Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Tính khả thi của giả thiết trong nghiên cứu khoa học

Tính khả thi của giả thiết trong nghiên cứu khoa học

.

Bài này nói về bài tác giả Võ Văn Thắng (xin viết tắt là VVT), đăng trên báo Văn Nghệ Đà Nẵng ngày 6/8/2022 (Đọc sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”, tác giả: Andrea Hoa Pham, Nxb Đà Nẵng, 2022). Bài báo của VVT có tựa đề “Giọng Quảng Nam và những câu hỏi còn bỏ ngỏ”.

Bài của VVT tuy không khẳng định rõ nhưng đọc chú ý sẽ thấy tác giả ủng hộ luận điểm cho rằng các đặc trưng kỳ lạ trong giọng Quảng Nam là ảnh hưởng từ giọng Chăm. Để làm điều này, VVT viện đến một chứng cớ thuộc ngữ âm và đưa ra một giả thiết mới về nguồn gốc nguyên âm lạ trong giọng Quảng Nam. Tôi sẽ chỉ ra rằng chứng cớ về ngữ âm nêu ra rất yếu ớt, giả thiết thì dựa trên suy diễn mơ hồ, và cuối cùng là tác giả tự mâu thuẫn trong phương pháp.

Chứng cớ ngữ âm mà VTT đưa ra là bài báo của GS Nguyễn Văn Lợi khảo sát thanh điệu tiếng Cao Lao Hạ ở Quảng Bình: “trong tiến trình phát triển lịch sử của thổ ngữ này, có lẽ đã có sự tiếp xúc giữa cư dân nói ngôn ngữ Proto Việt - Mường và cư dân nói ngôn ngữ Proto - Chăm. Những nét tương đồng giữa Cao Lao Hạ và Chăm trong sự khác biệt với tiếng Việt, chỉ ra rằng phải chăng trong thổ ngữ này có một cơ tầng Chăm”. Tuy nhiên, chuyện của Cao Lao Hạ là chuyện thanh điệu, không phải chuyện của nguyên âm và âm cuối, những thứ đang xét trong cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” (gọi tắt là “Nguồn gốc”). Thêm nữa, GS Nguyễn Văn Lợi cũng chỉ đưa ra một giả thiết, chưa có chứng cớ, và thận trọng dùng các từ “có lẽ”, “phải chăng”. Nhưng cho dù có đợi đến lúc ai đó đưa ra được chứng cứ để khẳng định về cơ tầng Chăm trong thanh điệu Cao Lao Hạ, thì điều đó cũng không làm thay đổi luận điểm của cuốn sách, đó là vần trong giọng nói người Quảng Nam không cho thấy ảnh hưởng gì của giọng Chăm.

 

Đấy là chưa kể GS Nguyễn Văn Lợi cũng cho thấy hệ thống thanh điệu giọng Quảng Nam gần với hệ thanh điệu của giọng Thanh Hóa, nhất là việc nhập chung hai thanh hỏi - ngã[1], trích “Ở thế kỉ XVII, khi xứ Đàng Trong được thành lập, địa bàn tiếng Việt được mở rộng, tạo cơ sở cho sự hình thành phương ngữ Nam, từ đèo Hải Vân trở vào. Những cư dân di cư vào vùng đất mới có nguồn gốc chủ yếu từ Thanh Nghệ. Xét về ngôn ngữ, đặc biệt về thanh điệu, phương ngữ Nam chịu ảnh hưởng chủ yếu từ tiếng Thanh Hóa. Tiếng Quảng Nam được coi là giọng nói chuẩn của tiếng Đàng Trong”. Liệu tác giả VVT có biết đến bài báo này không? Hay có đọc nhưng vẫn làm ngơ yếu tố Thanh Nghệ trong thanh điệu giọng Quảng Nam để chỉ dẫn giả thiết về một cơ tầng Chăm trong thanh điệu của một thổ ngữ ở Quảng Bình? Cũng như là tuy vẫn thừa nhận các chương phân tích chứng cớ ngữ âm thổ ngữ Thanh - Nghệ trong cuốn sách “Nguồn gốc” là đã “tuân thủ chặt chẽ các phương pháp của ngành ngữ âm học”, nhưng VVT vẫn làm ngơ để cố tìm một chút le lói ánh sáng đâu đó trong thanh điệu một thổ ngữ Quảng Bình? Để đưa ra giả thiết mới, trước hết anh phải chỉ ra cho được giả thiết anh phủ nhận là sai cái đã.

Bây giờ hãy xét đến giả thiết mới VVT đưa ra.

VVT phê phán cách làm của cuốn sách “Nguồn gốc”: “Thật ra, các phân tích trong cuốn sách của Andrea Hoa Pham lần này cũng chỉ dựa trên ngữ âm Quảng Nam đầu thế kỷ 20 đến nay và so sánh với tiếng Chăm Haroi và Chăm Phan Rang cận đại, là hai phương ngữ Chamic đã biến đổi nhiều trong thời gian gần đây, nên kết quả là "không tìm thấy những đặc trưng kỳ lạ gì trong giọng Quảng Nam mà có dây mơ rễ má gì với tiếng Chăm".

Trước hết, những thay đổi quan trọng của tiếng Chăm dưới tác động của các tiếng như Banaric, Katuic, Viet-Muong (đơn tiết hóa, phụ âm thanh hầu, và theo hướng phát triển thanh điệu) không phải đã “biến đổi nhiều qua thời gian gần đây”, mà đã biến đổi dữ dội trong thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên do ảnh hưởng nặng nề từ các tiếng Mon-Khmer. Nghĩa là trước cả cái mốc thế kỷ thứ 10 mà VVT đưa ra.

Lô gích của cuốn sách “Nguồn gốc” như sau: giọng Quảng Nam là tiếng Việt, không phải tiếng Chăm. Vậy tổ tiên ông bà người Quảng Nam là ai, nói giọng gì? Ai cũng công nhận các di dân đầu tiên là từ Thanh - Nghệ vào, tất họ đã mang theo tiếng Thanh - Nghệ. Như vậy liệu còn có thể tìm thấy dấu vết gì ở tiếng Thanh - Nghệ hiện nay mà có liên quan tới những âm, những vần độc đáo chỉ có trong giọng Quảng Nam không? Nếu có thì đó là minh chứng hùng hồn về nguồn gốc Bắc Trung Bộ của giọng Quảng Nam. Chừng nào không tìm nổi chứng cớ ngôn ngữ gì từ giọng nói của tổ tiên người Quảng Nam ở Thanh - Nghệ thì hãy xoay sang cách khác.

 

Và quả thật, các dữ liệu điền dã đã cho thấy nguyên âm tương tự [ɑ] Quảng Nam vẫn còn xuất hiện bằng xương bằng thịt, ở người nói các thổ ngữ ở Hà Tĩnh. Những người này cũng phát âm vần “ao” thành “ô”, giống một cách đáng kinh ngạc với người Quảng Nam. Cuốn sách “Nguồn gốc” đã trình bày một cách giải thích về nguyên âm “nguyên chất” ấy ở vùng Hà Tĩnh đã được thẩm thấu, biến chuyển như thế nào qua các vận động nội tại của ngôn ngữ, để trở thành [ɑ] trong giọng Quảng Nam như chúng ta biết ngày nay.

Chuyện vì sao mà giọng Quảng Nam từ gốc Thanh - Nghệ, ngày nay lại đi xa đến thế, được giải thích ở chương 2, 4 và 5, những chương yêu cầu hiểu biết khá cơ bản về ngữ âm học. Tác giả VVT, hoặc bỏ qua hoặc đã không hiểu những chương giải thích về âm thanh biến đổi như thế nào, nên chỉ nhằm vào việc so sánh giọng Chăm và giọng Quảng Nam.

Tuy nhiên, trong khi chấp nhận nguyên âm [ɑ] này có mặt trong thổ ngữ Hà Tĩnh, VVT đưa ra giả thiết mới để cấp cho nó một nguồn gốc Chăm: “Liệu nguyên âm [ɑ] lạ tai đó đã sản sinh từ chiếc nôi Indrapura (Quảng Nam) từ thế kỷ 10 khi phương ngữ Chamic ở đây tiếp xúc mạnh mẽ với nhánh Katuic, và rồi được một nhóm di dân "bất đắc dĩ" nào đó từ Indrapura đi ra ở vùng Hà Tĩnh, Thanh Hóa?.

 

Tôi đã giải thích về cách làm việc của ngành ngữ âm lịch sử, và về nguyên tắc Uniformitarian Principle trong bài phê bình bài báo của Nguyễn Khoa.[2] Cái tôi muốn nói ở đây là VVT không hề đưa ra bất kỳ dữ liệu ngôn ngữ nào dù mỏng manh nhất cho giả thiết của mình. Nguyên âm [ɑ] trong giả thiết này không rơi từ trên trời xuống. Vậy nó đã được sản sinh từ đâu, như thế nào? Liệu nó có trong tiếng Katuic không để người Chăm ở Quảng Nam vay mượn rồi đưa ra Bắc Trung Bộ?

Về việc tự mâu thuẫn, một mặt VVT chỉ trích việc tôi dùng tiếng Việt hiện đại và tiếng Chăm cận đại đã thay đổi nhiều để hình dung câu chuyện của vài thế kỷ trước; mặt khác lại hi vọng rằng có thể tìm thấy chứng cớ ở đâu đó từ thời của các cư dân nói tiếng Tiền Chăm và Tiền Việt - Mường. Nghĩa là ở một thời kỳ còn lùi xa thăm thẳm hơn, ngược về trước hàng ngàn năm, thậm chí khi mà câu hỏi có những dân tộc nào cùng sống trên vùng Bắc Trung Bộ lúc ấy cũng chưa rõ ràng: “Sự tiếp xúc ngôn ngữ Chăm - Việt tại vùng Quảng Nam nếu có điều kiện đối chiếu với phương ngữ "Chăm phía bắc" biết đâu lại tìm thấy một "dây mơ rễ má" nào đó”.

Ngay ở câu quan trọng nhất của phương pháp cũng không rõ ràng. Cái gì đối chiếu với cái gì khi mà “sự tiếp xúc ngôn ngữ Chăm - Việt” và “phương ngữ Chăm phía bắc” là hai thứ khác hẳn nhau? Chưa kể giọng Quảng Nam cũng không phải chỉ là nguyên âm [ɑ].

Bây giờ xét đến tính khả tín của giả thiết. Sau khi Champa mất kinh đô phía bắc vào cuối thế kỷ thứ 10, người Chăm tách ra làm hai nhóm. Một nhóm dời lên miền cao, trong đó có Roglai Bắc và Tsat gộp chung vào thành nhóm Chăm Bắc (Northern Chamic) thuộc nhánh Highlands Chamic ở cao nguyên, phân biệt với nhóm Coastal Chamic ở duyên hải. Sau khi mất kinh đô phía nam vào năm 1471, nhóm Chăm duyên hải tách ra thành Chăm và Haroi. Nhóm Chăm miền cao giữ được nhiều đặc trưng ngôn ngữ riêng. Nhóm Chăm duyên hải tiếp xúc nhiều nhất với người Việt di dân vào Quảng Nam, nên tôi chỉ so sánh giọng Quảng Nam với các tiếng Chăm duyên hải. Việc so sánh này tôi cho là “khiên cưỡng” với ý rằng đó là chuyện so quả cam với quả táo. Vì tự đặt mình vào vị trí như VVT, cứ thử cho rằng giọng Quảng Nam do giọng Chăm mà ra nên tôi bàn luôn cho rốt ráo. Những người cho rằng giọng Quảng Nam do người Chăm nói mà thành thì việc chứng minh cho thấu đáo điều ấy là việc của họ.

 

Sau buổi ra mắt sách ở Đà nẵng ngày 9/7/2022, tôi chia sẻ với VVT một bảng Thurgood (1999:64) so sánh các tiếng Chăm, bao gồm cả các tiếng Roglai Bắc và Tsat về một giai đoạn đơn tiết hóa với 5 nguyên âm (i, a, a:, u, ᴐ). Không thấy bóng dáng cái nguyên âm [ɑ] Quảng Nam đâu cả trong tất cả các tiếng Chăm này. Có lẽ tác giả VVT quên chuyện này nên vẫn còn đưa lại chuyện giọng Chăm Bắc vào giả thiết.

Tóm lại, không có một chứng cớ ngôn ngữ (linguistic record) nào nói về các khác nhau quan trọng giữa các tiếng Chăm cho đến khi Đại Việt đẩy người Chăm lùi dần về phía Nam, tạo ra một mô hình tiếp xúc ngôn ngữ hoàn toàn mới. Tất cả các phục dựng trong các công trình về tiếng Chăm ở thiên niên kỷ thứ nhất, qua tiếp xúc với nhóm Banaric hay Katuic, đều không cho thấy dấu vết của nguyên âm [ɑ] ở bất kỳ tiếng nào, kể cả trong tiếng Chăm duyên hải sau thế kỷ thứ 15. Cho nên dựa vào tiếng Chăm Roglai Bắc như VVT nói để tìm chứng cớ thì lại càng mù mịt.

Việc tìm thấy nhiều dấu vết rất xưa của người Chăm sống ở vùng Bắc Trung Bộ không phải là chứng cớ ngược (counterexample) chống lại luận điểm về nguồn gốc của cái nguyên âm Quảng Nam đang bàn. Dù có chứng minh được là rất nhiều người Chăm đã di dân ra Bắc Trung bộ trong các thời kỳ trước, hoặc rất nhiều người Chăm còn ở lại vùng đất Quảng Nam sau khi Đại Việt chiếm lấy, cũng không phải là “điều kiện cần và đủ” để khẳng định rằng giọng Quảng Nam là do người Chăm phát âm mà thành, hoặc đủ để bác bỏ các chứng cứ ngôn ngữ của luận điểm ngược lại trong cuốn sách “Nguồn gốc”. Chuyện này sẽ được nói rõ hơn ở một bài khác.

Cuối cùng, tác giả VVT nghĩ rằng đã dựa vào cách tôi đặt câu hỏi để có thể đưa ra câu hỏi ngược lại. Xin thưa tôi đặt câu hỏi từ một chỗ đứng khác hẳn. Tôi nêu giả thiết liệu có thể nguyên âm [ɑ] này ảnh hưởng từ một ngôn ngữ Vietic nào đó ở Bắc Trung Bộ là căn cứ theo miêu tả của Michel Ferlus về tiếng Arem, một ngôn ngữ Vietic ở Quảng Bình (2014 “Arem, a Vietic language”, Mon-Khmer Studies 43:1, 1-15). Ông đã dùng 3 ký hiệu cho 3 nguyên âm đối lập trong tiếng Arem: [ɑ] nguyên âm dòng sau, [a] dòng giữa và [ᴂ] dòng trước. Trong khi chưa đi tận nơi để thu được tư liệu ngữ âm của tiếng Arem, chưa xác định được gì, tôi đưa giả thiết ấy vào số các câu hỏi còn bỏ ngỏ. Những chi tiết này tôi không đưa vào cuốn sách để khỏi làm loãng vấn đề chính.

Việc đặt vấn đề hay đưa ra giả thiết mới là đáng trân trọng. Tuy nhiên, giả thiết đưa ra không thể tùy tiện, chỉ dựa trên suy đoán và không thể kiểm tra được. Người sau có thể tìm được chứng cứ đáng tin cậy hơn người trước, nhưng chỉ sau khi có hiện tượng nào đó để làm cơ sở, họ mới xây dựng giả thiết của mình.

 

Trong một công trình khoa học, một giả thuyết (hypothesis) cần phải hình thành trên nền tảng một hoặc các hiện tượng thực tế nào đó, có khả năng đoán định (predictability) như nếu là A thì sẽ dẫn đến B (ví dụ lửa nóng > bỏng tay nếu thò vào), và phải “thử được” (testable) để xem nó đúng hay sai. Người làm công việc nghiên cứu thật sự không lao vào những giả thuyết chỉ dựa trên các suy luận mơ hồ và không có cách gì kiểm tra được.

[1] Nguyễn Văn Lợi. 2018 “Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc ngữ”, Trí Thức 6/8

[2] Pham, A.H. 2022. Về bài viết “Hãy thay đổi quan điểm lịch sử coi sông Hồng là trung tâm”, Nông nghiệp Việt Nam 12/9.

Andrea Hoa Pham
Trương Khánh Thiện
A.H Pham
.

Tin khác

Mạch nha Thi Phổ

Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/12/2024
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/12/2024
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/12/2024
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 06/12/2024
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/12/2024
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/12/2024
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/12/2024
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/12/2024
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 29/11/2024
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/11/2024
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 27/11/2024
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 22/11/2024