Lương Ngọc Quyến bị chém đầu?
PGS.TS Trần Viết Nghĩa là giảng viên lịch sử của trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) chuyên ngành lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Nhưng qua cuốn sách này, tác giả đưa nhiều thông tin cẩu thả, thất thiệt.
Chú thích đánh số 1 trang 64 cho sự kiện “Trái bom ở Quảng Châu (Trung Quốc) do một người An Nam thực hiện chứng tỏ sự phẫn nộ của quần chúng”, PGS.TS Trần Viết Nghĩa lý giải: Năm 1923, Phạm Hồng Thái tiến hành ném bom ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin ở Quảng Châu, Trung Quốc… Sách giáo khoa lịch sử ở bậc phổ thông cho biết, ngày 19/6/1924, Phạm Hồng Thái ném bom ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin ở Quảng Châu. Bia mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Quảng Châu (Trung Quốc) hiện nay cũng ghi rõ ngày hy sinh của ông là 19/6/1924. Không rõ, năm 1923 Phạm Hồng Thái có ném bom như thông tin PGS.TS Trần Viết Nghĩa viết trong sách?
Câu tiếp theo, ông Nghĩa dẫn: “Một anh lính khổ đỏ ở Bắc Kỳ…”. Làm lính thì tất nhiên là khổ, không sung sướng gì, song trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc chỉ có lính khố đỏ với lính khố xanh. Lỗi đánh máy như thế này trong sách “Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do” không hề ít.
Trang 236, PGS.TS Trần Viết Nghĩa viết: “Tháng 6/1924, Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc)…”. Sách giáo khoa lịch sử ở bậc phổ thông cho biết, Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc vào tháng 6 năm 1925.
PGS.TS Trần Viết Nghĩa viết tiếp ở trang 265: “Ngày 13/6/1927, nhà yêu nước Lương Văn Can mất tại Phnôm Pênh, Cao Miên”. Cao Miên tức là đất nước Campuchia hiện nay. Theo tôi được biết nhà chí sĩ Lương Văn Can mất tại Hà Nội - Việt Nam chứ không phải ở Phnôm Pênh - Cao Miên. Vẫn trang này, PGS.TS Trần Viết Nghĩa cung cấp thêm thông tin về con trai cụ Lương Văn Can: “Người con trai của ông là Lương Ngọc Quyến đã phát động một cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên, bị bắt và bị chém đầu” (tr. 265).
Không chỉ cẩu thả khi cầm bút viết về nhân vật lịch sử, PGS.TS Trần Viết Nghĩa còn cho bạn đọc cảm giác ông mạnh dạn sáng tác cho lịch sử mà chẳng ngại bị cười chê. Tư liệu lịch sử hơn một thế kỷ nay đều viết rõ, nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến khi bị trúng đạn quân Pháp, để không vướng bận mọi người xung quanh đã tự sát. Đến nay ông Trần Viết Nghĩa viết sách khẳng định Lương Ngọc Quyến “bị bắt và bị chém đầu” thì tôi có phần quan ngại về kiến thức lịch sử của tác giả!
Trang 371, PGS.TS Trần Viết Nghĩa viết về sự kiện tác giả cuốn sách “L’Indochinoise S.O.S” (Đông Dương cấp cứu) đã phiên âm tên tác giả là: Nhà văn - nhà báo Violet. Violet là tên loài hoa có màu tím, còn tác giả sách “Đông Dương cấp cứu” không tím mà từ phơn phớt hồng đến đỏ vì bà gần gũi với các nhóm trí thức cộng sản và từng tham gia ban biên tập của tờ báo cộng sản hàng ngày Ce soir. Tên tiếng Pháp của bà ấy là Andrée Viollis.
Dẫn nguồn tài liệu không đúng
Theo tác giả sách “Nguyễn An Ninh - Không ăn mày tự do”, tối 20/8/1945, tại rạp Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn), lực lượng Thanh niên Tiền phong đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. “Ban Chủ tịch buổi lễ gồm có: Tôn Đức Thắng (một thanh niên cách mạng, một đảng viên của Nguyễn Ái Quốc bị án 20 năm tù ngoài Côn Đảo) làm Chủ tịch” (tr. 484). Đọc đến đây, chúng tôi băn khoăn: Ngày đó, Tôn Đức Thắng còn đang ngồi tù ngoài Côn Đảo, đến ngày 23/9/1945 mới được tàu thuyền từ đất liền ra đón về. Vậy liệu có thể xảy ra sự kiện tối 20/8/1945 Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch lễ truy điệu Nguyễn An Ninh hay không?
Trong chú thích ở 2 trang 485 và 486, PGS.TS Trần Viết Nghĩa đều dẫn tên bài viết của Chí Thành “Lễ truy điệu Nguyễn An Ninh, Thanh niên tiền phong số 1 của xứ này” trên báo Điện tín, ngày 22/5/1945. Điều này khiến chúng tôi đặt dấu hỏi về thông tin ở phần chính văn của ông Nghĩa: Vậy lễ truy điệu Nguyễn An Ninh do Thanh niên Tiền phong tổ chức vào tháng nào của năm 1945 là đúng? Tháng 5 hay tháng 8 năm 1945?
Là nhà khoa học, giảng dạy, nghiên cứu và viết sách về lịch sử nhưng điều đáng quan ngại là PGS.TS Trần Viết Nghĩa dẫn nhiều nguồn tài liệu không hề đúng. Cụ thể chúng tôi căn cứ trong Tài liệu tham khảo ở sách “Nguyễn An Ninh - Không ăn mày tự do” như sau:
Phần tài liệu tiếng Việt, trang 543, tài liệu số 6, Nguyễn Thị Bình: Cùng anh đi suốt cuộc đời (hồi ký của bà Nguyễn An Ninh), NXB Trẻ, TP.HCM, 1999. Tác giả sách Cùng anh đi suốt cuộc đời là bà Trương Thị Sáu, tức bà Nguyễn An Ninh. Còn Nguyễn Thị Bình là con gái bà và chưa từng đứng tên tác giả hồi ký của mẹ mình.
Tài liệu số 10, trang 544, PGS.TS Trần Viết Nghĩa dẫn bài “Chí sĩ Nguyễn An Ninh”, báo Sài Gòn giải phóng, trang Chủ nhật, 2000. Dẫn nguồn tư liệu như vậy bằng đánh đố bạn đọc vì năm 2000, báo Sài Gòn giải phóng có khoảng 50 số Chủ nhật, chứ không phải chỉ có 1 trang Chủ nhật.
Tương tự, tài liệu số 94, trang 552 dẫn bài viết của nhà báo Lê Minh Quốc: “Tư liệu mới tìm được về Chiêu Nam Lầu”, báo Phụ nữ, ngày 28/6/1997. PGS.TS Trần Viết Nghĩa làm khó bạn đọc vì thời điểm năm 1997 (và cho đến nay - 2024), báo Phụ nữ là tên gọi tắt của các tờ báo: Phụ nữ Việt Nam (Trung ương Hội LHPN Việt Nam), Phụ nữ Thủ đô (Hội LHPN Hà Nội) và Phụ nữ TP.HCM (Hội LHPNTP.HCM). Bài viết của tác giả Lê Minh Quốc không thể đăng cùng ngày trên cả 3t ờ báo Phụ nữ kể trên được.
Trang 546, tài liệu số 34, dẫn “báo Phim TP.HCM, số 67, tháng 10.1993”; tài liệu số 68 trang 550 dẫn “báo Toàn cảnh”, số 136, tháng 11.2001… Điều tôi băn khoăn chẳng rõ có “báo Phim TP.HCM” hay không? Còn Toàn cảnh là tạp chí hàng tháng thì đúng hơn là báo.
Cuối cùng, tác giả sách “Nguyễn An Ninh - Không ăn mày tự do” dẫn luận án Tiến sĩ Lịch sử (bản thảo) – tài liệu số 120, tr. 555. Điều này có lẽ khá độc đáo vì hình như chưa từng có ai đi dẫn bản thảo của luận án do tính chính danh của nó chưa có. Chắc hẳn PGS.TS Trần Viết Nghĩa đã từng bảo vệ luận án tiến sĩ lịch sử của mình cũng như đã từng hướng dẫn nghiên cứu sinh nên biết rõ điều này.
“Với những góp ý của nhà báo Kiều Mai Sơn, không chỉ bạn đọc mà tôi nghĩ, ngay cả PGS.TS Trần Viết Nghĩa cũng phải thừa nhận là xác đáng. Điều này cho thấy sự cẩn trọng trong nghiên cứu bao giờ cũng là lời tâm niệm nằm lòng. Dù vẫn biết là vậy, nhưng rồi lại có lúc lực bất tòng tâm, ngoài ý muốn. Do đó, khi có góp ý thì mình tiếp thu, sửa chữa. Ở đây, sách đã in ra thì phải làm sao? Thật khó hết sức. Chỉ còn cách chỉnh sửa, nếu tái bản. Từ sai sót này, hẳn chúng ta nhớ đến một câu trong Truyện Kiều: “Thương nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Thật đáng tiếc cho quyển sách Nguyễn An Ninh “không ăn mày tự do” (Nhà báo Lê Minh Quốc – TP. HCM).