| Hotline: 0983.970.780

Trên 6.700 tỷ đồng trôi theo 2 cơn bão

Thứ Ba 09/08/2016 , 07:59 (GMT+7)

Chiều ngày 8/8, BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1 và bão số 2.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình ngập úng sau bão số 1 tại Thái Bình

 

Mặc dù rất chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, tuy nhiên các sự cố về điện, giao thông và thông tin dự báo thiếu chính xác đã khiến việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 1 và số 2 chưa đạt được như kỳ vọng.

Hơn 6.400 tỷ đồng tan theo bão số 1

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Phó BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai: Bão số 1 là cơn bão đặc biệt nhất trong lịch sử. Bão hình thành ngay trên biển Đông và khi vào gần bờ di chuyển rất chậm, thời gian hoạt động kéo dài, gần tâm bão gió giật cấp 11 – 13. Đặc biệt, thời gian hoạt động của bão kéo dài, kèm theo mưa lớn trên diện rộng và lốc xoáy. Đây là những nguyên nhân cơ bản gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển.

Bão số 1 đã khiến 7 người chết và mất tích; 63 người bị thương, gần 3.000 nhà bị đổ sập hoàn toàn, hơn 82.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng và hơn 500 nhà bị ngập nước. Tại khu vực cửa sông đã có trên 1.300 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng… Tổng thiệt hại lên đến trên 6.442 tỷ đồng.


Cây đổ ngổn ngang tại Nam Định sau bão số 1

 

Dù các cơ quan dự báo thường xuyên thông tin về diễn biến của bão, tuy nhiên theo phản ánh của nhiều lãnh đạo địa phương, có sự sai khác thực tế với dự báo khiến các địa phương khá bất ngờ.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: “Đây là cơn bão mạnh nhất, chỉ sau cơn bão số 5 năm 1986, nhưng được dự báo cấp bão không quá mạnh. Trước khi bão vào đất liền có hiện tượng sấm chớp khiến người dân có tâm lý chủ quan. Đồng thời, bão di chuyển chậm ở vùng ven biển và quần thảo theo cả 4 hướng gió, vì thế vùng ven biển bị thiệt hại nặng”.

Riêng với hoạt động sản xuất nông nghiệp, bão số 1 đã khiến trên 216.000 ha lúa bị ngập, trong đó có gần 18.000 ha bị mất trắng. Rau màu bị hư hại khoảng 28.000 ha. Hơn 124.000 ha cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả bị gẫy, đổ giảm năng suất.


Rau màu thiệt hại nặng do ảnh hưởng bão số 1 (Ảnh: Hoàng Đình Tưởng)

 

Trước diễn biến phức tạp của bão, công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” từ trung ương tới địa phương. Hơn 1 vạn tàu thuyền đang hoạt động trên biển đã được kêu gọi về nơi tránh trú bão an toàn. Các hộ dân ở khu vực mất an toàn được di dời. Bởi vậy, 4 tỉnh trọng tâm mà bão số 1 càn quét là Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam không có thiệt hại về người.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Trưởng BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nhận định: “6 tháng đầu năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn hoành hành ở các tỉnh miền Trung và ĐBSCL đã khiến ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Nếu để mất thêm 216.000 ha ở các tỉnh sản xuất lúa trọng điểm của khu vực sông Hồng, chắc chắn tình hình sẽ rất bi đát.

Công tác tiêu úng cho lúa là ưu tiên số một. Tuy nhiên, bão số 1 đã quật hơn 3 vạn cột điện bị gẫy, nghiêng đổ (chủ yếu ở các vùng ven biển Nam Định và Thái Bình). Nhiều trạm bơm tiêu trong trạng thái tê liệt. Rất may, với sự ráo riết chỉ đạo của các địa phương, chúng ta đã nhanh chóng khắc phục sự cố và cứu được phần lớn diện tích lúa bị ngập úng”.

Các địa phương Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Thái Bình đang tích cực hỗ trợ giống cho nhân dân khôi phục sản xuất tại các diện tích lúa bị mất trắng, đồng thời dặm tỉa bổ sung cho các diện tích lúa bị thiệt hại và tập huấn cho nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa sau bão.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bài học cho các tỉnh ĐBSH đối với vụ mùa là luôn luôn phải dự trữ khoảng 5% diện tích mạ để phòng ngừa những tình huống thiên tai bất ngờ xảy ra. Mặt khác, ngành dự báo KTTV cũng cần phải tăng cường đầu tư mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất, công nghệ, trao đổi hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực dự báo các tình huống thiên tai.

Ổn định đời sống sau bão số 2

Khác với kịch bản của bão số 1, dù không trực tiếp đi vào nước ta, nhưng từ ngày 3 – 5/8, bão số 2 đã gây mưa to đến rất to tại các tỉnh MNPB.

Mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại các huyện Bát Xát và Sa Pa (Lào Cai); gây dông, lốc sét, mưa đá, sạt lở nhỏ tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lai Châu… khiến 13 người chết và 19 người mất tích. Hơn 11.000 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 5 cầu treo bị cuốn trôi… thiệt hại vật chất trên 226 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Tại hai xã Chung Chải (huyện Sa Pa) và Tòng Sành (huyện Bát Xát), người dân nói là mấy chục năm nay chưa có trận mưa nào lớn như vậy. Vì thông tin dự báo chưa chính xác và chưa cảnh báo kịp thời nên chỉ trong vòng 10 km, lũ quét, sạt lở đất đã cuốn đi gần như tất cả cơ sở vật chất của hai địa phương này. Gần 1.000 ngôi nhà bị thiệt hại.

Vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nơi cư trú của người dân các dân tộc thiểu số. Người Dao thường sống ở gần sông, khe suối, rất dễ xảy ra lũ ống. Người Mông sống ở trên núi cao nên nguy cơ lũ quét, sạt lở đất luôn thường trực. Trong khi đó, vấn đề cưỡng chế những hộ dân làm nhà ở gần suối thường không cương quyết.

“Đối với 557 hộ với gần 3.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng sau lũ tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Simacai và Bát Xát, chúng tôi đề nghị hỗ trợ 193 tấn gạo.

Với quốc lộ 4D lên Sa Pa, bước đầu cần 87 tỉ đồng sửa chữa, bước hai cần tiếp 218 tỉ. Cung đường này có 39km, giờ đã xuất hiện hơn 30 điểm thác. Và, ngay thôn Sủng Hoảng của xã Phìn Ngan, cần bố trí chỗ ở cho 34 hộ dân bởi họ không có nơi ở nhưng hiện tại chưa nhìn thấy tiền đâu, đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ cho Lào Cai” - ông Dương kiến nghị.


Quốc lộ 4D từ TP Lào Cai lên Sa Pa bị ùn tắc vì hư hỏng sau bão (Ảnh: Hoàng Đình Tưởng)

 

Đồng quan điểm trên, đại diện tỉnh Bắc Kạn cho biết: Dự án sắp xếp dân cư vùng thiên tai nguy hiểm, với mức hỗ trợ trực tiếp cho mỗi hộ dân 20 triệu đồng di dời và 50 triệu hỗ trợ xây dựng vật chất và ổn định cuộc sống là quá thấp. Bởi vậy, cán bộ thực hiện dự án rất khó hoàn thành nhiệm vụ vận động người dân di dời.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai phương án phòng, thống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ. Trong cơn bão số 1, những vùng bão lớn không gây thiệt hại về người. Công tác khắc phục hậu quả của cơn bão được khắc phục nhanh trong thời gian ngắn, nhất là khôi phục hệ thống điện và tiêu úng cho lúa mùa.

Tuy nhiên, cơn bão số 2 có diễn biến phức tạp kèm theo mưa lũ bất ngờ đã gây thiệt hại lớn thiệt hại về người lớn cho các tỉnh MNPB. Nhiều địa phương còn lúng túng, chủ quan và bị động trước những tình huống thiên tai. Các cấp chính quyền địa phương chưa tiến hành sơ tán, cưỡng chế người dân ra khỏi vị trí nguy hiểm quyết liệt, nhất là những vùng có nguy cơ sạt lở.

Phó Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới, các địa phương cần tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm những người còn mất tích. Đồng thời, tập trung hỗ trợ, thăm hỏi gia đình nạn nhân, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình:

Trước đây, những địa phương nào làm cột điện hình tròn thì rất yên tâm.

Nhưng bây giờ nhiều cột điện được thiết kế khác đi để giảm vật liệu và nối cao hơn. Ngành điện lực cho mượn hoặc cho thuê cột điện để các đơn vị viễn thông đấu nối vào đó, nên rất dễ xảy ra sự cố.

Bởi vậy, cần phải tính toán lại kết cấu và xây dựng hệ thống lưới điện an toàn cho khu vực ven biển, nơi thường xuyên xảy ra mưa bão.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nam:  Sau bão số 1, Hà Nam có hơn 28.000 ha lúa bị ngập úng. Nếu không gặp sự cố mất điện khiến 5 trạm bơm ngừng hoạt động thì 30 ha lúa sẽ không bị mất trắng.

Bên cạnh đó, năng lực tiêu thoát nước của hệ thống thủy lợi vào mùa mưa bão đang bị quá tải. Trước, hệ số tiêu chỉ cần 7 lít/ha/giây là đáp ứng tốt yêu cầu, bây giờ phải 18 lít/ha/giây vì phải tiêu cho cả khu đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, không có kinh phí để nâng cấp, cải tạo.

Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: Năm nay, dự báo bão số 1 của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương chưa sát với thực tế. Nhưng các địa phương không thể trông chờ vào Trung ương, phải dựa vào kinh nghiệm của mình để chủ động phòng chống.

Các cụ có câu: “sấm có, cò trốn, bão to”. Thế nên, trước khi bão vào, chúng tôi đã hoàn thành công tác kêu gọi tàu thuyền và các hộ dân ở khu vực nguy hiểm di chuyển về nơi tránh trú an toàn.

 

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm