| Hotline: 0983.970.780

Tranh của họa sĩ liệt tứ chi

Thứ Hai 03/11/2014 , 08:15 (GMT+7)

Trên đời này, những người thiếu may mắn mà vẫn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh thì nhiều lắm. Nhưng những người như Đỗ Minh Tâm thì không nhiều. 

Bị liệt cả tứ chi, cứ tưởng cuộc đời đã khép lại, nhưng anh vẫn quyết vượt qua để tỏa sáng.

BIẾN CỐ KINH HOÀNG 

Tôi đến Trung tâm Chắp Cánh ở đường số 1, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM giữa lúc Đỗ Minh Tâm đang ngồi trên xe lăn, đôi tay yếu ớt và hơi sưng, khó nhọc điều khiển xe đi dọc hành lang treo đầy tranh. Dù không gầy yếu, nhưng sắc mặt anh khá xanh xao.

“Hình như sức khỏe anh không được tốt?”, tôi hỏi. “Mấy hôm nay thời tiết thất thường quá nên trong người đau nhức, cái tay cũng yếu đi”, Tâm đáp. Dẫn tôi đến phòng vẽ nằm trong góc trung tâm, Tâm nói: “Đây là nơi khiến mình quên đi mọi thứ để thấy cuộc đời đáng yêu hơn”. Rồi Tâm bắt đầu kể về cuộc đời mình với những biến cố kinh hoàng.

Năm 1992, chàng trai quê Thanh Hóa Đỗ Minh Tâm khi đó mới 19 tuổi, hừng hực sức trẻ, hăm hở lên đường nhập ngũ và được đứng trong hàng ngũ chiến sỹ hải quân của Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân. Anh thường xuyên cùng đồng đội ra  làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Năm 1995, xuất ngũ trở về, Tâm vào Sài Gòn lập nghiệp.

Một buổi tối cuối năm 2001, khi con đường đã vắng người qua lại, Tâm mới kết thúc một ngày lao động, đạp xe về phòng trọ. Và, đây cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời anh được ngồi trên chiếc xe đạp. “Tôi đang đạp xe về, tính ghé quán cơm xem còn gì ăn tối thì nghe rầm một tiếng, mắt mũi tối sầm, rồi không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy thì thấy đang nằm trong bệnh viện, quấn băng trắng toát từ đầu đến chân.

Người ta bảo tôi mê man một tuần rồi. Nhưng, điều kinh khủng nhất là khi tôi nghe bác sĩ thông báo tôi bị vỡ cột sống, bị liệt từ cổ trở xuống. Duy chỉ có cái đầu là bình thường.

Người ta bị tai nạn chỉ mong sao đầu không bị gì, nhưng tôi lúc đó thì mong ngược lại, giá như mình không còn nhận biết thì sẽ không còn biết tuyệt vọng nữa. Từ một người khỏe mạnh, đầy khát khao, hoài bão, tự nhiên thành “thân tàn ma dại” mà chẳng biết vì sao, cái cảm giác đó kinh khủng lắm.

Từ một người khỏe mạnh, bỗng chốc trở thành một người tàn phế, mọi hoạt động đều phải nhờ vào người khác, tôi thấy cuộc đời của mình như đã kết thúc. Lúc ấy, nếu có thể ngồi dậy được, chắc chắn tôi sẽ tìm cách giải thoát cho mình”.

Suốt 2 năm trời nằm điều trị, nhưng các bác sĩ cũng chỉ cố gắng giật anh lại từ tay thần chết, còn cơ thể anh, vĩnh viễn không thể phục hồi.

Năm 2003, bệnh viện gửi anh vào Trung tâm Chắp Cánh do nhà từ thiện người Thụy Sỹ tên Tim thành lập. Ở đây, Tâm được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị vật lý trị liệu cùng với nhiều người cùng cảnh ngộ. Nhờ được chăm sóc tốt, dần dà bàn tay phải của anh cử động được chút ít. Từ một nguồn từ thiện, anh có được chiếc xe lăn vận hành bằng pin.

nh-5142613917
Đỗ Minh Tâm ở phòng tranh tại Trung tâm Chắp Cánh

Anh tâm sự: “Ở đây, thấy nhiều người cùng cảnh ngộ như mình, nhưng họ lại an ủi, giúp đỡ mình, tôi thấy xấu hổ và bắt đầu làm quen với cuộc sống mới trên chiếc xe lăn. Thời gian đầu, không thể nào tả hết nỗi đau từ thể xác đến tinh thần. Chấn thương cột sống khiến lục phủ ngũ tạng cũng bị tổn thương nặng, phần những cơn đau hành hạ, phần chưa quen với chiếc xe lăn. Đó là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời”.

LÀM NÊN KỲ TÍCH

Sau 3 năm sống ở Trung tâm Chắp Cánh, Tâm đã ổn định tâm lý và quen với chiếc xe lăn. Anh bắt đầu nghĩ đến việc phải làm gì đó để “tàn mà không phế”. Thấy bạn bè khuyết tật học vẽ, Tâm cũng tập ngậm cọ trong miệng quẹt những nét đầu tiên.

Tâm kể, hồi đầu mới tập “cắn” cọ, hai hàm răng ê buốt, mất hết cảm giác, không ăn nổi cơm. Rồi sau đó là cảm giác chóng mặt vì đầu lắc điều khiển cọ liên tục… Tâm bảo, những nét vẽ giản đơn người bình thường chỉ cần tập trong một ngày, thì với anh, chật vật cả tháng.

Sau khi đã giữ vững các loại cọ to nhỏ bằng miệng, Tâm học tiếp các kỹ thuật hội hoạ cơ bản rồi đến nâng cao. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của anh cứ thế tuôn ra đổ vào quyết tâm đeo đuổi nghiệp vẽ.

Gần một năm miệt mài, tác phẩm đầu tay phác thảo bằng bút chì của Tâm khiến người thầy hướng dẫn phải ngạc nhiên và công nhận anh thực sự có năng khiếu.

nh-6142613987
Một trong số hàng chục bức tranh được vẽ bằng miệng của Đỗ Minh Tâm

“Tâm khiến người ta thán phục không phải vì anh là một nghệ sĩ khuyết tật, mà vì tài năng và sự sáng tạo. Tâm học từ tôi kỹ thuật vẽ, còn tôi phải học từ Tâm tính nhẫn nại, kiên trì và tinh thần vượt khó”, hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Trí, thầy dạy vẽ của Đỗ Minh Tâm.

Tới tháng 9/2008, tranh của Tâm đã được tuyển chọn từ 15 tác phẩm tiêu biểu khác tham dự triển lãm tranh quốc tế của người khuyết tật tại Nhật.

“Sao anh lại chọn hội họa?”, tôi hỏi. “Anh thấy đấy, cơ thể tôi còn phần nào có thể cử động được ngoài cái miệng đâu?”. Tâm trả lời bằng một câu hỏi đã có lời đáp và cũng như một lời trách móc khiến tôi thấy như mình đã lỡ lời.

Không có điều kiện đi lại nhiều để học hỏi kỹ thuật mới từ đồng nghiệp, Tâm mày mò tự trộn màu ướt với màu chết để tạo hiệu ứng 3D cho tranh thêm phần đẹp và lạ mắt. Có lẽ vì sống trong hoàn cảnh đặc biệt, nên tác phẩm của Tâm cuốn hút người xem bởi những thông điệp giàu tính tính nhân văn, khát vọng và bằng cả nỗi đau.

Khi xảy ra trận động đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người tại Nhật Bản, Tâm vẽ bức “Giọt lệ” với hình ảnh một chiếc thuyền đang vật lộn giữa sóng dữ. Anh mượn những vật thể xung quanh như cánh buồm, đám mây… để thể hiện một gương mặt đang kêu cứu tuyệt vọng.

Tâm chia sẻ: “Là một cựu binh có thời gian gắn bó với Trường Sa, tôi muốn góp một tiếng nói để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, rằng đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh, đụng độ, mất mát”.

Còn bức tranh “Mãi đi tìm” với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình, được anh giải thích: Thế giới càng phát triển thịnh vượng thì môi trường càng bị tàn phá, con người phải có trách nhiệm góp sức bảo vệ mái nhà chung trước khi quá trễ.

Trò chuyện với anh, tôi mới biết, anh từng có tác phẩm được “chu du” từ Pháp, Úc đến Mỹ. Và cuối cùng được một nhà sưu tầm tranh người Ý mua lại với giá 7.000 USD.

Theo tìm hiểu, tranh của Tâm thường được mua với giá không đáng kể tại Việt Nam, nhưng sau khi được đưa sang nước ngoài và chú thích thêm chữ “Orally”, giá được nâng lên rất cao. Tâm bảo, anh mơ ước có một buổi triển lãm tranh riêng cho mình. Số tiền kiếm được từ buổi triển lãm, anh sẽ giữ một ít để trang trải, còn lại dùng làm từ thiện để chắp cánh ước mơ cho những người đồng cảnh ngộ. Và giờ đây, “gia sản” của Tâm đã lên đến 30 bức tranh, một số lượng vừa đủ để anh có thể thực hiện giấc mơ của mình.

Tháng 10/2010, bức tranh "Bước ngoặt" của Đỗ Minh Tâm đã giành giải nhất cuộc thi hội họa người khuyết tật do Chính phủ Đức phối hợp với Bộ LĐ- TB&XH Việt Nam tổ chức.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.