Cắt tóc ở làng

. - Thứ Năm, 22/09/2022 , 06:50 (GMT+7)

Thời ấy cắt tóc đơn giản lắm, tất cả già trẻ lớn bé cùng một kiểu, dùng tông-đơ đưa lên đỉnh đầu sau đó dùng kéo sửa hoàn thiện, cạo chân mai, gáy là xong.

Sau năm 1954 miền Bắc nước ta được hoàn toàn độc lập, chính phủ tiến hành cải cách ruộng đất và người cày đã có ruộng.

Mỗi hộ nông dân đã được canh tác trên thửa ruộng chính quyền chia cho và đó là của riêng họ. Họ yêu ruộng đất lắm và tìm mọi cách để cấy trồng thâm canh thu nhiều hoa lợi. Đời sống dần dần no đủ và có tích lũy để làm các việc lớn, xây sửa nhà cửa, mua sắm đồ đạc.

Nhưng tuần trăng mật ấy cũng chẳng kéo dài được lâu, đến khoảng năm 1957 chính sách thành lập hợp tác xã nông nghiệp ban ra, người nông dân lại phải đưa ruộng đất của mình vào hợp tác xã. Chính sách ấy cũng có độ trễ của nó. Đến khoảng năm 1960 là hạn cuối cùng để xóa ruộng tư điền, hoàn thành các hợp tác xã nông nghiệp.

Thầy (cha) tôi là người biết tính toán nhìn xa trông rộng, ông đoán biết được cái gì sẽ xảy ra khi phải làm trong hợp tác xã cho nên ông muốn tận dụng hết thời gian có thể để vào hợp tác xã sau cùng.

Trong mấy năm ngắn ngủi ấy ông đã chăm chỉ trồng cấy, tính toán mùa vụ trên những thửa ruộng của mình và thu được thành quả đáng kể. Ông là thanh niên thế hệ mới đầu tiên xây được nhà ngói sân gạch và sắm sửa đồ gỗ trong xóm. Năm ấy thầy tôi mới 31 tuổi.

Vào hợp tác xã rồi, mọi thứ bị kiểm soát gắt gao, khó có thể sáng tạo làm thêm được cái gì. Nếu chỉ có sức lao động để ghi công điểm rồi được chia thóc lúa hoa màu thì chỉ có đói vì thói rong công phóng điểm.

Ngày xưa kinh tế thuần nông, chi tiêu việc gì trong gia đình cũng phải trông vào hạt lúa củ khoai, con gà con lợn thì bí bách lắm. Thầy tôi nghĩ vậy cho nên ông dự định phải làm thêm một nghề phụ nào đấy để kiếm tiền. Sau một hồi đắn đo ông quyết định học nghề cắt tóc.

Một tiệm cắt tóc bình dân ở nông thôn xưa. Ảnh minh họa.

Thời hợp tác xã thì ngành nghề nào cũng phải mang màu sắc ấy, từ mua bán, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp đều phải vào hợp tác xã hết và tổ cắt tóc của thầy tôi cũng không là ngoại lệ. "Trụ sở" của cái tổ cắt tóc ấy là một cái lán đơn sơ vách nứa lợp rạ bên một góc chợ.

Người nhiều tuổi nhất trong tổ là bác Thiệu, rồi đến thầy tôi và chú Lợi. Mọi người cứ gọi đùa đó là ba anh em Lưu - Quan - Trương kết nghĩa gốc đa, một cách mượn điển cố từ truyện "Tam Quốc diễn nghĩa". Ngẫm lại tôi cũng thấy giống thật.

Bác Thiệu cũng mang những nét đặc trưng của Lưu Bị, dáng người nho nhã, thanh tú, gương mặt đẹp trai cân đối thư sinh, đặc biệt đôi mắt to, sáng rất hiền từ và có nét gì đó trong trẻo của tuổi thơ vương lại. Một nét đẹp thoát tục, mới gặp thì ít ai bảo bác là nông dân. Những nét đẹp ấy được di truyền cho những người con của bác, họ đều có gương mặt hơi dài, môi mọng, mũi cao, da trắng, mắt to, lúm đồng tiền sâu hai bên má, tóc xoăn nhẹ, một nét đẹp tây tây của những hotboy, hotgirl thời nay. Một con người thu phục những người xung quanh bằng cốt cách của mình chứ không phải nói nhiều, đao to búa lớn. Bác cũng là thầy dạy nghề cho thầy tôi.

Người làm sao của chiêm bao làm vậy, đồ nghề cắt tóc của bác cũng sạch sẽ ngăn nắp như con người của bác, cái hòm đồ bằng gỗ tốt đánh vẹc-ni có quai xách bằng da bóng bẩy trông rất đẹp chứ không phăng-tê-di như cái hòm đồ của thầy tôi. Bác cắt tóc cho khách chậm rãi và tỉa tót rất cẩn thận, giao tiếp nhẹ nhàng khi yêu cầu khách ngẩng lên, cúi xuống...

Thầy tôi thì ngược lại, ông không đẹp trai theo kiểu hài hòa như bác Thiệu nhưng trông rất cá tính, "men lỳ", gương mặt góc cạnh, trán cao, răng hô. Bao nhiêu cái tinh anh thần thái của ông dồn vào đôi mắt, một đôi mắt sáng, sắc sảo của một con người thông minh và nhạy cảm. Bình thường ông là người hoạt ngôn, nói chuyện rất hài hước và hiểu biết nhiều.

Thầy tôi ham đọc sách. Những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thư viện của huyện sơ tán về đình làng tôi, ông làm thẻ và mượn về đọc những quyển như "Đại Nam thực lục", "Hoàng Lê nhất thống chí"... khổ to đùng, dầy cộp, cứ vắng khách là ông lại đọc. Nói thật cho đến bây giờ tôi vẫn chưa có gan để nghiền hết những thể loại ấy. Khách hàng nhớ tới ông vì cái duyên nói chuyện của ông, nhiều người từ những làng khác cách xa năm, sáu cây số nhưng họ vẫn đến ông cắt tóc để được nói chuyện với ông.

Có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi, một câu chuyện buồn của thời chiến tranh khốc liệt.

Thời ấy đình làng tôi là nơi đóng quân của binh trạm CT14 Tổng cục Hậu cần, nơi chuyên đón tiếp thương binh nặng và các chiến sĩ của ta bị địch bắt làm tù binh được trao trả. Từ phía Nam họ đi tàu hỏa ra tập kết ở binh trạm trước khi về địa phương hoặc đi các trại an dưỡng khác.

Có một người thương binh vô cùng đặc biệt, anh bị cụt tứ chi mù cả hai mắt nhưng tai vẫn còn nghe được. Mọi lần đơn vị đều gọi thầy tôi vào doanh trại để cắt tóc cho anh ấy nhưng có một lần anh ấy đòi hộ lý cho anh ra quán để thầy tôi cắt. Thầy tôi hỏi anh tại sao lại muốn ra, anh ấy bảo ra ngoài quán để được nghe thấy tiếng mọi người và để được hòa vào câu chuyện của thầy tôi. Anh ấy thích được nói chuyện với ông và mọi người trong một khung cảnh dân dã thực thụ chứ không phải trong bệnh xá doanh trại.

Sau lần ấy anh đã tự tử bằng cách lăn mình vào chảo nước sôi khi cô hộ lý cho anh đi tắm. Một cái chết thật đau lòng nhưng cũng là sự giải thoát cho một kiếp người.

Thầy tôi làm việc gì cũng rất tốc độ, ông cắt tóc nhanh và đẹp, làm cuốc, lên luống, vét rãnh cứ soàn soạt, nhanh gấp rưỡi gấp đôi người khác và rất giỏi tính toán căn cơ.

Ẩn sâu trong con người ấy là một tâm hồn đa cảm, yêu văn thơ, âm nhạc. Giao thừa nào ông cũng khai bút đề thơ mắt rưng rưng lệ.

Chú Lợi, người em út thì tính tình sôi sùng sục như Trương Phi thật. Có lẽ bởi vì chú còn là cán bộ của xã, có thời làm bí thư Đảng ủy cho nên ăn to nói lớn, lúc nào cũng nhấp nhổm vì công việc nó ngấm vào máu rồi.

Bí thư Đảng ủy xã bấy giờ làm gì có lương, phụ cấp chẳng được bao nhiêu, lộc lá chẳng đáng gì cho nên vẫn phải cắt tóc mới có tiền mặt. Vợ yếu con đông, ôm đồm nhiều việc, sức khỏe lại không tốt, chú đổ bệnh và ra đi sớm vào cuối những năm 1970.

Thời ấy cắt tóc đơn giản lắm, tất cả già trẻ lớn bé cùng một kiểu cắt cao, dùng tông-đơ đưa lên đỉnh đầu sau đó dùng kéo sửa hoàn thiện, cạo chân mai, gáy là xong. Cắt cho người lớn giá ba hào, trẻ con hai hào, mỗi ngày cũng được năm, sáu đồng tức là khoảng 5 cân gạo ngon. So với ngày công đi làm đồng thì thu nhập cao hơn nhiều.

Chính vì thế mà bác Thiệu, thầy tôi, chú Lợi mới gồng gánh được cái gia đình nhỏ của mình, nuôi các con ăn học đi thoát ly hầu hết.

Nhưng nghề ấy cũng là một nghề nặng nhọc và độc hại, nhiều hôm thầy tôi đi làm về ông kêu đông khách quá, tay bóp tông-đơ mỏi rã rời (ngày xưa làm gì có tông-đơ điện), vi khuẩn, bụi từ tóc của khách hàng bay ra là nguồn gây bệnh nghề nghiệp rất nguy hiểm.

Biết vậy nhưng vì miếng cơm manh áo, vì gia đình và đàn con thơ dại nên những người cha ấy vẫn phải cố gắng cần mẫn thôi. Một năm họ chỉ nghỉ vài ngày Tết Nguyên đán.

Ba người đàn ông ấy coi nhau như anh em ruột thịt, họ chia sẻ buồn vui thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi có công to việc lớn.

Thế hệ con cái của họ là chúng tôi cũng rất thân thiết, coi nhau như anh chị em, ngày còn thơ ấu vui buồn có nhau.

Bây giờ về làng hình ảnh những ông già cắt tóc trong một cái quán đơn sơ tranh tre nứa lá nằm nép gốc đa đã trôi vào dĩ vãng xa lơ xa lắc rồi. Thợ cắt tóc làm đầu bây giờ là những nam thanh nữ tú trông rất mô-đen, cửa hàng sáng choang, máy lạnh chạy ro ro cùng với máy móc đồ nghề tân kỳ nhất, những loại mỹ phẩm, thuốc nhuộm của những hãng danh tiếng trên thế giới.

Có còn ai nhớ đến những người thợ cắt tóc bình dân một thời không? Chắc chắn là còn chúng tôi, những người con của họ, những người đã được nuôi nấng ăn học và trưởng thành từ nỗi vất vả và những giọt mồ hôi mặn mòi của cha mẹ mình.

Đỗ Xuân Phương

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.