| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Tiên Lãng

Chủ Nhật 28/10/2012 , 18:37 (GMT+7)

Lần trở lại này vì một sự kiện rất thời sự đang khiến người dân Tiên Lãng bàng hoàng và bức xúc.

Cách đây gần một năm, khi "tiếng súng" Đoàn Văn Vươn nổ ra, PV NNVN đã đến Tiên Lãng. Nay chúng tôi trở lại đất này vì một sự kiện nữa: Ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng bị bắt tạm giam...

Vụ việc đang trong quá trình điều tra, đúng sai mức độ nào sẽ có pháp luật phân xử, nhưng thiết nghĩ, dư luận, ý kiến của người dân ở mảnh đất này cũng là kênh thông tin cần được quan tâm, xem xét.

Nhiều lần phản đối cưỡng chế

Được biết, trước khi bị bắt, ông Nguyễn Văn Khanh đã có một bức thư gửi các cơ quan chức năng TP Hải Phòng. Trong bức thư này, ông Khanh cho biết trong các cuộc họp với Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng ông đã nêu ý kiến phản đối chủ trương thu hồi, cưỡng chế đầm của một số hộ nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Nghĩa và Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng lúc đó là ông Lê Văn Hiền không đồng ý với đề xuất của ông Khanh. Trong thư có đoạn: “Với nhiệm vụ của đảng viên và cấp phó, tôi đã miễn cưỡng nhận nhiệm vụ thi hành các nghị quyết, quyết định của Huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện, Chủ tịch huyện. Khoảng 8h30 ngày 5/1 ông Nghĩa và ông Hiền đã đến hiện trường và trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế. Sau đó công an và một số ban ngành của TP đã đến hiện trường để chỉ huy, chỉ đạo việc truy bắt các đối tượng chống lại đoàn công tác. Mọi việc tại hiện trường do đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo, nhiệm vụ của trưởng ban cưỡng chế đã bị triệt tiêu”. Trao đổi với NNVN, vợ ông Khanh là bà Phạm Thị Hà cho biết: Tôi chưa có bất cứ đơn thư xin tại ngoại hay ý định thuê luật sư cho chồng cả.

Những ngày này, dư luận ở huyện Tiên Lãng, đặc biệt tại xã Vinh Quang, nơi tập trung nhiều hộ nuôi trồng thủy sản nhất huyện, thì sự kiện ông Khanh bị bắt cũng nóng chẳng kém gì cái ngày nơi đây xảy ra vụ cưỡng chế (5/1/2012). Nhiều người dân biết trước, có người bàng hoàng, nhưng tựu chung là tiếc nuối và bức xúc.

Họ tiếc vì một người tâm huyết với ngành nông nghiệp huyện nhà như ông Khanh bị vướng vào vòng lao lý.

Họ bức xúc vì rộ lên nhiều nguồn tin mới đây cho rằng chẳng có cơ sở nào khẳng định ông Nguyễn Văn Khanh từng phản đối việc cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng cả.

"Tôi có thể chứng minh ông Khanh nhiều lần phản đối chủ trương thu hồi đất sai trái của UBND huyện Tiên Lãng", ông Đỗ Công Thuyết (67 tuổi), nguyên cán bộ xã Vinh Quang, một chủ đầm nuôi trồng thủy sản khẳng định. Để chứng minh cho khẳng định của mình, ông Thuyết bảo rằng, ông cùng với 17 hộ dân khác thuê bãi bồi ven sông Văn Úc (tương tự như vùng Cống Rộc của ông Đoàn Văn Vươn) đã có 16 cuộc họp với Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khanh. Tất cả những cuộc họp này đều liên quan đến vấn đề thuê bãi bồi nên khá căng thẳng nhưng cũng chính vì thế mà ông xin được nói thật lòng: "Chúng tôi là người dân, ông ấy là cán bộ huyện, chẳng có họ hàng gì để mà nói tốt cho nhau cả. Qua làm việc tôi thấy ông Khanh là người đứng đắn và trung thực, giải quyết các vấn đề thấu tình đạt lý".


Chủ đầm Đỗ Công Thuyết.

Cuộc họp mà ông Thuyết nhớ nhất diễn ra ngày 26/9/2009 do ông Khanh chủ trì tại hội trường UBND huyện. Có 3 hộ dân đại diện cho 18 hộ nuôi trồng thủy sản là ông Mai Văn Chiến (xóm Yên), Đỗ Công Thuyết (xóm Kỳ), Phạm Văn Thê (xóm Kim). Phía chính quyền địa phương có các ông Phạm Đăng Hoan - Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, ông Vũ Văn Thưởng - Chủ tịch MTTQ xã, ông Nguyễn Hữu Thứ - PCT UBND xã Vinh Quang, đại diện Chi cục Thuế...

Mục đích cuộc họp liên quan đến Thông báo số 125 TB-UBND về việc quản lý sử dụng diện tích đất bãi bồi khu vực phía Bắc thuộc địa bàn xã Vinh Quang do ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng ký. Thông báo mà ông Thuyết ví như "tiếng sét ngang tai" khi UBND huyện Tiên Lãng khẳng định 18 hộ dân thuê đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, giao toàn bộ diện tích này về xã Vinh Quang quản lý, lập thủ tục cho thuê đất với thời hạn 5 năm. "Sét đánh" ở chỗ, diện tích đất bãi bồi sông Văn Úc, 18 hộ dân này có đầy đủ hóa đơn chứng từ để chứng minh việc họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính từ năm 1994. Thậm chí, như diện tích đầm của gia đình ông Thuyết còn được Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ký quyết định giao đất vào năm 2004 chứ không cần thuê nữa.

Vậy mà thông báo số 125 vẫn ép các hộ dân vào tội "không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước". Trong khi những cán bộ khác tham dự cuộc họp không có ý kiến gì thì chính ông Khanh đã đứng lên bảo vệ người dân, phản đối thông báo 125 của UBND huyện.

"Ông Khanh khẳng định thông báo này không đúng bởi đất của người dân thuê từ những năm 1993 - 1994, đã nộp thuế đầy đủ, đã làm nghĩa vụ với nhà nước rồi, thóc đã tính thành tiền rồi... Đề nghị UBND huyện phải làm đúng luật. Vậy nhưng huyện không làm", ông Thuyết nhớ lại.

 

Cũng theo ông Thuyết, ông Khanh là người thẳng thắn, sai đâu sửa đó. Bằng chứng là khi thấy chủ trương thu hồi đất của các hộ nuôi trồng là sai, ông đã ký Quyết định 3225 QĐ/UB ngày 21/6/2006, giao chỉ tiêu thuế cho các hộ dân thuê đầm. Nếu theo quyết định này thì các hộ dân sẽ được làm nghĩa vụ thuế theo đúng luật.

Nhưng dường như việc phản đối chủ trương sai của ông Khanh quá đơn độc. Bằng chứng là sau đó 18 hộ dân thuê đầm chỉ được nộp thuế theo kiểu tạm thu mà thôi. "Nếu anh không tin tôi có thể gặp các chủ đầm như ông Đỗ Công Thọ, Đỗ Công Thoang, Mai Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Thê, Vũ Văn Trạch, Vũ Văn Long, Đỗ Công Chỉnh... Tất cả họ cũng đều có quan điểm như thế cả thôi", ông Thuyết nói.

Sai lầm lớn nhất: Bảo vệ cái đúng

Tìm hiểu ở xã Vinh Quang chúng tôi cũng nhận được thêm nhiều ý kiến khá bất ngờ. Ngay cả thành viên gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng không hề trách cứ ông Khanh điều gì dù ông là trưởng đoàn cưỡng chế. Ngược lại, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý) đều cho rằng xét cho cùng ông Khanh chỉ là nạn nhân mà thôi. Còn ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, người nắm khá tường tận toàn bộ quá trình cưỡng chế ở Tiên Lãng lại quả quyết, chính việc ông Khanh nhiều lần phản đối việc cưỡng chế nên mới bị đẩy vào thế phải gánh chịu hậu quả, bị bắt tạm giam.


Quang cảnh ngôi nhà và khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn sau vụ cưỡng chế ngày 5/1/2012. Ảnh: Nguyễn Hưng (VnExpress).

Ông Luân kể lại cuộc họp buổi chiều ngày 18/10/2010:

"Chiều hôm đó, tôi cùng anh Vươn được mời dự một cuộc họp do ông Khanh chủ trì. Tham dự có Chánh văn phòng, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng TN&MT huyện… Tại buổi làm việc này, ông Khanh mới biết ngày 9/4/2010, giữa ông Luân, ông Vươn và UBND huyện Tiên Lãng đã đạt được sự thỏa thuận tại TAND TP Hải Phòng trong vụ kiện UBND huyện Tiên Lãng mà hai ông là nguyên đơn. Theo thỏa thuận này, ông Luân và ông Vươn đã rút đơn kiện để được UBND huyện tiếp tục giao đầm".

"Nhưng buổi sáng ngày hôm ấy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đã đưa ra tờ trình xin cưỡng chế thu hồi đầm của ông Vươn, ông Luân nhằm giải quyết dứt điểm vụ khiếu kiện kéo dài của những hộ nuôi trồng thủy sản. Tờ trình đó không được lãnh đạo TP Hải Phòng chấp thuận. Đến buổi chiều, tại buổi làm việc, ông Khanh đã kết luận: Không cưỡng chế đầm của ông Luân, ông Vươn, đồng thời giao Phòng TN&MT huyện hướng dẫn ông Luân, ông Vươn làm thủ tục để được huyện tiếp tục giao đầm nhằm ổn định tình hình, chấm dứt khiếu kiện kéo dài, tăng nguồn thu cho ngân sách".

"Sau khi có kết luận này, LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng đã có thông báo về kết luận của ông Khanh vào ngày 20/10/2010. Các hội viên ở các xã trong huyện Tiên Lãng rất phấn khởi vì đây là một kết luận hoàn toàn phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhưng không hiểu sao kết luận của ông Khanh không ai thực hiện cả".

Theo ông Luân, cái sai lớn nhất của ông Khanh là dám một mình... bảo vệ cái đúng.

 

15h ngày 18/10/2010, tại trụ sở UBND huyện Tiên Lãng, PCT huyện Nguyễn Văn Khanh chủ trì, cùng các ông Phạm Xuân Hoa – Trưởng phòng TNMT; Ngô Ngọc Khánh – CVP UBND; ông Nga – Trưởng phòng TC đã có buổi làm việc với Liên chi hội NTTS nước lợ Tiên Lãng (do ông Vũ Văn Luân và Đoàn Văn Vươn đại diện) xung quanh kiến nghị của Liên chi hội này về việc tiếp tục được sử dụng đất ao đầm để nuôi trồng thủy sản. Sau khi lắng nghe các ý kiến, PCT huyện Nguyễn Văn Khanh kết luận: “Khẩn trương giao lại đất cho nhân dân SX theo đúng quy định của pháp luật…”. Nghĩa là, nếu UBND huyện Tiên Lãng thực hiện đúng kết luận của ông Khanh thời điểm đó, thì không có “tiếng súng" Đoàn Văn Vươn sau này.

Sau khi đưa ra những kết luận trong buổi chiều ngày 18/10/2010, ông Khanh được đông đảo người dân hoan nghênh nhưng đồng thời kết luận đó cũng đã chống lại chủ trương của huyện Tiên Lãng. Kết luận có lợi cho người dân đã đẩy ông vào thế đương đầu, chống lại chủ trương chính sách của Huyện ủy và UBND huyện.

Do sự chống đối đó, ông Khanh đã bị ép phải nhận chức trưởng đoàn cưỡng chế, như một sự trừng phạt. Ông không thể đứng ngoài cuộc chơi được. Nếu ông không làm trưởng đoàn thì sẽ vô can.

Công văn 4778, nghị quyết của Thành ủy Hải Phòng cũng đã cho phép thì ông Khanh cưỡng làm sao được. Ông buộc phải làm. Ông phải xuất hiện trong cuộc cưỡng chế đầm của ông Vươn sáng 5/1/2012 với tư cách trưởng đoàn, chức vụ này lẽ ra phải là của ông Hiền.

Ngày 25/10/2012, LCHNTTSNL huyện Tiên Lãng đã gửi đơn kiến nghị về các bị can trong vụ án hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét. LCH đề nghị: Đối với danh sách những bị can bị khởi tố, sau nhiều tháng điều tra làm rõ bản chất của vụ việc, Công an Hải Phòng mới tìm ra 4 bị can là điều không khách quan bởi cả đoàn cưỡng chế hôm đó không chỉ có 4 người. LCH kiến nghị “cần làm rõ tất cả các đối tượng trong vụ án hình sự tham gia hủy hoại, chiếm đoạt tài sản công dân một cách có tổ chức. Đối tượng nào là chủ mưu, đối tượng nào trực tiếp đập, đốt, phá, chiếm đoạt tài sản của gia đình ông Vươn để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất