Phan Thanh Giản thường được sử sách nhắc tới như một đại thần triều Nguyễn tận tâm, liêm khiết, nhưng cuộc đời gắn liền với những thất bại, trong đó thất bại lớn nhất là khi nhận trọng trách giữ sự toàn vẹn lãnh thổ của ba tỉnh miền Tây Nam kỳ lục tỉnh trước sự xâm lấn của Pháp! Vì sự thất bại này mà ông bị triều Nguyễn xử là tội nhân và cũng chịu những lời công kích của đời sau.
Bài viết này không bàn về công tội của ông trong sự mất Nam kỳ lục tỉnh, chỉ chú ý tới đạo làm quan của ông.
Đạo làm quan
Theo quan niệm Nho giáo, kẻ sĩ phải tu thân, tề gia trước rồi mới bình thiên hạ. Về đất xưa nơi ông sống, nghe các bậc trưởng bối trên trăm tuổi kể những câu chuyện về ông, mới thấy đạo tu thân, tề gia được ông giữ gìn nghiêm cẩn như thế nào.
Phan Thanh Giản khi còn nhỏ là người con hiếu thảo. Mồ côi mẹ từ nhỏ, tấm lòng hiếu nghĩa của ông với cha rất cảm động, việc ông xin chịu tội thay cha khi cha vướng vòng lao lý vì hàm oan và sau đó ông thay cha làm việc nặng nhọc trong khám còn được đời sau nhắc nhở. Việc ông siêng năng học giỏi thì mọi người đều biết. Khi lập gia đình, ông chứng tỏ là một người trượng phu chung thủy, một từ phụ đào tạo những người con được xã hội quý trọng.
Xuất thân một gia đình nề nếp nho gia mẫu mực như vậy, Phan Thanh Giản có sẵn nền móng cho một chí làm với quan hai giá trị đặc biệt rõ rệt: Thương dân; trung quân.
Thời Phan Thanh Giản chưa có khái niệm quốc gia với với ba yếu tố dân tộc, lãnh thổ, chính quyền như bây giờ. Chúng ta sẽ xem hai giá trị thương dân và trung quân đi theo suốt cuộc đời làm quan Phan Thanh Giản như thế nào.
Thương dân và trung quân
Lòng trung quân của Phan Thanh Giản là điều chắc chắn. Trong 6 lần bị giáng chức, có lần bị giáng làm tiền quân hiệu lực, tức là lính lệ trong đoàn quân xung trận, ông đều chứng tỏ tinh thần kỷ luật chấp hành trên nền tảng đạo lý trung quân.
Trong hai giá trị cốt lõi là thương dân và trung quân, khi phải đối mặt với một sự việc mà hai giá trị đó xung đột nhau, Phan Thanh Giản chọn giá trị thương dân. Ông giải quyết sự việc theo mách bảo của lòng thương dân, rồi quay về triều đình chịu tội với vua theo đạo lý trung quân. Không ít lần ông khiến vua không hài lòng vì các tấu biểu nói về hoàn cảnh người dân sống cực khổ và đề ra biện pháp sửa chữa.
Cách ứng xử của Phan Thanh Giản trước việc Pháp uy hiếp Vĩnh Long (và rộng ra là ba tỉnh miền Tây) là minh chứng cho việc ông chọn thương dân làm giá trị cao nhất, cao hơn trung quân, trên con đường làm quan. Biết rõ nhường ba tỉnh miền Tây cho Pháp là không làm tròn phận sự với vua, đáng tội chết, ông vẫn quyết định ra lệnh nhường! Thực ra ông đã thi hành chính sách hòa hoãn của vua Tự Đức, chỉ không giữ được toàn bộ sáu tỉnh mà thôi!
Phan Thanh Giản viết cho Tổng đốc và dân chúng An Giang và Hà Tiên:
“Thế nước thế này, dẫu cố gắng giữ chẳng khác gì mình lại kéo về mình một cách vô ích những tai họa để tai họa ấy đè lên đầu dân mà trời đã trao cho mình chăn dắt. Bản chức buộc phải lựa theo thế trời mà đứt ruột gan giao ba tỉnh miền Đông cho họ, ngõ hầu mưu sự yên hòa cho dân chúng”.
Ông tự kết tội mình, “Bản chức đáng tội chết!”.
Và ông tuyên bố: “Hỡi các quan và lê dân! Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú-lang-sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi, nhưng lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”.
Và ông thực thi đúng như lời tuyên bố. Gởi bức thơ thống thiết tới vua Tự Đức, “Nghĩ tôi đáng chết, không dám cẩu thả sống để nhục đến quân phụ”, sau khi nhịn ăn mười lăm ngày không chết, ông uống thuốc độc làm từ giấm và thuốc phiện tự tử trước mặt người thân!
Bằng cách đó, cùng lúc Phan Thanh Giản tôn trọng hai giá trị là thương dân và trung quân.
Liêm khiết, canh tân và chủ hòa
Phan Thanh Giản luôn giữ lòng thương dân làm giá trị cao nhất suốt đời làm quan của mình. Người làm quan thương dân, thấy rõ trách nhiệm với dân, không tự cho mình tơ hào một xu của công quỹ. Đức liêm khiết của Phan Thanh Giản luôn được vua, triều đình, dân chúng ngưỡng phục!
Vị quan thương dân cũng là người hết lòng với sự phát triển của dân, tìm cách đưa những kiến thức tiến bộ nhất tới dân, ngược hẳn với các thế lực chủ trương ngu dân vì mưu cầu lợi ích trên khối dân thiếu hiểu biết!
Đi sứ tới Pháp và Tây Ban Nha, trong hai tháng trời tại Paris, vị chánh sứ Phan Thanh Giản cùng sứ bộ đã thăm Vườn Thực vật (Jardin des Plantes), cung điện Versailles, các danh thắng cùng các cơ sở kỹ nghệ… Jardin des Plantes, liên kết chặt chẽ với Museum National d’Histoire Naturelle de Paris, nơi có những cơ sở khoa học lừng danh như các Khoa Thực vật học (Botaniques), Ngư học (Ichthiologie), Cổ sinh vật học (Paléontologie)… đương thời là những trung tâm khoa học bén nhọn nhất thế giới. Sứ bộ cũng quan sát cách người dân Paris sống, sinh hoạt, đối đãi với nhau.
Tận mắt thấy, tận tai nghe các tiến bộ khoa học kia, khi về nước ông muốn triều đình chấp nhận chính sách canh tân, “gửi sinh viên ra ngoại quốc học, mở rộng giao thương, và không ngăn cản việc truyền đạo”. Ông cho rằng người Việt nên nhún nhường, chấp nhận thua thiệt trước mắt để học phương Tây, khi đã tích lũy đủ kiến thức thì đòi lại sự bình đẳng và sánh vai với họ. Bởi tấm lòng thương dân cùng với kiến thức rộng, Phan Thanh Giản chủ hòa để bảo toàn sinh mạng dân, cũng là bảo toàn nguồn lực quan trọng nhất của đất nước.
Trong bức thơ Phan Thanh Giản gởi cho Tổng đốc và dân chúng An Giang và Hà Tiên nói trên, tôi chú ý một câu, đó là “Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú-lang-sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi”. Ý nói nếu chống lại Pháp thì họ đáng sợ, nhưng làm dân sống dưới quyền họ thì không sao. Câu này có thể cho thấy Phan Thanh Giản cảm được các giá trị tự do, bình đẳng, bác ái của nền văn minh của Pháp, vì ông từng chứng kiến cách người Việt cai trị Cao Miên trước đó hai chục năm khắc nghiệt như thế nào!
Học giả Hoàng Xuân Hãn cũng cho rằng Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành là những đại thần chủ trương canh tân.
Tiếc thay, đồng liêu và đình thần không nghe theo ý kiến canh tân…
“Từ ngày đi sứ đến Tây Kinh,
Thấy việc Âu châu bỗng giật mình.
Kêu gọi đồng bang mau tỉnh giấc,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin!”.
Những kẻ sĩ của đất nước, mấy ai nghe những lời tuyệt vọng đó của một người trông rộng, thấy xa mà không thương cảm? Con người cô độc Phan Thanh Giản hẳn phải rất mỏi mệt trong những năm cuối đời, lại phải gánh trách nhiệm quá lớn, mà luôn gìn giữ giá trị thương dân và trung quân trong đạo làm quan của mình.
Dân chúng miền Nam thấu hiểu, kính trọng và thương mến tấm lòng của Phan công!