| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng những mô hình trồng trọt mới ở Tuyên Quang

Thứ Hai 24/08/2020 , 07:03 (GMT+7)

Trồng lúa, ngô quanh năm lam lũ cũng chỉ giúp nông dân ở Tuyên Quang đủ ăn. Bởi thế khi có những mô hình cây trồng mới luôn được người dân nơi đây đón nhận.

Mô hình trồng cây hương nhu lấy tinh dầu tại xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương. Ảnh: Đào Thanh.

Mô hình trồng cây hương nhu lấy tinh dầu tại xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang cho biết, từ năm 2015 đến nay Trung tâm đã triển khai 18 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó nhiều mô hình áp dụng các cây trồng mới đem lại hiệu quả thiết thực.

Mô hình sản xuất chè theo VietGAP xác nhận chuỗi dán tem truy xuất nguồn gốc, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm triển khai tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn và Na Hang với tổng diện tích 28,5 ha. Đến nay, mô hình cho năng suất đạt 12 tấn/ha, tăng 2 tấn/ha so với sản xuất thông thường; giá bán tăng 2.000-3.000 đồng/kg.

Mô hình liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm ngô ngọt tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn với tổng diện tích hơn 17 ha.  Mô hình cho năng suất ngô bình quân đạt 50 tạ/ha, Hợp tác xã Sinh Lợi, tỉnh Bắc Giang đã thu mua trên 110 tấn ngô bắp tươi cho nông dân, với giá 4.500 đ/kg.

Mô hình ghép cải tạo nhãn tại các tỉnh miền núi phía Bắc tại huyện Yên Sơn với tổng diện tích 5 ha. Mô hình ghép nhãn theo phương pháp đốn lửng, số cây ghép thực tế 2.380 cây/2.000 cây, tăng 380 cây so với hợp đồng. Đến nay, tỷ lệ sống mắt ghép đạt 87%; cành ghép cao 0,8-1,2m, đã phân cành cấp 2, cành cấp 3, nhãn sinh trưởng, phát triển tốt.

Những mô hình mới cũng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với những diện tích đất trồng lúa một vụ, khó khăn về nước tưới tiêu sang trồng các loại cây màu khác là một biện pháp quan trọng để tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Nông dân huyện Sơn Dương được coi là tiên phong của tỉnh Tuyên Quang trong việc lựa chọn các giống cây mới đưa vào trồng thử nghiệm và đã mang lại hiệu quả tích cực. Như mô hình trồng cà gai leo tại các xã Hợp Hòa, Sầm Dương với diện tích hơn 30 ha; mô hình trồng cây sa chi tại xã Lương Thiện với diện tích 3 ha; mô hình trồng cây hương nhu tại xã Tú Thịnh với quy mô 18 ha; mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín với diện tích hơn 3.000 m2 tại xã Kháng Nhật…

Trồng cây sa chi, giúp nông dân ở Tuyên Quang thu lãi gấp 2,5 lần trồng lúa. Ảnh: Đào Thanh.

Trồng cây sa chi, giúp nông dân ở Tuyên Quang thu lãi gấp 2,5 lần trồng lúa. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Đặng Xuân Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Lương Thiện cho biết, trung bình 1 sào lúa đạt năng suất 2,4 - 2,5 tạ/vụ. Nếu được giá thì thu khoảng 2,5 triệu đồng chưa kể chi phí đầu tư và công. Bởi thế, nếu chỉ trồng lúa đơn thuần khó có thể giúp người nông dân làm giàu. 

Tháng 4/2019, HTX bắt đầu triển khai trồng cây sa chi với diện tích 3 ha có 16 hộ tham gia, với mật độ trồng khoảng 85 gốc/sào Bắc bộ. Sau 8 tháng chăm sóc, đến nay diện tích sa chi đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất trung bình mỗi cây đạt 3 kg hạt khô/năm. Giá đạt 50.000 đồng/kg, hạt hô, mỗi sào cây sa chi cho thu hơn 12 triệu đồng/năm, cao gấp 2,5 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ đang gặp khó khăn.

Một khó khăn thường hay gặp phải tại các mô hình mới là khi trồng với quy mô nhỏ lẻ, tính chất độc, lạ giúp việc tiêu thụ thuận lợi, lãi suất khá cao. Tuy nhiên khi mở rộng diện tích sẽ vấp phải bài toán thị trường. Bởi hầu hết người nông dân ở Tuyên Quang kinh nghiệm về định hướng, kết nối thị trường, làm thương hiệu, chất lượng sản phẩm còn hạn chế.

Chị Bùi Thị Thùy, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Sơn Thịnh cho biết, HTX của chị đang tập trung trồng cây hương nhu với diện tích 18 ha. Khi mới cho thu hoạch, ở thị trường nhỏ lẻ, trung bình 1 lít tinh dầu hương nhu chị bán 2,1 triệu đồng. Thế nhưng khi sản xuất đại trà thì việc tiêu thụ chậm và khó khăn hơn. Chị mong muốn các cơ quan chức hỗ trợ giúp HTX xây dựng được nhãn mác, logo cho sản phẩm tinh dầu hương nhu của HTX cũng như kết nối thị trường.

Song song với cây trồng mới, rất cần sự tăng cường kết nối giữa Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, nông nghiệp Tuyên Quang mới hi vọng đổi mới và cuộc sống người nông dân mới hi vọng khấm khá từ các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.