Tủ sách Văn Hóa Việt là một nỗ lực quảng bá những nét đẹp Việt Nam của công ty sách Chibooks, do dịch giả Nguyễn Lệ Chi làm giám đốc. Từng tốt nghiệp Đại học Điện ảnh Bắc Kinh, dịch giả Nguyễn Lệ Chi có nhiều năm đàm phán bản quyền và gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc như nhà văn Mạc Ngôn, đạo diễn Trương Nghệ Mưu, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng…
Vì vậy, dịch giả Nguyễn Lệ Chi khá am tường thị trường văn hóa phẩm Trung Quốc. Khi thành lập tủ sách Văn Hóa Việt, chị quyết tâm chinh phục độc giả Trung Quốc. Sau khi ký kết hợp đồng với một số nhà xuất bản Trung Quốc, hai ấn phẩm đầu tiên của tủ sách Văn Hóa Việt là “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời”, đã được chuyển ngữ tiếng Trung và ra mắt tại Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á năm 2024.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi chia sẻ: “Sự kiện này không chỉ đánh dấu việc sách Việt đã bước ra khỏi giới hạn của ngôn ngữ Việt, mà lần đầu tiên sách Việt được tuyển chọn và dịch sang tiếng Trung theo một kế hoạch bài bản. Thị trường sách Trung Quốc rất lớn và người Trung Quốc cũng rất hứng thú tìm hiểu Việt Nam, nên tủ sách Văn Hóa Việt tự tin khai phá con đường mới”.
Trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu, văn hóa bản địa được tôn trọng và được khuyến khích trên hành trình phát triển mỗi dân tộc. Hiểu được sự khác biệt cũng như nét tương đồng trong văn hóa của nhau sẽ giúp các quốc gia gần gũi nhau, thấu hiểu nhau và tương trợ nhau, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Tủ sách Văn Hóa Việt được kỳ vọng trở thành chiếc cầu nối bắc nhịp tình cảm của người dân hai nước, mở ra một cơ hội hợp tác xuất bản Việt-Trung.
Hai tác phẩm khởi động của tủ sách Văn Hóa Việt tại thị trường Trung Quốc, được Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây ấn hành, là “Vắt qua những ngàn mây” của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng (do Chu Dương chuyển ngữ) và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” của tác giả Vũ Thế Long (do Thanh Đóa chuyển ngữ).
Tại buổi lễ ra mắt sách tủ sách Văn Hóa Việt, ông Đỗ Nam Trung với tư cách Tổng lãnh sự Việt Nam tại thành phố Nam Ninh, khẳng định đây là một tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hóa Việt – Trung ngày càng sôi động và sâu sắc.
Cuốn sách “Vắt qua những ngàn mây” là tập hợp những bài viết trong hành trình đi xuyên dải đất hình chữ S của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Ở mỗi vùng đất, từ miền Bắc Tổ quốc, băng qua dải đất miền Trung nắng gió, tới miền Nam sông nước, tác giả đều ghi lại những câu chuyện cuộc sống sinh động, nơi mỗi vùng đất đều có những đặc sản tạo nên nét đẹp riêng của mình, nơi con người hòa mình trong thiên nhiên, yêu mến và khao khát gìn giữ vẻ đẹp vốn có của quê hương đất nước. Ẩn sau những mất mát hiện thực là khao khát muốn bảo tồn vẻ đẹp và lòng yêu tha thiết mảnh đất của quê hương mình.
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng thổ lộ khi giao lưu với độc giả Trung Quốc: “Đây cũng là cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản tại nước ngoài, chính vì vậy tôi rất hạnh phúc. Khi đọc cuốn sách này, các bạn sẽ được đi dọc đất nước Việt Nam, đi khám phá những vùng đất, những con người, lưu giữ những tri thức bản địa, những văn hóa bản địa độc đáo, những nghề truyền thống thú vị ở Việt Nam.”
Cuốn sách “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” của tác giả Vũ Thế Long được viết theo thể loại tản văn, khảo cứu, với nội dung ngược dòng thời gian về những năm đầu của thế kỷ 20, để hồi tưởng, để khám phá một thời, người Hà Nội đã ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực ra sao, đã “đối xử” thế nào (cự tuyệt, đón nhận, hay thậm chí “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực mới lạ du nhập vào Thủ đô qua các luồng “di cư”, giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc...
Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội với sự tìm hiểu tỉ mỉ, kỹ càng của một nhà nghiên cứu từ những văn bản, hiện vật khảo cổ học đến tư liệu “sống” là các cụ ông, cụ bà thế hệ trước, đã đem đến cho độc giả một cuốn sách đầy ắp tư liệu mà vẫn sống động, vẫn rất “đời”, để chúng ta cảm nhận được “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội, của bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.
Tác giả Vũ Thế Long bày tỏ: “Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới”.