| Hotline: 0983.970.780

Những cựu binh "toả sáng" giữa đời thường

Trang trại 'vàng' của ông thương binh tỷ phú

Thứ Năm 28/07/2022 , 06:35 (GMT+7)

Từ giã bộ quân phục trở về đời thường với bộ quần áo “dân thường”, ông lập trang trại “vàng”, trở thành doanh nhân, chẳng thua gì người trẻ “kiến thức đầy mình”.

Đó là cựu chiến binh, thương binh, đại tá Đoàn Văn Chiến, một trong số những người giàu nhất ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Trên “trận tuyến” mới

Nhìn thân hình rắn chắc, phong thái nhanh nhẹn của lão nông, cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến, tôi không khỏi ngạc nhiên khi ông cho biết năm nay đã 78 tuổi. Từng “vào sinh ra tử” ngay tại vùng “Tam giác sắt” Bình Dương nổi tiếng trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, trở về đời thường, ông mang di chứng chất độc da cam, nhiều vết thương trên đầu, thương binh loại II, mất hơn 65% sức khỏe. Vậy nhưng, ông vẫn làm việc hăng say “không thua gì đám trẻ”, như lời ông nói vui. Sau khi đất nước thống nhất chưa bao lâu thì cuộc chiến biên giới Tây Nam nổ ra, ông lại tiếp tục chiến đấu, rồi sang giúp nước bạn Campuchia.

Cựu chiến binh, thương binh Đoàn Minh Chiến bên những trái bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Cựu chiến binh, thương binh Đoàn Minh Chiến bên những trái bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Tham gia cách mạng từ năm 1960, khi mới 16 tuổi, ông Chiến trực tiếp chiến đấu tại C61, huyện Bến Cát (tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Rồi sau đó, ông trải qua nhiều cương vị ở các đơn vị: Tiểu đoàn Đặc công Sài Gòn Gia Định, Trung đoàn Gia Định, Sư đoàn 477, QK7 và từng là một trong những người đứng đầu 1 sư đoàn.

“Vùng “Tam giác sắt” đã có tiếng từ kháng chiến chống Pháp, nhưng đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, vùng này càng nổi tiếng hơn, không thua gì Củ Chi của Sài Gòn. Đơn vị Đặc công Sài Gòn - Gia Định của chúng tôi từng khiến những đội quân viễn chinh Mỹ hàng trăm lần thất bại ở vùng “Tam giác sắt” này. Nói vui thì tụi tui đánh thắng giặc dễ như ăn kẹo”, ông Chiến hóm hỉnh nhắc lại chuyện xưa.

Nghỉ hưu năm 1993 với quân hàm đại tá, ông Chiến trở về quê hương, vùng chiến khu Đ năm xưa. Tại đây, ông lại bước vào một “trận tuyến mới”: làm kinh tế.

Ông Chiến cho biết, toàn bộ trang trại bưởi đã được chọn tạo cây giống rất kỹ, chăm sóc đúng quy trình VietGAP nên sản phẩm sạch, đẹp và hình thức đồng đều. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Ông Chiến cho biết, toàn bộ trang trại bưởi đã được chọn tạo cây giống rất kỹ, chăm sóc đúng quy trình VietGAP nên sản phẩm sạch, đẹp và hình thức đồng đều. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Sau một thời gian đi khảo sát, nghiên cứu, ông bắt tay vào khai hoang vùng đất lồi lõm, đồi gò, loang lổ hố bom dọc bờ con sông Bé ở xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. “Bây giờ cậu đến đây có thể chạy bon bon trên đường nhựa, đường bê tông như vậy, chứ cách đây 3 chục năm, nếu không phải người địa phương, chẳng ai bén mảng đến chỗ này được. Vì khi đó vùng đất này còn hoang hóa, “3 không”: không điện, không nước, không đường, chỉ có cây dại, xen lẫn bom mìn.

Việc đầu tiên tôi làm khi đó là gọi một số đồng đội cũ đến hỗ trợ rà soát và gỡ sạch bom mìn còn sót lại. Khi đất “sạch” rồi, tôi mới bắt đầu san lấp, cải tạo. Chủ yếu làm thủ công nên mất nhiều công sức lắm. Lúc đó tôi còn sức khỏe chứ như bây giờ không thể làm việc nặng được nữa. Cải tạo đến đâu tôi trồng cây đến đó. Ban đầu trồng lúa để lấy lương thực, sau đó trồng cao su xen cây ăn quả, trong đó có bưởi da xanh, loại cây chủ lực hiện nay”, ông Chiến kể.

Sau gần chục năm, trang trại tổng hợp rộng hơn 30ha đầu tiên ở xã Bình Mỹ đã hoàn tất. “Năm 2000, tôi tiếp tục khai phá một vùng đất hoang khác ở xã Tân Định, cũng nằm ven sông Bé rộng hơn 20ha nữa”, ông Chiến kể tiếp.

Thời điểm những năm đầu thế kỷ 21 này, ông Chiến là một cựu chiến binh nổi bật không chỉ ở Bình Dương mà còn ở cả khu vực miền đông với trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng, tổng diện tích hơn 50ha. Trong đó có 33ha cao su; 10ha cây ăn trái, 2ha mặt nước nuôi cá và 7ha rừng. Mỗi năm, gia đình ông thu được trên 350 tấn mủ cao su các loại, 30 -35 tấn trái cây, 15 tấn măng tre, trúc… thời điểm cách đây gần 2 chục năm, một trang trại nông nghiệp mà đạt lợi nhuận 600- 700 triệu đồng là con số “khủng”.

Hiện tại, ông Chiến đã quy hoạch lại trang trại, trong đó, cây ăn trái chủ yếu phát triển cây bưởi da xanh với 31ha. “Năm nay dự kiến sản lượng bưởi của trang trại đạt khoảng 350 tấn. Thương lái mua “xô” tại vườn giá từ 20-25 ngàn đồng/kg. Chi phí đầu tư hết khoảng 60-70%. Nghĩa là mỗi ký bưởi lãi khoảng 7-8 ngàn đồng”, ông Chiến cho biết.

Khoảnh vườn này mới được ông Chiến đầu tư với các cây giống được chọn tạo rất kỹ, và được áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ. Ảnh: Phúc Lập.

Khoảnh vườn này mới được ông Chiến đầu tư với các cây giống được chọn tạo rất kỹ, và được áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ. Ảnh: Phúc Lập.

Năng động giữa thời bình

Như trên đã nói, vốn là một người lính, chỉ biết cầm súng đánh giặc, nhưng khi trở về đời thường, ông làm ăn chẳng thua người trẻ “kiến thức đầy mình”. Ngay tại thời điểm mà khái niệm công nghệ cao còn rất ít người nghe, thì ông đã áp dụng. Nếu không giới thiệu, thì ai cũng sẽ tưởng trang trại của ông thương binh gần 80 tuổi này là của một chuyên gia về nông nghiệp.

“Trang trại của tôi không bằng phẳng mà lại có gò đồi và thung lũng, nếu dùng sức người để tưới thì tốn sức vô cùng, hiệu quả cũng không cao. Lúc đó tôi đã nghĩ phải có cách nào khác để tối ưu quy trình tưới tiêu, nếu không sẽ rất phí sức mà hiệu quả không cao. Sau khi tìm hiểu qua nhiều tài liệu, mô hình, tôi quyết định đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp hệ thống tưới tiêu. Cùng với trạm bơm, bồn nước, công nghệ tưới phun tự động giúp tôi tiết kiệm nhân lực, hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà năng suất lại cao hơn nhiều”, ông Chiến kể.

Toàn bộ trang trại được đầu tư đồng bộ, quản lý chặt chẽ, hoạt động nhịp nhàng. Ngoài hệ thống tưới phun, ông Chiến còn cơ giới hóa rất nhiều khâu quan trọng khác, đầu tư thiết bị đo độ ẩm đất để chủ động lượng nước, tối ưu dinh dưỡng cho cây. Ông đầu tư hệ thống camera giám sát toàn bộ trang trại, nên dù ở đâu, vẫn có thể bao quát được tình hình trang trại và đưa ra những quyết định kịp thời.

Nhều năm nay, trang trại tổng hợp của cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến là địa chỉ được nhiều đoàn khách ghé tham quan, học hỏi. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Nhều năm nay, trang trại tổng hợp của cựu chiến binh Đoàn Minh Chiến là địa chỉ được nhiều đoàn khách ghé tham quan, học hỏi. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Không dừng lại ở việc áp dụng công nghệ, ông “cựu chiến binh, nông dân 4.0” này còn tìm tòi, nghiên cứu, chọn tạo cây giống để nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng nữa. “Một số giống cây ngày xưa bộ gen không còn tốt, khó có thể cho ra trái ngon. Cũng cùng làm nông nghiệp như mình, nhưng trái cây của các nước tại sao lại ngon hơn, giá thành cao hơn, nghĩ như vậy nên tôi thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, chọn lọc giống cây.

Sản phẩm mình làm ra, trước mắt là cho mình, người thân của mình ăn, sau đó đến bà con, lối xóm, rồi mới đến thị trường. Cho nên, nếu nó sạch, nó ngon, thì mình hưởng thụ trước, còn nó dở, nó không tốt cho sức khỏe thì mình cũng là người chịu hậu quả trước. Chưa kể, sản phẩm cần phải sạch, phải ngon thì mới tồn tại và phát triển bền vững được. Ngoài ra, mình làm gì thì làm, cũng phải nghĩ đến hậu quả về môi trường, phải làm quy trình thân thiện, ít ảnh hưởng môi trường nhất”, ông Chiến nói.

Với những suy nghĩ như thế, nên ngay khi có các quy chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP), ông Chiến đã ngay lập tức áp dụng. Chỉ dùng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, và tuân thủ gắt gao những tiêu chuẩn về sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đến năm 2013, Trang trại tổng hợp của ông Chiến đã hoàn thiện việc đầu tư công nghệ đạt chuẩn VietGAP, được Sở NN-PTNT Bình Dương, cùng Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy trao Giấy chứng nhận VietGAP.

Dù đã 78 tuổi, ông Chiến vẫn không có ý dịnh nghỉ ngơi, tiếp tục thực hiện những kế hoạch lớn. Ảnh: Nguyễn Thắng. 

Dù đã 78 tuổi, ông Chiến vẫn không có ý dịnh nghỉ ngơi, tiếp tục thực hiện những kế hoạch lớn. Ảnh: Nguyễn Thắng. 

“Tuổi chú đã cao, lại có cơ ngơi như trong mơ thế này, đã đến lúc nghỉ ngơi chưa hay còn có dự định nào khác trong tương lai không?”, tôi hỏi. “Còn chứ. Tôi chưa nghỉ đâu. Vì còn nhiều việc phải làm. Vườn bưởi da xanh ruột hồng này tôi mới làm theo quy chuẩn VietGap thôi, giống đều chọn lựa kỹ, cây khỏe, năng suất ổn định rồi, giờ cần phải nâng cấp chất lượng sản phẩm lên hữu cơ, GlobalGAP nữa chứ. Như vậy mới có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài. Sắp tới đây tôi sẽ đầu tư xây dựng nhà máy để hoàn hảo sản phẩm về mặt bao bì, đóng thùng, và nhiều công đoạn khác để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tôi còn có kế hoạch xây nhà máy chuyên chế biến phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, ví dụ như gọt vỏ bưởi chiết xuất tinh dầu…”, ông Chiến nói về những dự định sắp tới.

"Đây là những kế hoạch không hề nhỏ, chú có tính đến sức khỏe của mình không?", tôi hỏi tiếp. Ông cười đáp gọn: "Tôi là người lính mà".                                  

Năm 2011, trang trại tổng hợp của ông Chiến đạt tiêu chí Quốc gia về trang trại vườn – ao – chuồng – rừng, được công nhận là “Mô hình trang trại vàng Việt Nam”. Riêng ông Chiến được công nhận là công dân kiểu mẫu, đảng viên xuất sắc, là “Doanh nhân làm theo lời Bác”; “Doanh nhân thời hội nhập” và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về phát triển trang trại.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.