| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Thanh Chăn

Thứ Hai 31/12/2012 , 14:36 (GMT+7)

Sau gần hai năm, chúng tôi trở lại xã Thanh Chăn, 1 trong 11 xã điểm NTM do Ban Bí thư chỉ đạo, đại diện cho nông thôn vùng Tây Bắc.

"Anh thấy đó, bà con giờ rất sướng, đường trung tâm xã trải nhựa, đường liên thôn bản được bê tông hoá gần 90%. Không những thế, người dân còn được dùng nước sạch, nấu bằng gas, ăn gạo ngon…". Đó lời ông Lò Văn Viên, trưởng bản Pha Đin, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) giới thiệu sau hai gần năm gặp lại chúng tôi.

XƯA VÀ NAY

Sau gần hai năm, chúng tôi trở lại xã Thanh Chăn, 1 trong 11 xã điểm NTM do Ban Bí thư chỉ đạo, đại diện cho nông thôn vùng Tây Bắc. Vào tháng 12/2010, chúng tôi gặp ông Cà Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, Trưởng Ban quản lý Đề án xây dựng mô hình NTM xã, chia sẻ: "Về những mặt thuận lợi, việc triển khai Đề án xây dựng NTM xã Thanh Chăn gặp nhiều khó khăn lắm. Là một xã miền núi biên giới, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ dân trí thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao. Đặc biệt, một số nội dung của đề án liên quan tới việc huy động vốn trong dân còn rất hạn chế".

Không những thế, trong 11 xã điểm, Thanh Chăn là địa phương khó khăn nhất, bởi xã có 4 dân tộc gồm: Thái, Kinh, Tày, Nùng quen nếp ăn, ở theo cách riêng của mình. Đã thế, năng lực cán bộ cũng rất hạn chế. Quỹ đất để mở rộng quy mô SX hạn hẹp, hộ nghèo khó còn nhiều, tệ nạn ma tuý, lây nhiễm HIV/AIDS khá nặng nề… Bắt tay xây dựng NTM, Thanh Chăn mới có được 2 tiêu chí hoàn chỉnh; tỉ lệ hộ nghèo chiếm 20,7%, cả xã mới có 800 m đường bê tông.

Có mặt tại các bản hai năm trước, chúng tôi thấy những con đường thôn xóm, đất bùn lầy lội, phân trâu, phân bò rơi vãi khắp nơi. Đặc biệt, khu dân cư người dân chăn nuôi theo kiểu thả rông, môi trường ô nhiễm rất nặng nề.


Người dân Thanh Chăn xây dựng đường bê tông nội đồng

Ấy vậy mà giờ đây, chúng tôi trở lại, Thanh Chăn đã thay đổi hoàn toàn. Người dân đã được đi trên những con đường trải nhựa, đổ bê tông khang trang, sạch đẹp. Xã cũng đã xây dựng được khu thi đấu thể thao giúp người dân rèn luyện sức khoẻ. Trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học… cũng đều được xây mới.

Và ngày hôm nay, nói về Thanh Chăn, ông Cà Văn Pánh hồi hởi: “Thanh Chăn hôm nay khác hẳn ngày trước, ấy là lòng dân đồng thuận, sức dân được phát huy cao độ. Người dân thực sự làm chủ bản làng của mình. Mọi việc đều được người dân vào cuộc ngay từ đầu. Kế hoạch, lịch trình Thanh Chăn xây dựng NTM nhằm tạo ra những giá trị mới của nông thôn hiện đại về kinh tế, văn hoá, xã hội và tổ chức cộng đồng, thì hết thảy người dân nơi đây đều được bàn bạc, đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát và được hưởng thụ thực sự".

Đến nay, Thanh Chăn đã đạt được 16/19 tiêu chí, chỉ còn 3 tiêu chí về thu nhập, chợ nông thôn và cơ cấu lao động chưa thể đạt được. Trong giai đoạn vừa qua Thanh Chăn được hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng NTM 50 tỉ đồng, nguồn vốn lồng ghép các chương trình khác hơn 40 tỉ đồng và đã giải ngân được 40 tỉ đồng.


Xây dựng UBND xã Thanh Chăn từ nguồn vốn Chương trình NTM

NGƯỜI DÂN HƯỞNG LỢI

Tiếp tục câu chuyện về Thanh Chăn ngày hôm nay, ông Pánh bảo: Xây dựng NTM mà cơ sở hạ tầng có to, có đẹp đến mấy nhưng đời sống nhân dân nghèo đói thì không được. Thanh Chăn luôn xác định đời sống bà con phải được nâng cao, cũng vì thế chúng tôi chú trọng việc thay đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường.

 Mấy năm nay, nhờ bàn bạc, nhờ đổi thay cách làm, Thanh Chăn đã có thêm vụ đông xuân trên diện tích 260 ha, xưa chỉ chuyên 2 vụ lúa. Các giống lúa chất lượng cao được đưa vào SX như giống Bắc thơm, Hương thơm số 1... Còn vụ đông phát triển khoai tây, ngô, đậu tương, khoai lang. Cùng đó, dựa vào Viện Khoa học miền núi phía Bắc, Thanh Chăn đã đưa giống lúa, giống cỏ, nấm ăn, nấm dược liệu và giống chè năng suất cao, chất lượng tốt vào thay thế cho giống cũ thoái hoá.

Chưa dừng lại đó, việc chăn nuôi đại gia súc, tận dụng thế mạnh của đồi rừng cũng bắt đầu phát triển. Lợi dụng mặt nước, Thanh Chăn đã lập HTX thuỷ sản, gồm 12 hộ dân, với số vốn ban đầu tự đóng góp là 342 triệu đồng. Hơn một năm nay, HTX này đã nuôi ươm bán đủ cá giống cho các hộ gia đình nuôi trên 33 ha mặt nước, và bán cho bà con bên nước bạn Lào cận kề biên giới. Mùa vụ nay đều làm đất bằng cơ giới hoá, cả xã đã có tới 50 máy cày, máy bừa, 30 máy tuốt, 12 máy xát…

Tôi hỏi ông Pánh, đến giờ Thanh Chăn có gặp khó khăn gì? Ông Pánh cho biết: Nếu chiếu theo bộ tiêu chí thì rất cần nhiều vốn. Chẳng hạn như việc làm đường, nếu không có Nhà nước hỗ trợ 70% thì rất khó thực hiện, bởi bà con dân cư thưa thớt, làm một con đường hết nhiều tiền, trong khi để bà con đóng góp thì không đủ. Hiện xã rất khó gỡ về một số tiêu chí như tỉ lệ hộ nghèo còn 5% (hiện còn chiếm 8%) và dịch chuyển cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp về mức 45% là rất khó. Bởi lẽ, Thanh Chăn có đến 95% làm nông nghiệp, ngoài SX nông, lâm nghiệp, người dân chẳng biết bám víu vào đâu để "vực" kinh tế phát triển trong khi ngành nghề truyền thống.

“Về tiểu thủ công nghiệp không có, DN đứng chân trên địa bàn cũng không. Vậy thì lấy gì để chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập? Hai tiêu chí này rất khó thực hiện, nếu không có sự điều chỉnh thì rất khó làm đối với xã miền núi như Thanh Chăn”, ông Pánh lo lắng.

Rời UBND xã, chúng tôi có mặt tại bản Pha Đin chứng kiến người dân làm vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm. Mặc dù trời đầu đông nhưng sương mùa bao phủ, thời tiết giá rét những mỗi nhà một người, không có hộ gia đình nào thiếu. Chị Lò Thị Dung, một người dân ở Pha Đin, nói: “Trước đây, phân trâu, phân bò đầy đường bốc mùi hôi thối. Mưa xuống đường lầy lội nhưng giờ có đường bê tông sạch đi lại thuận lợi, đặc biệt ý thức người dân được nâng cao. Mỗi tuần, mọi người trong bản lại có 2 buổi để dọn dẹp vệ sinh. Bản có con đường này là nhờ nguồn vốn xây dựng NTM, bà con đóng góp phần nhỏ là hiến đất và ngày công lao động”.


Xây dựng đường bê tông liên bản

"Để có được như ngày hôm nay, đó là thuận lòng dân, mọi việc đều thông qua dân. Từ bắt tay vào xây dựng hoạch tổng thể xây dựng NTM cho đến xây dựng cơ sở hạ tầng như: UBND xã, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hoá xã và đường, nước, thuỷ lợi nội đồng đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế… nhất nhất nhân dân đều được tham gia bàn bạc kỹ càng nhằm tìm đến phương án tối ưu, bền vững, tiết kiệm, thiết thực nhất. Đặc biệt, người dân còn tham gia bàn định, cho ý kiến về những việc mình có thể tự làm hoặc góp sức lao động với chủ đầu tư", ông Cà Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn.

Tôi hỏi chị Dung, thế mở đường rộng ra, nhà chị có phải hiến đất không? Chị Dung cho biết: “Muốn đường rộng ra thì người dân phải hiến thôi, gia đình tôi hiến đủ 80 m2. Ở đây nhà nào cũng hiến đất hết, họ không đòi hỏi đền bù gì. Ở xã không phải chỉ gia đình tôi mà như Chủ tịch xã Cà Văn Pánh hiến tới 1.200 m2 để xây nhà văn hoá đó”.

Chúng tôi vào nhà trưởng bản Lò Văn Viên, chưa kịp bắt chuyện, ông khoe rằng: “Ngày trước nước sạch thiếu, vào mùa khô đi hơn 1 km lấy những không có nhưng giờ đây nhà nào cũng có bể để thay thế giếng khoan, giếng đào, giếng ao rìa bản”.

 Để mắt thấy tai nghe, ông Viên dẫn chúng tôi xuống bếp và “ra lệnh” cho vợ mình là bà Lò Thị Đôi bật bếp gas nấu thử. Ông Viên tiếp tục dẫn chúng tôi tham qua hệ thống biogas, liền nói: “Xây hầm này phần thì môi trường sạch sẽ, phần có chất đốt. Như gia đình tôi, làm hầm hết 13 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn Chương trình NTM hỗ trợ 6,5 triệu còn lại gia đình bỏ. Tính đi, tính lại có lợi nhiều lắm. Hiện cả xã đã có 541/1180 hộ xây biogas”.

Ngắt lời ông Viên, bà Đôi liền nói: “Ngày trước mỗi tháng gia đình tôi phải mua than, củi để nấu cám nuôi 6 con lợn hết khoảng 1 triệu đồng. Nhưng có hầm biogas, gia đình tôi đã tiết kiệm được khoản chi phí này. Còn các gia đình khác không phải lên rừng đốn cúi, không phá rừng nữa, vệ sinh môi trường bảo đảm. Đặc biệt nấu gas tiết kiệm được thời gian rất nhiều”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất