| Hotline: 0983.970.780

Trí thức nước ta dễ thỏa mãn và hay tự mãn

Thứ Sáu 27/02/2015 , 10:02 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của đại tá, nhà thơ Anh Ngọc, nguyên Trưởng ban Văn học nước ngoài - Tạp chí Văn nghệ Quân đội với PV NNVN đầu xuân Ất Mùi.

Thơ có cánh cũng không thoát được

Hôm nay nhìn lại, sau mấy chục năm vui buồn, sống chết với thơ thì thơ đã làm thay đổi cuộc đời ông ra sao?

Có lẽ như cách nói của nhiều người, với những công việc đặc thù như làm thơ thì đúng là thơ chọn người chứ không phải ngược lại, nên không có chữ “nếu” không làm thơ. Và thơ không làm thay đổi đời tôi mà là luôn giúp tôi diễn đạt đúng tôi giữa cõi người này, hy vọng là cái tôi đó không đến nỗi bị lẫn vào bất cứ ai khác, hoặc nhạt nhòa đến nỗi chẳng có gì để có ai đó còn nhớ đến tôi.

Có ý kiến cho rằng, thơ viết chưa hay là điều dễ được cảm thông, viết dở cũng là lẽ thường, nhưng viết ẩu thì không sao chịu được. Trong thơ, kỵ nhất là nhạt. Ông ứng xử ra sao nếu gặp thơ... nhạt?

Nói thế không sai. Nhưng nghiêm khắc nhất là nếu đã viết dở, dù rất cố gắng, thì nên tìm việc khác mà làm. Còn nhớ Lỗ Tấn trong di chúc cho con mình cũng nói đại khái: Nếu con lớn lên mà thấy không có tài thì đừng theo nghề văn chương.

Đó chính là “Được sống đúng với lòng mình thực chất” như Anh Ngọc đã tuyên bố trong trường ca “Điệp khúc vô danh” từ năm 1983?

Đúng rồi. Nếu chọn một câu về thái độ sống trong đời cũng như trong nghề thì đó là “sống đúng mình”, còn “hết mình” được thì càng tuyệt vời, nhưng khó lắm…

Những năm gần đây, các giải thưởng về thơ có vẻ như đang lép vế trong giải thưởng văn học hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Phải chăng, thơ cũng đang... nhạt?

Thơ cũng như mùa màng, nó phải có thời vụ, gồm đủ các yếu tố chủ quan khách quan để có một thời đại mới trong sáng tạo… Có vẻ như hiện nay thời vụ đó chưa tới, hy vọng sau một thời gian nữa sẽ tới ngày ấy… Bao giờ hình thái cuộc sống chín muồi đòi hỏi và dân tộc sinh ra một lớp tài năng thì sẽ có ngày ấy.

Nếu nói rằng, các giải thưởng không phản ánh đúng tình trạng, trình độ, hướng đi của văn học, liệu có quá lời không, thưa ông?

Thú thật tôi không dám trả lời câu hỏi này vì tôi đọc quá ít các tác phẩm được giải thưởng thơ. Xin mọi người đại xá!

Hay các giải thưởng không mang đến cho bạn đọc những tác phẩm xứng đáng xét thuần túy về văn chương?

Các tiêu chí về văn chương bát ngát như biển, ngay thơ cũng có nhiều thứ giá trị như một mâm cơm có nhiều loại món ăn, tùy khẩu vị người ăn, không ép nhau được. Nhưng ngoài cái bề ngoài phức tạp, thì cốt lõi của giá trị thơ là một cái gì bất biến, vĩnh cửu và rất giản dị. Chuyện này quá dài dòng, bao giờ tổ chức cuộc trao đổi ta sẽ nói nhiều.

Thậm chí, các giải thưởng chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoài văn học, đã loại bỏ ra ngoài một số tác phẩm xứng đáng khác, tức là Ban tổ chức giải có quyền nghĩ khác, làm khác?

Tôi là người theo tinh thần trung dung thấy cái gì cũng có lý có tình của nó và nhất là việc ta đang sống trong xã hội như thế nào thì vạn sự đều có chung mẫu số “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, thơ có cánh cũng không thoát được ra ngoài cung cách ứng xử của hôm nay.

Thiếu một trái tim lớn, dũng khí lớn

Ông nghĩ sao về trách nhiệm công dân của người cầm bút hôm nay? Họ có nên chỉ hô hào, cổ vũ, mà thay vào đó phải suy nghĩ và lý giải nhiều vấn đề của cuộc sống hôm nay?

Con người ai chẳng có hai loại trách nhiệm - trách nhiệm với cộng đồng mà ta quy vào trách nhiệm công dân và trách nhiệm với mỗi cá thể con người mà ta gọi là quyền sống của cá nhân.

Nhà thơ Anh Ngọc tên khai sinh là Nguyễn Đức Ngọc. Ông sinh năm 1943 tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình trí thức; tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Riêng tôi luôn không bỏ rơi cái nào. Vì cái nào cũng cần và đều vì con người. Ca ngợi lòng yêu nước, bảo vệ Tổ quốc hay đồng cảm chia sẻ buồn vui với một con người trong tình yêu đều có quyền tồn tại như nhau.

Trí thức Việt Nam hiện nay đang lười biếng. Đó là nhận định của một trí thức Việt kiều khi đọc văn chương trên các phương tiện thông tin đại chúng của nước ta. Ông suy nghĩ sao về điều này?

Còn biện minh cái gì. Lười và thỏa mãn… Hình như trí thức ta rất tiêu biểu cho tính cách của người nước ta là “dễ thỏa mãn” và “hay tự mãn”… trong đó có cả tôi nhé, không phải đứng ngoài để chê người khác đâu.

Có lẽ hơi cá nhân phiến diện một chút, tôi thấy rằng nhiều người cầm bút ngày hôm nay vẫn đang im lặng trước các vấn đề lớn của xã hội vì họ ngại đụng chạm. Các vấn đề như nông dân, nông nghiệp, nông thôn ra sao? Đời sống thay đổi như thế nào? Liệu rằng người cầm bút cứ tránh né mãi thì có cho ra đời được những tác phẩm lớn không, thưa ông?

Đúng rồi. Ngoài lười biếng, dễ thỏa mãn… chúng ta thiếu một trái tim lớn và một dũng khí lớn vốn là thước đo của một nhà văn, nhà thơ lớn.

Nhưng cũng phải thú thật, sống trong hoàn cảnh chúng ta mà ngẩng cao đầu được để chỉ đối diện với ông Trời như Từ Hải của cụ Tiên Điền thật khó như nằm mơ ban ngày… Nhưng chưa biết chừng trong cái éo le, khuất tất của đời sống lại là chỗ để tác phẩm lớn có tính kinh điển ra đời. Hy vọng thế!

Vẫn trong trường ca “Điệp khúc vô danh”, ông đã viết “Bao Thị Mầu đã trở về đời thực/ Vị táo còn chua mãi ở đầu môi”. Xem ra để sống trọn vẹn với cuộc sống bình thường không hề đơn giản, để “Bao giờ cho đến tháng giêng” mà nhận “Những giọt sương như ảo ảnh - ngọt ngào”.

Cám ơn anh đã trích dẫn câu thơ diễn đạt đúng ý tôi, những người bao năm nay sống bằng những giọt sương của ảo ảnh (ngang với câu đùa “ăn qua loa” của những năm bao cấp ấy mà).

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất