| Hotline: 0983.970.780

Tranh cãi nảy lửa về xoan

Thứ Hai 27/02/2012 , 13:50 (GMT+7)

Ngay trong những ngày tôn vinh hát xoan, đã có nhiều ý kiến lên tiếng về việc xoan đang bị cách tân, bị “chèo hóa”.

Cải biên hát xoan thành một thể loại gọi là hát xoan mới để quảng bá di sản hát xoan. Cách làm này, ở địa phương thì cho rằng để quảng bá di sản, còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng đang phá di sản.

Xoan hay chèo?

Ngay trong những ngày tôn vinh hát xoan khi loại hình nghệ thuật này được nhận bằng Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp tại Phú Thọ, đã có nhiều ý kiến lên tiếng về việc xoan đang bị cách tân, bị “chèo hóa”.

Ngay sau khi những nghệ nhân, người dân các phường xoan lên trình diễn những điệu xoan đúng như những gì mà người dân các phường xoan đã gìn giữ, lưu truyền trong hằng trăm năm qua thì các nghệ sỹ của đoàn nghệ thuật Phú Thọ lên trình diễn một kiểu “xoan mới” khiến nhiều người ngỡ ngàng. Hai nghệ thuật khác hẳn nhau, từ trang phục đến điệu hát, múa. BTC chương trình thì giới thiệu đó là xoan mới. Các nghệ nhân cho rằng, hình thức cải biên xoan mới đã bị “chèo hóa”, khác hẳn với hát xoan truyền thống. Trong khi đó, lập luận của các nhà quản lý thì cho rằng, đó là hành động cần thiết để xoan thu hút công chúng.

Mặc dù cơ quan quản lý văn hóa của tỉnh Phú Thọ giải thích rằng điều này mới là thử nghiệm và Phú Thọ vẫn đảm bảo giữ gìn xoan cổ. Song Phú Thọ cho rằng, đó cũng là một cách để phát huy, quảng bá xoan, đưa hát xoan thoát khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp” để trở thành di sản văn hóa đại diện của nhân loại vào năm 2015. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này.

GS Đặng Hoành Loan, một trong những người đã dày công nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hát xoan là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, đã bày tỏ sự lo ngại của mình trước hiện tượng này. Ông khẳng định: “Một trong những nguyên tắc, nếu chúng ta dùng chữ “xoan mới” nghĩa là chúng ta đã xâm hại bản quyền của xoan cổ truyền, vì xoan chỉ sinh ra trong một thời kỳ lịch sử nhất định và chỉ phát triển trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Khi mà chế độ xã hội thay đổi thì không thể có hình thức hát xoan khác ngoài hát xoan truyền thống. Vì vậy, quan niệm sáng tác ngày nay, làm méo mó xoan rồi gọi là xoan mới thì rất nguy hiểm. Bóp méo di sản bằng lối hát, bằng ngôn từ, bằng trang phục thì tự nhiên, di sản ấy sẽ ngày một ngày hai tàn tạ”.

Theo GS Đặng Hoành Loan, xoan mới không không phải là xoan. Đó là hát kiểu khác, lời khác. GS Loan nhấn mạnh: “Khái niệm xoan mới không có trong hồ sơ quốc gia. Hồ sơ quốc gia chỉ có một lối, một hình thức nghệ thuật gọi là hát xoan. Hình thức ấy xuất hiện từ cách đây hơn ngàn năm, từ thời kỳ đền miếu để đến thế kỷ 17, Phú Thọ mới có đình làng. Người dân Việt sinh ra nghệ thuật ấy để hát thờ vua Hùng, nghệ thuật ấy là hát xoan, chỉ có một hình thức, chớ dùng danh từ thứ hai làm méo mó hát xoan”.

Hiện, các đoàn văn nghệ Phú Thọ sử dụng toàn bộ chặng thứ 3 của hát xoan còn gọi là hát giao duyên hay còn gọi là phần hát bợm gái, rồi biến nó thành hát chèo và gọi đó là xoan mới, đi biểu diễn ở nhiều nơi. Hiện tượng này, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng: “Đây là cách làm đang phá hoại hát xoan chứ không phải là cách tân, cải biến để bảo vệ xoan như người ta tưởng".

Vênh lời giải

Theo ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ, hiện tượng xoan mới (còn gọi là xoan đương đại) có xuất hiện tại tỉnh nhưng là mọi người tự gọi, chứ không phải các nhà chuyên môn, cũng không phải là do những người quản lý đặt tên như thế. Ông Khiêm cũng cho rằng: “Trong bảo tồn và phát huy giá trị của văn nghệ dân gian vẫn tồn tại hai cách đó là biểu diễn nguyên gốc và sáng tác trên chất liệu cũ, chỉnh lý để nâng cao hơn cho phù hợp với đời sống hiện đại. Điều này không thể cấm được và tỉnh chủ trương làm như thế".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, với hát xoan, phải giải thích để cho người dân hiểu rõ, chỉ có xoan truyền thống là giá trị đáng quý phải gìn giữ, còn những sáng tác mới kia là những sáng tác mang tính cá nhân của người nhạc sỹ. Không phải là hát xoan. Có như vậy, thì mới không làm mất lòng tin của những người dân phường xoan - những người đã bao năm qua vẫn gìn giữ di sản.

GS Loan cho rằng: “Ngày nay chúng ta không thể phát triển được xoan mà chỉ phát huy được xoan. Vì chúng ta không còn ngôn ngữ ấy nữa, không còn tư duy ấy nữa nên khi đụng vào phát triển, tức là chúng ta làm khác hoàn toàn. Nhưng chúng ta càng làm mới thì di sản càng bị hủy hoại và càng không được tiếp thu”.

Mối lo ngại ấy là có cơ sở, bởi Phú Thọ có hơn 1.000 đội văn nghệ cấp huyện, nếu mỗi đội đều hát xoan cải biên thì có thể nói, sức ảnh hưởng của xoan mới sẽ lấn át xoan cổ. Trong nỗ lực bảo tồn di sản hát xoan, Phú Thọ đang phục hồi không gian hát xoan với việc dựng lại miếu Lãi Lèn, đình làng Thét… Hy vọng, trong không gian nguyên gốc của di sản, sẽ không có những “di sản cải biên”.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất