Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Nguyễn An Ninh: Ba chuyện về đạt đạo

Nguyễn An Ninh: Ba chuyện về đạt đạo

Đạt đạo cũng khó như đường lên trời. 'Đường lên trời khó, vay mượn khó, sương giá mỏng, nhân tình càng mỏng…'.

Ấy là chuyện xưa, trong cổ thư.

Còn chuyện đời nay, ai chả muốn thành đạt, cao hơn nữa là đạt đạo - thành chính quả ở cái chí hướng mà mình theo đuổi… Khổ nỗi là, chỉ nỗ lực, thành tâm, bền chí chưa hẳn đã đạt. Còn vận số, cuộc đời nữa chứ. Khó lắm như lời than của mấy nhân vật của Azit Nexin (trong "Những người thích đùa"): “Chúng ta không thể trở thành người được!”. Đạt nhân còn chả đạt được huống hồ là đạt đạo!

Ấy thế mà cuộc đời đã đãi tôi mấy lần, đã thấy những người có cảnh giới cao thâm lắm, gần đến tầm đạt đạo. Nay kể để các bạn cùng nghe…

 

Tôi thích đánh cờ, hay chơi cờ cùng bạn bè. Có một lần tôi cùng mấy người bạn đến chơi nhà nhạc sĩ Trương Hùng Cường - người rất nổi tiếng với bài hát “Cô giáo về bản”. Trong đám vui vẻ ấy có vợ chồng nhà Phương - Hương. Huỳnh Phương - Nghệ sỹ ưu tú của Đoàn kịch nói Quân đội. Đâu cũng tuổi Dần, 1962, Dần hợp Dậu. Hai thằng tâm đắc nhiều chuyện, cả cờ tướng nữa. Chí chát chờ bữa tiệc. Hồi ấy, cờ tôi cũng xung lắm, mà không hạ được hắn, dù đủ chiêu trò. Hòa vi quý vậy. Trong cuộc rượu, Phương kể tôi nghe một chuyện “kinh người” về cờ.

Thuở niên thiếu, Phương và ông anh (Huỳnh Tú, nguyên Trưởng bộ môn Nhạc Dân tộc của Đài Tiếng nói Việt Nam) hay chơi cờ ở nhà. Hai anh em mê mải, còn ông già vẫn có mặt khi đó, nhưng không bao giờ để mắt chứ chưa nói đến việc cùng góp nước cho mấy đứa trẻ.

Đầu phố ở hàng cắt tóc có một hội cờ nức tiếng lắm, cao thủ nhiều, ông đi qua lại nhiều lần, rồi cả vào cắt tóc nữa. Cũng tuyệt nhiên không thấy cụ để mắt đến cờ. Nhà ở thị xã Thanh Hóa (hồi ấy gọi vậy) bạn bè qua lại cũng đông, cũng chả thấy ông chơi cờ với người ngang trang lứa. Hai anh em cho rằng ba không biết đến một thú tao nhã của cuộc đời. Kể cũng uổng. Thôi, chuyện của các cụ, không dám lạm bàn.

Bữa nọ, nhà có khách, hình như là cố tri của ba, một thầy một trò từ Vinh đi tàu ra chơi. Khách là một bác già trạc tuổi ba. Khỏi phải nói về sự vui mừng và long trọng của gia chủ. Ba lại sai con đi mượn một bàn cờ đẹp về để tiếp khách. Lạ, chưa bao giờ có chuyện này, mà ông già có biết chơi đâu. Bàn cờ nhà cũng có mà... Nhưng lệnh ra là phải đi thôi. Bàn cờ đẹp mang về đến nhà, ông già và khách cùng hồ hởi vào trận. Quên trời đất…

Phương kể: Anh biết em đánh thế nào rồi đấy, cũng đủ ngón, đủ chiêu nhưng hôm ấy, nhìn bàn cờ và thế công thủ của hai ông già, em rợn hết cả tóc gáy. Uyên thâm, phóng khoáng, phá cách mà chặt chẽ, lãng đãng mà toàn đòn “cục”.  Thôi chết rồi, có bậc đại kỳ sư mà ẩn nhẫn tại gia…

Cơm rượu xong, hai người già lại tiếp tục cuộc cờ. Họ vừa đẩy quân vừa thăm hỏi tin về những người bạn cũ, nay sống ra sao, ai còn ai mất. Tụi trẻ lại ngồi chầu, với “mắt xanh, mắt bạc”. Đến tối, hai người lại giã từ cố tri, và xuôi tàu về Vinh. Cuộc thăm viếng bạn cũ có chủ đề chính là trên chục ván cờ. Hỉ hả lắm. Như mong đợi, như hẹn hò từ lâu.

Đó là bạn tù của ba, là người từng nằm chung một khám ở Côn Đảo hồi còn kháng chiến chống Pháp. Hai người bạn tù, hai kỳ thủ xưa gặp lại. Cờ tướng hẳn là một trong những món để họ di dưỡng tinh thần trong những ngày lao lý. Ấy vậy mà ngày thường, chưa bao giờ thấy ông già chơi cờ.

Làm như không biết mà thực ra là biết. Đạt đạo quả là cao thâm lắm…

 

Chuyện kể của họa sỹ Lê Thanh Minh, người từng học tại trường “Repin” Petersburg, Liên bang Nga.

Đang mùa đêm trắng. Tôi ra bếp nấu mì. Một người đàn ông luống tuổi cứ thập thà, thập thò nơi cửa bếp quan sát tôi. Các bạn Nga không có thói quen này. Tôi định bê nồi mì về phòng thì ông ta lên tiếng:

- Anh bạn trẻ, nếu không phiền, làm ơn xem giúp tôi cái tranh.

Tôi ngạc nhiên. Nhìn bức tranh lộ dần ra sau khi ông ta cởi bỏ tấm vải mộc bọc bên ngoài, tôi bảo:

- Không sao đâu, chỉ có điều tôi sẽ không giúp được gì cho ông vì tôi mới học hết năm thứ nhất.

- Tôi biết, không sao. Chỉ cần là sinh viên của trường này là được.

- Vậy thì được. Nhưng ông cần tôi xem giúp cái gì?

- Anh cứ nhận xét, đánh giá vô tư, đừng giữ kẽ. Tôi sẵn sàng lắng nghe. Anh thấy cái tranh thế nào?

Ông ta nói xong chắp hai tay trước bụng yên lặng nhìn tôi như chờ đợi. Tôi nghe rõ sự hồi hộp trong hơi thở gấp gáp của ông.

- Nhìn tranh tôi thấy hình như ông không phải người Nga.

- Đúng, anh bạn tinh lắm.

- Vì đơn giản tranh của ông cũng sặc sỡ, xanh đỏ như các họa sĩ quê tôi.

- Vậy à?!

- Ông là nghiên cứu sinh à?

Sở dĩ tôi hỏi vậy là vì ông đã luống tuổi, hơn nữa tranh lại xanh đỏ không giống cách mà các họa sĩ theo học ở trường này thể hiện.

- Không. Anh bạn trẻ ạ. Tôi chỉ là thí sinh chuẩn bị thi vào trường này thôi.

- Sao? Ông không đùa tôi đấy chứ?

- Sao nào, anh thấy tôi trông có giống như đang đùa không.

- Sao bây giờ ông mới đi thi?

- Anh thắc mắc cũng đúng. Tôi thi lần này là lần thứ 6. Cứ mỗi lần thi trượt tôi về quê ôn luyện, 5 năm sau mới dám quay lại. Lại trượt, lại 5 năm sau nữa... Tính cả lần này là 30 năm rồi đấy...

Tôi nghe rõ tiếng ông thở dài.

- Nếu ngay cả lần này mà không đỗ, tôi sẽ về quê và không quay lại nữa. Có lẽ tôi quá già để theo đuổi ước mơ của mình. Cũng có thể đây không phải là chỗ dành cho tôi.

- Ông đừng buồn. Có nhiều người thành họa sĩ mà không qua trường lớp nào. Ông nên vẽ nhiều tranh, tham gia các triển lãm lớn nhỏ. Cái tên của ông sẽ trở nên quen thuộc dễ bề xin vào Hội Mỹ thuật...

- Xin lỗi anh bạn trẻ. Cái tôi cần là được học, được trở thành sinh viên của trường Repin chứ không phải cần cái bằng để xin vào Hội Mỹ thuật, càng không phải để lên lương, để thăng quan tiến chức. Không phải tự khoe. Những thứ quan trọng với người khác tôi có đủ rồi. Không giấu gì anh bạn, tôi không những là hội viên Hội Họa sĩ Liên Xô mà còn là viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Liên Xô. Không chỉ vậy tôi còn là viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Mỹ thuật Ý, Pháp và Tây Ban Nha. Đương kim Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Litva...

Tôi giật mình nhìn ông kinh hãi. Nhẽ đâu một người như ông lại cần cái "bằng" sinh viên bé xíu như chúng tôi...

Đương nhiên chuyện này làm tôi phải nghĩ và nhớ mãi. Ông quả thật là con người đặc biệt, không dễ gặp. Và quả nhiên sau lần ấy chúng tôi không gặp lại nhau nữa. Ông vẫn không đỗ. Chắc ông ra về ngậm ngùi trong nỗi buồn để tuột mất giấc mơ của đời mình...

Có những ước mơ lớn lao. Và cũng có những ước mơ nhỏ nhoi như ước mơ của ông già nọ. Khi đạt được ước mơ, dù lớn hay nhỏ cũng làm con người ta lâng lâng trong hạnh phúc. Không phải là ông nên tôi không thể hình dung được nỗi thất vọng của ông thế nào khi mơ ước làm sinh viên trường Repin không thành. Mỗi khi gặp khó khăn trong công việc tôi lại nhớ đến ông như một tấm gương về sự hồn nhiên, trong sáng, kiên trì theo đuổi mơ ước của mình. Giản dị mà vĩ đại. Uyên bác mà khiêm nhường. Nó như tiếp thêm cho tôi nghị lực để bước tiếp trên con đường nghệ thuật còn nhiều chông gai, gian khó.

 

Nhân vật “mình” trong chuyện này là nhà thơ Tuân Nguyễn(1933 - 1983) trong truyện ngắn “Người bạn lính cùng tiểu đội” của nhà văn Phùng Quán. Sau đây là một nhân vật mà Tuân Nguyễn được gặp và kể lại.

… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng...

Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương. Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo.

Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời.

...Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho đầm nước. Trời nóng như dội lửa. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:

- Anh Tuân này - không rõ anh ta biết tên mình lúc nào - sống ở đây anh thèm cái gì nhất?

- Thèm được đọc sách - mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.

- Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? - anh ta hỏi.

- Voltaire! - một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống…

...Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại: 

- Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?

Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: Có một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta... Mình trả lời: - Tôi thích nhất là Candide. - Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?

Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp: - Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.

Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide.

Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp... Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông lóa nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…

Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại.

- Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! - anh nói.

Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta:

- Anh là ai vậy?

 Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:

- Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa...

Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Mình xin được thăm anh ta.  Anh nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…

Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khóe môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè lưỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:

- Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…

Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN. Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.

…Tuân Nguyễn chợt mở lòng bàn tay phải, nhìn đăm đăm như muốn tìm lại dấu vết chữ Nhẫn, rồi lắc lắc đầu, nói như chỉ cốt cho mình nghe:

- Ngay cả trong tác phẩm của Doxtoiepxki cũng không có được một nhân vật như vậy.

Ba câu chuyện trên về những người đang trên đường hành “đạo”. Cũng là một trong muôn nẻo của cuộc đời để tới “đạt đạo”, phải không các bạn.

Nguyễn An Ninh

Tin khác

Mạch nha Thi Phổ

Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/12/2024
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/12/2024
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/12/2024
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 06/12/2024
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/12/2024
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/12/2024
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/12/2024
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/12/2024
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 29/11/2024
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/11/2024
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 27/11/2024
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 22/11/2024