| Hotline: 0983.970.780

Tránh lỗi thường gặp khi dạy con

Thứ Bảy 08/07/2017 , 08:45 (GMT+7)

Tuy con trai đã học đến lớp Tám nhưng mỗi lần thằng bé phạm lỗi gì vợ chồng anh Lợi vẫn “áp dụng” cách phạt con như lúc còn nhỏ, là la mắng xối xả, thậm chí còn dùng đòn roi hay bắt quì gối.

Không ít lần, thằng bé cảm thấy bức xúc, vùng vằng và cãi hỗn lại với cha mẹ của nó. Cũng vì thế mà tình cảm của đứa con dành cho cha mẹ cũng chẳng mấy đậm đà. Trẻ ngày một trưởng thành, nhưng nhiều phụ huynh vẫn khư khư giữ quan niệm cũ trong cách nuôi dạy con. Sự áp đặt chủ quan trong tư tưởng dễ dẫn đến những sai lầm và khiến sợi dây tình cảm giữa bạn với con trẻ ngày càng trở nên nhạt hơn.
 

Những sai lầm phổ biến

Rất nhiều phụ huynh than thở về con mình, kiểu như: “Sao con lã­ng phí thế? Có phúc mà không biết!”, “Sao có chút vất vả mà không chịu nổi? Ngày xưa, ba/mẹ còn khổ hơn cả con bây giờ”...

22-07-56_trng_15
Chia sẻ với trẻ kinh nghiệm của mình cũng là cách dạy con hay (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, khi cha mẹ càng cố chấp đi theo những quan niệm trong quá khứ, thì càng khó dạy dỗ con cái theo quan niệm của mình và cũng khó phù hợp với sự phát triển của thời đại. Dù xuất phát điểm của mình là muốn tốt cho con, mong con có thể nuôi dưỡng những đức tính tốt, nhưng môi trường xã hội hiện tại khác xa với “ngày xưa” của bạn.

Vì vậy, nếu luôn lấy những gì từng trải của mình bắt con phải giống như vậy, hoặc đem điều gì đó ra để so sánh và trách phạt khi con không làm theo ý mình, sẽ dễ gây áp lực cho trẻ. Về lâu dài, trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ quá chuyên quyền, không hiểu mình và thậm chí sinh ra tâm lý phản nghịch, cố ý làm trái với mong mỏi của bạn.

Những cách nghĩ khác, tượng tự với quan niệm là cho con quá nhiều yêu thương sẽ khiến con hư, chẳng hạn như “không nên ở bên cạnh con quá nhiều khiến con yếu đuối, ỷ lại”, “không nên thỏa mãn mọi nhu cầu của con”, “không nên đặt con lên trên hết khiến con dễ kiêu ngạo”, “không nên để con tự làm chủ mọi việc vì con sẽ tư lợi”...

Cách suy nghĩ và kiểu phán đoán chủ quan như vậy của bạn đôi khi ngược lại với thực tế. Khi tự cảm nhận được tình yêu thương, sự tôn trọng, thì trẻ sẽ càng dễ dàng tiếp nhận sự ràng buộc từ cha mẹ, biết cảm thông và sẵn sàng chịu trách nhiệm hơn. Hãy nhớ, là bạn cần phải “cho đi” trước thì trẻ cũng mới học được cách “cho đi”. Quan trọng, là thái độ sau đó của bạn khi giáo dục con có chừng mực và lựa chọn phương pháp thông minh hay không mà thôi, chứ không phải nằm ở chỗ “nhiều” hay “ít”. Những đứa trẻ khiến người khác hài lòng nhất luôn có được tình yêu thương phong phú từ cha mẹ. Vậy nên, đừng sa đà vào quan niệm chủ quan của mình. Vấn đề ở đây không phải là yêu thương con quá nhiều thì không tốt, mà là thiếu phương pháp giáo dục hiệu quả mới khiến trẻ dễ bị hư hỏng.
 

Đôi điều cần suy gẫm

Trong một khảo sát bỏ túi với 35 phụ huynh có con trai ở độ tuổi từ 3 đến 15, nhóm nghiên cứu cứu bất ngờ khi kết quả nhận được là các bậc cha mẹ sử dụng nhiều kiểu dạy con sai lầm. Có 68% cha mẹ thường kích động con rằng: “Con trai gì mà yếu đuối như vậy, còn thua cả con gái. Nhão vừa thôi”. Bạn đã đánh vào lòng tự trọng của trẻ, tạo vết hằn tâm lý mãi về sau. đừng quên rằng, dù là trai hay gái, trẻ đều chịu những áp lực như nhau nếu bạn quá đòi hỏi trẻ. Nước mắt con trai có gì là xấu.

Có khoảng 37% cha mẹ từng quát nạt: “Cái thằng này, mày bị tăng động à, phá như giặc, ai mà chịu nổi”. Trẻ trai thường hiếu động, thích chơi đù. Đừng quên tạo không gian cho trẻ thoải mái chơi đùa, hướng trẻ đến những trò chơi phù hợp, an toàn và phát huy tính sáng tạo của trẻ. 42% cha mẹ không chấp nhận việc con trai lùi bước trước khó khăn. “Làm thằng con trai phải biết tiến lên phía trước, không được phép ngã lòng, thất bại. Như thế là nhục, biết chưa!”. Không đòn roi nào hạ gục trẻ nhanh gọn và đau đớn hơn lời xúc phạm ấy của cha mẹ. Chúng khiến trẻ mất phương hướng, tự ti, không dám làm việc gì và luôn lo lắng.

Vậy nên, cha mẹ hãy để trẻ trải nghiệm bằng cả thành công và thất bại. Chia sẻ với trẻ kinh nghiệm của mình cũng là cách cha mẹ giúp con tránh được những vấp ngã trên con đường trẻ đi. Theo nghiên cứu, mối quan hệ của trẻ trước 6 tuổi với cha mẹ có liên quan mật thiết đến việc sau khi trưởng thành, trẻ có là một người có trách nhiệm hay không và có mất đi phương hướng sống hay không. Vì vậy, cha mẹ đừng đợi có thời gian mới ở cùng trẻ, vì như thế sẽ làm tổn thương mối quan hệ gia đình và khiến trẻ dễ gặp trở ngại trong tâm lý.

(Kiến thức gia đình số 26)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất