| Hotline: 0983.970.780

Trò chuyện với con gái út ông Trần Văn Vót trong vụ 'Liệu có thêm hai ông Chấn'

Thứ Hai 09/05/2016 , 08:01 (GMT+7)

PV báo NNVN đã về xã Phú Phúc để hỏi chuyện chị Trần Thị Chi, con gái út của ông Trần Văn Vót, người vừa đi thăm bố ở trại giam về...

Được tin ông Trần Văn Vót - người bị hai cấp tòa sơ thẩm (TAND tỉnh Nam Hà) và phúc thẩm (TANDTC tại Hà Nội) đều tuyên án tù chung thân về tội “giết người” trong vụ án “giết người” xảy ra tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam) ngày 29/11/1992, khiến anh Trần Văn Việt bị chết và 21 người bị thương, nhưng có rất nhiều dấu hiệu oan sai (Báo NNVN đã có loạt bài “Liệu có thêm hai “ông Chấn” ở Hà Nam?”) - đang ốm rất nặng tại trại giam Hà Nam (thường được gọi là trại giam Ba Sao), PV Báo NNVN đã về xã Phú Phúc để hỏi chuyện chị Trần Thị Chi, con gái út của ông Trần Văn Vót, người vừa đi thăm bố ở trại giam về.

Sức khỏe của bố chị hiện nay ra sao?

Lúc bị bắt (tháng 5/1993), bố tôi là một người đàn ông 44 tuổi, tràn đầy sức sống, rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, thuộc típ người gọi là “ăn không biết no, làm không biết mệt”. Nhưng rồi trong suốt 23 năm từ đó đến nay, ngục tù đã tàn phá sức khỏe của bố tôi một cách khủng khiếp.

Hiện tại, bố tôi là một ông già lọm khọm, mắt mờ, chân chậm, đi liêu xiêu không vững, tai trái bị điếc, da tái mét, chân tay run rẩy, không ăn uống gì được.

Cách đây 3 năm, bố tôi bị lao, đã chữa khỏi, nhưng nay lại tái phát, và bệnh tình lần này trầm trọng hơn, phải nằm ở trạm xá liên tục, rất hay bị ngất. Tuy ban Giám thị của trại đã miễn việc lao động cho bố tôi, và bố tôi cũng được các bác sỹ ở trạm xá của trại giam tận tình điều trị, nhưng bệnh vẫn không chuyển. Nếu cứ tình trạng này, thì bố tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa (khóc).

Thường những người bị án tù chung thân, sau một thời gian thi hành án, nếu cải tạo tốt thì sẽ được giảm xuống thành tù có thời hạn. Riêng bố chị, đã 23 năm mà chưa được giảm án. Vì sao như vậy? Trong những lần chị vào thăm, bố chị có nói nguyên nhân vì sao không?

Thưa có. Bố tôi đã kể rất nhiều lần. Rằng cho đến bây giờ, bố tôi vẫn khẳng định mình không có tội gì cả. Bố tôi không giết người, không chống lại chính sách về ruộng đất của Nhà nước, không gây rối trật tự công cộng và không tàng trữ vũ khí trái phép.

Ngay từ khi bị triệu tập lên UBND xã Phú Phúc rồi bị bắt đưa về công an huyện, bố tôi đã nói: "Các ông bắt nhầm người rồi. Cái thằng giết người đích thực ấy, nó đang ở ngoài sờ sờ ra đấy. Rất nhiều nhân chứng đã nhìn thấy nó ném quả lựu đạn. Còn tôi, tôi là một đảng viên, một bí thư chi bộ, một cựu chiến binh với 18 năm quân ngũ, tôi chỉ giết giặc ở chiến trường chứ không giết người vô tội ở quê hương mình, tôi cũng không phạm bất cứ một tội gì hết”.

Nhưng không một ai nghe bố tôi hết. Bố tôi còn kể rằng hồi còn bị tạm giam, một hôm kiểm sát viên của VKSND tỉnh đến phúc cung. Thấy bố tôi vẫn kiên quyết không nhận tội, ông ta đe: “Nếu anh không nhận tội thì sẽ cho anh vào băng tuyệt diệt (ý nói tội tử hình)”. Nhưng bố tôi vẫn không nao núng. Cho đến hai lần ra tòa, bố tôi vẫn kiên quyết không nhận tội. Luật sư cũng đưa ra rất nhiều chứng cứ để chứng minh bố tôi bị oan. Nhưng đều bị tòa bác bỏ. Bố tôi vẫn bị tuyên án rồi bị đưa vào trại giam. Và từ đó đến nay, bố tôi vẫn không nhận bất cứ một tội gì, không ký bất cứ một thứ giấy tờ nào.

Cách đây 10 năm, có một nhà báo tỉnh đến viết bài phản ánh về trại giam, đã gặp bố tôi, và bảo : "Sự tình đã đến thế, tại sao anh không nhận tội đi, để được xem xét giảm án. Nếu cứ thế này, thì sẽ chẳng bao giờ anh được giảm án cả”. Bố tôi đã trả lời: “Tôi thà ngồi tù oan suốt đời, chứ không thể nhận những tội mà tôi không làm. Bởi như thế, thì dù có được về, lương tâm tôi cũng bị dầy vò, cắn rứt. Và khiến cho kẻ giết người đích thực yên tâm sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”. Chính vì thế mà bố tôi không được giảm án.

Bố chị có biết các vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vụ án đó không?

Trong những lần vào thăm, gia đình tôi có nói chuyện. Nghe được thông tin đó, bố tôi rất phấn khởi. Nhưng chờ đợi mãi chẳng thấy gì, bố tôi đâm thất vọng, suy sụp về tinh thần. Việc suy sụp về tinh thần, cộng với bệnh tật đã khiến bố tôi càng kiệt quệ nhanh hơn.

Nguyện vọng của gia đình chị hiện nay là gì?

Từ năm 2015 đến nay, đã có hàng chục bài báo và chương trình truyền hình nói về vụ án này. Dấu hiệu oan sai đã quá rõ. Rất nhiều nhân chứng có mặt tại nơi xảy ra vụ án là ngày 29/11/1992, đều khẳng định rằng họ đã nhìn rõ kẻ ném trái lựu đạn từ phía người làng Thanh Nga về phía người làng Nhân Phúc là một người khác, chứ không phải bố tôi đưa trái lựu đạn cho chú Trần Ngọc Thanh để chú Thanh ném.

Cả bố tôi và chú Thanh đều có chứng cứ ngoại phạm lúc vụ án xảy ra. Nhiều nhân chứng khác nữa thì tố cáo rằng họ bị các điều tra viên triệu tập lên cơ quan điều tra, và dùng nhục hình để ép cung, nên họ bắt buộc phải khai là có nhìn thấy bố tôi và chú Thanh có mặt ở nơi xảy ra vụ án...

Đến nay, đã có 3 vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Chính phủ quan tâm, có văn bản chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét lại vụ án. Văn bản mới nhất số 2774/VPCP-VI ngày 23/4/2016 của Văn phòng Chính phủ, do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ ký, gửi ông Bộ trưởng Bộ Công an, ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thông báo ý kiến của ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu 3 ngành xem xét lại vụ án. Văn bản trên có yêu cầu rất cụ thể là “nếu có oan sai thì phải giám đốc thẩm vụ án để giải oan cho người vô tội”. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy bất cứ một hồi âm nào.

Nguyện vọng thiết tha nhất của gia đình tôi hiện nay là: Mong 3 cơ quan trên khẩn trương xem xét lại vụ án theo chỉ đạo của các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, để bố tôi có thể nhìn thấy ánh sáng của công lý. Nếu chậm trễ, bố tôi bị bệnh lao quật ngã, thì bố tôi sẽ phải mang theo nỗi oan này xuống mồ mà chưa giải được.

Báo NNVN ghi nhận nguyện vọng này của gia đình ông Trần Văn Vót, và xin kính chuyển tới ông Bộ trưởng Bộ Công an, ông Chánh án TANDTC, ông Viện trưởng VKSNDTC, để ba vị cùng xem xét.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.