| Hotline: 0983.970.780

Trở lại chuyện nuôi lợn… không phân

Thứ Ba 03/11/2009 , 11:00 (GMT+7)

Sau khi đi tham quan công nghệ chăn nuôi không phân nhờ xử lý chế phẩm vi sinh vật độn lót chuồng ở Trung Quốc, một số nông dân Việt Nam giờ đã áp dụng tiến bộ mới này cho chuồng trại của mình…

Sau khi đi tham quan công nghệ chăn nuôi không phân nhờ xử lý chế phẩm vi sinh vật độn lót chuồng ở Trung Quốc, một số nông dân Việt Nam giờ đã áp dụng tiến bộ mới này cho chuồng trại của mình…

Anh Nguyễn Văn Phúc, xóm 4, xã Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội là những người Việt Nam đầu tiên dùng chế phẩm độn lót sinh thái trong chăn nuôi. Vốn là một ông chủ trang trại năng động, có 120 lợn nái, 400 lợn thịt, 300 lợn choai, hàng năm thu lãi vài trăm triệu nhưng anh cũng thấm lắm nỗi cực khổ ô nhiễm môi trường vì chăn nuôi. Nhà ở sát bên chuồng trại, người thường xuyên ngửi hít mùi đã khổ nhưng cả ngàn con lợn sống trong môi trường chật chội, bị ô nhiễm nặng, cũng stress, chậm lớn, hay bị bệnh hơn. Dù anh đã đầu tư 65 triệu đồng cho xây bể biogas 200m3 rồi mua cả máy phát điện chạy biogas nhưng cũng chỉ xử lý được cỡ 50% chất thải. Hàng tháng, trung bình trại nhà anh vẫn phải nhờ người đến xúc cỡ trên 2 tấn phân đi...

Cảnh sống chung cùng ô nhiễm trong chăn nuôi tưởng chừng cứ thế mà song hành. Tình cờ, nghe thông tin Đại học Nông nghiệp Hà Nội cùng Cty Thiết bị Công nghệ Hoa Kỳ tổ chức tham quan học hỏi công nghệ chăn nuôi không phân ở Trung Quốc, anh sướng quá, hăng hái đăng ký ngay. Hồi đó, đoàn đi đông tới 80 người, gồm nhiều tỉnh. Anh bảo, trong mấy ngày ở TQ chẳng ấn tượng mấy công nghệ chăn nuôi cũng như hệ thống chuồng trại của họ vì quá đơn giản mà chỉ “kết” nhất yếu tố không có mùi, không có chất thải ra môi trường nhờ họ đã xử lý bằng chất độn chuồng vi sinh vật. Anh ao ước một ngày sẽ có được những gói vi sinh vật kỳ diệu ấy để áp dụng cho hệ thống chuồng trại của mình. Đúng là cầu được, ước thấy, đoàn đi đã được phía đối tác tặng dạng “xách tay” mấy thùng chế phẩm đem về chia nhau.

Chủ trại Phúc được nhóm ở Sóc Sơn dồn hết lại cho 15 gói, giao toàn quyền thử nghiệm vì anh máu làm nhất chứ nhiều người dù đã tận mắt thấy, tai nghe, tay sờ chế phẩm bên TQ mà lòng vẫn còn nghi ngại lắm. Theo như lời khuyên của chuyên gia TQ khi áp dụng với hệ thống chuồng trại sẵn có nền cứng, phải cải tạo bằng cách khoan thủng vài lỗ ở nền chuồng cho thấu lớp đất để vi sinh vật tiếp xúc với đất mới có hiệu quả. Để chắc ăn, anh Phúc về thuyết phục vợ con thuê máy đào luôn nền chuồng bê tông rồi đi mua mùn cưa, bột ngô về ngâm ủ, phối trộn chế phẩm.

Thời gian chuẩn bị ròng rã mất chừng nửa tháng mới tạm ổn. Anh áp dụng y chang như bên TQ là ủ một tuần rồi trải đều chất độn ra nền chuồng với độ dày 40cm. Ba nền chuồng mỗi cái rộng 20m2 mất 3 gói vi sinh vật và 10kg bột ngô/chuồng. Sau đó, anh thả ngay lợn con vừa cai sữa vào nuôi. Cứ độ một tuần, anh lại tưới dưỡng ẩm cho đất độn một lần. Ba ô chuồng này nuôi 60 con và 2 ô chuồng đối chứng nuôi 30 con, cùng một lứa tuổi, cùng có chế độ chăm sóc giống nhau, cùng ăn một loại cám CP. Khi lợn nhỏ, thỉnh thoảng bố con anh Phúc phải vào chuồng để dùng cào đào xới, đảo lớp mùn cưa vì lợn chưa có khả năng dũi, giờ sau gần 2 tháng nuôi, khả năng đó đã phát triển nên cũng không cần. Thời điểm tôi đến thăm trại đúng vào hôm cũng khá nóng, thế mà đi vào ba ô chuồng thử nghiệm chế phẩm, hầu như không hề thấy mùi phân, nước giải. Lũ lợn con da đỏ hồng thoải mái chạy loăng quăng trong chuồng, tha hồ đào bới những hố sâu như cái rá, cái rổ. Thỉnh thoảng chúng còn tóp tép miệng nhai những cục men trong đống chất độn. Để nguyên giầy tất nhảy vào nền chuồng mà lạ thay chúng tôi không hề dính tí chất thải nào nặng mùi.

Ở đâu có nước giải, có phân lợn, ở đó hệ vi sinh vật phân hủy mạnh, tạo sức nóng hầm hập như kiểu ủ meo tương vậy. Đám chất độn đã chuyển từ màu sáng của mùn cưa ban đầu sang màu nâu đen qua thời gian nuôi. Bốc một nắm chất thải lên, dí tận mũi cũng chẳng thấy mùi thối mấy, chỉ thoảng mùi men chua chua. Ấy vậy mà bước qua ô chuồng lợn nái, lợn choai bên cạnh không được xử lý chế phẩm là mùi phân, mùi nước giải nồng nặc xộc lên tận óc. Hai ô chuồng lợn choai đối chứng, cảm giác ban đầu là lợn không được phát huy hết những bản năng đào bới nên không nhanh nhẹn, hồng hào bằng. Theo anh Phúc, lợn ở ô chuồng này yếu hơn dù mật độ nuôi, thức ăn vẫn thế.

Hơn nữa, lác đác có con bị ho, tiêu chảy còn ba ô chuồng thí nghiệm tới giờ vẫn không phải đụng đến một viên thuốc nào. “Tuy chưa đong đếm cụ thể nhưng để một bao cám vào máng thì lợn ở ô chuồng thí nghiệm ăn lâu hết hơn, có lẽ bởi chúng còn chén cả chất men kèm vi sinh vật. Chúng cũng lớn hơn có thể thấy rõ, giờ đã trung bình đạt 20kg/con còn bọn kia chỉ đạt cỡ 17-18kg/con”. Hỏi tại sao anh không áp dụng cho chuồng lợn nái, anh Phúc bảo sợ e ngại chất độn nền sau mấy lứa có khả năng sẽ có trứng giun lây bệnh sang lợn sơ sinh. Tôi lại hỏi tiếp tại sao bên TQ nông dân áp dụng chất độn chuồng cho cả lợn nái đấy thôi thì được biết: “Lợn của họ là lợn lai kinh tế nên sức đề kháng tốt còn của tôi lợn máu ngoại hoàn toàn sợ không được”.

Còn những kỹ thuật áp dụng chất độn nền, cứ y lời chủ trại cũng dễ như cơm bữa, vừa đỡ tốn công tắm rửa, xúc phân lợn, lại chẳng có gì cầu kỳ, cao siêu cả. “Nếu đúng giá bán khoảng 50.000đ/gói, một chuồng 20m2 mất ba gói, sau mỗi lứa nuôi bổ sung 1% nữa, ba năm dùng cũng chỉ hết cỡ 200.000 tiền chế phẩm là cùng. Theo tôi, chế phẩm này phù hợp với kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ và vừa. Sắp tới, nếu được cung ứng, tôi sẽ cải tạo hết 20 ô chuồng lợn thịt để làm chứ giờ chỉ còn 3 gói dùng để bổ sung cho các ô chuồng đã thí nghiệm, có muốn áp dụng rộng ra cũng không được”.

Theo anh Vũ Gia Mừng - Tổng Giám đốc Cty Thiết bị Công nghệ Hoa Kỳ - đơn vị đang tìm cách nhập khẩu công nghệ đệm lót sinh thái này hiện có ba địa phương là Nam Định, Hưng Yên và Hà Nội đang dùng chế phẩm. Tuy nhiên đây chỉ là những nông dân đi tham quan TQ mới rồi, được phía bạn tặng cho một ít dùng thử dạng “xách tay” trên quy mô khá nhỏ. Hiện nay để được cấp phép nhập khẩu chế phẩm, đơn vị đang hợp tác thử nghiệm tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Quy trình nếu diễn ra suôn sẻ, cỡ 6 tháng nữa mới nhập khẩu “đường đường chính chính” được vì anh không muốn làm chui mà phải bài bản, phải có kiểm nghiệm của các nhà khoa học tại Việt Nam.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất