| Hotline: 0983.970.780

Trở lại tham vọng cây cao su phía Bắc

Thứ Hai 13/02/2012 , 10:03 (GMT+7)

Thời gian qua, cây cao su được các tỉnh miền núi phía Bắc ào ạt đưa về trồng đại trà trên diện rộng. Tham vọng một viễn cảnh tươi sáng từ cây cao su chưa thấy đâu nhưng bài học cay đắng thì đã nhiều…

Thời gian qua, cây cao su được các tỉnh miền núi phía Bắc ào ạt đưa về trồng đại trà trên diện rộng. Tham vọng một viễn cảnh tươi sáng từ cây cao su chưa thấy đâu nhưng bài học cay đắng thì đã nhiều…

HÒA BÌNH TAN GIẤC MƠ VÀNG TRẮNG

Khi các tỉnh phía Bắc chạy đua phát triển cây cao su, không đứng ngoài cuộc, năm 2009 Hội KHKT Lâm nghiệp (Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Hòa Bình) cũng tiến hành khảo nghiệm đề tài trồng 10 ha cao su chịu lạnh tại xã Thu Phong, huyện Cao Phong. Sau hơn 3 năm, kết quả đề tài thu được là 10 ha cao su chết sạch không còn một cây. 

Xung quanh nhà chị Thao chất đầy thân cao su chết rét

Ý TƯỞNG LÃNG MẠN

Dự án trồng thử nghiệm 10 ha cây cao su được Hội KHKT Lâm nghiệp Hòa Bình rậm rịch chuẩn bị từ cuối năm 2007, chính thức đưa vào trồng năm 2009 tại khu đồi Nguyệt, thuộc xóm Bưng, xã Thu Phong. Cao su thử nghiệm gồm 2 giống đưa ra từ miền Nam là PB260, RRIV4 và 2 giống chịu lạnh của Trung Quốc là VNg - 774 (Vân Nghiên), VNg - 772, tổng kinh phí thực hiện đề tài gần 360 triệu đồng.

Theo báo cáo của Hội KHKT Lâm nghiệp, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có thể trồng cây cao su lên tới 20.000 ha. Khi tham gia góp đất cho dự án trồng cao su, người dân sẽ được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật và phân bón trị giá 30 triệu đồng cho mỗi ha trong 6 năm đầu và đặc biệt sẽ không phải lo đầu ra cho sản phẩm như các loại cây trồng khác. Hy vọng đón lõng sự thành công của dự án, một công ty thu mua sơ chế mủ cao su được thành lập chóng vánh cũng như biển quy hoạch hoành tráng được trưng tại tỉnh Hòa Bình cho người dân an tâm.

Một cán bộ xã Thu Phong đắng đót cho biết: Lúc cây cao su vẫn phát triển tốt, người đứng đầu Hội KHKT Lâm nghiệp cũng là chủ nhiệm đề tài đã miêu tả một viễn cảnh tươi sáng khi cao su trở thành loại cây chủ lực phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Từ năm thứ 5 cây cao su sẽ bắt đầu cho mủ và đến năm thứ 7 sản lượng có thể đạt ổn định từ 1,5-2 tấn mủ khô/ha, thậm chí sau đó có thể đạt 3-4 tấn/ha. Với giá trị sản phẩm cao su hiện nay sẽ cho thu bình quân hàng trăm triệu đồng ha/năm. Đây là bước đột phá phát triển cây công nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.

Không chỉ có vậy, việc trồng cây cao su ngoài vấn đề về giá trị kinh tế còn góp phần bình ổn xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm tại chỗ ổn định cho hàng trăm ngàn lao động... Phải nói, người xây dựng đề tài phát triển cây cao su ở Hòa Bình mang trong mình một ý tưởng vô cùng lãng mạn, tiếc rằng khi cây cao su chết sạch sành sanh thì sự lãng mạn vụt tắt theo.

THẤT BẠI Ê CHỀ 

Mới đây, đoàn công tác gồm đại diện Sở KH-CN, Sở NN-PTNT cùng đại diện Hội KHKT Lâm nghiệp Hòa Bình đã khẳng định, toàn bộ diện tích cao su trồng khảo nghiệm tại xã Thu Phong đã bị chết (cây khô, vỏ bong tróc, gốc đã chảy nhựa). Nguyên nhân không nằm ngoài dự đoán  trước, do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm kèm theo sương muối kéo dài.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi bò xe qua con đường mòn mới mở phục vụ công tác trồng cao su để đến được khu đồi Nguyệt thuộc xóm Bưng, xã Thu Phong. Đứng dưới chân đồi nhìn lên chỉ là một màu xanh mướt của mía, sắn, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cây cao su nào. Tưởng đã nhầm đường, chúng tôi loanh quanh ở khu đồi một lúc thì gặp chị Bùi Thị Mai.

Chỉ khi chị Mai khẳng định đây là khu đất trồng cao su chúng tôi mới dám tin. Rồi chị vạch những khóm mía, bụi sắn và chỉ vào những gốc cây cao su to bằng cổ tay còn sót lại. Cây nào cây nấy khô cong, bị chặt gần sát gốc, có những cây to bằng cái phích cũng bị chém ngang thân trông thật xót xa. Sau khi cao su chết sạch, thấy đất bỏ hoang lãng phí người dân đã đem mía, sắn lên trồng mong vớt vát được chút gì. 

Những gốc cao su chết khô còn sót lại trong đám lau lách

Chị Mai chỉ chúng tôi vào nhà một người dân dưới chân đồi để tìm hiểu rõ hơn vì gia đình đó được dự án thuê trông nom 10 ha cao su chết khô này. Gia chủ là Bùi Thị Thao, đang loay hoay nấu cám  lợn. Để ý xung quanh bếp nhà chị chúng tôi thấy củi cao su chất cả đống. Cây nào cũng thẳng tắp, nhỏ bằng cái ấm trà, to bằng cái phích. Chị Thao đủng đỉnh bảo, bao năm sống cạnh rừng nhưng chưa bao giờ thấy loại củi nào cháy đượm như gỗ cao su. Rồi chị Thao giải thích về số củi cao su mình có. Chả là năm 2009, bên dự án đưa máy ủi, máy xúc về khu đồi Nguyệt làm đường băng trồng cây cao su. Gia đình chị được dự án thuê trông nom. Sau 2 mùa mưa, cây cao su lớn như thổi, có những cây cao 4-5m khiến ai cũng mừng.

“Đùng một cái đầu năm 2011, tự nhiên rừng cây cao su chết khô không rõ nguyên nhân khiến chúng tôi sợ quá phải gọi điện gấp cho ban quản lý dự án. Sau thấy họ vào kiểm tra một vài lần và cho biết cây chết cả rồi, từ đó không thấy ai quay lại nữa. Tiếc của, tôi mới bảo mọi người chặt cây về làm củi. Xót ruột lắm anh ạ, không phải rừng cây của mình, song mới đây thấy cây lớn như thổi giờ chặt làm củi không buồn sao được, cả 10 ha chứ đâu có ít gì đâu!”. Chị Thao buồn rầu.

Chúng tôi liên hệ với chính quyền xã Thu Phong tìm hiểu thêm thì được biết đề tài do Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh chủ trì nên địa phương không nắm được gì. Tiếp tục trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Hồng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Hòa Bình, ông Hồng khẳng định, dự án trồng khảo nghiệm cây cao su đã thất bại hoàn toàn. Ông Hồng vớt vát, tuy dự án thất bại nhưng điều rút làm bài học là cây cao su không thể trồng được ở Hòa Bình.

"Thất bại này cũng là lẽ thường trong nghiên cứu khoa học, âu cũng là điều may mắn vì chúng tôi mới chỉ trồng ở mức độ khảo nghiệm trên một diện tích nhỏ nên thiệt hại chỉ ở mức độ nhất định chứ không như ở một số tỉnh miền núi phía Bắc trồng cây cao su đại trà với diện tích hàng nghìn ha. Khi ấy không chỉ thiệt hại về tiền của mà gây thiệt hại về lòng tin của nhân dân là không thể đong đếm được”. TS. Nguyễn Ngọc Hồng rút kinh nghiệm.

Ông Hồng cho biết, nguyên nhân chính khiến cao su chết là do sương muối, sắp tới một số đơn vị trong tỉnh sẽ tiến hành khảo nghiệm xây dựng bản đồ vùng sương muối, khi có bản đồ rồi rất có thể sẽ tái khởi động lại chương trình trồng cây cao su tại Hòa Bình. Lời tâm sự của người đứng đầu Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Hòa Bình cho thấy, mặc dù đã thất bại ê chề nhưng sức hút kinh tế kỳ vọng từ cây cao su vẫn còn vô cùng mãnh liệt.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất