Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Về bài viết 'Hãy thay đổi quan điểm lịch sử coi sông Hồng là trung tâm'

Về bài viết 'Hãy thay đổi quan điểm lịch sử coi sông Hồng là trung tâm'

Bài phản biện đầu tiên xung quanh những bài phê bình luận điểm cuốn sách 'Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam', Nhà xuất bản Đà Nẵng in vào tháng 7/2022.

Đây là bài phản biện đầu tiên của tôi xung quanh những bài phê bình luận điểm của cuốn sách "Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam", dưới đây sẽ vắn tắt là "Nguồn gốc", Nhà xuất bản Đà Nẵng in vào tháng 7/2022.

Bài này trả lời một bài báo ký tên tác giả Nguyễn Khoa, "Hãy thay đổi quan điểm lịch sử coi sông Hồng là trung tâm", đăng trên viet-studies [1] ngày 30/7/2022.

Tôi không bàn về các quan điểm lịch sử tác giả nói trong bài, chỉ nói về các điểm tác giả phê phán cuốn sách "Nguồn gốc".

Thứ nhất, tác giả cho rằng cách làm việc của ngành ngữ âm lịch sử, áp dụng trong cuốn sách "Nguồn gốc" là “rất nhiều chủ quan, quan điểm”: “Kể ra cũng rất khó mà nói rằng một cách phát âm hiện nay từ đâu mà ra, sau hàng mấy trăm năm, nhất là trong tình trạng chiến tranh chinh phục của Đại Việt đối với Champa. Vì thế, ít hay nhiều những kết luận về nghiên cứu như vậy sẽ mang rất nhiều chủ quan, quan điểm, chứ không phải là thực chứng như những số đo đồng vị phóng xạ tại các điểm khảo cổ”.

Thứ hai, tác giả Nguyễn Khoa cho rằng cuốn sách "Nguồn gốc" nổi tiếng ở mức quốc gia vì nó “may mắn” rơi vào quan điểm chính thống của nhà nước Việt Nam. Sau khi phê phán cách nhìn lịch sử “xem sông Hồng là trung tâm” của “các sử gia cộng sản nói riêng, người Việt nói chung”, tác giả viết “Sự phủ nhận tính chất bản địa Chàm trong sách của Andrea Hoa Pham, rơi đúng vào mô hình Sông Hồng là trung tâm này”.

Dưới đây tôi sẽ lần lượt trả lời hai điểm này.

Bài liên quan

Về điểm thứ nhất, tác giả Nguyễn Khoa so sánh cách làm việc của hai ngành khoa học hoàn toàn khác nhau, đó là ngành khảo cổ và ngành ngôn ngữ học lịch sử, qua đó nghi ngờ chứng cớ của luận điểm ngữ học đưa ra trong cuốn "Nguồn gốc".

Phải xin thưa ngay rằng “rất khó” đối với những người không biết các ngành ngôn ngữ học lịch sử và ngôn ngữ học xã hội làm việc như thế nào.

Trước hết, nhóm từ "đồng vị phóng xạ" nghe rất hàn lâm mà không có giải thích, nên người đọc dễ tính thì ngại tìm hiểu. Phải chăng tác giả định nói đến radioactive​ ​isotop của carbon được nhà hóa học Willard Libby tìm ra đầu tiên vào những năm 1940? Đây là phương pháp dùng radiocarbon dating để tính tuổi của những vật chất hữu cơ, từ thức ăn, phấn hoa, đến phân động vật và người, thậm chí xác người hay xác thú vật… Carbon thẩm thấu vào thực vật. Người và thú vật thu nạp carbon từ việc ăn cây củ hoặc ăn các loài thú sống bằng cây lá. Carbon-14 bị hủy hoại theo thời gian. Thực vật và động vật ngừng thẩm thấu carbon khi bắt đầu quá trình phân rã, cho nên phóng xạ carbon-14 còn lại cho biết số tuổi của những mẩu hóa thạch này. Cách này có thể tính tuổi vật xét nghiệm ngược lên 50.000 tới 60.000 năm trước. 

Ngành ngôn ngữ học lịch sử (historical linguistics) mục đích là gì và làm việc bằng phương pháp gì? Trong số 5 mục đích nghiên cứu của ngành, cuốn sách "Nguồn gốc" nhằm vào hai điều sau đây:

- Thứ nhất, nghiên cứu về các thay đổi qua thời gian của một hoặc các tiếng cụ thể nào đó.

- Thứ hai, nghiên cứu lịch sử tiếng nói của một cộng đồng nào đó.

Để tìm hiểu vần Quảng Nam đã thay đổi như thế nào, nó khảo sát lịch sử giọng nói của người Việt ở Quảng Nam, và từ nơi di dân đầu tiên xuất phát là vùng Thanh - Nghệ.

Ngành ngôn ngữ học lịch sử bắt đầu ở phương Tây khoảng cuối thế kỷ 18. Đến thế kỷ 19 thì những phương pháp có tính chất khoa học hơn mới ra đời, tiêu biểu là phương pháp internal reconstruction, phục dựng lại bộ mặt trước đây của một ngôn ngữ cụ thể bằng chính các chứng cứ trong nội bộ ngôn ngữ đó.

Tác giả Nguyễn Khoa nghi ngờ tính khả tín của luận điểm trong cuốn sách "Nguồn gốc" vì không có tư liệu gì ghi lại tiếng Việt vài trăm năm trước. Kỹ thuật ghi âm mới chỉ được bắt đầu cuối thế kỷ thứ 19 khi Thomas Edison phát minh ra máy ghi đĩa thô sơ đầu tiên vào năm 1877. Nghĩa là đối với tư liệu từ cuối thế kỷ thứ 19 trở về trước, các nhà ngôn ngữ học lịch sử không thể biết lịch sử của một ngôn ngữ nào đó hoặc các ngôn ngữ liên quan với nhau như thế nào sao?

Thưa rằng, cũng như các ngành khoa học khác, ngôn ngữ học lịch sử có phương pháp nghiên cứu riêng của nó.

Chẳng hạn như dùng các quan sát khoa học, những nhà ngữ học lịch sử so sánh các ngôn ngữ gần gũi hoặc được cho là có liên quan, dựng lại được “nguồn gốc của thanh điệu” nói chung. Bằng hai bài báo năm 1954, nhà ngôn ngữ học lỗi lạc Haudricourt đã dập tắt những tranh luận và nghi ngờ, để thuyết phục được phần lớn các nhà ngôn ngữ học chấp nhận nguồn gốc Mon-Khmer của tiếng Việt. Nếu không có cách làm việc khoa học, làm sao có thể thách thức một luận điểm nhiều người tin trước đó khi Haudricourt cho rằng tiếng Việt, một ngôn ngữ thanh điệu, lại không cùng họ hàng với tiếng Thái, một ngôn ngữ hàng xóm cũng có thanh điệu và chung rất nhiều từ vựng, để cãi rằng tiếng Việt thuộc cùng gia đình dòng tộc với các ngôn ngữ Mon-Khmer là những tiếng không có thanh điệu?

Ở chỗ nào mà nguyên tắc làm việc của ngành ngữ âm lịch sử lại bị đánh giá “chủ quan” hơn cách làm việc của ngành khảo cổ học? Người ta đã dễ dàng đo đạc được những hiện tượng âm học, nhưng không vì thế mà giá trị của các thành quả ngôn ngữ học trước kỷ nguyên kỹ thuật số bị xem nhẹ.

 

Việc nghiên cứu một âm nào đó ở thời điểm hiện tại cung cấp chứng cứ quý báu cho việc tìm hiểu lịch sử của nó trong quá khứ. Cuốn sách "Nguồn gốc" đo đạc và xác định đặc trưng âm học của một số vần và nguyên âm đặc biệt được tìm thấy ở một số thổ ngữ nhỏ ở vùng Thanh - Nghệ để tìm hiểu lịch sử hình thành giọng Quảng Nam, chẳng hạn với dấu vết của nguyên âm viết bằng "a" và phát âm của vần viết bằng "oa". Những âm xưa nay ai cũng cho rằng thuộc các âm làm nên “căn cước” của giọng Quảng Nam, nay được tìm thấy ở Hà Tĩnh.

Trở lại nghi ngờ “rất khó mà nói rằng một cách phát âm hiện nay từ đâu mà ra, sau hàng mấy trăm năm”. Một trong những nguyên tắc làm việc cơ bản của ngành ngôn ngữ học lịch sử là Uniformitarian Principle (UP). Nguyên tắc này áp dụng ở mọi mặt trong vũ trụ, xem “hiện tại là chìa khóa của quá khứ”.

Nói về UP trong ngôn ngữ học của Donald Ringe trên Language Log 2009: “Trừ khi có thể đưa ra được chứng cớ về những thay đổi ghê gớm đối với điều kiện học và dùng ngôn ngữ ở một thời điểm không quan sát được trong quá khứ và so với thời điểm hiện nay, thì người ta phải giả định rằng những loại hình và sự phân bố của các cấu trúc, biến thể, biến đổi... trong quá khứ cũng đã tồn tại như nó đang tồn tại hiện nay”.

 

Với nguyên tắc này, cuốn sách "Nguồn gốc" xây dựng luận điểm dựa trên các tư liệu ngữ âm đồng đại thu được từ các chuyến điền dã, cộng với tư liệu về di dân trong lịch sử.

Qua các văn bản Quốc ngữ sớm nhất của Alexandre de Rhodes ghi lại tiếng Việt ở thế kỷ thứ 17, có thể thấy sự thay đổi lớn nhất so với hiện nay là mất cụm phụ âm đầu như tl-, bl-, pl-, ml/mnh[2]. Điều này cho thấy có thể giả định bộ mặt chung của tiếng Việt lúc ấy so với hiện nay không biến đổi gì đáng kể, trừ việc những người dân do nhiều lý do đã sửa giọng để nói gần với phương ngữ ở các thành phố lớn nơi họ sống. Tuy nhiên khi về đến làng, họ vẫn quay lại dùng thổ ngữ của vùng. Tư liệu ngữ âm của chúng tôi là thu được từ thổ ngữ của những làng mạc thôn xóm nhỏ này.

Lý thuyết của ngành khoa học nào cũng có những chỗ chưa bao quát được mọi hiện tượng. Các cộng đồng ngôn ngữ ngày nay không sống cô lập và trong những nhóm nhỏ, do các đặc điểm xã hội, phương tiện giao thông, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các chính sách ngôn ngữ... Nhưng đó là chuyện so sánh với thời kỳ hàng chục ngàn, trăm ngàn năm trước, chứ không phải trong vài thế kỷ.

Trong ngôn ngữ học lịch sử, độ tin cậy khi khảo sát ngược thời gian chỉ khoảng lâu nhất là 9.000 năm, vì những sự giống nhau ngẫu nhiên, hoặc vì những biến đổi nhanh chóng trong ngôn ngữ.

Nhưng cũng có thể nói tương tự về phương pháp đo đồng vị phóng xạ của ngành khảo cổ học. Erin Blakemore (2019)[3] viết: “Đồng vị phóng xạ giúp xác định thời gian của các vật chất cổ xưa, nhưng nó không chính xác tuyệt đối”. Những mẫu xét nghiệm lấy được có thể bị nhiễm “bẩn” từ các vật thể khác cũng có chứa carbon, ví dụ như đất cát bám quanh các mẩu xương hoặc các nhãn hiệu con người dùng chất keo dán từ mỡ động vật.

Tuy nhiên tư liệu ngữ âm được tìm thấy và lịch sử di dân cũng mới chỉ là một nửa câu chuyện của cuốn sách "Nguồn gốc". Cuốn sách dùng các chứng cớ đồng đại để tìm kiếm sự liên hệ giữa các giọng địa phương. Qua các biến thể quan sát được, chúng tôi phân tích các thay đổi của vần theo các quy luật biến âm trong nội bộ bản thân một phương ngữ. Những kiểu biến âm này được quan sát ở nhiều tiếng nói trên thế giới, và hoạt động theo nhiều mô hình khái quát được. Rất tiếc là nửa thứ hai của câu chuyện này bị làm ngơ trong tất cả những chỉ trích cuốn sách "Nguồn gốc" từ khi nó được phát hành.

 

Ngành nào cũng không dễ dàng cho các nhà nghiên cứu tránh đưa vào dấu ấn chủ quan. Họ như người làm xiếc đi trên dây, dễ bị mất thăng bằng. Ở người nghiên cứu sử học, khi bàn luận về sự kiện, sợi dây ấy lại càng mỏng manh hơn. Với những tranh luận về quan điểm như bài của Nguyễn Khoa, đôi khi người đi dây còn khó biết rằng mình còn đang ở trên dây hay không nữa.

Điểm thứ hai, tác giả không hề đưa ra chứng cớ cho nhận định chắc nịch “Sự phủ nhận tính chất bản địa Chàm trong sách của Andrea Hoa Pham”.

Khoảng trống lô gích này khiến chúng tôi phải tự hỏi “Nhưng miêu tả các làn sóng di dân “Nam tiến” thì can hệ gì tới việc phủ nhận văn hóa bản địa Chàm?”. Có lẽ là vì cuốn sách đã chỉ ra rằng không thấy bất kỳ một ảnh hưởng nào của tiếng Chăm lên những vần kỳ lạ của giọng Quảng Nam?

Lại một khoảng trống quan trọng hơn trong lô gích: “Nhưng văn hóa bản địa Chăm thì có liên can gì đến việc tiếng Chăm có làm thay đổi tiếng Việt để trở thành giọng Quảng Nam?”.

Tác giả Nguyễn Khoa đã không kể đến những đoạn sau đây trong sách, hoặc có thể do không đọc?

“Li Tana (1998)... đưa ra luận điểm rằng vùng đất Đàng Trong không chỉ “mới” về đất, mà còn mới về việc tạo ra các truyền thống, một nền văn hóa, một cách thức mới làm người Việt Nam, “khác hẳn” với nền văn hóa lâu đời và cách thức làm người Việt Nam của người Đại Việt ở Đàng Ngoài… Li chú trọng vào sự khác biệt, thay đổi của Đàng Trong, thay vì coi đó là những nét “nối dài” của văn hóa Đại Việt”, trang 106. Tôi đã thích thú và đồng tình với luận điểm này.

“... Ở chiều kia, văn hóa Chăm ảnh hưởng sâu xa đến nhiều mặt xã hội của Đại Việt, nhất là đối với cư dân của vùng đất lịch sử Đàng Trong, từ kinh tế, nông nghiệp, đến âm nhạc, kiến trúc. Đó là những nhã nhạc cung đình, những điệu múa Chiêm quyến rũ, những lễ hội, các cách ăn mặc, những món ăn đặc trưng”, trang 256.

Hay “... văn hóa Chăm còn sừng sững hàng thế kỷ qua những công trình kiến trúc và điêu khắc tinh tế, các pho tượng đá và đền tháp uy nghiêm với nét chạm khắc độc đáo, nằm rải dọc khắp các tỉnh miền Trung. … là niềm tự hào về các công trình nghệ thuật quan trọng bằng chất liệu gạch và đá duy nhất hiện diện trên mảnh đất Việt Nam. Đại Việt đã may mắn thừa hưởng kho tàng văn hóa vật thể độc đáo và đồ sộ này”, trang 257.

Và còn nhiều nơi nữa rải rác trong cuốn sách.

 

Với nhận định của Nguyễn Khoa “Các kinh đô Indrapura, Simhapura vang bóng một thời, không thể biến thành những phế tích mà không để lại một mảnh linh hồn nào”, xin thưa là các mảnh linh hồn ấy ở khắp nơi, từ âm nhạc đến kiến trúc, tập tục, thói quen, mùa màng trong nông nghiệp… có cả trong máu thịt nhiều người Việt trên mọi vùng đất nước, chẳng cứ gì ở Quảng Nam, bất kể trên giấy tờ họ có khai là dân tộc Kinh hay Chăm.

Nhưng linh hồn Chăm ấy, cho đến nay, không thấy thể hiện trong phát âm của người Quảng Nam, như đã chỉ ra trong cuốn sách "Nguồn gốc".

Cũng như mọi công trình khoa học, nhất là những công trình có tính chất tiên phong, khi nào cũng có những chỗ còn bất cập, thiếu sót, hoặc phiến diện. Đó là những cái cần đến các phản biện khoa học. Cuốn sách "Nguồn gốc" cũng vậy.

Tuy nhiên, những bài viết gọi là “phản biện” nhưng không kiểm tra kỹ tư liệu nguồn, nhất là tư liệu mà mình phê phán trong khi người đọc không phải ai cũng có điều kiện để kiểm tra, thì khó mà nói rằng viết như thế là có trách nhiệm, vì nó dễ làm rối loạn các kênh thông tin, có thể đưa đến những cách hiểu sai lạc về một công trình khoa học nào đó. Do vậy, lợi bất cập hại hơn là không viết. 

[1] http://www.viet-studies.net/NguyenKhoa_ThayDoiQuanDiemLichSu.html

[2] Cảm ơn PGS Hoàng Dũng đã kiểm tra thông tin về các nhóm phụ âm đầu này.

[3] Blakemore, Erin 2019. Radiocarbon helps date ancient objects – but it’s not perfect. In Nationalgeographic July 12, retrieved September 3, 2022.

Andrea Hoa Pham
Trương Khánh Thiện
A.H Pham
.

Tin khác

Mạch nha Thi Phổ

Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/12/2024
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/12/2024
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/12/2024
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 06/12/2024
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/12/2024
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/12/2024
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/12/2024
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/12/2024
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 29/11/2024
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/11/2024
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 27/11/2024
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 22/11/2024