Nếu trẻ không may mắc bệnh tiểu đường, các bậc phụ huynh nên chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ như sau:
- Hạn chế đường
Khi chế biến món ăn và thức uống cho trẻ, bạn nên hạn chế thêm đường nhằm kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể của trẻ ở mức thấp nhất. Hiện nay, trên thị trường có bán các loại đường ăn kiêng dành cho người bị tiểu đường, bạn có thể dùng những sản phẩm này cho trẻ để thay thế các loại đường thông thường nhưng vẫn đảm bảo sự ngon miệng cho trẻ khi ăn.
Kiểm tra máu của trẻ để ngừa tiểu đường (Ảnh minh họa)
- Tránh ăn mỡ
Đối với các loại thịt thông thường như lợn, bò, cá, gà, vịt… bạn chỉ nên sử dụng phần nạc khi chế biến món ăn cho trẻ, nhằm tránh hấp thụ lượng chất béo bão hòa không có lợi cho sức khỏe. Bạn cũng có thể thay đổi các loại thịt này bằng thịt lươn, chim, tép tươi, ếch, cua, nghêu, trứng… để bữa ăn thêm phong phú. Khi chế biến thức ăn nên chọn dầu thực vật như đậu phộng, dầu mè, dầu hướng dương, dầu ô liu… để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.
- Ăn nhiều rau trái
Rau xanh và hoa quả là nguồn thực phẩm rất cần thiết trong mỗi bữa ăn, bởi chúng cung cấp dồi dào vitamin, muối khoáng và chất xơ cho cơ thể. Một chế độ ăn với nhiều chất xơ sẽ có tác dụng giữ nước, chống táo bón, giúp giải độc và làm chậm quá trình hấp thụ đường trong cơ thể.
Các loại rau như rau muống, bồ ngót, mồng tơi, rau dền, rau cải, cà tím, cà rốt, mướp, khổ qua, dưa leo, củ cải trắng, đậu đỗ… đều phù hợp với trẻ bị tiểu đường.
Với hoa quả, không phải loại quả nào cũng tốt, trẻ mắc bệnh tiểu đường cần tránh các loại hoa quả ngọt như nho, xoài, na, nhãn…Thay vào đó, các em nên ăn những loại hoa quả ít ngọt như: Dâu tây, dưa lê, quả bơ, đào, bưởi, cam, đu đủ, ổi, mận, táo, thanh long…
- Chia nhỏ bữa ăn
Bạn cũng nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và cho trẻ ăn uống đúng giờ để tránh tình trạng dung nạp đường huyết quá nhiều cũng như tránh tình trạng hạ đường huyết quá lâu ở trẻ.
- Tập thể thao
Những vận động nhẹ nhàng trong ngày như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội… cũng hỗ trợ đáng kể cho việc điều trị bệnh tiểu đường. Do vậy, bạn nên khuyến khích trẻ thường xuyên vận động thể thao để tăng cường sự dẻo dai và bền bỉ cho sức khỏe.
Những điều không nên làm Bạn không nên cho trẻ ăn các món ăn hầm nhừ, chiên, nướng với nhiệt độ quá cao vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng của món ăn. Thêm vào đó, không nên cho trẻ ăn quá mặn (lượng muối tiêu thụ mỗi ngày không quá 6 gam), không để trẻ sử dụng nhiều đồ ăn đông lạnh, không cho trẻ em dùng những thức ăn có chứa chất màu tổng hợp và đặc biệt không để trẻ dùng thức uống của người lớn hay những loại thức ăn nhanh nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ. Những thực phẩm cần cho trẻ ăn là ngũ cốc nguyên hạt như ngô, khoai, các loại rau, quả chín như rau muống, cam, táo, lê… có chứa nhiều vitamin, sắt, axít folic.