| Hotline: 0983.970.780

Triệu Đề nổi nghề lừa đảo

Thứ Ba 04/09/2012 , 10:32 (GMT+7)

Thời gian gần đây, nghề lừa đảo ở xã Triệu Đề (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bỗng một phen dậy sóng.

Thời gian gần đây, nghề lừa đảo ở xã Triệu Đề (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bỗng một phen dậy sóng.

Chiêu nhặt được Iphone

“Bác ơi em vừa nhặt được chiếc điện thoại này, bác tắt hộ em cái nguồn chứ để nó cứ kêu ầm lên mà em không biết cách nghe”. Đang mơ màng theo một bộ phim dài tập của Hàn Quốc, bà Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bỗng thấy cô bán chổi dạo đưa cho một chiếc “Iphone” rất đẹp. Sau khi bà tắt hộ chiếc điện thoại kia, cô gái càng tỏ vẻ quê mùa: “Bác ơi, đây là điện thoại gì, giá bây giờ khoảng bao nhiêu”. “Khoảng 12 triệu”. Bà Minh tỏ vẻ sành sỏi. Cô gái lại tiếp lời: “Ôi, giá trị thế cơ à? Em cũng không biết cách sử dụng, nên muốn bán đi. Thôi bác trả em bao nhiêu thì trả”.

Máu tham nổi lên, bà Minh trả giá 4 triệu, cô gái ngần ngừ một lúc: “Rẻ quá nhưng thế thôi cũng được”. Cô gái cầm tiền quay đi để lại bà Minh đứng ngây dại trong nỗi vui mừng vì mua được một món hời. Có điều bà mới sử dụng món hời ấy được dăm bữa nó đã lăn đùng ra hỏng. Mang điện thoại ra cửa hàng sửa, bà điếng người khi anh thợ cho biết đây không phải là Iphone của nhãn hiệu Apple mà là hàng Trung Quốc nhái, giá bán chỉ dăm bảy trăm ngàn. Cô gái “nhặt” được chiếc điện thoại đó chính là dân Triệu Đề chính hiệu.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng công an xã Triệu Đề, lắc đầu chán nản khi gần như ngày nào cũng nhận được những cú điện thoại của công an khắp cả nước gọi về nhờ xác minh đối tượng lừa đảo có phải là công dân của xã mình không: “Họ chỉ cần alô, tôi đã hỏi bố mẹ nó tên là gì, hay hỏi họ nó là biết ngay đối tượng có phải là người xã mình không? Xã tôi có mấy họ chính, chỉ cần nhắc Nguyễn, Trần, Lưu, Đỗ, Đinh, Lê, con ông A, bà B là biết tôi biết rõ tông tích của chúng rồi”.


Trưởng công an xã Triệu Đề: "Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại yêu cầu xác minh đối tượng"

Thời gian gần đây ông Nhân nhận được tới 7 giấy xác minh đối tượng như vậy. Tôi cầm một tờ giấy yêu cầu xác minh của Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về đối tượng Lê Thị L ở thôn Đạo Nội bị tố giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản thấy ghi ngày 24/7/2012.

Có rất nhiều trường hợp khác không xác minh bằng giấy mà chỉ qua điện thoại. Điện thoại của trưởng công an xã ngày nào cũng nhận những yêu cầu xác minh nhanh, xác minh nóng. Thôi thì đủ kiểu thủ đoạn. Nó có bán đâu, nó nhặt được cái điện thoại nên nhờ mình tắt hộ cái nguồn. Trong lúc cầm điện thoại trên tay, một thằng gọi đến tự xưng là chủ chiếc điện thoại bảo có phải chị nhặt được máy cho em xin chuộc lại, máy của em 10 triệu đồng, em chuộc 3 triệu đồng. Có anh công an cũng dính, ngậm đắng nuốt cay bởi nhìn thấy máy đẹp, nên bảo thôi đưa 4 triệu đồng để lại tôi dùng. Thực ra trả giá nào cũng dính. Có trường hợp nó mồ hôi mồ kê nhễ nhại dắt một cái xe máy hỏng vào nhà mình bảo: “Anh ơi, em đang đi làm ăn, hỏng xe dọc đường, xa xôi quá, không đủ tiền sửa nên em có cái điện thoại này nhờ anh bán giúp”. Nó đưa ra một cái máy cũng đẹp lại rẻ, thôi thì vừa mua, vừa giúp đỡ vậy. Dân mình hay có tính thương người như vậy. Chặc lưỡi cái là xong với nó”.

Đủ loại lừa đảo

Ở Triệu Đề có hai giai tầng lừa đảo. Giai tầng thứ nhất chuyên đi lừa đảo dạng xỉ, tức lừa với số lượng lớn. Ra khỏi địa phương họ liên lạc với nhau xem nguồn hàng nào, chủng loại ra sao rồi đến lấy tận gốc cả trăm cái điện thoại rởm một lúc. Loại này rất khó bắt được bởi thường không vận chuyển trên người, trên xe mà đến điểm hẹn bí mật nào đó mới có người mang hàng đến rồi mua bán trong chớp mắt. Giai tầng thứ hai là tầng lớp bán lẻ, mua lại của mối lớn rồi đi lừa từng người một.

Kể về nguồn cơn của cái nghề lừa đảo ở Triệu Đề, ông trưởng công an xã nói với tôi giọng đầy phiền muộn: “Cũng bởi dân tôi chuyên đi mua bán cây cảnh, học được từ các nơi cả cái tốt lẫn cái xấu. Mấy năm trước, có nhóm lừa ở Sơn Tây (Hà Nội) nhằm vào mấy ông chủ cây cảnh lắm tiền ở quê tôi bán cho điện thoại “xịn” nhưng thực ra là hàng nhái. Dính rồi, khi đã nắm được quy trình lừa đảo những người này tự nhiên kháo nhau cả làng, cả xã đều biết. Triệu Đề là xã chuyên buôn cây cảnh với 1950 hộ/2150 hộ tham gia, lúc thị trường cây tụt dốc, thất thế nhiều người đến xin giấy tờ đi khắp ngõ ngách ở Việt Nam thậm chí sang cả Lào, Campuchia để bán cây cảnh, bán quần áo, bán dây điện… Lúc xin giấy tờ tùy thân để làm ăn họ ghi rõ thế nhưng thực ra lắm người vừa bán hàng vừa kèm lừa đảo. Thôi thì đủ loại, con gái có, con trai cũng có, độ tuổi tham gia phổ biến là từ 18 đến 35.

Thế hệ trẻ ngày nay bất chấp lắm! Lúc xin giấy tờ thì ăn mặc bảnh bao nhưng vừa rời địa phương thì khoác lên mình quần áo nhàu nhĩ ra dáng người lao động để lừa đảo. Chúng tôi cũng tuyên truyền mãi mà vẫn không ăn thua. Hiện vi phạm thường không đem ra xử lý trước pháp luật mà chỉ phạt hành chính mà thôi".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.