| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 06/07/2022 , 17:38 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

17:38 - 06/07/2022

Trao đổi về hai chữ 'vô danh'

Chúng tôi thấy cần trao đổi về hai chữ 'vô danh', trước khi đi đến quyết định đổi những bia đề 'vô danh' thành 'liệt sĩ chưa xác định được thông tin'!

Ảnh mang tính minh họa.

Ảnh mang tính minh họa.

“Liên quan tới việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ mà đoàn công tác tỉnh Quảng Trị kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ đạo cần thực hiện quyết liệt việc đổi tên bia mộ.

"Không liệt sĩ nào là vô danh, những liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán. Vì vậy việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện, thống nhất tên trên những tấm bia này là "liệt sĩ chưa xác định được thông tin", không để "vô danh" nữa” (dẫn theo TTO). 

Chúng tôi thấy cần trao đổi về hai chữ “vô danh”, trước khi đi đến quyết định đổi những bia đề “vô danh” thành "liệt sĩ chưa xác định được thông tin"!

Hãy bắt đầu từ việc tra từ điển.

Hán-Việt từ-điển của Đào Duy Anh ghi:

“Vô danh - Không có tiếng tăm gì = Ẩn-náu, người ta không biết đến, không có tên mà kêu”.

“Vô danh anh hùng - Hạng người anh hùng mà người đời không biết đến họ tên, như quân lính ở chiến trường, lao-công ở trong xã-hội, học-sinh ở trong đám thiếu-niên: đều gọi là vô danh anh hùng”.

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), ghi:

“vô danh t. 1 Không có tên tác giả, không biết cụ thể là của ai. Tác phẩm vô danh. 2 Không ai hoặc không mấy ai biết đến tên tuổi. Người anh hùng vô danh”.

Như vậy, cả từ điển Hán-Việt lẫn từ điển tiếng Việt hiện đại đều ghi nhận rằng “vô danh” có hai nghĩa cơ bản là “không có tên”/ “không biết tên” và “không ai biết đến tên tuổi” – chứ không phải chỉ là “không có tên tuổi, quê quán”.

Trong thực tế nói năng, “vô danh” vẫn được dùng theo nghĩa thứ hai một cách phổ biến hơn nghĩa thứ nhất. Chữ “danh” có nghĩa là “tiếng tăm”, là “danh tiếng”, là “nổi tiếng”, là được nhiều người biết đến. Danh nhân, danh gia, danh hão, danh thơm, danh bất hư truyền, vô danh tiểu tốt… là đều dùng theo nghĩa này (tiếng tăm).

Một ví vụ khác: nhà Phật khi nói tới “ngũ dục” cũng có chữ “danh” này (tài, sắc, danh, thực, thùy). Nó hoàn toàn không phải là “tên/họ tên”, mà là “danh tiếng”/ “tiếng tăm”. Lòng ham muốn nổi tiếng (danh) là một món trong ngũ dục (5 thứ ham muốn).

Khi nói hoặc ghi là “vô danh” trên bia mộ liệt sĩ thì cái nghĩa không/ không biết tên tuổi chỉ là một thông tin; quan trọng hơn là nó nhấn mạnh vào nghĩa thứ hai: sự thầm lặng, sự hi sinh không cầu danh lợi, không cầu báo đáp... Đó là một cách ca ngợi những người liệt sĩ, chứ không phải hạ thấp hay coi thường!

Năm 1946, Phạm Duy sáng tác ca khúc “Chiến sĩ vô danh” rất nổi tiếng để ca ngợi những người lính chống Pháp. Hai năm sau, năm 1948, Trần Kiết Tường viết một ca khúc cùng tên và cũng với nội dung tôn vinh. Ở Nga và một số nước Đông Âu có tượng đài liệt sĩ vô danh, tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong chiến tranh chống Phát-xít.

Trong tác phẩm “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm khi ca ngợi nhân dân anh hùng, đã viết: Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ làm ra đất nước. Có thể dùng chữ “vô danh” để thay cho ý thơ này.

Như thế, “vô danh” dùng để chỉ những người hiến thân cho sự nghiệp vĩ đại nhưng không để lại tên tuổi. Và vì thế mà họ trở nên vĩ đại!

Với những phân tích như đã dẫn, chúng tôi cho rằng, quyết định đổi những bia đề “vô danh” thành "liệt sĩ chưa xác định được thông tin" nói trên có thể gây tốn kém không cần thiết; mà xét về ý nghĩa và “sự trong sáng của tiếng Việt” thì không đảm bảo được. Đó là chưa nói tới sự dài dòng, rườm rà và thiếu hẳn đi vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt.

Xin được nhắc lại, trong trường hợp này, “vô danh” là một cách ngợi ca, là sự trân trọng và biết ơn; nó hoàn toàn không có ý coi thường, càng không làm mất đi giá trị và sự trân trọng đối với những đóng góp của các liệt sĩ trong lòng nhân dân và hậu thế. Dùng “vô danh” là vừa bao hàm cái ý “chưa xác định được thông tin”, mà hơn nữa còn chuyển tải rất nhiều ý nghĩa cao đẹp khác.

Tóm lại, trong ngữ cảnh này việc đổi tên, đổi bia là không cần thiết, nếu không nói là sẽ gây phản cảm và tốn kém vô ích; lại làm hỏng cả tiếng Việt - vốn đang bị hủy hoại một cách khốc liệt.

Vô danh là một tính từ, không phải danh từ. Dịch vô danh thành không tên là sai. Vô danh có nghĩa là không biết tên, không có tiếng tăm, không nổi tiếng..., chứ không phải không có tên!

Vô danh cũng không phải khuyết danh, vì khuyết danh chỉ có nghĩa là không biết tác giả là ai, và chỉ dùng trong trường hợp đối với các tác phẩm nghệ thuật. Không ai nói người khuyết danh bao giờ cả! Tác phẩm Thoại Khanh - Châu Tuấn là khuyết danh, nhưng rõ ràng tên tác phẩm là Thoại Khanh - Châu Tuấn, chứ không phải không có tên.

Đề nghị dừng ngay việc đổi thông tin bia mộ từ "vô danh" thành "chưa xác định được thông tin", tránh lãng phí tiền của, công sức, ảnh hưởng văn hóa - tâm linh và còn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.