| Hotline: 0983.970.780

Trẻ nhập viện vì uống nhầm... thuốc trừ sâu, rầy!

Thứ Tư 09/06/2010 , 11:15 (GMT+7)

Nghỉ hè, nhiều trẻ phải nhập viện trong cơn nguy kịch do người lớn bất cẩn cho con em mình uống nhầm... thuốc trừ sâu, rầy!

Vào dịp hè, nhiều trẻ dính bệnh oan do sự bất cẩn của cha mẹ

Cứ vào dịp nghỉ hè là các bệnh viện nhi tại TPHCM lại quá tải bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì đủ loại tai nạn. Đáng chú ý là nhiều trẻ phải nhập viện trong cơn nguy kịch do người lớn bất cẩn cho con em mình uống nhầm thuốc trừ sâu, rầy!

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng I TPHCM, bệnh viện vừa cấp cứu thành công cho cháu Ng.Th.T., 3 tuổi (ngụ Bình Dương, tạm trú quận 8 TPHCM) do bị ngộ độc thuốc Phospho hữu cơ. Trước đó, khoa Hồi sức cấp cứu đã tiếp nhận cháu T. trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp chưa rõ nguyên nhân. Người mẹ chỉ cho biết, trước đó, do thấy con bị ho, chị đã pha sữa với một chút thuốc trong lọ “xy rô ho” cho con uống. Sau khi uống sữa khoảng 2 giờ , cháu T. bắt đầu có triệu chứng ói mửa, khò khè nhiều đàm nhớt, khó thở nên chị vội vàng đưa con qua bệnh viện quận 8 sơ cứu rồi chuyển qua bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại đây, thấy cháu T. có nhiều triệu chứng của ngộ độc thuốc trừ sâu nhóm Phospho hữu cơ do có biểu hiện lơ mơ, tím tái, thở yếu, tăng tiết đàm nhớt, đồng tử 2 bên co nhỏ…, các bác sĩ ngay lập tức đặt nội khí quản, cho thở máy, rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thuốc giải độc.

Cả ê kíp mừng rỡ khi thấy cháu T có biểu hiện đáp ứng tốt với điều trị. Kết quả xét nghiệm định lượng men acetyl cholinesterase trong máu ghi nhận giảm nặng còn 550 đv/lít (bình thường từ 5.000-11.000 đv/lít), yếu tố này khẳng định cháu T bị ngộ độc thuốc trừ sâu Phospho hữu cơ. Theo các bác sĩ, rất có thể bên trong lọ xy rô là thuốc Phospho hữu cơ chuyên diệt rầy, muỗi, gián, kiến do gia đình tận dụng đựng thuốc diệt sâu rầy nhưng quên không nói. Hiện sức khoẻ cháu T. đã được cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo. Theo BS Minh Tiến, đây là trường hợp người nhà cho uống nhầm thuốc lúc đầu rất khó tìm nguyên nhân, nhưng nhờ kinh nghiệm thực tế, dựa vào biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ đã chẩn đoán và điều trị kịp thời cứu sống cháu.

Trước T., bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng phải cấp cứu khẩn cấp cho một bệnh nhi tên H. (quê Bà Rịa - Vũng Tàu) do uống nhầm… hoá chất chăn nuôi. Theo người nhà cháu H., khi thấy chai trà xanh không độ tại chuồng heo sau nhà, cháu H. đã cầm lên uống, một lúc sau ôm bụng kêu la quằn quại và nhanh chóng hôn mê, tím tái toàn thân. Tại bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu, các bác sĩ xác định cháu bị bỏng nặng ở miệng và ngộ độc do hóa chất độc hại. Gia đình cũng xác nhận, trước đó bố H. dùng vỏ chai trà xanh không độ để chứa hóa chất vệ sinh chuồng trại chăn nuôi nhưng con trai không biết nên uống nhầm.

Theo các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1, biện pháp trước mắt để xử lý đối với bệnh nhân uống nhầm thuốc diệt sâu, rầy tại nhà là gây ói, sau đó nhanh chóng đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, để “phòng bệnh” cho trẻ trong những ngày hè nhất là ở vùng nông thôn (thường không có người lớn trông), các bác sĩ lưu ý các bậc phụ huynh cần cẩn thận không để hóa chất trong chai lọ, thức uống và nên để thuốc xa tầm với trẻ em nhằm tránh việc ngộ độc gây nguy hại đến tính mạng trẻ.

Ngay sau đó, H. được chuyển đến khoa cấp cứu hồi sức bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM trong tình trạng viêm phổi nặng. Sau khi xác định loại hóa chất bệnh nhân uống nhầm là chất ăn mòn, các bác sĩ đã phải đặt ống thông dạ dày dẫn lưu chất độc còn sót lại kết hợp truyền dịch, cho kháng sinh. Sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của H. đã dần cải thiện. Tuy nhiên, hiện các bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng vẫn phải thường xuyên theo dõi điều trị tình trạng tổn thương ở thực quản.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, mỗi năm khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 phải tiếp nhận hàng chục trẻ em nguy kịch do uống nhầm thuốc BVTV, xăng, dầu hỏa, dấm, nước tro tàu, hóa chất. Hầu hết trường hợp ngộ độc là do phụ huynh dùng chai lọ chứa thực phẩm để chứa hóa chất nên trẻ không biết vô tình người nhà tự gây hại cho con em mình. Ngộ độc thuốc BVTV ở trẻ thông thường có liên quan đến thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, thuốc diệt kiến, diệt mối...

Trong đó thường gặp nhất là thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc diệt chuột. Đây là những thuốc hay dùng trong nông nghiệp để phòng trừ sâu bệnh, cỏ hoang và chuột phá hoại mùa màng. Tuy nhiên có một tỷ lệ lớn người dân dùng thuốc BVTV mà không biết tên thuốc. Các loại thuốc này cũng khá rẻ và được người dân mua bán tự do, sử dụng vô tội vạ khiến tình hình ngộ độc thuốc, đặc biệt là trẻ em liên tiếp diễn ra, gây nhiều hậu quả đau lòng.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất