| Hotline: 0983.970.780

Trị ngạt mũi mùa lạnh

Thứ Ba 07/01/2014 , 10:30 (GMT+7)

Không có biện pháp chung nào cho tất cả mọi người nhưng kết hợp một trong những giải pháp sau có thể khắc phục tình trạng này dễ dàng hơn.

Mùa đông, chứng nghẹt mũi thường làm cho nhiều người khó chịu vì khó thở. Không có biện pháp chung nào cho tất cả mọi người nhưng kết hợp một trong những giải pháp sau có thể khắc phục tình trạng này dễ dàng hơn. 


Ăn uống nóng cũng giúp thông mũi tốt

Bổ sung nước

Nước muối dùng để rửa hoặc xông mũi sẽ giảm bớt nghẹt mũi, bởi nó làm ẩm và làm sạch đường mũi. Biện pháp này đơn giản nhưng thực sự hiệu quả. Chỉ có điều, nước để pha muối phải là nước cất hoặc vô trùng mua ở cửa hiệu hoặc dùng nước đun sôi để nguội nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Đối với những người không quen rửa mũi, làm ẩm không khí bằng máy phun sương có thể có tác dụng, nhất là với trẻ nhỏ. 

Ăn đồ nóng

Người phương Tây có câu thành ngữ “Lạnh thì cho ăn, sốt thì bỏ đói”. Một số bằng chứng khoa học cho thấy, cháo gà có thể giúp giảm viêm, nghẹt mũi và cảm lạnh thông thường. Thêm vào đó, hơi nước từ một bát cháo nóng có thể thông mũi. Một số đồ uống, súp nóng khác cũng có thể giúp làm loãng chất nhầy trong mũi để chúng thoát ra ngoài. 

Thuốc thông mũi

Thuốc chống tắc nghẽn thông thường không cần kê đơn là thuốc thông mũi dạng viên hoặc dạng phun. Nguyên tắc hoạt động của chúng là làm co các mạch máu trong mũi đang sưng lên khiến không khí không lưu thông được.

Dùng thuốc dạng phun là giải pháp cứu trợ nhanh nhất, thuốc đi thẳng đến vùng tắc nghẽn mà không qua toàn bộ cơ thể nên tác dụng phụ ít hơn so với thuốc uống. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của thuốc xịt mũi là chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (chỉ 2-3 ngày), nếu sử dụng kéo dài sẽ mất hiệu quả và người dùng sẽ phụ thuộc vào thuốc. 

Đáng lưu ý, thuốc thông mũi không phải dành cho tất cả mọi người. Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không dùng loại thuốc này cho trẻ dưới 4 tuổi. Phụ nữ mang thai muốn dùng cũng phải tham khảo ý kiến bác sỹ. Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc thông mũi là tăng nhịp tim, vì vậy nên tránh với người có huyết áp cao, bệnh tim, nhịp tim bất thường, bệnh tăng nhãn áp.

Bổ sung kẽm

Khi phát hiện dấu hiệu đầu tiên của tắc mũi hoặc các triệu chứng khác của cảm lạnh, chế độ ăn uống có bổ sung chất kẽm sẽ phát huy hiệu quả. Kẽm có thể làm giảm lượng virus cúm và cảm lạnh lưu hành trong cơ thể. Điểm mấu chốt là dùng viên ngậm chứa kẽm để nó tiếp xúc với virus trong miệng và cổ họng trong vòng 24 giờ đầu tiên khi các triệu chứng xuất hiện. Cùng với đó, bổ sung vitamin C và một số chế phẩm sinh học khác giúp tăng cường chức năng miễn dịch. Tất cả những điều này, giới chuyên gia lưu ý là áp dụng càng sớm càng tốt.

Cân nhắc dùng kháng sinh

Các chuyên gia cho rằng, nên suy nghĩ kỹ trước khi dùng kháng sinh để trị nghẹt mũi. Hầu hết chứng nghẹt mũi là do nhiễm virus mà trị virus thì thuốc kháng sinh không có tác dụng do thuốc chỉ hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Trường hợp nào thì cần đi kiểm tra sức khỏe? Đó là khi các triệu chứng tắc nghẽn kéo dài hơn 7-10 ngày, có kèm theo sốt hơn 39 độ C hoặc sốt cao liên tục không chịu hạ, khi cơ thể ngày càng mệt mỏi hơn…

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.