| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Hương Sơn

Thứ Ba 29/05/2012 , 10:56 (GMT+7)

Cty LN&DV Hương Sơn, đơn vị hai lần được Nhà nước tuyên dương anh hùng, đang dần được hồi sinh.

* Một đơn vị anh hùng hồi sinh trở lại sau những quãng lao đao

Rừng Hương Sơn hiện đang đứng tốp đầu về độ che phủ của cả nước

Hơn 2 năm (từ tháng 3/2010 - 6/2012) cả bộ máy Cty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ (Cty LN&DV) Hương Sơn gần như bị tê liệt hoàn toàn do chủ trương bán đấu giá cây đứng thiếu lộ trình, thiếu khoa học của tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng, chủ trương bán đấu giá cây đứng không thành, buộc tỉnh này phải ra quyết định chỉ định thầu (giao lại quyền tự chủ SX, kinh doanh cho Cty).

Thế là Cty LN&DV Hương Sơn, đơn vị hai lần được Nhà nước tuyên dương anh hùng lại đang dần được hồi sinh.

Chúng tôi trở lại Cty LN&DV Hương Sơn giữa những ngày cuối tháng 5. Khác với những lần trước chúng tôi đến, không khí ảm đạm, trụ sở làm việc vắng tanh nay đã không còn. Mặc dầu người vào ra trụ sở còn thưa thớt nhưng sự báo hiệu hồi sinh bắt đầu được nhen nhóm kể từ khi tỉnh Hà Tĩnh có quyết định giao lại quyền tự chủ SX, kinh doanh cho Cty.

Theo báo cáo từ Cty LN&DV Hương Sơn, kế hoạch khai thác gỗ chỉ tiêu 2011 Cty được giao nhiệm vụ khai thác 4.000m3 và thời hạn kết thúc theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT trước 30/3/2012 nhưng do vì sự cố bán đấu giá cây đứng nên cả một thời gian dài không thể mở cửa rừng. Vì thế, tỉnh Hà Tĩnh đã xin phép Bộ NN-PTNT gia hạn đến 30/6/2012 sẽ kết thúc kế hoạch khai thác gỗ năm 2011. Để thực hiện được kế hoạch như trên buộc Cty LN&DV Hương Sơn phải gấp rút sắp xếp, ổn định tổ chức; đồng thời, hoàn thành việc kêu gọi công nhân, lao động trở lại làm việc.

Ông Phạm Văn Bính, Trưởng phòng lâm nghiệp Cty cho biết, từ khi xảy ra sự cố (đóng cửa rừng chờ đấu giá bán cây đứng - PV), công nhân không có việc làm bỏ đi tứ tung, nhiều người lành nghề sang Lào làm việc cho các chủ khai thác gỗ tư nhân của ta bên đó. Cán bộ kỹ thuật các phòng ban thì đa số kỹ sư trẻ, có năng lực họ cũng đã xin chuyển công tác, bây giờ lực lượng lao động ít nhất cũng thiếu hụt từ 30-50%. Nhưng với ý chí, quyết tâm nỗ lực phấn đấu của số người còn lại cộng với sự hợp tác giúp đỡ nguồn lực của các địa phương lân cận, chúng tôi đã tổ chức ra quân vào rừng, mỗi người mỗi công việc, thiết kế, quy hoạch cụ thể những vùng rừng được phép khai thác; đồng thời, triển khai thiết kế mở đường vận xuất, vận chuyển; san ủi các bãi 1, 2 để tập kết gỗ; phát luỗng, vệ sinh rừng trước lúc khai thác bảo đảm đúng quy trình, quy phạm, không để vì khai thác mà làm ảnh hưởng đến những cây con xung quanh.

Phó Giám đốc Cty Lê Tiến Cát tâm sự: "Sau gần 2 năm gần như không hoạt động, nay nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở NN-PTNT giao lại quyền tự chủ SX, kinh doanh nên Cty đang từng bước khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để dần ổn định SX".

Cũng theo ông Cát, hiện tại Cty đang phải chạy đôn chạy đáo làm thủ tục vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng để nộp thuế tài nguyên cho Nhà nước trước lúc bắt tay khai thác. Nhưng đến thời điểm này việc vay tiền vẫn chưa được giải quyết. Còn nói về vốn để đầu tư vào SX, kinh doanh thì Cty phải tự xoay xở, vay mượn bên ngoài, thậm chí vay lãi suất cao của các doanh nghiệp để có kinh phí mua sắm, củng cố trang thiết bị.

Được biết, hiện tại mọi áp lực đang đè lên đầu vị Phó giám đốc (Giám đốc đã xin từ chức từ lâu) này như việc chỉ tiêu khai thác của năm 2011 phải kết thúc trước 30/6/2012; nguồn nhân lực thiếu; tiền thiếu, âu cũng là một bài toán hóc búa, khó giải khi mùa mưa bão đang cận kề, việc khai thác gỗ trên rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn kể cả khi gỗ được tập kết ra bãi. Nếu tiêu thụ không kịp thời, mưa lũ cuốn trôi nguy cơ lại một lần trắng tay. Vì thế, Cty đã xác định có bao nhiêu năng lực, tiền của thì làm bấy nhiêu để sớm có sản phẩm. Trước mắt, tạo việc làm, có thu nhập góp phần tạm ổn định cuộc sống cho CB, CNV và số lao động hợp đồng thời vụ trong vùng.

"Nếu thời tiết thuận lợi, chuyến gỗ đầu tiên sẽ được tập kết ra bãi 2 khoảng giữa tháng 6 tới. Đây sẽ là sự hồi sinh trở lại sau một thời gian dài Cty lâm cảnh lao đao" - ông Cát nói thêm.

Công văn 1446/BNN-TCLN ngày 16/5/2012 của Bộ NN-PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc bán đấu giá cây đứng ở Hà Tĩnh do Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa ký nhấn mạnh: "Việc tổ chức bán đấu giá cây đứng các lô rừng mới trên địa bàn Cty Chúc A và Hương Sơn tạm dừng đến khi UBND tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành việc tái cấu trúc sắp xếp lại 2 Cty này và có phương án giải quyết đồng bộ các vấn đề bảo vệ rừng, khai thác, chế biến lâm sản đảm bảo hiệu quả và đúng phát luật. Bộ NN-PTNT sẽ hướng dẫn, có ý kiến thẩm định về phương án này".
Điều dễ nhận thấy là bài học đằng sau việc bán đấu giá cây đứng theo ngẫu hứng, thiếu lộ trình của Hà Tĩnh không những làm cho Cty LN&DV Hương Sơn điêu đứng mà Cty LN&DV Chúc A (Hương Khê) cũng lao đao chẳng kém gì. Được biết, việc mở thầu bán đấu giá cây đứng đối với Cty Chúc A tuy đã xong trước đây hơn 2 tháng nhưng mãi cho đến nay thời hạn khai thác sắp kết thúc, cả 3 gói thầu đều chưa thể bắt tay vào khai thác được bởi hai đơn vị trúng thầu là doanh nghiệp tư nhân mà việc thực hiện buộc phải tuân thủ đúng quy trình, quy phạm; lực lượng công nhân phải được đào tạo tay nghề, cấp chứng chỉ an toàn lao động trong khai thác gỗ; đảm bảo máy móc thiết bị đến cả việc ai sẽ là người cấp giấy phép khai thác gỗ, cấp hóa đơn GTGT... cho 2 đơn vị tư nhân này, tất cả hầu như đều chưa lần ra múi thắt.

Về phía chủ rừng (Cty LN&DV Chúc A) là đơn vị được giao trọng trách quản lý, BVR bền vững nhưng nếu để 2 đơn vị tư nhân trúng thầu vào khai thác thiếu tuân thủ lâm luật sẽ dẫn đến việc quản lý tài nguyên rừng gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt đây lại là khu vực rừng đầu nguồn phòng hộ và biên giới nên buộc chủ rừng phải quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ tránh tình trạng khi sự cố xảy ra đều đổ vấy lên đầu chủ rừng.

Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai, bão lũ. Đặc biệt là cơn lũ quét lịch sử năm 2010 gây nên tai họa cho người và tài sản, âu đây là một trong nhưng tác nhân chính từ nạn phá rừng đầu nguồn gây nên. Vì thế, việc khai thác tài nguyên rừng phải tuân thủ đúng pháp luật, tránh bị lợi dụng khai thác rừng bừa bãi!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất