| Hotline: 0983.970.780

Trò chuyện với chồng là hạnh phúc

Chủ Nhật 25/08/2019 , 08:20 (GMT+7)

Dấu hiệu dễ thấy nhất của một đôi vợ chồng hạnh phúc là họ hay trò chuyện với nhau.

Ảnh mang tính minh họa.

Bởi vì chúng ta thường gọi người hôn phối với mình là người bạn đời, không trò chuyện được với nhau sao gọi là đôi bạn?

Bởi vì sự trò chuyện chính là trao đổi những thông tin về mọi vấn đề trong cuộc sống. Là sự chia sẻ những tâm tư tình cảm, niềm vui, nỗi buồn. Là sự bàn luận về những khúc mắc trong gia đình, tìm ra giải pháp được cả hai đồng tình.

Cho nên đôi vợ chồng nào càng trò chuyện với nhau được nhiều càng hiểu nhau, dễ thông cảm và yêu nhau hơn. Nếu xuất hiện một điều gì đó không bằng lòng, họ có thể nói ngay với nhau thì “ngọn lửa chiến tranh” sẽ bị dập tắt ngay từ khi nó mới nhen nhóm. Nếu không nói chuyện được hoặc người này vừa nói người kia đã gạt đi thì những bất mãn sẽ dồn nén, tích tụ lại có thể gây nên giông bão lúc nào không biết.

Chính vì thế khi hôn nhân bắt đầu xuống cấp thì dấu hiệu cũng dễ nhận thấy nhất là vợ chồng ít hoặc không nói chuyện với nhau nữa. Việc ai người ấy làm, chuyện của ai người ấy lo, khác gì hai kẻ độc thân sống chung một nhà. Cho dù gia đình ấy giàu có, sung túc, điều kiện vật chất dư thừa cũng không thể gọi là hạnh phúc được.

Nhưng tại sao vợ chồng lại không nói chuyện được với nhau?

Thử nhớ lại khi mới yêu, họ chẳng từng là một đôi hoà hợp biết chừng nào. Nếu không thế sao có đám cưới! Có phải hồi đó, bạn từng ngồi yên mắt nhìn chàng đăm đắm, nghe chàng thao thao bất tuyệt hàng giờ đồng hồ? Chàng kể cho bạn nghe cả những chuyện chẳng đâu vào đâu, thường trong chuyện đó thế nào cũng có một nhân vật đã thông minh lại tài giỏi, đã “ga-lăng” lại dũng cảm không biết sợ là gì. Và nhân vật đó bao giờ cũng chính là người đàn ông vô cùng đáng yêu của bạn đấy thôi!

Thế mà bạn nghe say sưa, cười đau cả bụng với những chi tiết vừa hài hước vừa dí dỏm, thỉnh thoảng lại đế vào: "Thế cơ hả anh?”. “Sao anh tài thế? Thông minh thế?”. Chàng âu yếm hôn bạn, thấy người yêu của mình mới dễ thương làm sao? Chàng thú nhận là dù làm việc mệt mỏi đến đâu chỉ cần được ngồi nói chuyện với em một lúc là tiêu tan hết cả. Và chàng không bỏ qua một cơ hội nào có thể ngồi với nhau.

Chàng cũng rất thích nghe bạn nói dù chuyện của bạn cũng chẳng đâu vào đâu. Chuyện cơn gió to chiều qua làm cây sấu nghiêng nghiêng ở đường Trần Hưng Đạo đổ rồi anh ạ, tiếc quá! Chuyện nếu sinh con gái đầu lòng sẽ cho nó học nhạc. Em sẽ hạnh phúc biết bao nếu được ngồi bên anh nghe con đánh đàn?

Thế nhưng bây giờ, hai năm sau ngày cưới, bạn không thể nào ngồi nghe được mười phút những chuyện “ba hoa xích tốc” của chàng. Cái nhìn thán phục ngày nào giờ thay bằng đôi mắt dửng dưng vì chuyện của anh nhạt quá. Thật là một gã to xác và nhạt phèo. Thử hỏi chàng còn đâu hứng thú trò chuyện với vợ. Để giải tỏa những khát khao tự mãn của đàn ông, chàng đi tìm đến những cô gái khác. Những cô nàng nghe chuyện hài hước của chàng cười như nắc nẻ. Còn người vợ bây giờ chẳng còn quan tâm gì đến những chuyện lãng mạn, mở miệng nói ra toàn cơm áo gạo tiền, chàng vừa nghe đã muốn ù tai.

Không ít người nghĩ rằng muốn được chồng yêu phải biết cách chiều chồng, chăm lo săn sóc anh ta từng cái ăn, cái mặc. Có người đến bây giờ vẫn tin đường vào trái tim đàn ông đi qua cái dạ dày. Biết đâu rằng thời kinh tế thị trưởng này, mọi thứ hàng hoá đều la liệt. Cái mà đàn ông không thể tìm thấy ở đâu khác ngoài gia đinh, đó là một người vợ biết lắng nghe những thành công, thất bại của họ trên đường đời, biết nhìn họ với đôi mắt “ngây thơ” và lúc nào cũng sẵn sàng “tin xái cổ” mà không “kê tủ đứng” vào miệng họ và nói toạc ra cái chỗ này anh ta “bốc phét”.

Nghệ thuật quyến rũ nhau suốt đời không phải chỉ là nghệ thuật trang điểm sao cho đẹp, săn sóc từng li từng tí giấc ngủ, miếng ăn mà có cái quan trọng hơn đó là biết lắng nghe người bạn đời nói chuyện và biết nói những gì mà anh ta thích nghe. Nếu bạn thành công trong nghệ thuật này thì vợ chồng xa nhau vài ngày cũng nhớ, luôn thấu hiểu tâm tư tình cảm của nhau. Đó chính là cái mà ta thường gọi là hạnh phúc gia đình.

(Kiến thức gia đình số 34)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất