| Hotline: 0983.970.780

Trao đổi quanh vấn đề “Thái Bình chủ quan để dịch rầy tàn phá lúa”

Thứ Sáu 22/10/2010 , 10:01 (GMT+7)

Những hộ bị cháy rầy cần tự hỏi mình, tại sao hộ bên cạnh không bị mà nhà mình lại bị cháy, họ là người biết rõ nhất.

Báo NNVN ngày 20/10/2010 có bài viết “Thái Bình chủ quan để dịch rầy tàn phá”, sau khi đọc bài viết trên báo viết và báo điện tử của NNVN, từ 9h30 sáng cùng ngày, tôi nhận được nhiều cú điện thoại bức xúc của cán bộ kỹ thuật các Trạm Bảo vệ thực vật và các Phòng NN- PTNT các huyện, thành phố trong tỉnh.

>> Thái Bình chủ quan để dịch rầy tàn phá lúa!

Tôi cũng là người hay viết và cung cấp cho NNVN nhiều bài, tin về chỉ đạo sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhưng đọc bài này tôi không nhất trí với cách xác nhận, điều tra và đưa tin của tác giả. Thực tế cả ngành nông nghiệp chúng tôi đã tung tối đa lực lượng xuống địa phương căng sức điều tra, phát hiện, hướng dẫn chỉ đạo nông dân phòng trừ các đối tượng sâu hại. Với tư cách là một cán bộ chỉ đạo về mặt kỹ thuật, tôi xin được cung cấp một số thông tin về vụ sản xuất này  như sau:

Trước hết đánh giá tổng thể vụ mùa 2010, như nhận định của chúng tôi từ đầu vụ là một vụ khó khăn, cùng với các điều kiện xã hội như mất điện liên tục, nắng nóng, thiếu lao động trẻ khỏe vào chính vụ, cùng những tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm cho tình hình sâu và dịch bệnh trên cây trồng trở nên phức tạp và khó lường hơn. Khoảng cách thời gian gieo cấy từ vụ xuân đến vụ mùa là cực ngắn, vụ này với tình trạng mất điện, hạn không bơm được nước, nhiều vùng không kịp làm đất và vệ sinh đồng ruộng để đất ngấu, lúa chét, lúa éo mọc nhiều tạo cầu nối cho sâu bệnh gây hại, đó là những khó khăn khôn lường của nông nghiệp vụ này.

Có thể nói ngành nông nghiệp Thái Bình đã chỉ đạo một cách sâu sát, cụ thể và quyết liệt đến mức nhiều tỉnh khác hỏi chúng tôi: Làm sao mà các ông thuyết phục được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND vào cuộc mạnh mẽ như vậy, và họ nói chính sách của Thái Bình hỗ trợ cho nông dân quả thật họ không dám mơ tới. Tháng 4 khi mà vụ lúa xuân vừa trổ bông, ngành nông nghiệp đã trình UBND tỉnh kế hoạch phòng chống bệnh LSĐ với cơ chế chính sách hỗ trợ được HĐND tỉnh quyết định ngay khi lúa xuân còn đang chưa thu hoạch.

Toàn bộ thuốc xử lý hạt giống theo khuyến cáo của Viện BVTV được tỉnh trích ngân sách mua và hỗ trợ cho xử lý 100% lượng giống gieo ở vụ mùa với định mức 55kg giống/ha, phun trừ rầy bằng thuốc nội hấp cho mạ trước cấy 3-5 ngày để ngăn chặn sự lan truyền của virus qua rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ, chúng tôi cũng được Viện trưởng Viện BVTV thông báo rằng kết quả phân tích rầy lưng trắng ở Thái Bình có gần 20% số mẫu dương tính với virus LSĐ, và chi cục BVTV đã căng sức theo dõi diễn biến của rầy, của LSĐ với những triệu chứng ngay trên mạ mùa và trên lúa mùa bắt đầu giai đoạn đẻ nhánh.

Cùng với việc chỉ đạo cụ thể từng giai đoạn, cả hệ thống chính trị của Thái Bình đã vào cuộc, hệ thống thông tin tuyên truyền sử dụng tối đa công suất, tập huấn, tờ rơi, tờ gấp, thông tin lưu động mỗi khi có các đợt sâu bệnh quan trọng…, tất cả đều được làm một cách chu đáo đồng bộ, vào vụ cán bộ kỹ thuật của ngành không có ngày nghỉ, chẳng có ngày lễ, từ cán bộ Phòng Trồng trọt của Sở đến các đơn vị trực thuộc như Chi cục, Trung tâm KNKN đều được huy động xuống tăng cường cho huyện, cho xã.

Riêng vụ mùa ngành nông nghiệp đã có 7 thông báo, 2 công điện, UBND tỉnh có 2 chỉ thị và 2 công điện về tình hình sâu bệnh, Tỉnh ủy có 1 thông tri và 1 công văn chỉ đạo các cấp đảng ủy về sản xuất và phòng chống sâu bệnh. Cuối vụ chúng tôi cũng đã có một thông báo đặc biệt lưu ý các địa phương tuyên truyền, phổ biến cho nông dân theo dõi chặt diễn biến mật độ rầy và phun thuốc trừ rầy theo khuyến cáo. Phải khẳng định vụ sản xuất khó khăn này Thái Bình không hề chủ quan.

Những hộ bị cháy rầy cần tự hỏi mình, tại sao hộ bên cạnh không bị mà nhà mình lại bị cháy, họ là người biết rõ nhất. Chúng ta không thể đeo bình phun thuốc và gặt bỏ thóc vào bồ cho họ.
Thực tế, một phần nhỏ diện tích bị thiệt hại từ vài chục phần trăm đến mất trắng do cháy rầy không phải là chuyện mới, hàng vụ, hàng năm đều có tình trạng này, và năm nay đâu riêng Thái Bình, Báo NNVN cũng đã từng đưa tin về thiệt hại do rầy chích hút làm mất trắng nhiều ha tại Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương và Hưng Yên... Những ổ rầy hàng vạn con trên m2, đâu chỉ có ở Thái Bình; mật độ rầy và đặc biệt rầy vào đèn qua hệ thống bẫy đèn các tỉnh thì Cục BVTV là đơn vị cập nhật sẽ chỉ ra rõ hơn cả.

Về thiệt hại do sâu bệnh trên lúa vụ mùa này ở Thái Bình, chúng tôi xin được nói rõ như sau: Theo số liệu điều tra và đánh giá của các trạm BVTV, các Phòng NN- PTNT các huyện, thành phố, diện tích lúa bị cháy do rầy chích hút xuất hiện ở tất cả các trà lúa, nhưng nặng hơn cả là trà lúa cấy muộn sau 10 tháng 7 và lúa trổ sau 15 tháng 9. Tuy nhiên chỉ là cháy cục bộ, trên cánh đồng có vài đám cháy từ vài m2 đến chục m2, và tập trung ở những hộ không tuân thủ hướng dẫn và khuyến cáo, phun thuốc chậm, phun thuốc rẻ tiền và những hộ cấy ruộng nhưng ít quan tâm do đi làm ăn xa, thuê mướn người phun thuốc… Diện tích này không quá năm, bảy chục ha cộng dồn.

Đánh giá chung thì vụ mùa năm nay cho năng suất cao không thua kém vụ mùa năm 2009, đó là kết luận của Cục Thống kê tỉnh sau khi đã có cả một tua kết hợp đánh giá với ngành nông nghiệp và UBND các huyện, thành phố. Đi nhiều địa phương trong tỉnh nông dân rất phấn khởi và phát biểu rằng vụ mùa năm nay lại trúng mùa và giá thóc gạo cũng dễ thở. Trong cái thắng lợi chung cũng sẽ có những hộ mất mùa riêng, âu cũng là chuyện thường tình, nhưng từ họ lại bảo cả tỉnh mất những 30% thì cần xem lại.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.