| Hotline: 0983.970.780

Tranh thủ khung thời vụ tốt nhất

Thứ Ba 15/02/2011 , 11:21 (GMT+7)

Đến thời điểm này không lo thiếu giống. Nhiều địa phương nông dân đã ra đồng gieo cấy từ mùng 2 Tết Nguyên đán để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt

Miền Bắc vừa trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài khiến tiến độ gieo trồng vụ ĐX bị chậm lại do mạ chết rét ở nhiều nơi. Trao đổi với NNVN hôm qua (14/2), ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đợt rét này kéo dài 32 ngày chưa bằng vụ ĐX 2008 (38 ngày) nhưng cường độ rét hại cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của mạ và lúa mới cấy.

Cụ thể có bao nhiêu diện tích mạ bị thiệt hại trong đợt rét vừa qua, thưa ông?

Theo báo cáo của các địa phương có khoảng 500 ha mạ gieo cấy vụ xuân sớm bị chết do không che phủ nilon, 7.000 ha lúa mới cấy (chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung bộ) bị ảnh hưởng nặng nề khó khắc phục. Thực tế diện tích mạ chết còn lớn hơn nhiều do các địa phương báo cáo không đầy đủ.

Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương gieo mạ trước và sau tiết Lập xuân (4/2). Qua kiểm tra theo dõi, hiện mạ đang phát triển tốt trên nền nhiệt độ ấm và đủ nước. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, khung thời vụ vụ ĐX ở ĐBSH 2011 vẫn được đảm bảo như kế hoạch. Tuy nhiên khả năng thời vụ gieo cấy tại các tỉnh Bắc Trung bộ sẽ kéo dài đến cuối tháng 2, chậm lại so với bình quân nhiều năm.

Do mạ chết nhiều, liệu vụ ĐX này có thiếu giống?

Về giống lúa cho vụ ĐX, chúng tôi đã lưu ý các địa phương là phải bố trí đủ nguồn giống để thay thế, nếu thiếu lúa lai thì phải cấy lúa thuần bằng các giống ngắn ngày, không để ruộng bỏ không. Tôi khẳng định đến thời điểm này không lo thiếu giống. Nhiều địa phương nông dân đã ra đồng gieo cấy từ mùng 2 Tết Nguyên đán để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất.

Hiện các hồ thủy điện đang xả nước đợt 2, là đợt cuối cùng để các tỉnh lấy nước đổ ải gieo cấy? Trong đợt xả đầu có một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nội lấy nước chưa đạt kế hoạch, thậm chí bơm được rất ít, do đâu?

Cả 2 đợt xả được Bộ NN-PTNT và EVN tính toán hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất, đó là kết hợp thủy triều cùng với việc các hồ đồng loạt xả nước, tạo thuận lợi cho các trạm bơm lấy nước vào ruộng. Việc xả nước đợt 1 vào sát Tết (27/1 đến 2/2), dù thời tiết không thuận lợi nhưng không làm ảnh hưởng đến thời vụ được tập trung gieo cấy sau tiết Lập xuân. Các địa phương cần tranh thủ lấy và tích trữ nước trong đồng để làm đất, dưỡng mạ. Kết quả đợt xả nước nước đổ ải lần 1 có 73% diện tích của các tỉnh ĐBSH đã có nước đổ ải.

Tuy nhiên ở một số địa phương do tập quán canh tác và địa hình cao nên chỉ lấy được khoảng 50% diện tích đổ ải như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… Từ 13/2 các hồ đã xả nước đổ ải đợt 2. Đợt này sẽ xả từ 4-5 ngày, tùy theo tình hình để đảm bảo đáp ứng đủ lượng nước gieo cấy. Với phương châm lấy nước càng nhiều càng tốt, không để dân bỏ ruộng vụ xuân, các tỉnh cần tranh thủ tận dụng tối đa nguồn nước, đảm bảo đổ ải xong cơ bản cho diện tích cấy lúa và trữ nước phục vụ SX.

Để SX vụ lúa ĐX hiệu quả, Cục Trồng trọt tiếp tục chỉ đạo địa phương những biện pháp gì?

Đối với trà xuân sớm và xuân chính vụ, những diện tích có khả năng phục hồi phải chuẩn bị ruộng cấy tốt, làm đất lấy nước kịp thời; tăng cường bón lót NPK trước khi cấy, cấy tăng mật độ so với bình thường. Khi thời tiết ấm mới cấy, không cấy lúa vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. Đối với trà xuân muộn gieo xung quanh tiết Lập xuân cần mở nilon để luyện mạ trong ngày rét. Nếu gieo thẳng phải gieo đúng lịch thời vụ, xung quanh 20/2 (trước hoặc sau 5 ngày).

Những vùng chủ động tưới tiêu nên khuyến khích gieo thẳng, sạ hàng cải tiến. Với diện tích lúa chết trên 50% cần phải nhổ dồn cấy lại. Các địa phương cần nhanh chóng cấy cho kịp thời vụ, cấy trong khung thời vụ tốt nhất (trước 28/2). Để vụ ĐX đạt kết quả cao nhất, chúng tôi luôn khuyến cáo các địa phương bỏ hẳn trà chính vụ sang cấy trà xuân muộn; vừa tránh rét đậm vừa đảm bảo năng suất cao trong điều kiện thiếu nước. Trên một số diện tích đất trồng lúa không chủ động được nước tưới, năng suất bấp bênh kém hiệu quả cần chuyển sang trồng rau màu, đảm bảo tiết kiệm được nước, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất