| Hotline: 0983.970.780

Tranh cãi xung quanh Hội nghị Công dân vì khí hậu đầu tiên

Thứ Sáu 22/11/2019 , 09:56 (GMT+7)

Việc chính quyền thành phố Paris được “bật đèn xanh” để người dân tham gia trực tiếp vào tiến trình xây dựng các giải pháp chống biến đổi khí hậu mà không thông qua chính phủ được coi là bước tiến mới.

Phong trào Extinction Rebellion cho rằng việc “bật đèn xanh” cho Hội nghị chỉ là “giải pháp vặt vãnh”  phục vụ cho mục tiêu duy nhất của chính phủ là “câu giờ’’

Theo đó, niềm tin được đặt vào xã hội dân sự - công dân với sự hỗ trợ của chính phủ- điều chưa từng có này cũng gây ra không ít hoài nghi.

Theo AFP, trong hai năm lãnh đạo đầu tiên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhà lãnh đạo trẻ này đã liên tục bị chỉ trích là “lơ là với mục tiêu khí hậu và sinh thái”. Nhưng đúng vào lúc phong trào biểu  tình “Áo vàng’’ bùng nổ để phản đối sắc thuế sinh thái bất công nhắm vào xe hơi, ông Macron đã ra quyết định lập một Ủy ban Cấp cao về Khí hậu vào ngày 27/11/2018, dọn đường cho việc thành lập Hội nghị Công dân vì khí hậu được chính thức tiến hành sau đó để tìm lối thoát cho khủng hoảng “Áo vàng’’.

Trong đó, đáng chú ý là vai trò quan trọng của nhóm  ‘‘Gilets Citoyens’’, ra đời đầu năm 2019 bao gồm khoảng 100 nhà hoạt động xã hội có cả một số thành viên phong trào “Áo Vàng” cùng các chuyên gia môi trường…

Mục tiêu của ‘‘Gilets Citoyens’’ là cùng với chính quyền thúc đẩy một tiến trình dân chủ mới, hướng đến các mục tiêu lớn để sao cho mọi công dân đều có thể tích cực tham gia nhằm tìm ra các giải pháp cho khủng hoảng.

Và Hội nghị Công dân vì khí hậu đầu tiên này đã diễn ra ở thủ đô Paris, với sự tham gia thảo luận của 150 đại biểu là công dân với trách nhiệm đưa ra các đề xuất cụ thể về tiến trình chuyển tiếp sang nền kinh tế sinh thái. Đây được coi là mô hình xã hội thu nhỏ, với tỉ lệ đại diện cho toàn bộ người dân Pháp cả về giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, nơi cư trú… Dự kiến, những ý kiến đóng góp sẽ được trình Quốc hội bỏ phiếu, hoặc thông qua trưng cầu dân ý mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ chính phủ nhằm ‘‘cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ít nhất là 40% trước năm 2030’’...

Phát biểu tại hội nghị hôm 4/10, Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh, sự kiện này là ‘‘một hình thức chưa từng có’’ và ‘‘không hề có vùng cấm” nhằm thu hút các ý tưởng của người dân. Các đề xuất cũng sẽ được công khai và chính quyền cũng sẽ phải hồi đáp công khai. Thủ tướng Pháp thậm chí còn đề cao các ý tưởng đóng góp mà ông gọi là ‘‘các chuyên gia của cuộc sống đời thường’’, trong việc đưa ra các giải pháp, độc lập với chính phủ, độc lập với các tập đoàn lợi ích...

Để có thể đưa ra các đề xuất có chất lượng, 150 công dân tham gia hội nghị đã thảo luận với giới chuyên gia, các nhà kinh tế, các nhà nghiên cứu xã hội, giới chính khách để bảo đảm tính độc lập của tiến trình này.

Bà Muriel Raulic, 47 tuổi, làm việc trong ngành sân khấu ở thành phố Toulouse cho biết, ‘‘rất hài lòng’’ khi được tham gia Hội nghị Công dân vì khí hậu và hy vọng quan điểm bảo vệ môi trường của mình sẽ được lắng nghe.

Trả lời đài phát thanh Pháp RFI, cô gái Alexia, nữ sinh viên ngành sinh học hy vọng là hội nghị có thể "phá vỡ một số giới hạn hiện nay, do mọi người thường dè chừng các tập đoàn công nghiệp lớn".

Tuy nhiên, ngược lại cũng có một số người không mấy tin tưởng vào kết quả hội nghị. Ông Jean-Claude Ledoux, 54 tuổi, làm việc trong lĩnh vực bất động sản và cho thuê xe điện bày tỏ hoài nghi: ‘‘Liệu người ta có thực sự cần đến chúng tôi để biết là phải làm gì hay không?’’. Ông Jean-Claude cũng cho biết, bất lực trước tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Anh Guillaume Robert, 23 tuổi, đến từ đảo Réunion thì nhận xét: “Sự kiện này chỉ nên có thể coi là một cơ hội để nâng cao hiểu biết về môi trường cho giới học sinh”.

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace thi cho rằng, không nên để công dân tham gia thảo luận về khí hậu bởi nó chỉ làm ‘‘quên đi thực tế là chính phủ đang cố tình không làm gì’’. Greenpeace cũng kêu gọi những người tham gia ‘‘hãy vượt qua những giới hạn mà chính phủ áp đặt’’ do mục tiêu mà chính phủ Pháp đề ra là quá thấp, để có thể đạt được cái đích ‘‘trung hòa về khí thải’’ vào năm 2050.

(Theo AFP, RFI)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.