| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Pakse

Thứ Tư 21/12/2011 , 11:54 (GMT+7)

Sau hơn 6 năm tôi mới có dịp thăm lại Pakse, quê hương của các bộ tộc Lào anh em...

Cửa khẩu Quốc tế Lào

"...Dự án phát triển hơn 10 nghìn ha cao su đã được hoàn tất một cách nhanh gọn. Đây thể hiện tính cách của người Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển của đất nước Lào. Tôi tin tưởng dự án này sẽ thành công rực rỡ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum - ma - ly Xay - nha - xỏn.

 

1. Sau hơn 6 năm tôi mới có dịp thăm lại Pakse, quê hương của các bộ tộc Lào anh em. Từ Việt Nam sang Pakse phải mất hơn ngày đường xe qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh). Qua bao bản làng của người Lào, đến ngã ba Thang Phèng lên Quốc lộ 13 Lào, qua tỉnh lỵ Khăm Muộn, rồi ngược đường Nam Lào mới đặt chân tới Pakse, thủ phủ của tỉnh Champasak, nước CHDCND Lào. Chỉ trong vòng mấy năm mà cuộc sống người dân nơi đây đổi thay đến bất ngờ, trong đó nổi bật nhất vẫn là dự án trồng cao su Việt - Lào của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã góp phần đắc lực làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của cả khu vực phía Nam sông Mê Kông này.

Gặp gỡ Tổng Giám đốc Cty CP Cao su Việt - Lào Hồ Văn Ngừng, người mà tôi chứng kiến đốt những nén bạc đầu tiên cầu trời khấn Phật cho sự nghiệp phát triển dự án trồng cao su trên đất Lào được bình yên. Thời bấy giờ, tôi đứng nhìn theo bước chân ông Ngừng đi giữa núi đồi hoang vu với 4 phía là núi rừng u tịch, cùng các anh Nguyễn Phương Nam, Huỳnh Mạnh Tuấn, Hà Minh Mẫn, Ngô Quyền, Ba Duy và Phạm Văn Thanh với 5 nhà thầu từ Việt Nam vượt dãy Trường Sơn để sang khai hoang thực hiện dự án trồng 10 ngàn ha cao su giai đoạn 2005-2010.

Ông Ngừng dáng gầy gò, đôi mắt sáng quắc, gương mặt đầy cương nghị, quyết đoán. Mới sáng tinh mơ giữa rừng Lào còn u tịch, thế mà xuất hiện một đoàn người tay bị tay gậy, kẻ khiêng người vác để định hình cho xuất phát điểm chương trình trồng cây cao su đầu tiên trên đất Lào.

Sau lễ khởi công, 5 nhà thầu tầm cỡ tập kết hàng trăm máy móc, thiết bị rầm rộ ra quân khai hoang trồng cao su trên tổng diện tích 10 ngàn ha đất bằng phẳng tại địa bàn huyện Ba Chiang. Khó khăn ban đầu nói sao cho hết, chỉ sau một thời gian ngắn, từ tháng 7 đến tháng 12/2005, Cty đã khai hoang được 2.600 ha, đồng thời cũng trồng mới khép kín hoàn tất số diện tích nói trên.

Lấy gian khó làm bài học kinh nghiệm, phát động chiến dịch thần tốc, năm 2006, Cty khai hoang và trồng mới được 5.500 ha. Với tinh thần thần tốt đó cộng với sự hậu thuẫn đắc lực của Tập đoàn CNCSVN và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của bộ máy lãnh đạo Cty cũng như sự tham gia lao động cật lực của công nhân, đến hết năm 2007, Cty đã hoàn thành kế hoạch trồng mới 10.016 ha cao su trên đất Lào, rút ngắn thời hạn 2 năm so với kế hoạch đề ra ban đầu. Việc trồng mới có khoa học, có nhiều cải tiến sáng tạo không những đẩy nhanh tốc độ mà tỷ lệ cây sống luôn đạt trên 98%. Dự án này được đánh giá là dự án có tốc độ trồng mới nhanh nhất, tiết kiệm chi phí nhiều nhất, suất đầu tư cho mỗi ha cao su thấp nhất, cây sinh trưởng tốt nhất, bộ máy nhân sự gọn nhẹ nhưng đạt hiệu quả cao nhất, sử dụng lao động tại chỗ nhiều nhất… Sáu cái nhất nói trên là trách nhiệm, tình cảm, là mồ hôi, thậm chí là nước mắt của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, cong nhân viên Cty Cao su Việt - Lào.

Ngay sau buổi kết thúc trồng mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum - ma - ly Xay - nha - xỏn nói: “Tất cả mọi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ phải bảo vệ, củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam đời đời bền vững, cùng nhau làm cho mối quan hệ đó ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu ra hoa kết trái ngày một lớn mạnh vì lợi ích của nhân dân hai nước. Đặc biệt là dự án phát triển hơn 10 nghìn ha cao su đã được hoàn tất một cách nhanh gọn. Đây thể hiện tính cách của người Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển của đất nước Lào. Tôi tin tưởng dự án này sẽ thành công rực rỡ”.

2. Hơn 6 năm mới gặp lại, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Phương Nam ôm chầm lấy tôi, bởi cuộc gặp gỡ chỉ sau hơn 6 năm mà cứ tưởng như hàng mấy chục năm. Anh Nam kể rất nhiều chuyện về cuộc sống của những người làm cao su trên đất bạn. Mọi vui buồn lẫn lộn làm cho tôi nhớ về thời quá khứ.

Tác giả bài viết (mũ trắng) cùng với lãnh đạo Cty

Đang hun hút giữa đại ngàn cao su vào mùa khai thác, chúng tôi bắt gặp nhà máy chế biến mủ. Quản đốc phân xưởng Nguyễn Văn Phượng khoe với chúng tôi: Với tốc độ phát triển trồng mới cao su nhanh đến chóng mặt như thế nên việc xây dựng nhà máy chế biến mủ cũng phải đồng hành kịp với tiến trình nên vào tháng 3/2010 chúng tôi khởi công xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su bằng sản phẩm mủ cốm với công suất 24 ngàn tấn/năm. Giai đoạn 1 này chúng tôi sẽ thực hiện 15 ngàn tấn/năm và đến nay đã lắp đặt xong dây chuyền 6 ngàn tấn/ năm và đã đi vào vận hành, cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt.

Cũng theo anh Nguyễn Phương Nam, đây là nhà máy thuộc hàng đầu của ngành cao su Việt Nam được lắp đặt với dây chuyền thiết bị của Việt Nam nhưng rất tân tiến và hiện đại. Từ khi mủ từ vườn cây nhập vào nhà máy, sau 7 tiếng đồng hồ đã thành sản phẩm hoàn hảo. Năm 2011, nhà máy sản xuất 1.600 tấn trên tổng diện tích 2.600 ha. Đến 2012, dự kiến Cty sẽ đưa vào khai thác trên 7.000 ha; năm 2013 sẽ đưa vào khai thác toàn bộ 10.016 ha.

Tổng giám đốc Hồ Văn Ngừng nói: “Từ nay đến 2013, Cty sẽ tuyển dụng gần 10 nghìn lao động, trong đó theo cam kết gữa 2 nước Việt Nam - Lào, thì số lao động của nước bạn sẽ chiếm tỷ lệ 90%; số còn lại là công nhân người Việt Nam, chủ yếu là cán bộ nòng cốt. Đây là một thách thức lớn đối với chúng tôi”.

Một nữ công nhân người Lào đứng máy chia sẻ: “Bọn em là người dân tộc, được Cty Cao su Việt - Lào nhận vào làm công nhân. Trước mắt, mỗi tháng thu nhập trên 1 triệu kíp, gia đình em phấn khởi lắm, cảm ơn cán bộ Ngừng và Cty nhiều lắm”.

Rời nhà máy chế biên mủ cao su, chúng tôi đến thăm 50 căn nhà kiểu mẫu do Cty xây dựng, trao tặng cho những người dân Lào tự nguyện vào làm công nhân của Cty. Vào thăm gia đình anh Bunkeo được anh nói: “Trước đây nhà ta ở trong núi, xa xôi, vất vả lắm. Nay được nhận làm công nhân cao su, lại được cấp nhà cho ở, ta phấn khởi lắm. Ta sẽ cố gắng cạo mủ thật tốt, chăm sóc cây thật tốt để gắn cuộc đời mình với Cty. Có Cty cao su về đây, dân bản ta sướng hơn xưa rất nhiều”. 

Khu nhà kiểu mẫu dành cho người Lào tự nguyện vào làm công nhân cho Cty

3. Trở về trụ sở Cty tại phòng truyền thống, chúng tôi ghi nhận 5 năm qua Cty CP Cao su Việt - Lào được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 3 năm liền được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc, nhận bằng khen của Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao… Được nhà nước Lào tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng I, hạng II và nhiều danh hiệu cao quý khác của Chính phủ Lào và tỉnh Champasak. Riêng Tổng giám đốc Hồ Văn Ngừng được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn CNCSVN, nói rằng: “Trồng cao su trên đất Lào không chỉ vì lợi ích kinh tế mà cao hơn nữa, đó là giúp những người Lào anh em tại địa phương có thể cải thiện cuộc sống, làm cho người dân hiểu biết được hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, việc làm này còn tô thắm thêm mối quan hệ hữu nghị lâu dài của hai dân tộc Việt Lào anh em”.

Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Xỏn - xay Xi - Phan - đon cho hay: “Kể từ khi cao su Việt Lào phát triển thì nhân dân trong vùng dự án của chúng tôi như được mang áo mới quần mới bởi nhờ dự án cao su mà chúng tôi xóa đói giảm nghèo được trên 85% dân số trong vùng có công ăn việc làm ổn định, cải thiện được cuộc sống, bộ mặt nông thôn Lào ngày một phát triển; con em các bộ tộc Lào được vào làm công nhân, có thu nhập ổn định. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Cty Cao su Việt - Lào luôn quan tâm đến mọi phong trào hoạt động của tỉnh, huyện, bản, cụm… đóng góp tiền của, sức lực cùng các bộ tộc Lào thay đổi cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Tỉnh Champasak nói riêng, đất nước Lào nói chung đều đánh giá dự án trồng cao su Việt Lào là dự án thành công nhất từ trước tới nay. Đặc biệt đã làm tăng thêm mối tình đoàn kết Việt Lào ngày càng đơm hoa kết trái”.

Rời Champasak, trên đường về Việt Nam cũng là lúc không khí xuân đã tràn ngập trên khắp các nẻo đường đất Việt. Chúng tôi thầm cầu chúc cho những người con đất Việt - những con người đã làm nên kỳ tích - góp sức cho rừng cao su mãi mãi xanh tươi như tình cảm nhân dân hai nước Việt - Lào.

Champasak, những ngày cuối năm 2011

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.