vùng biên giới. Và không thấy dấu hiệu gì cho thấy đây là nơi đang nuôi đến 15.000 con heo các loại.

Sau khi đã trải qua các bước vệ sinh nghiêm ngặt, chúng tôi bắt đầu đi tham quan những chuồng heo bằng xe điện. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Cty Lộc Phát cho biết, trang trại dành đến 2/3 diện tích cho cây xanh, hồ nước, công viên. Chỉ riêng chi phí đầu tư cho cây xanh đã hết 4 tỷ đồng.

Là người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi heo, xây dựng hệ thống chuồng heo khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây, miền Trung, trước khi xây dựng trang trại đạt tiêu chuẩn châu Âu này vào năm 2009, ông Hiếu đã nhiều lần sang Thái Lan tham quan mô hình chăn nuôi heo hiện đại của tập đoàn C.P. Trang trại Phát Lộc cũng là sản phẩm hợp tác với Cty C.P Việt Nam.

12-28-55_nh-1
Nhìn bên ngoài trang trại heo Lộc Phát, không ai nghĩ đây là nơi nuôi heo

Ông Hiếu cho biết, trang trại được thiết kế, vận hành theo quy trình tự động, khép kín với quy mô 2.400 heo nái, nọc và hơn 12.000 heo thịt theo tiêu chuẩn GMP. Mỗi loại heo được phân chia, chăm nuôi bằng kỹ thuật, quy trình riêng, gồm 6 trại heo mang thai, 4 trại heo nái và 1 trại heo nọc, heo con cai sữa, heo thịt.

Nguồn heo giống bố mẹ được nhập từ C.P Thái Lan, Đan Mạch, được sàng lọc rất kỹ để đạt tiêu chuẩn tốt nhất, chất lượng cao. Các trại đều có đường dẫn thức ăn tự động đến các chuồng heo. Chế độ ăn trong đó đủ lượng, dinh dưỡng theo trọng lượng, tuổi và phù hợp sức khỏe của heo từng ngày.

Tất cả các trại đều có hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ, phù hợp sức khỏe cho heo. Hệ thống cung cấp thức ăn cho heo, vệ sinh chuồng trại đều tự động. Liều lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn cũng được máy móc trộn sẵn, định kỳ cung cấp cho heo.

“Heo sinh sau 21 ngày là cai sữa, đến 5 - 6 tháng tuổi, heo đạt trọng lượng trên 110kg. Lúc này bắt đầu được chọn lọc con tốt để cung cấp giống nái, nọc cho các trại chăn nuôi trong hệ thống C.P. Heo giống được quản lý chặt chẽ, có lý lịch trích ngang, đảm bảo không bị trùng huyết. Số heo không đạt tiêu chuẩn chọn giống sẽ được chuyển qua trại nuôi heo thịt”, ông Hiếu nói.

12-28-55_nh-3
Hệ thống trang trại hiện đại

Với hệ thống xử lý chất thải biogas trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được đưa vào hệ thống xử lý, tạo ra 30% năng lượng gas, điện cho toàn trang trại. Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng.

Với tiêu chuẩn hình mẫu về trang trại chăn nuôi hiện đại, đầu năm 2015, trang trại chăn nuôi Lộc Phát gồm 2 cơ sở là Lộc Ninh 1 và 2, đã được tổ chức SGS cấp 2 chứng chỉ ISO quốc tế gồm ISO 9001:2008 về quản lý chất lượng và ISO 14001:2004 về hệ thống quản lý môi trường. Đây là hai trang trại chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam đạt cả hai chứng chỉ ISO quốc tế về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý môi trường.

Để “tiêu thụ” số lượng nhau thai heo “khủng” và heo con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo sinh sản, trang trại đã đầu tư khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Đây không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn là nguồn lợi rất lớn của công ty.

Lợi ích kép

Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nhất, hiện năng suất chăn nuôi của Lộc Phát tương đương các nước phát triển của châu Âu và Mỹ, với năng suất sinh sản hiện tại đạt 27 heo con cai sữa/nái/năm. Đây là một mô hình mẫu cho phát triển trang trại chăn nuôi heo tại Việt Nam.

Ngoài việc đầu tư hệ thống bài bản, hiện đại, còn đầu đầu tư trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn của Cty C.P, giúp sinh viên các trường đại học, cao đẳng có điều kiện học tập và thực hành tất cả các quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo từ sản xuất heo con cai sữa đến heo giống hậu bị xuất chuồng.

Tuy nhiên, tiêu chí quan trọng hàng đầu để tồn tại bền vững và ngày càng đi lên, đó là vấn đề xử lý môi trường. Ông Hiếu tâm sự, ở bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi người làm phải có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sống và lợi ích cho đối tượng liên quan trước khi nghĩ đến lợi ích của mình. Chăn nuôi là một trong những ngành tác động lớn nhất đến môi trường, nếu nhà đầu tư nghĩ đến cái lợi trước mắt, không có sự đầu tư đúng mức cho hệ thống xử lý thì hậu quả sẽ vô cùng lớn.

Ngược lại, nếu muốn phát triển bền vững, thì phải đầu tư bài bản, đó không chỉ là sự khôn ngoan, mà còn thu lợi ích kép. Bởi khi đã đầu tư bài bản, theo quy trình xử lý khép kín, các chất thải chăn nuôi sẽ đem lại nguồn lợi không hề nhỏ, tạo môi trường sạch, giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

12-28-55_nh-5
Hệ thống xử lý chất thải biogas

"Những lần sang Thái Lan tham quan, tôi học được ở họ điều này: Đầu tư hướng đến lợi ích cho cộng đồng và nhân viên trước, sau đó mới đến lợi ích công ty.

Hơn ai hết, tôi hiểu nếu sống gần một trại nuôi heo mà chất thải không được xử lý thì sẽ khổ thế nào. Lúc ấy dù có ăn cao lương mỹ vị, nằm ngủ trên giường bằng vàng đi nữa cũng không sướng nổi. Cho nên, yêu cầu bắt buộc đối với trang trại heo là không được ảnh hưởng đến cộng đồng, đến môi trường”, ông Hiếu nói.

Trang trại chăn nuôi Lộc Phát chính thức thả heo năm 2011, đến nay mới chỉ hoạt động 4 năm, nhưng ông Hiếu tự tin cho biết, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thu hồi vốn. Bởi trang trại đang đi đúng hướng là đầu tư bền vững. Lộc Phát đang là một trong số ít doanh nghiệp ở Lộc Ninh đóng thuế cho nhà nước cao nhất. Không bao lâu nữa, nguồn thu của trang trại không chỉ có heo, mà còn từ những ao cá, đàn cá sấu hàng ngàn con và nhiều cây trồng khác.

12-28-55_nh-6
2 chứng chỉ ISO quốc tế của trại heo Lộc Phát

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm