| Hotline: 0983.970.780

Trao thêm quyền tự chủ cho các trường

Thứ Sáu 22/08/2014 , 08:59 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát mong muốn các trường thuộc ngành nông nghiệp không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo đó, các trường vừa là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để làm được điều đó, theo Bộ trưởng, trước tiên phải “cởi trói” tất cả các chính sách đang ràng buộc quyền tự chủ của các trường. Đồng thời, nội tại từng trường cũng phải tự đổi mới phương thức hoạt động và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Khó tuyển sinh

Theo ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT), đến nay Bộ đã có hệ thống cơ sở đào tạo lớn, đủ mạnh với nhiều ngành, nhiều hệ đào tạo. Cơ sở vật chất các viện, trường được đầu tư khá đồng bộ và hiện đại.

Chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên được tăng cường, phương pháp giảng dạy có bước đổi mới cơ bản. Đặc biệt, các trường đã tham gia tích cực đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn (LĐNT).

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo còn thấp so với mặt bằng khu vực và quốc tế, năng lực phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội còn yếu. Mặc dù quy mô đào tạo tăng nhưng chưa cân đối, một số ngành nghề lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khó tuyển sinh, thậm chí có ngành, nghề không tổ chức đào tạo được…

Ông Nguyễn Văn Việt, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thủy sản chia sẻ: "Chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ nông dân trong đào tạo trí thức nông nghiệp để làm nông nghiệp. Ví dụ, mạng lưới thú y cơ sở của Bắc Ninh hiện nay đang rất thiếu.

Chúng tôi bàn với Sở NN-PTNT để xây dựng chính sách miễn học phí cho con em nông thôn học chuyên ngành này. Nhưng khi triển khai tuyển sinh vẫn rất khó khăn, bởi người học muốn được hỗ trợ thêm tiền ăn, ở, đi lại… mà tỉnh lại không đồng ý nên bị ách tắc".

Ông Việt cho rằng, Bộ NN-PTNT cần có chính sách đặt hàng đào tạo những ngành, nghề mà ngành nông nghiệp đang thiếu nhân lực như: thú y, chăn nuôi, thuyền trưởng, máy trưởng, khuyến nông, khuyến ngư, công nghệ sinh học và chế biến sau thu hoạch... Trên cơ sở đó, các trường sẽ phải đổi mới, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: Trong thời gian vừa qua, các trường, viện đã rất cố gắng tăng cường đội ngũ giáo viên, đổi mới phương thức giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất để thu hút người học; đồng thời từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, tham gia ngày càng tích cực vào công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giáo dục và phát triển nông nghiệp nông thôn.

 Nhưng dường như sự hấp dẫn của nhiều ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà chúng ta đào tạo đang giảm dần. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo ở một số trường chưa cao. Sự tham gia vào công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách của nhiều trường còn rất hạn chế.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân đến từ nhiều phía. Đó là sự hấp dẫn của ngành nông nghiệp trong xã hội chưa có. Nó thể hiện ở chỗ: tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ khoảng 10 – 15%, còn tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào nông nghiệp Việt Nam chỉ đạt 0,5%.

Đầu tư của ngân sách tăng lên gấp đôi, nhưng đầu tư của xã hội (nhân dân, các thành phần kinh tế…) lại giảm. Do đó, các trường khó tuyển sinh.

Bộ sẽ đặt hàng các trường đào tạo, nghiên cứu

Bộ trưởng cũng cho biết: Cả nước Mỹ chỉ có 2 triệu người có đất và 1 triệu người làm thuê. Nước Nhật có 2,2 triệu người làm nông nghiệp ở độ tuổi bình quân 66… Trong khi đó, nước ta có khoảng 34 triệu LĐNT (trong đó khoảng 25 triệu lao động trực tiếp làm nông nghiệp), hằng năm tiếp nhận thêm khoảng 700.000 người.

"Chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế thì phải có cạnh tranh. Ở ngành ta, nhiều người cứ nói đến cạnh tranh lúa gạo, cạnh tranh thị trường… Nhưng thứ cần cạnh tranh trước nhất phải là nguồn nhân lực. Con em nông dân có quyền và cần được đào tạo với trình độ ngang bằng trình độ của nông dân Malaysia, Thái Lan, thậm chí là nông dân Mỹ. Bởi nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta không thể cạnh tranh được gì” – Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ.

Như vậy, lượng lao động ở nông thôn của nước ta quá đông và tất yếu phải giảm xuống. Các trường thuộc ngành nông nghiệp cần đa dạng hóa ngành, lĩnh vực đào tạo để LĐNT chuyển đổi sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, tiếp cận với tiến bộ KHKT tiên tiến.

Bộ mong muốn các trường vừa là một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao KHCN, đồng thời là trung tâm của tư duy đổi mới. Để hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn, quan điểm của Bộ trưởng Cao Đức Phát là trao càng nhiều quyền tự chủ cho các trường càng tốt. Những chính sách nào đang cản trở hoạt động của các trường, nếu thuộc thẩm quyền Bộ, Bộ sẽ xem xét và giải quyết nhanh gọn trong thời gian không quá 3 tháng.

“Về vấn đề một số trường đề nghị Bộ đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu, đặt hàng khuyến nông, tôi ủng hộ", Bộ trưởng nói. Mỗi năm Bộ NN-PTNT có 700 tỷ để nghiên cứu (trong đó 350 tỷ để trả lương) và 300 tỷ dành cho hoạt động khuyến nông. Nếu như hoạt động nghiên cứu không có trọng tâm, trọng điểm thì không tạo ra được đột phá.

Bộ trưởng rất mong muốn các trường tham gia vào công tác nghiên cứu và chuyển giao KHCN, nhưng phải chọn những đề tài thực sự cấp thiết, những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của sản xuất nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.

Vấn đề đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ nông nghiệp, phát triển nông thôn cũng được Bộ trưởng đặc biệt lưu ý.

“Hiện nay chúng ta đã bố trí cán bộ thú y đến cấp xã. Theo thống kê của Cục Thú y, cả nước có khoảng 23.000 cán bộ thú y, trong đó chỉ có 10.000 cán bộ có trình độ từ trung cấp trở lên, 10.000 cán bộ trình độ sơ cấp và 3.000 người không có cấp nào (chưa được đào tạo).

Hệ thống các trường của chúng ta đủ năng lực để đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên, vậy mà để cho 13.000 cán bộ thú y có trình độ sơ cấp trở xuống là chưa được. Không chỉ cán bộ thú y, tất cả cán bộ khuyến nông, những người kinh doanh thuốc BVTV và hành nghề thú y ở cơ sở phải được đào tạo trình độ từ trung cấp trở lên, thực sự đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn”, người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, Bộ trưởng yêu cầu các trường cần rà soát lại quy hoạch phát triển, trên cơ sở đó đăng ký với Bộ những dự án đầu tư. Bộ sẽ xem xét và huy động tổng thể mọi nguồn lực cả trong nước và quốc tế thông qua đàm phán các dự án ODA để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường.

Các Cục, Tổng cục, Vụ trực thuộc Bộ NN-PTNT phải chủ động phối hợp với các trường để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao KHCN.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.