Trang trại nuôi cá tầm lấy trứng độc đáo này nằm ở thị trấn nghỉ mát ven biển nổi tiếng Hua Hin, cách thủ đô Bangkok của Thái Lan khoảng 200 km, mất gần ba giờ đồng hồ di chuyển bằng xe hơi.
Hiện đang là thời điểm đội ngũ kỹ sư và nhân công của trang trại thu hoạch trứng cá tầm- sản phẩm được ví là "vàng đen" để cung cấp cho nhà phân phối Caviar House ở địa phương đem về chế biến.
Tại đây có thể dễ dàng chứng kiến hàng trăm con cá tầm khổng lồ đang bơi lượn lờ trong bể chứa nước luôn được giữ ở nhiệt độ 21 độ C, nơi cách rất xa Biển Caspi lạnh giá - vốn là môi trường sinh sống tự nhiên của loài cá này.
“Không một ai có trang trại nuôi cá tầm lấy trứng theo kiểu này ở những nền khí hậu nhiệt đới”, Alexey Tyutin, đồng chủ sở hữu trang trại nói.
Cá tầm là loài cá được coi là “khủng long sống”, có thể tồn tại tới 100 năm và thường dài tới 4 mét.
Theo cách truyền thống, các nhà sản xuất trứng cá muối thường giết mổ con cái để lấy trứng, nhưng trang trại của Tyutin lại không làm như vậy, mà bằng cách "vắt sữa" cá tầm. Người đàn ông 55 tuổi này cho biết, việc nuôi cá tầm lấy trứng theo cách này càng lâu sẽ càng giúp cho việc kinh doanh thêm bền vững và có lãi.
Trong quá trình thu hoạch, cá tầm cái được chuyển đến "phòng lạnh", ban đầu được đặt ở nhiệt độ 6 độ C và tăng lên 15 độ C, trước khi trứng của chúng được chiết tách ra.
“Nếu con cá nặng 25kg, chúng tôi thường kỳ vọng có khoảng từ 2,6 đến 2,7kg trứng cá muối”, ông Tyutin nói và cho biết thêm rằng trang trại ước tính có thể sản xuất tới hai tấn trứng cá muối trong năm nay.
Việc nuôi cá tầm lấy trứng trong môi trường mô phỏng đòi hỏi một nguồn năng lượng khổng lồ, mặc dù trang trại này đã tận dụng tối đa nguồn điện từ các tấm pin mặt trời, nhưng hóa đơn tiền điện hàng tháng của trang trại vẫn lên tới gần 9.000 USD.
Ông Tyutin cho biết: “Chúng tôi luôn phải duy trì nguồn nước lạnh giữa nền nhiệt độ nước ở bên ngoài là 31 độ C. Nếu không những con cá xứ lạnh này sẽ không thể chịu đựng được và chúng sẽ chết ngay lập tức”.
Tuy nhiên có một ưu thế không nhỏ là chính khí hậu nhiệt đới của Thái Lan đã mang lại cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh vì nhiệt độ nước cao hơn lại giúp cho cá tầm trưởng thành (có trứng) ngay ở độ tuổi sáu tuổi so với 11 tuổi ở Nga.
Do nguồn cung ít ỏi nên hiện nhà phân phối Caviar House mới chỉ bán trứng cá muối tại thị trường trong nước, với mỗi hộp được bán lẻ với giá từ 230 đến 832 USD (tùy loại) và hy vọng sẽ có thể xuất khẩu trong tương lai.
Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt gần đây của Liên minh châu Âu đối với Nga về cuộc tấn công Ukraine đã nhắm vào sản phẩm trứng cá muối xa xỉ của nước này. Tuy nhiên các biện pháp hạn chế phần lớn chỉ mang tính biểu tượng vì lượng xuất khẩu trứng cá tầm của Nga không đáng kể.
“Thay vào đó, sự cạnh tranh lớn hiện đến từ Trung Quốc, nước đã trở thành “người khổng lồ” trên thị trường khi chiếm tới 84% số lượng cá tầm trên thế giới”, theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu.
Theo dự báo của hãng Technavio Research, ngành công nghiệp nuôi cá tầm đã bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 trong vòng hai năm vừa qua khiến các nhà hàng cao cấp, hãng hàng không và ngành ẩm thực bị lao đao. Tuy nhiên thị trường trứng cá muối quốc tế dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7% từ nay đến năm 2025.
Pháp, Đức, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật Bản và Nga hiện vẫn là những thị trường lớn, nhưng nhu cầu tiêu dùng mặt hàng trứng cá muối đang tiếp tục tăng nhanh ở các khu vực khác của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Những người sành ăn và đầu bếp Thái Lan đang cố gắng quảng bá sản phẩm trứng cá tầm “nội địa” với nhiều lợi ích như giàu vitamin, khoáng chất và axit béo omega-3.
“Chỉ mất vài ngày sau khi đặt hàng, các đầu bếp nổi tiếng (có chứng chỉ sao Michelin) trong nước sẽ có ngay sản phẩm trứng cá muối để dùng thử. Họ nói rằng đây là một sản phẩm tốt và điều quan trọng là nó được sản xuất tại Thái Lan với giá cả phải chăng hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu. Và họ thực sự rất tự hào khi được giới thiệu sản phẩm này", Noppadon Khamsai, 43 tuổi, đồng sở hữu trang trại cho hay.