Là cầu nối Mộc Châu, Yên Châu với thành phố Sơn La, Mai Sơn bao lấy quốc lộ 6 với những loại địa hình đa dạng, đan xen vào nhau. Huyện này có cả cao nguyên bằng phẳng lẫn núi đồi trập trùng và điểm chung là đều trù phú, xum xuê cây trái.
Xuống khỏi đèo Chiềng Đông, những bản làng, đô thị nối vào nhau, xen lẫn là những vùng cây ăn quả bạt ngàn. Tất cả như bật lên sức sống mới của Mai Sơn, của những thành công trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp những năm qua.
Ẩn hiện sau các dãy nhà khang trang bám lấy mặt đường 6 là những cánh đồng cây ăn quả trên miền cao nguyên bằng phẳng của Mai Sơn. Lên cao hơn nữa là cà phê, là mía, là sắn… tất cả đều là những cây trồng đã làm thay đổi đời sống người dân của huyện miền núi này.
Với đặc điểm sở hữu nhiều loại địa hình, nhiều tiểu vùng khí hậu, người nông dân Mai Sơn luôn lựa chọn được cây trồng phù hợp nhất cho diện tích gieo trồng của mình.
Người tiên phong
Cò Nòi là xã cực Nam của huyện Mai Sơn, giáp Yên Châu. Trước đây, những vùng bằng phẳng của Cò Nòi chủ yếu trồng ngô, mía, đậu tương. Khi có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng thì trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy trồng, đủ các loại cây đến nỗi mảnh đất trù phú này chẳng khác gì một khu vườn tạp.
Sau giai đoạn đó, na bắt đầu du nhập về Cò Nòi và qua quá trình tự đào thải, chọn lọc, bây giờ các loại cây khác đã cơ bản nhường hết đất cho na. Từ trên cao nhìn xuống, cả một vùng na rộng lớn, trồng thành hàng lối, xanh mướt mắt.
Nhưng để có được thành tựu như ngày nay, khi mà mỗi ha trồng na có thể đem về lợi nhuận đến 400 - 500 triệu, tương đương doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng cho người nông dân cũng không hề đơn giản.
Thời điểm mới có mặt ở Cò Nòi, na chủ yếu là na ta hay còn gọi là na dai do bà con đi học tập ở Đông Triều (Quảng Ninh) rồi đem về trồng. Mặc dù sinh trưởng, phát triển tốt, rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây nhưng giá trị kinh tế lại không cao. Mãi cho đến khi giống na Hoàng hậu (na Thái) cho quả thì các tỷ phú na ở Mai Sơn mới xuất hiện.
Và nếu đến đây hỏi về na Thái, thì Bùi Văn Lộc là cái tên được nhắc đến nhiều nhất vì chàng trai 9x này vẫn được xem là người tiên phong đưa cây trồng bạc tỷ về đất Cò Nòi. Đang đầu vụ na nên chàng giám đốc trẻ này của Hợp tác xã Xây dựng và Nông nghiệp Bảo Khánh đang đi Hà Nội để kết nối, mở rộng thêm thị trường cho na Thái của Cò Nòi.
Không gặp được Lộc nhưng đứng ở cánh đồng na bạt ngàn gần ngã ba Cò Nòi hỏi thăm thì ai cũng biết về người tiên phong đưa na Thái về vùng này. Chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn nói: “Lộc sinh năm 1990, trước đây cũng trồng na ta nhưng sau thấy không hiệu quả nên vào tận Đồng Nai học hỏi kinh nghiệm trồng na Thái”.
Hơn 10 năm trước, sau khi lặn lội vào miền Nam học hỏi, Lộc mua 50 mắt ghép na Thái về thử nghiệm. Nhưng do kinh nghiệm ít, kỹ thuật không cao nên mùa na năm đó 50 cây cho đúng 2 quả.
Không nản chí, chàng trai sinh năm 1990 tiếp tục tìm hiểu, tiếp thu kinh nghiệm của người đi trước và mở rộng diện tích na Thái. Khi chạm mốc 2.000 cây na Thái, sản lượng của Lộc đạt đến 2 tấn quả, giá bán tốt, ở mức 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Thành công của na Thái ở Cò Nòi có được là do sự kết hợp hoàn hảo giữa gốc na ta và mắt ghép na Thái. Nếu na ta khỏe mạnh, phù hợp với thổ nhưỡng, ít sâu bệnh thì na Thái sai quả, quả to và đặc biệt trồng ở Mai Sơn lại nhiều thịt, ít hạt, ngọt đậm.
Từ ngày Lộc đem na Thái về đây rồi thành công, người dân ở xã, ở huyện bắt đầu học theo, thử từ diện tích bé rồi mở rộng ra. Nông dân Mai Sơn học Lộc cách ghép mắt, cách chăm sóc, thu hoạch rồi cả cách bao trái để tăng chất lượng cho na.
Xét về giá trị kinh tế, na Thái có thể gấp đôi so với na ta khi mà doanh thu mỗi ha lúc cao điểm có thể lên đến xấp xỉ 1 tỷ đồng, trừ các loại chi phí cũng lãi được 400 - 500 triệu/ha.
Sở dĩ như vậy là ngoài chất lượng cao, thì sản lượng của na Thái cũng áp đảo so với na ta. “Ở những năm thứ 7, thứ 8 tức là giai đoạn kinh doanh chính thì na ta có năng suất khoảng 8 - 9 tấn/ha, còn với na Thái con số này lên đến 15 tấn”, chị Nguyễn Thị Lan nói thêm.
Tính đến nay, na Thái đã đứng vũng ở Mai Sơn khoảng 7 năm sau nhiều thay đổi, thử nghiệm cơ cấu cây trồng. Những tỷ phú na như Lộc cũng dần nhiều thêm, thị trường ngày càng ổn định, cứ thu hoạch là chuyển về xuôi.
Qua lời kể của chị Lan, người tiên phong như Lộc vào thời điểm chính vụ mỗi ngày có thể thu 4 - 5 tấn na và không có ngày nào dưới 2 tấn. Hàng ra đến đâu hết đến đó.
“Có vụ cậu Lộc dùng hết 1 tấn túi bọc trái”, cán bộ nông nghiệp huyện nói về mức độ “khủng” của sản lượng na ở Hợp tác xã Xây dựng và Nông nghiệp Bảo Khánh.
Hơn 10 năm, bây giờ ở Mai Sơn na ta chỉ còn lại phần gốc, phía trên trở thành na Thái. Còn những cây ngô, cây mía đã dần trở thành những ký ức về những ngày đói kém xa xưa của người nông dân Mai Sơn. Thời gian gần đây, có thêm giống na sầu riêng mới du nhập về Mai Sơn, cũng được ghép lên gốc na ta.
“Na sầu riêng mới được thử nghiệm nên diện tích chưa nhiều nhưng giá rất cao. Có thể hơn 100.000 đồng/kg, đặc biệt chín vào mùa Tết nên được thị trường rất ưa chuộng”, chị Lan chia sẻ thêm và nói riêng mắt ghép na sầu riêng có lúc giá lên đến 22.000 đồng/mắt.
Thủ phủ dâu tây
Nếu ở vùng bằng phẳng bạt ngàn na thì trên những triền đồi của Mai Sơn dâu tây đang dần khẳng định chỗ đứng của mình. Nhắc đến dâu tây Sơn La, nhiều người nghĩ đến Mộc Châu, nhưng thủ phủ của loại quả đắt đỏ này phải là Mai Sơn, nơi có tổng diện tích lên đến hơn 450ha, con số này ở Mộc Châu chỉ khoảng 130ha.
Từ quốc lộ 6, rẽ vào quốc lộ 37 tại ngã ba Cò Nòi, nơi có Đài Tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong qua vài đoạn cua là một vùng trồng dâu tây rộng lớn hiện ra trước mắt. Những luống dâu đều tăm tắp, được phủ ni lông, che lưới cẩn thận, rất bài bản.
“Ngày xưa đồi này toàn râu ngô, bây giờ chuyển sang dâu tây cả rồi”, anh Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc HTX Tân Thảo tếu táo với chất giọng đặc Hà Tây cũ. Anh Lâm chia sẻ, bố mẹ anh trước là người Hà Tây, lên Sơn La làm kinh tế mới, anh cũng sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ở vùng đất trù phú này.
Khóa cẩn thận chiếc xe thùng vừa chuyển rau từ đồi xuống thị trấn, giám đốc hợp tác xã ngồi vào bàn nước và bắt đầu chia sẻ về hành trình đưa cây dâu lên đồi. Bên ngoài là tấm biển cỡ lớn của HTX với dòng slogan: “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Xu hướng tất yếu”.
Theo lời anh Lâm, trước đây miền đồi này trồng chủ yếu là ngô, mía lác đác có thêm nhãn. Rồi khi đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì anh cùng một số bà con trong bản Tân Thảo được cho đi học tập ở các mô hình canh tác tốt. “Ngày ấy mình đi thăm các mô hình nhãn nhưng mà có phải cứ học gì là về áp dụng cái ấy đâu, thấy nhãn không hợp thì phải đổi thôi”, ông chủ ruộng dâu tây chia sẻ.
Xuất phát từ Đà Lạt, dâu tây được một số người ở Cò Nòi đem về trồng thử, thấy hợp đất thì bảo nhau mở rộng diện tích. Đến niên vụ 2019 - 2020, dâu tây Mai Sơn lên đỉnh điểm, được mùa, được giá. Những năm sau đó giá có giảm hơn nhưng cơ bản vẫn ổn định, có thể đem lại thu nhập tiền tỷ cho mỗi ha.
Cả huyện Mai Sơn có hơn 450ha dâu tây thì riêng xã Cò Nòi đã có 400ha, trong đó bản Tân Thảo là gần 100ha. “Cả bản có 176 hộ thì 170 hộ trồng dâu, số còn lại là không có đất hoặc chỉ còn các cụ già không làm nông được nên không trồng”, anh Lâm nói và cho biết HTX Tân Thảo hiện nay có 15 thành viên với tổng diện tích trồng dâu là 30ha.
Ra đời từ 3/5/2017, anh Lâm vừa làm giám đốc của HTX Tân Thảo vừa làm phó bản, không chỉ tự sản xuất, kinh doanh mà còn giúp bà con trong bản làm quen, làm giàu từ cây dâu tây.
“Trước đây, sống cùng cây ngô, cây mía, đời sống khốn khó, nợ thì cứ mỗi năm lại thêm một tí”, giám đốc sinh năm 1982 kể lại. Đến 2010 thì cây ăn quả bắt đầu xuất hiện nhưng cũng chỉ trồng cho có, mãi tới 2015 thì mới đầu tư kỹ thuật vào canh tác. Nhưng đời sống của người dân Cò Nòi chỉ thực sự bật lên kể từ khi quả dâu tây xuất hiện, từ những năm 2018 - 2019.
Hiện nay, nông dân làm dâu tây ở Cò Nòi vừa bán giống vừa bán quả, công việc trải dài trong cả năm, gần như không có giai đoạn nghỉ. Theo anh Lâm, quá trình làm quả sẽ từ tháng 9 năm nay đến tháng 3 năm sau, thời gian còn lại là làm giống.
Giống dâu này một phần mua từ Đà Lạt, một phần lấy từ cây có sẵn tại vườn, cứ thế nối nhau để đảm bảo chất lượng cũng như sản lượng cây con. Giống dâu làm ra được bà con để lại dùng và bán ra cho các nông dân khác trong vùng.
Đặc biệt, trong thời gian làm giống, số diện tích canh tác thu hẹp lại, người dân lại tận dụng ruộng dâu tây để trồng rau ngắn ngày như dưa, bí đao, cà pháo… cung cấp cho các cửa hàng rau sạch dưới Hà Nội. Vừa cải tạo đất vừa khai thác tối đa giá trị.
“Nếu có tay nghề, kỹ thuật tốt thì có thể thu được 14 - 15 tấn quả trở lên trên mỗi ha, thậm chí có người chỉ làm 7.000m2 nhưng thu đến 18 tấn quả”, anh Lâm nói.
Trong năm 2023, 1ha dâu tây mang về lợi nhuận 600 triệu đồng cho Giám đốc HTX Tân Thảo, còn nếu tính doanh thu thì xấp xỉ 1 tỷ đồng. Trước đó, vụ dâu 2019 - 2020, khi được cả mùa, được cả giá thì 1ha dâu thu về được 1 tỷ đồng tiền lãi.
Hiện nay, dây tây ở Cò Nòi chủ yếu bán đi Hà Nội và tiêu thụ trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử. Về mảng kinh doanh du lịch, các hợp tác xã sản xuất dâu tây cũng đang bắt đầu triển khai nhưng chưa được bài bản, quy mô. Đây cũng là điều mong mỏi của anh Lâm cũng như nhiều bà con bản Tân Thảo, hy vọng sớm có thể bán dâu tại vườn cho khách du lịch.
Chuyển dịch mạnh mẽ
Theo báo cáo của huyện Mai Sơn, ngành nông nghiệp của huyện tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao.
Toàn huyện có 11.200ha cây ăn quả các loại, trong đó có 4.201ha cây ăn quả thực hiện theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có 1.800ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ; thực hiện Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên diện tích 1.119ha.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 1.373,7ha, số hộ tham gia liên kết sản xuất vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 1.726 hộ gia đình.
Với diện tích 11.200ha nói trên, sản lượng cây ăn quả của huyện năm 2024 ước được 14.294,7 tấn, tăng 44,5% so với năm 2023 với tổng giá trị ước đạt 585,106 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do diện tích cây dâu tây niên vụ 2023 - 2024 tăng gần 120ha so với niên vụ 2022 - 2023. Ngoài ra, một số loại cây trồng như mận, thanh long diện tích cho thu hoạch tăng và giá một số loại quả khởi sắc và cao hơn so với năm 2023 khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg.