| Hotline: 0983.970.780

Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông!

Thứ Tư 13/03/2013 , 08:18 (GMT+7)

Ở phía Bắc, không thiếu những dự án lấy “bờ xôi ruộng mật” rồi đằng đẵng “treo” trong im lặng suốt hàng chục năm ròng. Nông dân tha thiết muốn có đất để tiếp tục SX, nhưng không một cơ quan chức năng nào công bố rõ, liệu họ có được trả lại ruộng đất hay không?

Ở phía Bắc, không thiếu những dự án lấy “bờ xôi ruộng mật” rồi đằng đẵng “treo” trong im lặng suốt hàng chục năm ròng. Nông dân tha thiết muốn có đất để tiếp tục SX, nhưng không một cơ quan chức năng nào công bố rõ, liệu họ có được trả lại ruộng đất hay không? 

 

>> Dân mong được trả lại ruộng
>> Nông dân ''khát'' đất
>> Lấy đất nông nghiệp làm khu dân cư ''ma''!
>> Lem nhem KCN Xuyên Á

Cần một lời tuyên bố...

Chúng tôi tới UBND xã Lạc Hồng (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) khi căn phòng của ông Đỗ Văn Tuyên - Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp xã này đang khá ồn ào bởi cuộc tranh luận quanh việc bơm nước tưới dưỡng cho lúa ĐX. Nguyên nhân là bởi ruộng đất của xã hiện có những thửa như cái nong cái nia, chỗ cao quá, chỗ lại trũng quá. Ông Tuyên thở dài ngán ngẩm bảo: Năm ngoái, có tờ báo ở TƯ đăng cảnh mấy cụ già kéo cày thay trâu giữa trời rét căm căm ngay cạnh QL5. Hình ảnh buồn và tai tiếng ấy chính là do nhà báo chộp được ở xã Lạc Hồng. Việc dồn điền đổi thửa, không phải lãnh đạo xã không nhìn ra, nhưng nào dám thực hiện? Bởi ruộng ở đây đã là đất của một “dự án treo”, tính đến nay đã hơn 10 năm.

Năm 2002, hơn 26 ha đất ruộng thuộc 4 thôn của xã Lạc Hồng đã bị thu hồi để giao cho Cty TNHH Ngọc Phong triển khai dự án Cảng cạn Ngọc Phong. Có tới hơn 95% số hộ dân có đất bị thu hồi lúc ấy đã nhận tiền đền bù, với giá từ 14 đến 17 triệu đồng/sào. Thế nhưng 1 năm, 5 năm rồi tới nay đã hơn 10 năm, ruộng đã thu hồi vẫn nguyên ruộng. Người dân Lạc Hồng chỉ còn nhớ mang máng năm 2006 hay 2007 gì đó là lần cuối cùng, Cty TNHH Ngọc Phong vẫn còn lui tới để giải quyết nốt với một số hộ dân chưa thống nhất tiền đền bù đất, từ đó tới nay, DN kia bặt vô âm tín. Thấy ruộng bị thu hồi không triển khai gì nên suốt từ năm 2002 đến nay, nông dân ở đây vẫn tiến hành cày cấy bình thường.


Ít ai biết, ruộng đất ở xã Lạc Hồng đã bị thu hồi cách đây 10 năm

Ông Đỗ Văn Nỏ, Bí thư chi bộ thôn Minh Hải (xã Lạc Hồng) - thôn chiếm phần lớn diện tích đất bị thu hồi trăn trở: Ruộng của thôn bị thu hồi đều là đất “bờ xôi ruộng mật”, từ năm 2002 đến nay dân vẫn cấy lúa, năng suất mỗi vụ 2,5 - 3 tạ/sào đều như vắt chanh. Bản thân người dân rất muốn dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, nhưng cứ luôn thấp thỏm bởi hàng loạt câu hỏi: Đất ruộng bây giờ thực chất là đất gì? Có còn là đất nông nghiệp nữa không, hay đã là đất công nghiệp? Việc nông dân SX hàng chục năm nay, chỉ là canh tác tạm, hay là sẽ tiếp tục được canh tác mãi mãi? Liệu đất đã thu hồi có được trả về một cách “chính danh” để nông dân tiếp tục cày cấy hay không? Hay là sẽ tiếp tục... chờ và chờ DN kia, hay là một DN khác tới thế chân để triển khai dự án công nghiệp trong nay mai...? Những câu hỏi ấy, suốt 10 năm qua chìm trong im lặng, không cơ quan có thẩm quyền nào tuyên bố rõ trước dân! Trong thâm tâm của nông dân xã Lạc Hồng sau hàng chục năm vẫn cày cấy bình thường trên mảnh ruộng của mình, đến nay dường như đã quên hẳn việc ruộng đã từng bị thu hồi và đinh ninh nghĩ, ruộng dĩ nhiên vẫn đang là của họ!

Đặt giả thiết về việc, liệu có thể thu hồi ruộng để trả về cho dân hay không? Một lãnh đạo UBND xã Lạc Hồng lắc đầu ái ngại: Sẽ khó! Khó bởi tiền đền bù đất chủ đầu tư đã trả hết cho dân từ 10 năm trước. Nếu bây giờ thu hồi lại đất trả cho dân, thì tiền đền bù đất đó sẽ giải quyết ra sao? Công bằng mà nói, mặc dù đã nhận tiền đền bù đất nhưng 10 năm qua dân vẫn cấy lúa bình thường nên chưa thiệt thòi gì. Bây giờ nếu “thu hồi trắng” đất của dự án trả lại cho dân, chủ đầu tư sẽ khó mà chấp nhận? Bắt dân phải trả lại tiền bồi thường đất cho chủ đầu tư thì lại càng là chuyện không thể. Còn ngồi chờ dự án triển khai thì không biết tới bao giờ. “Quả là “trở đi mắc núi, trở về mắc sông!” - vị này ngao ngán.

Nông dân bị thu hồi ruộng ở xã Lạc Hồng lại có cái lí khác. Ông Nguyễn Đình Tung, một hộ dân có 2 sào ruộng bị thu hồi ở xã Lạc Hồng quả quyết: Chẳng phải bàn cãi, ruộng bây giờ đương nhiên vẫn là của dân. Giá đất ruộng ở đây bây giờ đã 110 - 120 triệu đồng/sào. Nếu DN muốn triển khai tiếp dự án, thì ngoài khoản tiền đã bồi thường trước đây (có thể tính lãi khoản này trong 10 năm qua), DN phải bồi thường bổ sung cho đủ với giá đất ruộng hiện tại. Còn nếu Nhà nước thu hồi để giao cho dự án khác, thì chủ đầu tư mới đương nhiên sẽ phải bồi thường lại từ đầu.

“Tôi được biết Nhà nước quy định dự án giao đất 3 năm mà không triển khai gì thì sẽ bị thu hồi. Thế mà họ (Cty TNHH Ngọc Phong) lấy ruộng của chúng tôi nói để làm cảng, nhưng 10 năm nay chẳng làm gì, đó là lỗi của họ, đương nhiên họ phải chịu mất trắng tiền bồi thường đất trước đây! Vấn đề bây giờ là cơ quan có thẩm quyền cần phải có lời tuyên bố rõ cho dân biết về việc có trả lại đất cho dân hay không, chứ không thể im lặng mãi” - ông Tung nói lí.

Công nghiệp không thành, hãy trả đất cho nông nghiệp!

Vậy là đã suýt soát mười năm, chuyện buồn ở KCN Tàu thủy Lai Vu (xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) lấy đi hàng trăm ha đất lúa rồi bỏ hoang cho cỏ dại mọc suốt từ năm 2003 đến nay vẫn còn đó. Từ cuối năm 2011 - đầu năm 2012 đến nay, Báo NNVN cũng đã nhiều lần phản ánh về việc nông dân xã Lai Vu quá xót xa, đã ra “khai hoang” KCN này để SX nông nghiệp.


Nông dân Lai Vu (Kim Thành, Hải Dương) cho rằng, làm công nghiệp không thành, thì hãy trả lại đất cho nông nghiệp

“Gần 300 hộ dân ở xã Lai Vu đến nay vẫn chưa nhận tiền đền bù đất. Nhà nước thu hồi ruộng của chúng tôi rồi bỏ hoang suốt 10 năm trời, bây giờ làm công nghiệp không thành, thì hãy trả lại đất để dân cải tạo SX, chứ không thể mãi im lặng. Nếu được hỗ trợ đầu tư kênh mương và điện để bơm tưới, việc cải tạo đất hoang KCN thành đất nông nghiệp là hoàn toàn có thể” - Ông Vũ Đình Vịnh, nông dân thôn Minh Thành, xã Lai Vu.

Lại một năm nữa trôi qua, đầu xuân mới Quý Tỵ, chúng tôi về lại KCN Lai Vu khi chứng kiến nông dân ở đây vẫn tiếp tục miệt mài cày đất khai hoang, mở rộng diện tích gieo trồng vụ ĐX 2012 - 2013. Trong khi những khung sắt trơ trọi ở KCN này ngày một hoen gỉ, thì bước vào vụ SX thứ ba này, đất hoang ở đây đã được đánh thức bằng một màu xanh bạt ngàn của chuối, khoai, lạc... Từ cuối năm 2011 đến nay, gần 50% diện tích đất bỏ hoang ở KCN này đã được nông dân tái cải tạo và SX nông nghiệp có hiệu quả thực sự.

Ông Vũ Đình Vịnh (thôn Minh Thành, xã Lai Vu) khẳng định, mặc dù đất ruộng trước đây đã bị san lấp bằng đất pha cát kém màu mỡ, tuy nhiên nếu chịu khó cải tạo, đất hoang ở KCN này vẫn có thể chuyển được thành đất trồng màu thích hợp với cây trồng cạn có hiệu quả. Bằng chứng là qua 3 vụ SX, các loại hoa màu như đậu, lạc, khoai, chuối vẫn cho thu hoạch rất khá.

Ông Vịnh bảo, dù lớp lao động trẻ ở địa phương sau 10 năm sống chung với quy hoạch treo giờ đã tùy cơ di tản, nhưng số lao động “trẻ chưa qua, già chưa tới” như ông thì vẫn còn nhiều. Tâm nguyện của ông Vịnh cũng như người dân bị thu hồi ruộng ở Lai Vu bây giờ, đó là được Nhà nước trả lại đất để dân tiếp tục SX. Anh Bùi Duy Hùng (thôn Quyết Tâm, xã Lai Vu) tiếc rẻ kể: Từ khi mất hết 4 sào ruộng, gia đình anh phải chuyển ra bờ đê sông Rạng ngay rìa KCN để tận dụng đất ven đê trồng màu, trong khi vẫn còn hàng trăm ha đất màu ở KCN bỏ hoang.

Trong số hơn 200 ha ruộng ở KCN bị san lấp, mới chỉ có khoảng 20% diện tích có công trình. Hiện dân rất muốn tiếp tục mở rộng, cải tạo hết diện tích đất hoang còn lại để trồng màu hoặc đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. “Nếu Nhà nước trả lại đất, dân chúng tôi sẵn sàng nhận ngay. Oái oăm ở chỗ, dân hiện nay không thể đưa máy cày và dụng cụ vào KCN này để khai hoang bài bản do bảo vệ KCN ngăn cản. Thứ nữa, chẳng ai có thể yên tâm đầu tư SX ở đây bởi biết đâu nay mai, người ta lại tiếp tục san lấp để làm nhà máy?!”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Bảo vệ hơn 1 triệu ha và tiếp tục mở rộng vùng hưởng lợi

Các công trình thủy lợi lớn tại ĐBSCL đã bảo vệ an toàn sản xuất vùng hưởng lợi hơn 1 triệu ha, giảm tối đa thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

17 hồ thiếu nước, Bình Định ngừng sản xuất 1.085ha vụ hè thu

Dự báo năm 2024 Bình Định sẽ thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, ngay từ bây giờ, ngành chức năng tỉnh cùng các địa phương đã lên phương án chống hạn.

Bình luận mới nhất