| Hotline: 0983.970.780

Tri thức trẻ nặng tình với quê hương

Thứ Ba 02/09/2014 , 11:33 (GMT+7)

Họ là những chàng trai, cô gái vừa rời ghế giảng đường ĐH với tấm bằng “đỏ” và có đủ khả năng tìm 1 công việc tốt ở một cơ quan hay một doanh nghiệp lớn. Nhưng ngược lại, họ quay về quê hương.

Họ đem những kiến thức tích lũy được để phát triển ngành nông nghiệp với mong ước “cho nông dân bớt nghèo”.

MANG TINH HOA VỀ ĐẤT MẸ

Ông bà xưa nói “Tam thập nhi lập”, nghĩa là đàn ông thường nên sự nghiệp sau tuổi 30. Nhưng chàng trai Trịnh Quốc Toản và Nguyễn Khắc Lý lập nghiệp thành công khi mới 28, 29 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ĐH (Toản tốt nghiệp trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp VN), còn Lý học ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa).

Hai người đều đi du học ở Israel. Sau đó, họ đã có cơ hội làm việc ở nước ngoài, nhưng vì nặng nợ với quê hương họ trở về vùng quê nghèo Yên Phong, Yên Ninh (huyện Yên Định, Thanh Hóa) để lập Cty TNHH Nông nghiệp VietGAP (Cty VietGAP do Toản làm Giám đốc).

Mục đích là thay đổi tư duy SX nông nghiệp truyền thống của nông dân bằng cách ứng dụng tiến bộ KHKT làm nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nhằm giảm sức lao động, tăng chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế.

Tiếp sức với họ còn có 4 kỹ sư nông nghiệp trẻ. Trong đó, ngoài nữ kỹ sư 9X duy nhất Tạ Thị Thảo, quê Hưng Hà, Thái Bình, 3 kỹ sư nam còn lại là Phạm Văn Trung, Trịnh Văn Sơn và Đặng Văn Hùng đều sinh ra ở xứ Thanh.

Xác định được mục tiêu, tháng 11/2012 Cty VietGAP thuê 1,2 ha đất ngoài đê sông Mã ở xã Yên Phong xây dựng gần 1.000 m2 nhà kính, khu vực sân bãi, nhà kho và 1 cửa hàng giới thiệu sản phẩm kết hợp kinh doanh giống cây trồng và thuốc BVTV. Bước đầu các kỹ sư trẻ trồng hoa cúc luân canh với các loại rau, quả như cà chua, dưa chuột, dưa lê, dưa hấu…

“Từ năm thứ 2 đại học, tôi đã nung nấu ước mơ xây dựng một doanh nghiệp ứng dụng KHCN vào SX nông nghiệp. Nên sau khi ra trường tôi tìm đến những người có cùng chí hướng với mình để xây dựng nên cơ sở SX hoa, rau, quả trong nhà kính, nhà lưới này.

Lúc thành lập Cty, chúng tôi đều tay trắng, trong khi chi phí đầu tư hết 1,2 tỷ đồng, gồm nhà lưới, nhà kính, nhà kho và các khoản chi phí không tên khác, tất cả đều phải vay mượn từ gia đình, bạn bè và ngân hàng. Nhưng chúng tôi đồng thuận “liều”, bởi đây là niềm đam mê, là ước mơ của tất cả thành viên trong Cty”, GĐ trẻ Trịnh Quốc Toản cho biết.

10-02-01_1

Theo kỹ sư Nguyễn Khắc Lý, những kiến thức anh và các đồng nghiệp khác tích lũy được trong quá trình học tập đều được huy động hết để áp dụng vào mô hình, đặc biệt là kinh nghiệm làm nông nghiệp CNC anh nắm được ở Israel.

“Tất cả đều phải làm đồng bộ và lựa chọn vật liệu phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu từng vùng. Cụ thể, khung sắt chúng tôi đặt thợ gia công làm chắc chắn hơn bình thường để đảm bảo chắn được gió bão; sử dụng nilon và hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel nhằm kéo dài độ bền cho nilon lên tới 5 năm (độ bền các loại nilon khác khoảng 2 năm)”, anh Lý nói.

Cũng theo anh Lý, mục tiêu của các anh là xây dựng một mô hình nông nghiệp CNC hoàn chỉnh là để thay đổi tư duy SX truyền thống nhưng manh mún, nhỏ lẻ và thiếu KHKT của nông dân huyện Yên Định nói riêng, Thanh Hóa nói chung hiện nay.

Anh cho hay, ở Israel người ta xây dựng được hệ thống nhằm chủ động trong SX nông nghiệp nên hạn chế tác động của mưa, nắng, gió, bão lên cây trồng; hệ thống ống tưới, điều khiển dinh dưỡng theo hình thức nhỏ giọt giúp người SX tác động được thời gian ra hoa, kết quả. Đồng thời giảm thất thoát trong quá trình đầu tư và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, hệ thống quản lý trong chu trình SX khép kín từ nơi SX đến tận người tiêu dùng (có chế tài xử phạt nếu các khâu phá vỡ hợp đồng) nên chất lượng nông sản của họ rất an toàn, hiệu quả kinh tế cao.

“Mô hình SX nông nghiệp CNC của Cty VietGAP tuy chưa lớn so với các doanh nghiệp khác nhưng đây là điểm sáng về những thanh niên có tri thức, dám nghĩ dám làm, lại làm một lĩnh vực mà giới trẻ không mặn mà, đó là nông nghiệp.
Hiện nay chúng tôi chưa có chính sách đặc thù dành cho mô hình này nhưng chắc chắn sắp tới huyện sẽ hỗ trợ Cty để xây dựng chuỗi SX từ “trang trại đến bàn ăn”. Hi vọng tỉnh sẽ quan tâm, hỗ trợ những mô hình như thế này để góp phần đổi mới nền nông nghiệp Thanh Hóa”, ông Lưu Vũ Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định.

“Nếu VN cũng làm được như các nước thì nông sản của chúng ta có thể xuất khẩu đi các nước lớn trên thế giới”, anh Trịnh Quốc Toản nhận định.

HƯỚNG ĐẾN XUẤT KHẨU

Sau bước đầu khởi nghiệp khá thuận lợi, các kỹ sư tiếp tục đầu tư SX trên diện tích gần 3 ha ở xã Yên Ninh, huyện Yên Định. Kết quả hạch toán cho thấy SX trong nhà lưới, nhà kính mang lại hiệu quả gấp hai, ba lần SX truyền thống; ngoài ra, hạn chế được việc phun thuốc BVTV từ 30 - 40%.

Anh Toản nhẩm tính, xây dựng 1.000 m2 nhà kính và hệ thống tưới nhỏ giọt hết khoảng 160 triệu đồng. Chi phí đầu tư 1 sào hoa cúc hết 10 triệu (giống 3 triệu, vật tư 3 triệu, nhân công và phát sinh 4 triệu đồng), sau 3,5 tháng thu hoạch bán với giá 1.000 đ/cành, tổng doanh thu đạt từ 18 - 20 triệu đồng/sào/vụ.

Sau khi trừ chi phí đầu tư và khấu hao tài sản các anh còn lãi được khoảng 7 triệu đồng/sào/vụ x 3 vụ/năm = 18 triệu đồng (tương đương 420 triệu đồng/ha/năm). Trong khi đó SX hoa ngoài trời chi phí đầu tư cũng hết 10 triệu, tổng doanh thu chỉ đạt 12 - 15 triệu đồng/sào/vụ.

“Con số trên là rất khiêm tốn bởi SX trong nhà kính không chỉ giảm thiểu được rủi ro mà còn nâng cao chất lượng cây trồng lên rất nhiều nên người tiêu dùng rất ưa chuộng”, anh Toản nói.

10-02-01_3

Tôi băn khoăn: “Đầu ra của sản phẩm có ổn định không?”. Anh Toản khẳng định: “Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ trước khi bắt tay vào làm. Nhu cầu rau sạch ở Thanh Hóa rất lớn, sản phẩm của công ty làm ra không đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Nhưng tựu trung lại chỉ cần xác định được thì trường độc lập cho một vùng nhất định thì đầu ra cho sản phẩm sẽ đảm bảo”.

Đến thời điểm này, huyện Yên Định có 9 ha rau an toàn, phấn đấu đến 2020 có trên 500 ha. Trong đó, 90 ha SX nông nghiệp CNC, tập trung ở 3 xã Định Liên, Yên Phong và Yên Bái.

Được biết, thời gian tới Cty VietGAP sẽ tập trung phát triển thêm một số loại cây ăn quả để cung cấp cho các siêu thị ở TP Thanh Hóa, từng bước hướng tới xuất khẩu.

Chia sẻ kinh nghiệm để có được kết quả bước đầu hôm nay, anh Lý nói: “Tôi nghĩ yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất khi làm nông nghiệp CNC bởi nếu anh có tiền, có cơ sở vật chất mà không biết áp dụng KHKT vào SX thì sẽ thất bại ngay.

Như chúng tôi làm đây, cả 6 người đều có kinh nghiệm về nông nghiệp nên khi cây trồng có biểu hiện bị sâu bệnh là chúng tôi biết để xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại”.

Anh Toản cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của Cty VietGAP là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và những kiến thức để nhận biết, đánh giá giữa rau sạch và không sạch của người dân còn khá mơ hồ nên Cty phải tự xây dựng hệ thống quảng bá sản phẩm qua các trang web, cửa hàng, thậm chí qua chính quyền các địa phương.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Nghề mới lên đời

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.