Bộ Công thương cho biết, nhờ Hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu đối với các loại sản phẩm cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh được hưởng lợi. Cụ thể, mức thuế cho sản phẩm cá ngừ loin đông lạnh hoặc phi lê sẽ được loại bỏ trong 3 năm, từ mức 18% về 0%.
Cá ngừ chế biến sử dụng cho cá ngừ đóng hộp áp dụng tỷ lệ cơ bản 24% và được giảm trong 7 năm. Cá ngừ đóng hộp và bao gói, hạn ngạch miễn thuế mỗi năm là 11.500 tấn. Sau đó, mức thuế trở về ban đầu là 20,5% và sẽ giảm 3,5% mỗi năm.
Để được hưởng những ưu đãi này, sản phẩm thủy sản của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, với những quy định được áp dụng tương tự với EVFTA.
Theo đó, thủy sản thô, sơ chế và thủy sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam phải có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam, nghĩa là được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam, không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba.
Tại thị trường Anh, cá ngừ được chế biến và bán dưới nhiều loại sản phẩm như sushi, dạng có sốt, dạng bánh hay tẩm bột… Trong đó, cá ngừ đóng hộp và đóng túi được tiêu thụ nhiều nhất. Cá ngừ dạng sushi hay tẩm bột cũng có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, Việt Nam lại xuất khẩu chính là thịt, loin cá ngừ đông lạnh (mã HS03), với tỷ trọng chiếm tới 92%. Việt Nam hiện là quốc gia ngoài EU cung sản phẩm này lớn thứ 2 vào thị trường Anh, sau Hàn Quốc. Nhưng từ năm 2023, Anh lại giảm nhập khẩu sản phẩm này.
Những diễn biến ấy khiến xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Anh có dấu hiệu chững lại sau một thời gian tăng trưởng tốt. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 3,6 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ 2023.
Với thói quen sử dụng các sản phẩm thủy sản ít nhất 1 lần/tuần với lượng trung bình từ 150 - 200 gam/người/tuần, Vương quốc Anh được xem là "thị trường vàng" của thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm cá.
Tiềm năng lớn, dư địa nhiều nhưng việc sụt giảm thị phần và giá trị xuất khẩu tại thị trường Anh là một vấn đề. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, xét riêng về nhóm các sản phẩm chế biến, đóng hộp thì cá ngừ luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Anh.
Tại xứ sở sương mù, cá ngừ là một loại thực phẩm được sử dụng chủ yếu trong các món ăn nhanh, như bánh mì kẹp, hay trong nhiều bữa ăn khi đi du lịch. Trong một cuộc điều tra vào năm 2022, khoảng 70% người dân Anh được hỏi chọn cá ngừ là sản phẩm đóng hộp yêu thích.
Ngoài ra, do đặc tính của dòng cá béo khá phù hợp với nhiều hình thức chế biến, một số sản phẩm làm từ cá ngừ như salad, sốt phủ ăn kèm, bánh mì… cũng rất được ưa chuộng tại thị trường Anh.
Tương tự như các quốc gia châu Âu khác, người tiêu dùng tại Vương quốc Anh cũng rất chú trọng tới không chỉ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn quan tâm tới các yêu tố về lao động, môi trường, hay tính bền vững của chuỗi giá trị trong sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Một số yếu tố khác như giá cả, cách thức chế biến và tính tương đồng trong bữa ăn, địa điểm sử dụng, cũng được quan tâm.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán thương mại tại Vương quốc Anh cho rằng, để tăng cường giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Anh, doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu và có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp.
"Phong cách kinh doanh và thị hiếu tiêu dùng của từng phân khúc thị trường có văn hóa, tôn giáo và nguồn gốc khác nhau tại Anh. Đặc biệt, thương hiệu sản phẩm hay doanh nghiệp phải có ý nghĩa theo tiếng Anh, dễ phát âm, dễ nhớ và nếu có thể gắn với một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng thì có thể được người tiêu dùng đón nhận", ông cho biết.
Người Anh nói chung tương đối kỹ tính, theo ông Cường. Do đó, những doanh nghiệp tại Anh thường chú trọng đặt hàng của đối tác từng xuất khẩu thành công sang ít nhất một nước Tây Âu. Vì vậy, nếu doanh nghiệp đã tiếp cận thành công vào thị trường Đức, Hà Lan hay Pháp sẽ được các doanh nghiệp Anh quan tâm nhiều hơn.
Bên cạnh việc lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô, doanh nghiệp cũng cần dành nguồn lực tìm hiểu thị hiếu, đặc trưng thị trường, đồng thời đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và gia tăng các sản phẩm chế biến sâu.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, nếu sản phẩm đã có thương hiệu thì nên tiếp cận phân khúc thị trường bán lẻ chuyên ngành để được giá cao hơn. Dù vậy, đòi hỏi đi kèm sẽ là chất lượng sản phẩm ổn định.
Điều này rất khác so với việc phân phối thông qua các nhà bán lẻ đã có thương hiệu tại Vương quốc Anh. Thông thường, các nhà phân phối này sẽ đóng gói dưới thương hiệu của họ, hoặc bán sản phẩm thô.
Trong các đối thủ chính của cá ngừ Việt Nam, Ecuador đã ký được FTA với Anh. Về cơ bản, cá ngừ Ecuador cũng sở hữu những ưu đãi thuế quan gần tương tự Việt Nam.
VASEP đánh giá, sản lượng cá ngừ đánh bắt của Ecuador luôn lớn hơn. Nhờ đội tàu hùng mạnh, nguồn cung cá ngừ có xuất xứ thuần túy cho Ecuador khá dồi dào - điều kiện tiên quyết để tận dụng ưu đãi về thuế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng gặp bất lời về giới hạn kích cỡ cá ngừ vằn được phép khai thác. Doanh nghiệp không có đủ nguồn cung cá ngừ vằn - nguyên liệu chính để chế biến cá ngừ đóng hộp - có xuất xứ thuần túy để xuất khẩu.