| Hotline: 0983.970.780

Triển khai mua tạm trữ, giá muối bắt đầu nhúc nhích

Thứ Hai 25/07/2016 , 13:30 (GMT+7)

Thời điểm này giá muối đã bắt đầu nhích lên do hiệu ứng từ thông tin Chính phủ quyết định thu mua tạm trữ muối cứu diêm dân...

Nắng nóng kéo dài, muối được mùa nên giá xuống rất thấp khiến diêm dân lao đao. Vì thế, chủ trương mua muối tạm trữ của Chính phủ mà TCty Lương thực Miền Bắc được giao triển khai đang giúp giá muối nhích dần lên.

Bạc Liêu: Tồn hơn 100 nghìn tấn

Ông Dương Ngọc Lân, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho hay, từ tháng 3 đến tháng 6/2016, muối thu hoạch xong không bán được, tồn đọng chất đống. Ở thời điểm đó, muối trắng có giá từ 400 - 450 đồng/kg, trong khi muối đen chỉ còn 250 - 350 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với trước.

Tại cánh đồng muối xã Điền Hải, huyện Đông Hải, diêm dân Nguyễn Hải Phước than thở: “Người làm muối thu nhập còn thua người làm mướn, người làm mướn 1 tháng còn kiếm được 5 - 7 triệu đồng. Làm muối 5 - 6 tháng đến cuối vụ tính toán ra thì lại lỗ vốn. Với giá 300 đồng/kg muối đen, nếu bán thì cầm chắc lỗ vốn khoảng 250 đồng/kg”.

Năm nay, Bạc Liêu có tổng diện tích SX muối  hơn 2.300ha, bằng 87% kế hoạch. Tuy nhiên, do được mùa nên sản lượng muối đạt 165 nghìn tấn, bằng 103% kế hoạch. Đông Hải là huyện có diện tích muối lớn nhất tỉnh, chiếm hơn 2/3. Trong số hơn 100.000 tấn muối còn tồn đọng thì Đông Hải chiếm 85.000 tấn.

“Năm nay là một trong những năm muối được mùa nhất nhưng giá muối lại thấp nhất. Bà con diêm dân đã nghèo còn phải đi vay tiền để để dự trữ muối”, vị lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện này cho biết.

Tuy nhiên, thời điểm này giá muối đã bắt đầu nhích lên do hiệu ứng từ thông tin Chính phủ quyết định thu mua tạm trữ muối cứu diêm dân. Giá muối giao tại cửa kho khoảng hơn 400 đồng/kg với muối đen và hơn 600 đồng/kg với muối trắng ngà.

TP.HCM: Hỗ trợ trực tiếp diêm dân

Huyện Cần Giờ là vựa muối của TP Hồ Chí Minh. Huyện có 3 khu vực làm muối là 2 xã Long Hòa, Lý Nhơn và thị trấn Cần Thạnh với hơn 1.600ha/700 hộ diêm dân. Mỗi năm 3 khu vực này cho thu hoạch hơn 130.000 tấn muối, trong đó muối trải bạt gần 100.000 tấn.

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT), 6 tháng đầu năm, mặc dù sản lượng muối đạt gần 1 triệu tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng lượng muối tồn kho vẫn hơn 850 nghìn tấn, tăng 42,4% so với cùng kỳ. Trong đó, miền Bắc tồn 23.344 tấn, miền Trung tồn 371.466 tấn và ĐBSCL tồn 456.915 tấn.

Năm nay muối được mùa nhưng diêm dân ở Cần Giờ kém vui vì giá bán thấp. Muối rớt giá thê thảm khiến nhiều nông dân bỏ ruộng. Hiện trung bình 1 tấn muối bán được hơn 400 nghìn đồng.    

Diêm dân Cầu Văn Ngọt ở ấp 3, xã Lý Nhơn hiện còn tồn hơn 70 tấn muối chưa bán được. Theo ông Ngọt, phần lớn diêm dân vẫn đang trữ muối bởi một phần thương lái không mua, phần còn lại là do giá muối đang thấp hơn giá thành SX. “Với giá này, mỗi ha muối chúng tôi đang lỗ khoảng 10 triệu đồng”, ông Ngọt chia sẻ.

Để kịp thời “giải cứu” muối Cần Giờ, ngay từ đầu tháng 7, TCty Lương thực Miền Bắc đã cử cán bộ xuống Cần Giờ để khảo sát thị trường, tính toán sản lượng muối tồn đọng và đề ra giá thu mua.

Theo kế hoạch thì bắt đầu từ ngày 25/7, TCty sẽ thu mua muối của diêm dân với giá 570 đồng/kg. Hiện toàn bộ các kho dự trữ muối đã được DN chuẩn bị sẵn sàng.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch hỗ trợ trực tiếp diêm dân nhằm giảm bớt khó khăn, mức giá sàn hỗ trợ được tính theo giá thành sản xuất + 30% lãi trên giá thành SX + chi phí vận chuyển thực tế từ ruộng muối của hộ dân đến các kho nhận hàng. Như vậy, với mỗi kg muối, diêm dân sẽ được hỗ trợ từ 230 đồng đến 300 đồng.

Bà Hoàng Thị Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP Hồ Chí Minh, cho biết, Chi cục đang đề nghị UBND huyện rà soát, xác định lượng muối mà diêm dân Cần Giờ có thể tự tiêu thụ trong năm 2016, tính toán sản lượng muối tồn cần được TP hỗ trợ thu mua, đồng thời đề xuất các phương án thu mua tối ưu nhất. Dự kiến, việc hỗ trợ diêm dân sẽ được TP thực hiện từ cuối tháng 7 này.

“Tất nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần ngọn. Thời gian tới, chúng tôi đã xây dựng phương án chuyển đổi diện tích SX muối nằm ngoài quy hoạch, kể cả diện tích SX muối trong quy hoạch sang các mô hình khác hiệu quả hơn”, bà Mai nói.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại văn bản số 4867/VPCP-KTTH, TCty Lương thực Miền Bắc đã tổ chức các đoàn khảo sát tình hình muối tồn dư, làm việc với UBND và Sở NN-PTNT 4 tỉnh, TP trọng điểm SX muối, trong đó có Bạc Liêu để xây dựng và công khai phương án thu mua.

Hiện Tổng Cty đã chuẩn bị xong phương tiện, kho bãi và bắt đầu tổ chức thu mua muối tại điểm kho Cty CP Muối Bạc Liêu. Theo đại diện DN này, giá muối thu mua tại kho là 900 đồng/kg với muối trắng trải bạt và từ 650 đ/kg trở lên với muối trắng thường. Việc thu mua kéo dài đến thời điểm giá muối thị trường đảm bảo lợi nhuận cho diêm dân.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm